Dân chủ – Cộng hoà đấu đá gay gắt điều trần người tố giác FBI 

0
791

(CaliToday) – Cộng hòa và Dân chủ đấu đá gay gắt trong phiên điều trần căng thẳng được Ủy ban Tư pháp tổ chức vào thứ 5 về 2 nhân viên FBI, những người Cộng hoà cho rằng bị trả đũa vì đã lên tiếng tố giác định kiến diễn ra tại Cơ quan Điều tra Liên bang, trong khi Dân chủ cho rằng, Cộng hoà sử dụng những người này để hợp pháp hoá vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1.
Tại phiên điều trần điều tra những cáo buộc của Cộng hoà về định kiến diễn ra tại các cơ quan chính phủ liên bang, các nhà lập pháp Cộng hoà sau hàng tháng trời tuyên bố có hàng chục người lên tiếng vào thứ 5 lần đầu tiên phát sóng công khai lời khai từ những nhà tố giác FBI – những người phía Dân chủ nhanh chóng cho rằng không đáp ứng định nghĩa người tố giác.
Chỉ 1 ngày trước khi phiên điều trần diễn ra, Cơ quan điều tra liên bang gởi thư cho Uỷ ban, thông báo 2 nhân chứng của Cộng hoà bị thu hồi miễn trừ an ninh vì những hành vi không phù hợp liên quan đến ngày 6 tháng 1, khi đám đông ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol tìm cách ngăn chặn kiểm phiếu cử tri đoàn.
Dân chủ liên tục nhấn mạnh đến lá thư này, cho rằng đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Cộng hòa ủng hộ cuộc tấn công.

“Các đồng nghiệp của tôi đưa những cựu nhân viên này đến, những người mất miễn trừ an ninh, vì họ là mối đe doạ cho an ninh quốc gia chúng ta. Những người ác ý, hoặc thiếu hiểu biết, hoặc cả hai đã đặt nghị sự đảng phái trên lời tuyên thệ phục vụ quốc gia,” Dân biểu Stacey Plaskett (Dân chủ – Virgin Island) – lãnh đạo thiểu số trong Uỷ ban – nói.

Nhưng việc rò rỉ lá thư dường như chỉ củng cố thêm quyết tâm của Cộng hòa, những người xem đó là một nỗ lực nhằm trả đũa thêm các nhân chứng vì đã đồng ý công khai trước tiểu Uỷ ban Tư pháp Hạ viện. “Tôi không có gì đáng ngạc nhiên khi FBI gởi ra lá thư này vào đêm trước khi chúng tôi có phiên điều trần,” Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng hoà – Ohio) đáp khi được hỏi về lá thư.

FBI vào thứ Tư cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện hay, hai trong số nhân chứng của họ Marcus Allen và Steve Friend bị tước miễn trừ an ninh vào đầu tháng, theo thư từ Tạm quyền phụ tá Giám đốc FBI Christopher Dunham.

Allen bị cáo buộc “không cung cấp thông tin liên quan” nhằm phục vụ cuộc điều tra những người bị tố cáo tham gia bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1. Allen cũng “bày tỏ thông cảm đối với những người hoặc những tổ chức đã ủng hộ, đe dọa hoặc sử dụng bạo lực, hoặc sử dụng bất cứ các phương tiện bất hợp pháp hay vi hiến khác, trong nỗ lực ngăn chặn nhân viên chính phủ liên bang thực thi nhiệm vụ của họ.”

Trong khi đó Friend “tin vào câu chuyện khác về những sự kiện tại Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021,” trong khi cho cấp trên biết ông ta sẽ không tham gia vào tìm kiếm và bắt giữ. Theo lá thư, Friend thu âm một cuộc họp với cấp trên và tự ý dự cuộc phỏng vấn với cơ quan báo chí Nga. Miễn trừ an ninh của ông ta bị thu hồi vào ngày 16 tháng 5.

Friend tại phiên điều trần gọi thời gian công bố “đáng ngờ,” trong khi Allen gọi việc rò rỉ thư “không phù hợp với cơ quan được công chúng tin cậy.”

Cộng hoà vào thứ 5 công bố báo cáo tạm thời của riêng họ mang tựa đề “Lời khai người tố giác FBI nhấn mạnh chính phủ lạm dụng, phân bổ sai nguồn lực và trả đũa.” Trong báo cáo, Cộng hoà tố cáo FBI “lạm dụng nghiêm trọng, phân bổ sai các nguồn lực thực thi công lực, và hành vi sai trái trong hàng ngũ lãnh đạo Cơ quan.” Họ cũng cáo buộc FBI sử dụng thủ tục xem xét miễn trừ an ninh để trừng phạt những người tố giác.

Chủ tịch tổ chức giám sát Empower Oversight, ông Tristan Leavitt lưu ý, Tổng thanh tra Bộ Tư pháp đang điều tra những tuyên bố của Friend và Allen.

Cộng hoà thực hiện một số cuộc điều tra mà không cho Dân chủ tham gia, điều này gây tranh cãi căng thẳng trong phiên điều trần vào thứ 5. Báo cáo của Cộng hoà lưu ý, Allen yêu cầu chỉ trao đổi với Cộng hoà trong Uỷ ban. Allen tại phiên điều trần cho rằng, ông ta lo lắng sợ Dân chủ sẽ rò rỉ biên bản lấy lời khai của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên Cộng hoà đối mặt với hoài nghi về nguồn tin họ trao đổi trong quá trình điều tra.

Hương Giang (Theo Politico)