Công tố Đặc biệt lên thẳng TCPV, yêu cầu giải quyết gấp Trump có được miễn tố

0
1464

(CaliToday) – Công tố viên Đặc biệt Jack Smith truy tố ông Donald Trump những cáo buộc âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử 2020 vào thứ Hai yêu cầu Tối cao Pháp viện ra phán quyết luận lý của cựu Tổng thống rằng ông ta được miễn tố.
Smith yêu cầu các vị Thẩm phán Tối cao xem xét một câu hỏi mà Toà chưa từng giải quyết trước đây: liệu Hiến pháp có cho phép miễn tố tổng thống khỏi truy tố hình sự hay không. Chính sách của Bộ Tư pháp không truy tố một đương kim tổng thống. Mặc dù không có quy định nào chống lại việc truy tố một cựu tổng tư lệnh, biện hộ cho rằng, thân chủ không thể bị buộc tội vì những hành động nằm trong nhiệm vụ chính thức của mình với tư cách là tổng thống – một tuyên bố mà các công tố viên đã bác bỏ mạnh mẽ.
Công tố cũng yêu cầu tòa án quyết định liệu Trump có được bảo vệ trước bất trùng khả tố hay không. Biện hộ khẳng định, vì Trump đã đối mặt với phiên xét xử luận tội ở Thượng viện Hoa Kỳ sau ngày 6 tháng 1 năm 2021, và được tha bổng cho những hành động tương tự.

Yêu cầu tương đối khác thường ở chỗ: Smith yêu cầu Toà Tối cao phán quyết trước khi toà Phúc thẩm hành động, và Công tố viên Đặc biệt hối thúc toà quyết định gấp, đặc biệt nhanh.
Cuối ngày thứ Hai, Tối cao Pháp viện cho biết sẽ xem xét thỉnh nguyện của chính phủ, đưa ra phán quyết về câu hỏi liệu Trump có xứng đáng được miễn tố hay không. Biện hộ có thời hạn đến ngày 20 tháng 12 phản hồi.

“Vụ này đặt ra một câu hỏi căn bản cốt lõi của nền dân chủ chúng ta: liệu một cựu tổng thống có hoàn toàn miễn tố khỏi truy tố liên bang đối với những tội phạm phải trong nhiệm kỳ, hay được hiến pháp bảo vệ khỏi truy tố liên bang khi ông ta bị luận tội nhưng không bị truy tố trước khi thủ tục hình sự bắt đầu,” Smith ghi trong thỉnh nguyện.
Thỉnh nguyện của công tố cho thấy lời kêu gọi mạnh mẽ giữ cho phiên tòa diễn ra đúng hướng bằng cách đóng những biện pháp Trump có thể gây trì hoãn.
Quyết định nhanh chóng của Tối cao Pháp viện trong vụ này tối quan trọng, vì ông Trump kháng án phán quyết của toà cấp dưới phản đối tuyên bố miễn tố làm đình chỉ phiên xét xử, vốn đã được ấn định bắt đầu vào ngày 4 tháng 3 trước toà liên bang ở D.C.
Bất cứ trì hoãn đáng kể nào cũng có thể đẩy phiên toà rơi vào tâm mùa tranh cử 2024, hay qua bầu cử, khi Trump có thể ra lệnh bãi bỏ các cáo trạng nếu đắc cử tổng thống. “Chính phủ Hoa Kỳ nhận ra đây là một yêu cầu đặc biệt,” thỉnh nguyện ghi. “Đây là một vụ án đặc biệt.”
Thẩm phán toà liên bang Tanya S. Chutkan phản đối tuyên bố sâu rộng của cựu Tổng thống rằng ông có quyền được “miễn tố hoàn toàn” cáo trạng can thiệp bầu cử vì những hành động bị cáo buộc xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống.
Trong phán quyết cách đây 2 tuần, Thẩm phán lên án nỗ lực “chiếm đoạt quyền lực của chính phủ,” và tuyên bố, không có điều gì trong Hiến pháp hoặc lịch sử Hoa Kỳ ủng hộ ý kiến cho rằng, một cựu tổng thống không bị luật hình sự liên bang ràng buộc.
Ông Trump kháng án phán quyết này lên toà Phúc thẩm liên bang ở D.C. Bị cáo cũng yêu cầu bà Chutkan ngưng toàn bộ thủ tục tiền thẩm cho đến khi có kết quả kháng án.
Trong hồ sơ đệ lên Tối cao Pháp viện, ông Smith thừa nhận, vụ truy tố có thể không được quyết định cho đến sau khi Phúc thẩm giải quyết vấn đề miễn tố. Vào Chủ nhật, Văn phòng Công tố viên Đặc biệt đệ thỉnh nguyện yêu cầu Thẩm phán Chutkan giữ lịch xét xử bắt đầu vào ngày 4 tháng 3, và cho rằng toà vẫn có thể giải quyết một số khía cạnh khác trong thời gian Phúc thẩm.
Trong nỗ lực giải quyết hết tất cả mọi hướng, Smith cũng vào thứ Hai yêu cầu toà Phúc thẩm D.C nhanh chóng quyết định câu hỏi miễn tố.
Thắng kháng án vấn đề miễn tố chỉ là một trong những mục tiêu của ông Trump khi thách thức phán quyết của Thẩm phán Chutkan. Từ trước đến nay, ông và toán luật sư biện hộ có chiến lược thay thế: trì hoãn phiên tòa càng lâu càng tốt.
Nếu phiên tòa bị hoãn cho đến sau bầu cử 2024, và Trump thắng cử thì ông ta có thể yêu cầu Tổng trưởng Tư pháp của mình bãi bỏ các cáo buộc. Tổ chức phiên tòa sau khi tranh cử tổng thống kết thúc cũng có nghĩa cử tri sẽ không được nghe bất kỳ bằng chứng nào được công tố thu thập về những nỗ lực sâu rộng của cựu Tổng thống nhằm đảo ngược kết quả bầu cử 2020, trước khi cân nhắc có nên bỏ phiếu cho ông hay không vào năm 2024.
Ngay cả khi toán biện hộ không thể hoãn phiên tòa cho đến sau khi tranh cử tổng thống được quyết định, họ vẫn hy vọng có thể hoãn cho đến giữa mùa tranh cử vào tháng 8 hoặc tháng 9. Điều đó sẽ khiến Thẩm phán Chutkan phải đưa ra một quyết định khó khăn: Liệu bà có nên tổ chức phiên tòa vào lúc Trump có thể đang tổ chức các cuộc vận động tranh cử, gặp gỡ cử tri, và phải chịu đựng những than phiền của bị cáo, hay tự mình đưa ra quyết định trì hoãn phiên tòa cho đến sau bầu cử.
Smith hối thúc Tối cao Pháp viện giải quyết vấn đề này thật nhanh.
Công tố viên Đặc biệt kêu gọi toà sử dụng một thủ tục bất thường có tên “đặc lệnh xét xử – certiorari before judgment” để qua mặt tòa Phúc thẩm. Đây là lệnh của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ yêu cầu tòa cấp dưới chuyển hồ sơ một vụ án để tiến hành xét xử phúc thẩm. Thủ tục này đã được sử dụng trong một số vụ liên quan đến khủng hoảng quốc gia, như Tổng thống Richard M. Nixon từ chối giao băng ghi âm cho Công tố viên Đặc biệt, hay việc Tổng thống Harry S. Truman nắm giữ ngành công nghiệp thép quốc gia.
Thủ tục này rất hiếm. Trước năm 2019, tòa đã không sử dụng trong 15 năm, theo số liệu thống kê do Stephen Vladeck, Giáo sư luật tại Đại học Texas ở Austin tổng hợp. Cho đến cuối năm ngoái, tòa đã sử dụng 19 lần kể từ 2019.
Trong số những vụ gần đây Tối cao Pháp viện bỏ qua Phúc thẩm là những vụ kiện há thai, hành động khẳng định và xóa nợ sinh viên.
Phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump gọi yêu cầu của ông Smith là một nỗ lực “điên rồ” không có cơ may thành công để được lên Tối cao Pháp viện và “qua mặt thủ tục phúc thẩm.”
“Hoàn toàn không có lý do gì để thúc đẩy nhanh phiên xét xử lừa đảo này, ngoại trừ việc gây thiệt hại cho Tổng thống Trump, và hàng chục triệu người ủng hộ ông. Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đấu tranh cho Công lý và phản đối những chiến thuật độc đoán này,” chiến dịch tranh cử ghi trong tuyên bố.

Hương Giang (Tổng hợp)