Cộng hoà cực hữu bỏ phiếu chống gia hạn FISA, giáng đòn thất bại Chủ tịch Johnson 

0
639
FILE - House Speaker Mike Johnson, R-La., talks with reporters at the Capitol in Washington, Nov. 2, 2023. As Johnson tries to unite the slim House Republican majority, he's fast running into the same hard-right factions and divisions that his predecessor, Kevin McCarthy was unable to tame. It's disrupting the GOP agenda, shelving priorities and leaving gnawing questions about any leader's ability to govern.(AP Photo/J. Scott Applewhite, File)
(CaliToday) – Phe cực hữu tại Hạ viện vào thứ Tư  ngăn chặn dự luật gia hạn Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) sắp hết hạn được các viên chức an ninh quốc gia xem rất quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo và chống khủng bố, khiến Chủ tịch Mike Johnson lãnh đòn thất bại nặng nề sau khi cựu Tổng thống Donald J. Trump kêu gọi các nhà lập pháp hủy bỏ dự luật.
Cuộc bỏ phiếu thủ tục liên quan đến gia hạn Mục 702 trong Đạo luật FISA thất bại với 193 thuận và 228 chống, trong đó 19 nhà lập pháp bảo thủ đứng về phía Dân chủ đẩy số phận của thẩm quyền giám sát vào tình trạng không chắc chắn chỉ 1 tuần trước khi hết hạn. 
Mục 702 sẽ hết hạn vào ngày 19 tháng 4. Nhưng chương trình có thể tiếp tục hoạt động cho đến tháng 4 năm 2025 vì tòa FISA vào tuần trước chấp thuận yêu cầu của chính phủ, cho phép chương trình kéo dài thêm một năm. Theo luật, hoạt động giám sát có thể tiếp tục miễn là có lệnh tòa cho phép, ngay cả khi đạo luật căn bản hết hạn.
Chính quyền Dân chủ cũng như Cộng hòa cho rằng, Mục 702 rất quan trọng trong việc bảo vệ người Mỹ khỏi khủng bố, tin tặc và các mối đe dọa khác từ nước ngoài. Nhưng Đạo luật này gây tranh cãi trong cả cánh tả và cánh hữu trong nhiều năm qua, về việc cho phép thu thập một số thông tin liên lạc của Mỹ mà không cần toà cho phép như thế nào, và các nhà lập pháp đã đấu tranh trong nhiều tháng về chương trình này.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa – Louisiana) hối thúc thành viên thông qua dự luật, cho rằng, những thay đổi về luật sẽ ngăn chặn một số lạm dụng cụ thể. Nhưng trước khi bỏ phiếu diễn ra, Trump kêu gọi bóp chết dự luật. “BÓP CHẾT FISA, LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG BẤT HỢP PHÁP CHỐNG TÔI, VÀ NHIỀU NGƯỜI KHÁC. HỌ DO THÁM CHIẾN DỊCH TRANH CỬ CỦA TÔI!!!” Trump đăng trên Truth Social. 
Trong cuộc họp nội bộ Cộng hòa tại Hạ viện vào sáng thứ Tư, Johnson đưa ra lập luận về việc cải tổ FISA. Chủ tịch Hạ viện  cho đồng nghiệp hay, ông nói chuyện với Trump vào tối thứ Ba, mặc dù không cho biết cụ thể hai bên trao đổi về vấn đề gì. Tuy nhiên, một số người tham dự cuộc họp xem tiết lộ của Johnson nhằm mục đích chứng tỏ ông không có quan điểm bất hòa với Trump.
FISA trao cho các cơ quan tình báo nhiều thẩm quyền thu thập thông tin để truy ra những mối đe dọa an ninh quốc gia đang sinh sống ở nước ngoài. Không có bằng chứng nào cho thấy luật, hay cụ thể Mục 702, đã được sử dụng để do thám Trump hoặc bất cứ chiến dịch tranh cử nào của ông. Trump ký gia hạn Mục 702 thành luật vào năm 2018.
Một phần khác của luật đã được sử dụng đặt băng nghe lén cố vấn  chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump, Carter Page.  Bước đi này sau đó bị Tổng thanh tra Bộ Tư pháp s chỉ trích gay gắt sau khi phát giác ra một loạt sai sót liên quan đến đơn xin giám sát.
Bên đa số tại Hạ viện có trách nhiệm thông qua quy định, bước đi mang tính thủ tục cho phép Chủ tịch tổ chức bỏ phiếu quá  bán trên sàn Hạ viện. Phe thiểu số thông thường bỏ phiếu chống quy định này, cho dù dự luật quan trọng như thế nào. 
19 nhà lập pháp Cộng hoà tham gia với Dân chủ nhấn chìm quy định nằm trong phe cực hữu, như Dân biểu Bob Good (Cộng hoà – Virginia), Chip Roy (Cộng hoà – Texas). Không có cuộc bỏ phiếu quy định nào bị thất bại trong hơn 2 thập niên qua cho đến năm ngoái, nhưng toán Cộng hoà nổi loạn tại Quốc hội khoá này thường xuyên cản trở các nhà lãnh đạo của chính họ bằng những lá phiếu như vậy. 
Sau khi bỏ phiếu thất bại, Johnson cho hay, Cộng hoà sẽ tái họp và lên kế hoạch khác. “Chúng tôi không thể để Mục 702 Đạo luật FISA hết hạn. Nó rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tôi nghĩ hầu hết các thành viên hiểu điều đó,{ Chủ tịch Hạ viện nói. 
Quốc hội ban hành FISA vào năm 1978 nhằm kiểm soát việc chính phủ sử dụng giám sát nội địa đối với những cuộc điều tra an ninh quốc gia – nhắm vào các nghi can gián điệp và khủng bố – hoàn toàn khác với các vụ hình sự thông thường. Đạo luật lập ra một toà đặc biệt gồm 11 thẩm phán liên bang do Chánh thẩm Tối cao Pháp viện chọn để đưa ra quyết định những chứng cớ có cho thấy mục tiêu chắc chắn là điệp viên nước ngoài hay không. 
Theo hồ sơ chính phủ, vào năm 2018, toà FISA chỉ bác 1 trong số 1.080 đơn xin giám sát điện tử theo đạo luật này. Tuy nhiên, toà cũng yêu cầu sửa đổi 119 đơn trước khi phê chuẩn. Vào năm đó, có 1833 mục tiêu trong đó có 232 người Mỹ. 
Nghe lén an ninh quốc gia bí mật hơn những vụ hình sự thông thường. Khi lệnh nghe lén hình sự kết thúc, các mục tiêu thông thường được thông báo về việc này. Nhưng mục tiêu của FISA không được báo việc điện thoại hay email của họ bị giám sát, hay tư gia cơ sở thương mại của họ bị khám xét. 
Thất bại bỏ phiếu diễn ra khi Johnson đối mặt với đe doạ bị truất phế. Dân biểu cực hữu Marjorie Taylor Greene (Cộng hoà – Georgia) vào thứ Ba leo thang chỉ trích Chủ tịch Hạ viện, tiếp tục đe doạ bỏ phiếu truất phế trong thư gởi  cho đồng nghiệp Cộng hoà. 
Hương Giang (Tổng hợp)