Tường trình chuyến thăm Việt Nam của TT Mỹ, Joe Biden: Từ kẻ thù thành bạn bè?

0
2409

Josh Boak, Aamer Madhani, Jennifer Jett

Tổng thống Joe Biden có mặt tại Hà Nội vào ngày Chủ nhật. Tổng thống Biden đã được chào đón bằng một buổi lễ trang trọng bên ngoài Phủ Chủ tịch của Việt nam. Học sinh xếp hàng trên bậc thềm vẫy cờ Mỹ và Việt Nam. Tổng thống Biden đứng từ một khán đài trên cao quan sát các thành viên cấp cao của quân đội diễn hành và sau đó có các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Cả hai ông Biden và Trọng đều bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại nhau sau lần gặp cuối cùng cách đây khoảng 8 năm ở Washington, lúc đó ông Biden còn là phó tổng thống.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Tổng thống Biden hoan nghênh quan hệ đối tác mới và cho biết ông hy vọng sẽ đạt được tiến bộ về khí hậu, kinh tế và các vấn đề khác trong chuyến dừng chân 24 giờ tại Hà Nội. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào cuối tuần này có thể ngắn, nhưng nó có ý nghĩa lớn đối với nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi Trung Cộng.

Washington coi Hà Nội là một đối tác quan trọng trong nỗ lực chống lại các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, một tuyến đường thủy giàu tài nguyên mà qua đó hàng ngàn tỷ đô la thương mại chảy qua mỗi năm.

Phía Việt Nam đã khẳng định rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng mối quan hệ của họ lên vị thế ngoại giao cao nhất, thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là một quyết định quan trọng chưa từng có, và điều đó khiến Hoa Kỳ có vị trí ngang bằng với đối thủ chính của mình là Trung Cộng có cùng địa vị ngoại giao cấp cao với Việt Nam.

Đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ đã phát triển nhiều đến mức có thể gạt sang một bên điều mà Tổng thống Biden gọi là “quá khứ cay đắng” của Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam, một quốc gia cộng sản độc đảng giáp Trung Cộng, đã nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, một khu vực nằm ở tuyến đầu của cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Biden cho biết muốn thấy Việt Nam linh hoạt ở một mức độ độc lập nào đó và các công ty Mỹ đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho hàng nhập khẩu từ các nhà máy Trung Cộng. Ông đang theo đuổi những thỏa thuận này đồng thời cố gắng xoa dịu mọi căng thẳng với Trung Cộng. Trong lần xuất hiện cùng với ông Nguyễn phú Trọng, Tổng thống Biden đã mô tả Hoa Kỳ và Việt Nam là “những đối tác quan trọng vào thời điểm mà tôi cho là rất quan trọng”. Cả hai nhà lãnh đạo đều không thảo luận cụ thể về sự trỗi dậy về kinh tế và địa chính trị của Trung Cộng đã góp phần vào mối quan hệ đối tác mới được thiết lập giữa hai nước như thế nào, tuy nhiên thật khó để giải thích sự gắn kết lẫn nhau nếu không có ảnh hưởng khu vực của Bắc Kinh.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết rằng: “Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các đối tác quốc tế khác sau khi Việt Nam giành được độc lập”.

Tổng thống Biden mở đầu cuộc họp báo bằng cách nói rằng ông đã “đi vòng quanh thế giới trong 5 ngày,” từ Washington đến New Delhi và bây giờ là Hà Nội, thể hiện những nỗ lực của chính quyền ông nhằm củng cố các liên minh và phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng vào thời điểm mà tôi cho là rất quan trọng. Tôi không nói điều đó vì lịch sự. Tôi nói điều đó bởi vì tôi muốn nói điều đó từ tận đáy lòng mình. Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tôi không cố gắng bắt đầu một cuộc “chiến tranh lạnh mới” với Trung Cộng khi đến thăm Việt Nam trong tư cách Tổng thống Mỹ, mục tiêu của tôi là mang lại sự ổn định trên toàn thế giới bằng cách xây dựng mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam và các nước châu Á khác. Chúng ta có cơ hội tăng cường liên minh trên toàn thế giới để duy trì sự ổn định. Đó chính là mục đích của chuyến đi này. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, vấn đề không phải là kiềm chế Trung Cộng. Đó là về việc cần tìm lấy sự ổn định.””.

Cả hai nhà lãnh đạo đều không công khai nói về tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh mà điển hình là việc giới thiệu một bản đồ mới, nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.

John Kirby, giám đốc truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng: “Người Việt Nam muốn có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ. Người Việt Nam chia sẻ nhiều mối lo ngại mà Hoa Kỳ có, cả về kinh tế và an ninh trong khu vực. Chúng tôi có nhiều quan điểm chung về một số thách thức, bao gồm cả cách hành xử của CHND Trung Hoa.”

Đây thực sự là một bước tiến lớn đối với một quốc gia chỉ mới thiết lập quan hệ với Mỹ vào năm 1995, 22 năm sau khi Mỹ chấm dứt can dự vào Chiến tranh Việt Nam và trở thành “đối tác toàn diện” kể từ năm 2013. Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden để nâng quan hệ ngoại giao lên cấp độ cao nhất, đưa Mỹ ngang hàng với Trung Cộng, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam đã phải điều chỉnh cẩn thận mối quan hệ của mình với nước láng giềng hùng mạnh phía Bắc là Trung Cộng.

Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao được xem là một thắng lợi ngoại giao lớn đối với Mỹ. Nó gửi thông điệp rằng Mỹ có thể thu hút nhiều quốc gia quan trọng trong khu vực, thậm chí cả Việt Nam, quốc gia do Đảng Cộng sản Việt nam cai trị và được cho là gần gũi với Trung Cộng. Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là rất quan trọng đối với Mỹ cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, cho biết rằng: “Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã giành được ảnh hưởng trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở các nước như Campuchia, Lào và Myanmar. Như vậy, việc nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt chính là sự cân bằng quyền lực trong khu vực, một phần là do Mỹ và Việt Nam có chung cam kết trong việc ngăn chặn sự bá quyền của Trung Cộng ở châu Á. Việt Nam muốn được hưởng lợi từ thương mại với thị trường Trung Cộng, nhưng đồng thời họ cũng muốn giảm bớt sự dễ bị tổn thương trước Trung Cộng”.

Việc nâng cấp từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là rất quan trọng. Việt Nam chỉ có loại quan hệ này với 4 quốc gia khác ở cấp độ đó là: Trung Cộng, Nga, Ấn Độ và Nam Hàn.

Việt Nam trước đây đã có mối quan hệ ở mức độ tương tự với Trung Cộng và Nga. Giờ đây, nâng cao vị thế của Mỹ cho thấy Việt Nam muốn bảo vệ mối quan hệ hữu nghị của mình khi các công ty Mỹ và châu Âu tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà máy Trung Cộng.

Với sự suy thoái kinh tế của Trung Cộng và việc Tập Cận Bình với dã tâm củng cố quyền lực chính trị, Tổng thống Biden nhận thấy đây là cơ hội đưa nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả Việt Nam và Campuchia, vào quỹ đạo của Mỹ.

Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến ​​minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, cho biết rằng: “Việt Nam có hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao rất rõ ràng. Họ đã từng có mối quan hệ đó đối với Nhật Bản và Australia, tất cả đều cho thấy rằng Việt Nam sẵn sàng chấp nhận một chút sự trả đũa từ Trung Cộng để biến điều đó thành hiện thực”.

Thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng nhanh kể từ năm 2019. Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn về mức độ phát triển hơn nữa nếu không có cải thiện về cơ sở hạ tầng, kỹ năng của người lao động và quản trị của đất nước. Thương mại gia tăng cũng không tự động đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo đi lên. Năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Anh để trở thành đối tác lớn thứ bảy của Hoa Kỳ trong thương mại hàng hóa. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỹ cũng là nguồn khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2022 sau Nam Hàn.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết các CEO mà bà nói chuyện đều đánh giá cao Việt Nam là nơi đa dạng hóa khâu cung ứng mà trước đại dịch Covid năm 2019, Mỹ, Việt Nam và nhiều quốc gia khác mới nhìn ra rằng họ đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng. Bà Raimondo đã cố gắng mở rộng các chuỗi cung ứng đó thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến ​​mà ông Biden đưa ra vào năm ngoái.

Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến ngày càng quan trọng đối với đầu tư của Mỹ, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến một số công ty Mỹ phải di chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Cộng.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị sụt giảm trong ba tháng đầu năm 2023. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với chi phí cao hơn và nhu cầu yếu hơn do lạm phát cao trên toàn thế giới gây tổn hại cho thị trường hàng tiêu dùng.

Việc nâng cấp quan hệ chính thức sẽ trao quyền cho các quan chức Việt Nam trong việc hợp tác với các đối tác Mỹ. Năm nay được coi là thời điểm tốt nhất để làm điều đó vì nó đánh dấu 10 năm quan hệ đối tác toàn diện và 50 năm quan hệ ngoại giao. Việc nâng cấp sẽ kéo theo sự hợp tác an ninh sâu sắc hơn giữa hai nước và cam kết của Việt Nam nhằm cải thiện hơn nữa thành tích nhân quyền của mình.

Các nhóm vận động đã kêu gọi Tổng thống Biden tận dụng chuyến thăm của mình để nâng cao thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ của Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho hơn 150 tù nhân chính trị. Nhưng đáng tiếc, vấn đề nhân quyền dường như đã không được chính quyền Mỹ quan tâm đúng mức khi các lĩnh vực khác được đặt ưu tiên hơn. Mỹ hiện nay dường như ưu tiên lợi ích chiến lược của mình hơn là cân nhắc giá trị nhân quyền phổ quát, họ vẫn chú ý đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng áp dụng một cách tiếp cận ít chỉ trích hơn. Project, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ phát biểu rằng: “Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm nhà nước độc đảng đang đàn áp tàn bạo các nhà hoạt động bất đồng chính kiến ​​và xã hội dân sự”.

Tuy nhiên vẫn có một số khúc mắc, trở ngại vẫn chưa giải quyết được, khi Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, giải quyết các báo cáo cho rằng Việt Nam đang theo đuổi thỏa thuận mua vũ khí từ Nga trong lúc đang tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ. Finer thừa nhận mối quan hệ quân sự lâu dài của Việt Nam với Nga. Ông cho biết Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác có quan hệ tương tự với Nga, trong nỗ lực cố gắng hạn chế tương tác của họ với Moscow, quốc gia mà Washington cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và vi phạm luật pháp quốc tế khi xâm lăng Ukraine. Tổng thống Biden có kế hoạch công bố các bước giúp Việt Nam đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào vũ khí của Nga.

Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016, cũng coi đây là thị trường đầy hứa hẹn cho vũ khí và thiết bị quân sự khi Hà Nội cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Trung Cộng đã cảnh báo Mỹ không nên sử dụng mối quan hệ của mình với từng quốc gia ở châu Á để nhắm vào “bên thứ ba”.

Theo một phân tích thăm dò toàn diện được công bố bởi Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định rằng, mặc dù Mỹ có lợi thế hơn Trung Cộng ở hầu hết các nước Đông Nam Á về quyền lực mềm và uy tín, nhưng khu vực này nhìn chung vẫn coi Trung Cộng là cường quốc kinh tế vượt trội ở châu Á.

Ngày càng nhiều các nước láng giềng của Trung Cộng – điển hình như Việt Nam – đang tìm kiếm một đối trọng trước sự hiện diện mạnh mẽ, hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực, ngay cả khi họ không sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn phạm vi ảnh hưởng của Trung Cộng để ủng hộ Mỹ. Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Biden, Trung Cộng đã cử một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản tới Việt Nam để tăng cường “sự tin cậy lẫn nhau về chính trị” giữa hai nước láng giềng cộng sản, một sự răn đe khá lộ liễu của con rồng đỏ phương Bắc.

Nhưng ngay cả khi tìm cách tránh cơn thịnh nộ của Trung Cộng, Việt Nam ngày càng bị lôi kéo về phía Mỹ vì lợi ích kinh tế – thương mại của nước này với Mỹ đã tăng nhanh trong những năm gần đây và Việt Nam mong muốn được hưởng lợi từ những nỗ lực của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Cộng cũng như mối lo ngại về việc Trung Cộng xây dựng quân đội ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn thận trọng không mô tả việc xích lại gần nhau với Việt Nam – hay với Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, hay quan hệ đối tác an ninh AUKUS với Úc và Anh – như một phần của chiến lược toàn diện nhằm chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ rời Việt Nam vào thứ Hai, với kế hoạch kỷ niệm vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi đang dừng tiếp nhiên liệu tại một căn cứ quân sự ở Alaska. Ông dự định gặp gỡ các thành viên quân đội và đưa ra một số nhận định. Sau đó, ông sẽ trở lại Washington sau chuyến đi kéo dài 4 ngày vòng quanh thế giới.

Lời kết:

Tổng thống Joe Biden đã đến trước cửa nhà lãnh đạo Trung Cộng, Tập Cận Bình vào Chủ nhật với một thỏa thuận trong tay nhằm thu hút thêm một nước láng giềng khác của Trung Cộng đến gần Hoa Kỳ hơn. Chính Trung Cộng đã thúc đẩy các nước láng giềng của họ tìm đến gần hơn với Mỹ bởi sự phát triển quân đội và mưu đồ bành trước, chiếm đất, chiếm đảo của Trung Cộng. Vì vậy, theo nhiều cách, chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc đã phản tác dụng.

Chỉ trong 5 tháng qua, Tổng thống Biden đã tiếp đón tổng thống Philippines tại Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên sau hơn một thập niên; ông đã chiêu đãi thủ tướng Ấn Độ bằng một bữa tối cấp nhà nước xa hoa; ông đã đón tiếp những người đồng cấp Nhật Bản và Nam Hàn tham dự một hội nghị thượng đỉnh mang tính biểu tượng tại khu nghỉ dưỡng của tổng thống ở Trại David.

Cần phải nhìn nhận một cách trung thực, công bằng rằng chính sách ngoại giao của chính quyền Biden đã bảo đảm mối quan hệ ngoại giao, quân sự và kinh tế mạnh mẽ hơn với một mạng lưới các đồng minh và đối tác tham gia bởi cảm giác cảnh giác rõ ràng về những chính sách kinh tế và quân sự ngày càng hung hăng của Trung Cộng.

Đặc biệt, mọi chuyện sẽ không dễ dàng đối với phía Việt Nam vì họ đang chịu áp lực rất lớn từ Trung Cộng. Việt Nam nhận thức được mối nguy hiểm này và Tổng thống Biden sẽ rất cẩn thận trong cách giao tiếp với những người bạn Việt Nam.

Translated & Summarized

Việt Linh