Tôi, Một Người Dân Châu Âu, Muốn Cảm Ơn Trump

0
2810

Không phải đây là lần đầu tiên, tại Hội nghị An ninh Munich (tiếng Anh là Munich Security Conference 2024, viết tắt là MSC được tổ chức tại Munich, một thành phố giàu có, trù phú ở miền Nam nước Đức) nhân vật trung tâm năm nay lại là một người không có mặt tham dự.

Người đó tên là Donald Trump.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Hầu hết những người tham gia Hội nghị An ninh hàng năm này đều hy vọng rằng ứng cử viên được cho là của Đảng Cộng hòa sẽ mãi mãi là một cựu tổng thống một nhiệm kỳ. Vì hầu hết những người tham dự hội nghị an ninh đều tỏ rõ sự thông cảm đối với những người bạn Mỹ đến tham dự, những người họ coi Trump là mối nguy hiểm cho tương lai nền cộng hòa Mỹ của những người bạn Mỹ mà họ còn lo sợ hơn về những gì ông ta sẽ làm đối với trật tự toàn cầu.

Tuy nhiên, với tư cách là một người châu Âu, tôi phần nào biết ơn sự tồn tại của Trump. Ngay cả khi ông ta thua cuộc bầu cử vào tháng 11 này, thì phải công bằng để nhìn nhận một điều tích cực về trump đó là ông ta đã vô tình trở thành vị cứu tinh của dự án châu Âu. Cuối cùng, ông ta đã buộc người châu Âu phải suy nghĩ lại về những giả định cốt lõi đã và đang cản trở họ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, khả năng phòng thủ của chính châu Âu và sự thống nhất chính trị của các quốc gia trong Liên minh châu Âu.

Khi cuộc chiến ở Ukraine sắp kết thúc năm thứ hai mà chưa có dấu hiệu kết thúc, việc Trump ra tranh cử đang khiến châu Âu tập trung suy nghĩ về những gì có thể dẫn đến chiến thắng và thất bại. Kết quả lý tưởng của mọi người là Ukraine sẽ lấy lại được toàn bộ lãnh thổ của mình. Khi những người tham dự chứng kiến ​​Yulia Navalnaya, góa phụ của thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny, lên sân khấu ở Munich vài giờ sau khi biết tin chồng qua đời, không đại diện quốc gia Châu Âu nào mà không có cảm giác bất an khi nghĩ đến việc trao cho Vladimir Putin dù chỉ một tấc đất của Ukraine. Nhưng khi cuộc chiến tranh tiêu hao ngày càng khốc liệt, việc chỉ xem xét vấn đề trên khía cạnh lãnh thổ ngày càng trở nên vô nghĩa.

Rốt cuộc, một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với Ukraine so với việc mất lãnh thổ sẽ là kế hoạch hòa bình của Donald Trump, trong đó vừa nhượng lại lãnh thổ vừa phi quân sự hóa đất nước, do đó khiến Ukraine rơi vào tình trạng trung lập đầy nguy hiểm. Người châu Âu đang nhận ra thực tế rằng Ukraine chỉ có thể theo đuổi tham vọng châu Âu và phương Tây thông qua việc gia nhập kép vào NATO và Liên minh châu Âu.

Donald Trump cũng đã vô tình tạo ra sự cấp bách cho cuộc tranh luận đang diễn ra ở châu Âu về quốc phòng và an ninh. Chỉ trong tuần này tại Munich, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã hứa sẽ bàn giao “toàn bộ pháo binh” của đất nước bà cho người Ukraine. Nhìn rộng hơn, người châu Âu đã và đang đóng góp nhiều viện trợ quân sự và các mặt khác cho Ukraine hơn cả Hoa Kỳ. Trước hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Washington vào tháng 7, 20 trong số 22 thành viên EU của liên minh bao gồm cả Đức đang trên đà chi ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng.

Đúng là phần lớn sự thay đổi này là kết quả của chủ nghĩa phục thù của Putin. Nhưng những bình luận gần đây của Trump khuyến khích người Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với các thành viên NATO từ chối “trả tiền” đã làm tăng thêm rủi ro. Người châu Âu không chỉ phải đầu tư nhiều hơn mà còn phải thay đổi cách tiêu tiền, nhất là bằng cách vượt qua những chia rẽ tâm lý cũ giữa NATO và EU.

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của Trump là thúc đẩy sự thống nhất chính trị của châu Âu. Sau khi ông ta đắc cử vào năm 2016, nhiều người lo ngại sự trỗi dậy của một “quốc tế phi tự do” có thể khiến các đảng dân túy cực hữu ở châu Âu liên kết chặt chẽ với Tòa Bạch Ốc của Trump và Điện Kremlin của Putin. Nhưng nếu Trump đắc cử lần thứ hai, cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cho thấy Trump sẽ không được chào đón nhiệt tình ở hầu hết các nước châu Âu, kể cả Hungary của Viktor Orbán.

Đáng chú ý nhất, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã cẩn thận thoát khỏi chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trước đây của mình và đưa ra quan điểm cắt đứt toàn bộ quan hệ của Ý với Putin. Ở Ba Lan, việc Donald Tusk trở lại vị trí thủ tướng đã đoàn kết nhiều cử tri có truyền thống hoài nghi đằng sau ý tưởng về một châu Âu địa chính trị gắn kết hơn. Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 6 có thể dẫn đến một sự chuyển hướng mạnh mẽ sang cánh hữu. Nhưng ở nhiều quốc gia, lời đe dọa của Trump có thể huy động cử tri và giúp đỡ các ứng cử viên đang tập hợp ủng hộ chủ quyền của châu Âu.

Những động lực này cũng không chỉ giới hạn ở EU. Vương quốc Anh có thể sẽ bầu một chính phủ mới trước cuối năm nay. Tại Munich, ngoại trưởng đầy ấn tượng của Đảng Lao động, David Lammy, đã nói rõ rằng ông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ gần gũi nhất có thể với người châu Âu về các vấn đề an ninh và quốc phòng.

Nhưng không ai nhấn mạnh và thúc đẩy hiệu ứng Trump tốt hơn Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm, Mark Rutte, ông là người đã kêu gọi người châu Âu hãy “ngưng than vãn và rên rỉ, lo lắng về Trump” mà hãy nên bắt đầu tập trung vào việc cùng nhau hành động. Với quỹ đạo dài hạn của nền chính trị nội bộ phân cực sâu sắc ở Hoa Kỳ, người châu Âu sẽ cần phải làm điều này theo cách này, bất kể ai thắng vào tháng 11 này.

Nếu thảm họa lần này được ngăn chặn, chính quyền Biden nhiệm kỳ thứ hai có thể trông cậy vào một đối tác tốt hơn nhiều ở châu Âu. Như nhiều nhà quan sát Hoa Kỳ đã lưu ý, Trump vừa là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ Mỹ, vừa là người khiến các cử tri Đảng Dân chủ đến gần với nhau hơn, Trump cũng là tác nhân khiến trật tự xuyên Đại Tây Dương trở nên mạnh mẽ hơn trước đây.

Lời kết:

Với Vladimir Putin, ông ta đã không ngờ rằng khi tiến hành xâm lược Ukraine, ông ta đã tạo nên sự đoàn kết vô cùng lớn của các quốc gia Châu Âu, Putin cũng không ngờ rằng biên giới của NATO lại được mở rộng hơn về phía Đông qua việc Phần Lan gia nhập vào NATO, Putin cũng không ngờ rằng bằng cuộc xâm lược, ông ta đã vô tình thúc đẩy các quốc gia trong khối NATO chịu chi mạnh hơn cho chi tiêu quốc phòng, đây là những điều không ngờ của Putin.

Với Donald Trump, ông ta đã thúc đẩy các quốc gia trong NATO đến gần nhau hơn, tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, hoạch định các chính sách độc lập hơn và quyết tâm đứng lên đi bằng đôi chân của mình. Rõ ràng nhờ có Trump, người Châu Âu thấy rằng, Mỹ không còn là một Đồng minh có uy tín ổn định. Chỉ qua kết quả của cuộc thăm dò của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu đã cho mọi người thấy rằng, nếu Donald Trump may mắn thắng cử năm 2024, vị thế của một lãnh đạo cường quốc như Mỹ sẽ không còn được xem trọng tại Châu Âu, các thành viên Châu Âu sẽ không còn mặn mà chào đón một tên gian thương lừa đảo, một tội phạm với 4 cáo trạng và 91 cáo buộc trọng tội trong lớp áo Tổng thống Mỹ đến thăm và cũng chẳng có lãnh đạo Châu Âu nào cảm thấy hứng thú với lời mời đến Tòa Bạch Ốc để thăm hay ký bất cứ thỏa thuận nào, vì họ thừa biết những thỏa thuận được ký với mực chưa khô thì vẫn có thể bị xé bỏ bởi tính tình bất nhất của một đứa trẻ không thể trưởng thành.

Dù sao, cảm ơn Donald Trump đã giúp đoàn kết Châu Âu nhiều hơn bao giờ hết.

Việt Linh

https://www.theguardian.com/us-news/2024/feb/15/trump-russia-attack-nato-campaign-biden

https://www.statesman.com/story/news/politics/politifact/2024/02/17/why-donald-trumps-boast-about-nato-allies-paying-up-is-misleading/72626012007/

https://abcnews.go.com/Politics/closer-trumps-years-criticizing-nato-defense-spending/story?id=107201586

https://samf.substack.com/p/trump-nato-and-nuclear-deterrence