Nếu Nixon không có quyền miễn trừ, thì Trump cũng vậy!

0
2853

Năm 1970, Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon đã cho phép thực hiện một kế hoạch bất hợp pháp nhằm theo dõi các nhà hoạt động cánh tả ở Hoa Kỳ. Lời bào chữa của Richard Nixon hiếm khi được trích dẫn ngoại trừ khi nói về một hành vi phản diện của tổng thống. Richard Nixon nói với nhà báo David Frost vào năm 1977 rằng: “Khi tổng thống làm điều gì đó, thì điều đó không có nghĩa là nó bất hợp pháp.”

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Giờ đây, cựu Tổng thống 45, Donald Trump muốn Tòa án Tối cao thực hiện hai điều tưởng chừng như trái ngược nhau. Khi Trump tuyên bố rằng, nếu tổng thống cố gắng đánh cắp một cuộc bầu cử, điều đó không bất hợp pháp. Trump muốn các thẩm phán biến câu nói thay cho việc bào chữa từ thế kỷ trước của Ricahrd Nixon đối với một vụ án gián điệp đáng xấu hổ đang chìm vào lãng quên theo năm tháng, làm nó sống dậy và đưa nó trở thành một quy định hiến pháp để bảo vệ các cựu tổng thống khỏi bị truy tố liên bang. Và ông ta muốn Tòa án phải trì hoãn càng lâu càng tốt khi làm như vậy.

Đề xuất độc đáo này của Trump – nhằm đóng lại vụ án hình sự liên bang phát sinh từ nỗ lực của ông ta nhằm đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020 và thực hiện điều đó rất, rất chậm – hiện đang được đưa ra trước Tòa án Tối cao trong vụ án Hoa Kỳ kiện Trump.

Trong khi đó, hôm thứ Hai, công tố viên đặc biệt Jack Smith, công tố viên chính trong hai vụ án hình sự liên bang chống lại Trump, đã yêu cầu Tòa án tối cao làm ngược lại những gì Trump muốn. Jack Smith muốn Tòa án Tối cao quyết định nhanh chóng rằng Trump không tránh khỏi bị truy tố vì âm mưu gian lận bầu cử và ông muốn Tòa án làm điều đó càng nhanh càng tốt.

Đây là vụ tranh chấp đầu tiên liên quan đến các cáo buộc hình sự chống lại Trump được đưa lên Tòa án Tối cao, nhưng sẽ không phải là vụ cuối cùng. Hôm thứ Tư, Tòa án thông báo rằng họ sẽ xét xử một vụ án khác liên quan đến một trong những cá nhân đã xâm chiếm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, và vụ án này có khả năng cắt giảm nhiều cáo buộc chống lại Trump.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa có cựu tổng thống nào từng bị truy tố. Cho đến thời điểm hiện nay, các vụ truy tố Trump đã nêu ra các vấn đề pháp lý mới, nhiều vấn đề theo Tu chính án thứ nhất, chưa từng xảy ra trước đây. Và nếu Tòa án Tối cao không đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mở này một cách nhanh chóng thì rõ ràng là Trump rất có thể sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý một cách hợp pháp.

Không khó lắm để tìm ra động cơ của Trump trong việc cố gắng kéo dài vụ việc này càng lâu càng tốt. Nếu Trump có thể trì hoãn các phiên tòa hình sự của mình cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 , thì ông ta rất có thể sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử đó – và sau đó ông ta có thể sử dụng quyền lực tổng thống của mình để ra lệnh chấm dứt các cuộc truy tố này.

Phiên tòa hình sự xét xử Trump về tội âm mưu gian lận và đánh cắp bầu cử hiện đang tạm dừng trong khi kháng cáo này diễn ra. Và, như Jack Smith đã nói với Tòa án Tối cao, có thể bị đình chỉ cho đến khi câu hỏi liệu Trump có được miễn truy tố hay không được giải quyết.

Vấn đề cụ thể mà Jack Smith hiện đang yêu cầu Tòa án giải quyết là liệu Trump có được miễn truy tố về những tội ác mà ông ta đã phạm khi còn đương chức hay không. Một vụ án khác của Jack Smith chống lại Trump, là một vụ truy tố riêng liên quan đến hành vi trộm cắp tài liệu mật của Trump, vẫn có thể được tiến hành, vì nó liên quan đến việc ông ta cố tình ăn cắp tài liệu mật của chính phủ đem về nơi ở riêng sau khi rời nhiệm sở.

Nhưng vụ án tài liệu mật hiện được giao cho Thẩm phán Aileen Cannon, một người được Trump bổ nhiệm, là người đã có những hành động như thể bà ấy là thành viên trong đội bào chữa của Trump. Vì vậy, trên thực tế, vụ gian lận bầu cử có thể là nỗ lực thực sự duy nhất của Jack Smith trong việc kết tội cựu tổng thống.

Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các thẩm phán có thể sẽ di chuyển theo lịch trình của Jack Smith. Chỉ vài giờ sau khi Jack Smith yêu cầu Tòa án Tối cao ra phán quyết nhanh chóng về yêu cầu miễn trừ của Trump, các thẩm phán đã chấp thuận đề nghị của Jack Smith để đẩy nhanh vụ việc . Đó chỉ là lệnh sơ bộ, trong đó không nói rõ ràng về việc liệu Tòa án Tối cao có xét xử vụ án này hay không. Nhưng các thẩm phán hiếm khi giải quyết nhanh chóng bất kỳ vấn đề nào được đưa ra trước mắt họ.

Nói một cách khác, có vẻ như Tòa án Tối cao sẽ sớm xem xét vụ án gian lận bầu cử. Và, trong khi các lập luận pháp lý của Trump trong cuộc tranh chấp hiện tại trước các thẩm phán còn yếu và rất có thể sẽ không thuyết phục được đa số Tòa án, thì đây cũng có thể là lần đầu tiên các thẩm phán được yêu cầu cân nhắc về nhiều thủ tục tố tụng hình sự của Trump.

Nếu Tòa án Tối cao không nhanh chóng giải quyết tất cả những vấn đề tiềm ẩn này, có nguy cơ nghiêm trọng là Trump sẽ không bao giờ phải đối mặt với sự giải trình hay bị trừng phạt về hành động sai trái của mình.

Vậy vấn đề pháp lý trước Tòa án tối cao là gì?

Đơn thỉnh cầu gần đây của Jack Smith trong vụ Trump liên quan đến hai vấn đề pháp lý có liên quan chặt chẽ với nhau: rằng liệu Trump có “hoàn toàn miễn nhiễm khỏi bị truy tố liên bang đối với những tội phạm đã phạm khi còn đương chức” hay không và liệu Điều khoản nguy cơ kép của Hiến pháp có ngăn cản Trump bị truy tố vì ông ta bị luận tội vì những nỗ lực của mình hay không để lật đổ cuộc bầu cử năm 2020 hay không.

Lập luận về nguy cơ kép của Trump có thể được giải quyết chỉ trong một vài câu lắt léo trong Hiến pháp với Tu chính án thứ năm có quy định rằng không ai sẽ “bị đe dọa tính mạng hoặc tay chân vì cùng một tội danh hai lần”, đây là một điều khoản mà Tòa án Tối cao đã đọc từ lâu để bảo vệ việc áp dụng nhiều hình phạt hình sự cho cùng một hành vi phạm tội.

Nhưng Trump chưa bao giờ phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt hình sự trong hai lần bị luận tội của mình. Hiến pháp quy định rằng hậu quả duy nhất có thể được áp dụng là “cách chức, không đủ tư cách nắm giữ và hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, ủy thác hoặc lợi nhuận nào ở Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, mất chức vụ, không thể tiếp tục nắm giữ chức vụ không phải là hậu quả hình sự.

Trong khi đó, lập luận về quyền miễn trừ rộng hơn của Trump không đơn giản đến mức có thể được giải thích trong một vài đoạn văn.

Theo nguyên tắc chung, tất cả các quan chức chính phủ đều được hưởng một số quyền miễn trừ đối với các vụ kiện dân sự – tức là các vụ kiện phi hình sự thường do công dân đệ trình. Như Tòa án Tối cao đã giải thích trong vụ Harlow kiện Fitzgerald (1982), quyền miễn trừ này tồn tại để tránh “sự phân tâm của các quan chức khỏi nhiệm vụ chính phủ của họ, ngăn cản hành động tùy ý và cản trở những người có năng lực tham gia hoạt động công vụ”. Nếu các quan chức chính phủ luôn phải sống trong nỗi lo sợ bị kiện bởi bất kỳ ai không đồng tình với quyết định của họ thì họ có thể không đưa ra được những quyết định tốt nhất. Và những người tốt có thể tránh hoàn toàn việc phục vụ chính phủ.

Hầu hết các quan chức chính phủ chỉ có quyền miễn trừ “đủ điều kiện” đối với các vụ kiện dân sự – nghĩa là họ vẫn có thể bị kiện nếu hành động của họ vi phạm luật đã được thiết lập rõ ràng. Nhưng Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng một danh sách nhỏ các quan chức chính phủ, bao gồm các thẩm phán, công tố viên và tổng thống , có quyền miễn trừ “tuyệt đối” trước các vụ kiện dân sự. Nhưng cần phải lưu ý ở một điểm quan trọng, đó là chỉ được miễn trừ trước các vụ kiện dân sự khi còn đương chức mà thôi.

Tuy nhiên, ngay cả quyền miễn trừ “tuyệt đối” dành cho những quan chức này cũng “không hoàn toàn tuyệt đối”. Ví dụ, trong vụ Clinton kiện Jones (1997), Tòa án Tối cao cho rằng Tổng thống lúc bấy giờ là Bill Clinton có thể bị kiện vì cáo buộc có hành vi sai trái không liên quan đến nhiệm vụ tổng thống của ông. Theo Jones, “lý do cơ bản để cho phép một số công chức được miễn trừ khỏi các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về tiền phát sinh từ các hành vi chính thức của họ là không thể áp dụng cho hành vi không chính thức.”

Và, quyền miễn trừ tuyệt đối mà các thẩm phán, công tố viên và tổng thống được hưởng chỉ áp dụng cho các thủ tục tố tụng dân sự chứ không phải hình sự. Tòa án giải thích lý do tại sao trong vụ Nixon kiện Fitzgerald (1982), một vụ án cho rằng cựu Tổng thống Richard Nixon được miễn trừ khỏi một vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi chính thức của ông trên cương vị tổng thống.

Tòa án lo ngại rằng khả năng dễ bị tổn thương trước làn sóng kiện tụng dân sự như vậy có thể khiến Tổng thống mất tập trung vào các nhiệm vụ công của mình, gây bất lợi cho không chỉ Tổng thống và văn phòng của ông mà còn cả Quốc gia mà Tổng thống có trách nhiệm để điều hành và phục vụ.

Vấn đề quan trọng nhất nằm ở phần phân tích sau đây:

Những lý do cơ bản này không áp dụng cho thủ tục tố tụng hình sự liên bang. Các thủ tục tố tụng hình sự liên bang chỉ có thể được khởi xướng bởi Bộ Tư pháp – và chỉ sau khi DOJ trình bày bằng chứng của mình trước đại bồi thẩm đoàn và đại bồi thẩm đoàn ký vào bản cáo trạng.

Ngay cả Richard Nixon cũng không tin rằng các cựu tổng thống được miễn truy tố. Khi đọc lại tuyên bố khét tiếng năm 1977 của Richard Nixon rằng hành động của tổng thống không thể bị xem là bất hợp pháp chỉ được hiểu đúng là khi Nixon nói rằng các quan chức chính phủ thực hiện một số hành động bất hợp pháp với sự chấp thuận của tổng thống sẽ không phải đối mặt với hậu quả hình sự khi làm như vậy.

Hoa Kỳ là một nước cộng hòa chứ không phải là một chế độ quân chủ. Điều đó có nghĩa là các quan chức chính phủ không sở hữu văn phòng của mình như thể chúng là tài sản. Khi rời nhiệm sở, họ trở thành những công dân bình thường và phải tuân theo luật hình sự giống như tất cả những công dân Mỹ khác.

Rõ ràng đã có tiền lệ về việc tòa án xét xử các nhân vật cấp cao, nhưng Trump có thể là bị cáo hình sự nổi tiếng nhất và phân cực chính trị nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Vụ án của ông ta có thể sẽ đặt ra một loạt câu hỏi pháp lý chưa từng được tòa án liên bang xem xét.

Nhưng người dân Mỹ cần biết rõ liệu một trong hai ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống có bị kết án vì những tội ác rất nghiêm trọng hay không – và họ cần biết điều đó trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2024.

Vào cuối tháng 10 năm 2016, trong một hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ Tư pháp cấm các quan chức DOJ can thiệp vào các cuộc bầu cử liên bang, Giám đốc FBI lúc đó là James Comey đã tuyên bố rằng FBI đang mở lại cuộc điều tra về việc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton sử dụng tài khoản email riêng để tiến hành công việc kinh doanh nhưng cuộc điều tra được khép lại sau đó 9 ngày. Chỉ với thông báo đó, đã khiến bà Clinton phải trả giá bằng thất bại trong cuộc bầu cử sát nút năm 2016.

Và điều tương tự có thể xảy ra, nếu, chỉ vài ngày hoặc vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2024, nếu Tòa án Tối cao đưa ra quyết định hủy bỏ bản án hình sự của Trump vì một số vấn đề pháp lý mới mà cả Jack Smith và Thẩm phán Tanya Chutkan đều không thể lường trước được.

Vì tất cả những lý do này, Tòa án Tối cao phải cung cấp quan điểm chính thức cho công tố viên đặc biẹt Jack Smith và thẩm phán Tanya Chutkan càng nhiều hướng dẫn càng tốt về cách tiến hành phiên tòa xét xử Trump và phải thực hiện điều đó càng sớm càng tốt.

Donald Trump là cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị truy tố tội phạm nên không có phán quyết nào của Tòa án tối cao nêu rõ ràng rằng các cựu tổng thống không được miễn trừ khỏi chế tài hình sự. Nhưng có cơ sở rõ ràng rằng các quan chức khác được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi các vụ kiện dân sự, chẳng hạn như thẩm phán và công tố viên, có thể bị truy tố. Ví dụ, cựu Thẩm phán liên bang Alcee Hastings đã phải đối mặt với cả phiên tòa hình sự (không thành công) và thủ tục luận tội (thành công) sau khi ông bị buộc tội tuyên án khoan hồng cho hai bị cáo hình sự để đổi lấy hối lộ.

Quả thực, tuyên bố của Trump rằng ông được miễn truy tố vì những hành động được thực hiện khi ông còn đương chức là khá mới lạ trong nền Tư pháp Hoa Kỳ. Văn phòng Cố vấn Pháp lý, một văn phòng trong Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp cho cơ quan hành pháp của chính phủ, đã khẳng định ít nhất từ ​​những năm 1970 rằng một cựu tổng thống có thể “phải chịu thủ tục tố tụng hình sự … sau khi ông ta rời nhiệm sở hoặc bị cách chức.”

Lời kết:

Trong lịch sử, Tổng thống Gerald Ford đã ân xá cho cựu Tổng thống Richard Nixon vì những tội ác mà Nixon bị cáo buộc đã phạm phải khi đương nhiệm – một lệnh ân xá như vậy sẽ hoàn toàn không cần thiết nếu Nixon có được quyền miễn truy tố. Chỉ riêng với vụ Nixon, thì các thẩm phán trong Tòa án Tối cao và cả luật sư Michael Dreeben của Jack Smith đều nhìn ra sự việc, đó là trong lịch sử đã từng có tiền lệ rằng tổng thống không có quyền miễn truy tố.

Trong thế kỷ trước, Richard Nixon đã không có quyền miễn truy tố và chỉ thoát tội nhờ vào ân xá của Gerald Ford thì trong thế kỷ này, làm sao Donald Trump lại có thể có được quyền miễn truy tố từ trên trời rớt xuống hay từ các thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao ban tặng cho ông ta?

Còn nói đến chuyện ân xá cho Trump? Đừng có nằm mơ!

Translated & Summarized

Việt Linh

https://www.cnn.com/2023/12/19/politics/trump-colorado-supreme-court-14th-amendment/index.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Nixon_v._Fitzgerald

https://www.cbsnews.com/news/trump-colorado-supreme-court/

https://stevevladeck.substack.com/p/39-nixon-v-fitzgerald-and-the-presidents

https://www.lawfaremedia.org/article/can-presidents-absolute-immunity-be-trumped

https://www.pbs.org/newshour/politics/colorado-supreme-court-bans-trump-from-the-states-ballot-under-constitutions-insurrection-clause