Mối đe dọa từ Nga sẽ không tự biến mất, Châu Âu phải nghiêm túc về việc bảo vệ chính mình

0
1718

Paul Taylor

Có thể, sau khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine kết thúc, các quốc gia châu Âu vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhỏm được.

Một nước Nga bị tổn thương, đầy thù hận sẽ vẫn là mối đe dọa chừng nào Vladimir Putin, hoặc những người kế nhiệm có cùng chí hướng, còn nắm quyền. Không có cách nào quay trở lại trật tự an ninh thời hậu chiến tranh lạnh, vốn đã bị phá vỡ bởi cuộc tấn công của Moscow vào Georgia năm 2008, bị phá vỡ bởi việc sáp nhập đảo Crimea vào năm 2014 và cuối cùng bị phá vỡ bởi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Để xây dựng năng lực quân sự cần thiết để tự bảo vệ chính mình, các quốc gia châu Âu sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Việc tăng cường phòng thủ của châu Âu sẽ rất tốn kém và áp đặt những lựa chọn đau đớn giữa súng và bơ, đây là điều mà những người cánh tả sẽ cảm thấy đặc biệt khó chịu.

Sau sự do dự ban đầu ở Berlin và Paris, các quốc gia châu Âu đã tăng cường chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Ukraine, và nhiều quốc gia – nhất là Vương quốc Anh – sẽ cần bổ sung lực lượng mỏng manh của chính họ, vốn đã cạn kiệt sau ba thập niên tiết kiệm khi sống êm đềm trong hòa bình.

NATO, tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Vilnius đã tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của mình nhưng đang chịu áp lực từ các quốc gia Baltic và Ba Lan – những nước cảm thấy mối đe dọa hiện hữu từ Nga – phải tiến xa hơn và củng cố biên giới của họ nhiều hơn là có ý nghĩa quân sự. Chứng kiến ​​những gì đã xảy ra với Ukraine, dễ hiểu là các nhà lãnh đạo vùng Baltic không muốn nhìn thấy những hành động tàn bạo giống như Bucha trên lãnh thổ của họ và đang yêu cầu sự bảo vệ tiền tuyến nhiều hơn.

Tuy nhiên, như chủ tịch ủy ban quân sự của Nato, Đô đốc Rob Bauer, đã nói rằng: “Nếu chúng ta đóng quân vĩnh viễn một lữ đoàn ở biên giới của mỗi quốc gia trong số bảy quốc gia ở sườn phía đông của liên minh, sáu quốc gia sẽ ở sai vị trí nếu một cuộc tấn công của Nga xảy ra. Tăng cường nhanh chóng từ các trung tâm ở Ba Lan và Tây Âu vẫn là chiến lược tốt nhất, miễn là người châu Âu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hậu cần và phòng không để thực hiện công việc đó.”

Việc Phần Lan gia nhập, và sắp tới là Thụy Điển, sẽ tăng cường sức mạnh cho NATO ở Baltic và Bắc Cực, nhưng với kho dự trữ đạn dược đang rất thấp và nhiều thiết bị không hoạt động, đặc biệt là ở Đức, sẽ cần một chương trình đầu tư lớn kéo dài nhiều năm để thực hiện.

Sau khi chứng kiến ​​hai quân đội Liên Xô cũ của thế kỷ 20 tiến hành một cuộc chiến tiêu hao gần như thế kỷ 20 ở Ukraine, NATO phải cảnh giác với việc tập trung quá nhiều đầu tư quốc phòng vào cuộc chiến cuối cùng với các nền tảng kim loại nặng như xe tăng, máy bay chiến đấu và máy bay vận chuyển. Để trở nên đáng tin cậy và ngăn chặn được sự xâm lược, liên minh chắc chắn cần nhiều xe tăng hoạt động tốt hơn hiện nay. Nhưng cuộc chiến đã chỉ ra rằng các khả năng của thế kỷ 21 như giám sát không gian và máy bay không người lái theo thời gian thực, hỏa tiễn dẫn đường chính xác, máy bay không người lái có vũ trang, trí thông minh từ cộng đồng và vũ khí chống tăng tương đối rẻ, có thể vượt trội hơn so với thiết giáp và pháo binh nặng nề của Nga.

Cách hợp lý để tránh lãng phí và trùng lặp là người châu Âu cần mua thêm vũ khí, hệ thống thông tin liên lạc, năng lực hậu cần và đạn dược nói chung, như họ đang bắt đầu làm để cung cấp cho Ukraine vũ khí tiêu chuẩn của NATO.

Trong khi Vương quốc Anh là quốc gia ủng hộ Ukraine nhanh chóng và mạnh mẽ nhất, Liên minh châu Âu được cho là đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn nhất, từ một cơ quan quản lý kinh tế, dân sự áp đảo thành một bên tham gia địa chính trị.

Trước khi chiến tranh xảy ra, không ai có thể tưởng tượng rằng EU đã có thể chi hàng tỷ euro quỹ chung để cung cấp vũ khí cho một nước láng giềng đang có chiến tranh?

Tuy nhiên, quốc phòng vẫn là đặc quyền quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, và các bộ quốc phòng rất miễn cưỡng trong việc tập hợp và chia sẻ thiết bị ngay cả với các đồng minh của NATO, trong khi các chính trị gia muốn các nhà máy sản xuất vũ khí trên lãnh thổ của họ hơn là hợp tác với các đối tác châu Âu để đạt được mục tiêu lớn hơn.

Các cuộc chiến giành quyền kiểm soát quốc gia đối với các ngành công nghiệp quốc phòng, công nghệ độc quyền và xuất khẩu vũ khí đang làm phức tạp cả sáng kiến ​​của NATO nhằm hợp lý hóa đầu tư quốc phòng và nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm đẩy mạnh sản xuất đạn dược.

Nếu kế hoạch mua sắm chung của EU dành cho Ukraine thành công trong mục tiêu cung cấp 1 triệu viên đạn pháo trong năm nay, thì nó nên được mở rộng để đáp ứng các nhu cầu chung khác. Và EU nên xem xét việc vay chung để tài trợ cho các biện pháp phòng thủ chung như không vận chiến lược. Việc tăng thuế cho quốc phòng sẽ khó khăn do các nhu cầu cạnh tranh của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau đại dịch và xã hội thích ứng với tương lai kỹ thuật số.

Người châu Âu đã vô cùng may mắn khi có được sự lãnh đạo đồng thuận xuyên Đại Tây Dương của Tổng thống Joe Biden. Nhưng chỉ cần tưởng tượng ra một tình trạng lộn xộn nếu Donald Trump đang ngồi ở Tòa Bạch Ốc khi xe tăng của Putin xông vào Ukraine thì Ukraine sẽ thất thủ sớm thôi, Ukraine sẽ chẳng có một viên đạn nào được viện trợ từ Mỹ, hoặc nếu ông ta có thể quay lại Tòa Bạch Ốc một lần nữa vào năm tới thì một viễn cảnh đáng sợ có thể xảy ra cho các quốc gia Châu Âu nếu Trump quyết rút nước Mỹ ra khỏi NATO, bỏ mặc an ninh thế giới.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động nhiều hơn để bảo vệ chính họ, không chỉ vì mối đe dọa từ Nga, mà còn bởi vì họ không thể trông chờ vô thời hạn vào việc Mỹ sẽ đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc để bảo vệ châu Âu. Washington đang muốn tập trung nhiều nguồn lực hơn vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chúng ta sẽ cần lấp đầy khoảng trống nếu các lực lượng của Hoa Kỳ được chuyển đến châu Á.

Các nhà lãnh đạo bảo thủ như Angela Merkel không háo hức đầu tư vào năng lực quân sự hơn những người theo chủ nghĩa xã hội. Một số người ở bên trái – ví dụ như ở Đức – vẫn tưởng tượng rằng việc củng cố hệ thống phòng thủ của châu Âu để sẵn sàng đối đầu với một thế giới tàn bạo hơn và một kẻ bắt nạt ở Điện Kremlin bằng cách nào đó là một âm mưu cánh hữu của tổ hợp công nghiệp quân sự nhằm chuyển hướng tài trợ khẩn cấp từ các trường học, bệnh viện và giao thông công cộng cho việc mua vũ khí và gia tăng ngân sách quốc phòng.

Nhưng giờ đây, họ biếthọ đã nghĩ sai. Họ chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra với các trường học, bệnh viện và đường sắt ở Ukraine để biết rằng phòng thủ không phải là sự sao nhãng khỏi việc củng cố cơ cấu xã hội của các quốc gia Châu Âu, mà là sự bảo vệ cần thiết cho toàn bộ liên minh Châu Âu.

Paul Taylor

https://www.theguardian.com/world/commentisfree/2023/jul/10/russia-threat-europe-defence-military

Translated & Summarized: Việt Linh