Gương anh dũng của Thuỷ Thủ Nhì Doris Miller & Cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít để bảo vệ tự do dân chủ.

0
1098

Mai Loan

(Nhiều phần trong câu chuyện này được lấy từ bài viết của giáo sư Heather Cox Richardson, chuyên giảng dạy về sử và chính trị học Hoa Kỳ tại các đại học Boston College và MIT, và cũng là tác giả loạt bài có tên là Letters from an American, được đăng hàng ngày trên Facebook.)

Câu chuyện bắt đầu bằng nhân vật có tên là Doris Miller, một thanh niên da đen gia nhập vào Hải Quân Hoa Kỳ vào năm 1940. Quân đội Hoa Kỳ, và xã hội nước Mỹ vào thời đó vẫn còn duy trì tinh thần và truyền thống phân chia giai cấp rõ rệt, và đối xử không công bằng với người da đen.

Vì thế nên tuy là một quân nhân thực thụ ở cấp bậc thấp nhất là Thuỷ Thủ Nhì, nhưng anh Miller chỉ được làm công việc Messman, tức là một người có nhiệm vụ chuyên lo quét dọn, phục vụ, và hầu cận như đánh bóng giầy cho các sĩ quan da trắng. (Trong quân đội thời VNCH, cấp bậc thấp nhất được gọi là Binh Nhì, nhưng bên Hải Quân, nó được gọi là Thuỷ Thủ Nhì, một từ ngữ ít phổ thông, bởi vì “thuỷ thủ” cũng là một từ ngữ chung thường dùng để nói về tất cả những người lính Hải quân.) 

Vào khoảng 6 giờ sáng Chủ Nhật ngày 7 tháng 12, 1941, anh lính Miller đang phục vụ buổi ăn sáng trên chiến hạm West Virginia vào lúc đó đang thả neo tại Pearl Harbor, tức là Trân Châu Cảng ở Hawaii tại Thái Bình Dương. Trong lúc anh đang thu dọn quần áo dơ cũ của các sĩ quan để mang đi giặt, thì bỗng nhiên một quả thủy lôi đầu tiên (trong số 9 thủy lôi bắn bởi quân Nhật) đã nổ trúng vào chiến hạm, gây tử thương tức thời cho nhiều quân nhân, trong đó có cả vị sĩ quan hạm trưởng là Đại tá Mervyn Sharp Bennion ngay trên đài chỉ huy của chiến hạm.

Trong cơn hoảng loạn kinh hồn vào lúc đó, Miller đã lập tức báo cáo sự việc lên một sĩ quan khác, và được ra lệnh là hãy cố gắng phụ một tay để kéo xác của vị hạm trưởng cùng với nhiều xác chết khác rời khỏi boong tàu để mang vào một nơi trú tạm an toàn hơn. Với thể lực khỏe mạnh của một thanh niên trẻ 22 tuổi, với thành tích từng là cầu thủ chơi football thời trung học, và được xếp hạng là vô địch boxing hạng nặng trên chiến hạm, Doris Miller đã tỏ ra “hết sức nhanh nhẹn, xốc vác xác chết của đồng đội trên vai, đi lên xuống nhiều lần các cầu thang trên chiến hạm, với sàn nhà đầy vết dầu loang, nhiều chỗ nước tràn vào ngập đến lưng, và đạn pháo nổ tung trên đầu” theo như lời tường thuật của Phó Đề Đốc John Fuller trong một buổi lễ vinh danh tại một khu nhà tập thể của Hải Quân mang tên anh vào năm 2016. 

Sau khi làm xong công việc này, một sĩ quan khác là Thiếu Úy Frederick White ra lệnh cho Miller phải tiếp tế đạn trong lúc ông đang khởi động một trong hai khẩu súng phòng không Browning với đạn 50 ly nằm ở phía trước của đài kiểm soát trên chiến hạm để phản pháo với quân Nhật trên không.

Vì là một quân nhân da đen được tuyển dụng để làm công việc phục vụ và hầu cận cho các sĩ quan, nên Miller không hề được huấn luyện về quân sự để biết cách sử dụng súng ống. Thế nhưng trong lúc hỗn chiến vào lúc đó và chiến hạm đã bị trúng đạn bởi nhiều quả thủy lôi, khiến cho vị sĩ quan cũng bù đầu rối loạn, anh Miller cũng nhảy vào khẩu súng phòng không thứ nhì còn bỏ trống và tìm cách xoay xở để làm cách nào cho khẩu súng đại liên này bắt đầu khạc đạn để nhắm vào các phi cơ của Nhật đang tấn công từ trên trời. 

Chiến hạm West Virginia, với chiến hạm Tennesse ở phía sau, đang bị tấn công dữ dội bởi quân đội Nhật tại Pearl Harbor năm 1942 trước khi bị chìm sau đó. (Hình Văn Khố Quốc Gia).

Tuy chưa hề được huấn luyện, nhưng Miller tiếp tục hăng say nhả đạn và bắn ngã được vài chiếc máy bay của quân Nhật trên không cho đến khi hết đạn. Sau đó, anh quay sang tiếp tục công việc giúp tải thương cho nhiều quân nhân bị thương nặng, và không lâu sau đó thì cũng nhận lệnh như tất cả mọi người là phải lập tức rời tàu vì chiến hạm West Virginia đã bị thiệt hại nặng nên bắt đầu đắm chìm xuống lòng đại dương.

Theo lời thuật lại ghi trong quân sử Hải quân Hoa Kỳ, Miller kể lại như sau: “Thật ra việc đó (bắn khẩu súng phòng không) cũng không khó gì lắm. Tôi chỉ biết bấm cò súng thôi và nó nổ lớn và khạc đạn một cách ngon lành. Trước đó tôi đã có dịp nhìn thấy nhiều xạ thủ đã bắn súng này rồi. Tôi nhớ là mình đã bắn liên tục như vậy trong khoảng 15 phút thì nó hết đạn. Tôi nghĩ là mình đã bắn trúng đâu được 1 hay 2 máy bay của Nhật. Bọn chúng lúc đó đang lao xuống rất gần với tụi tôi.” Vị sĩ quan truyền tin của chiến hạm vào lúc đó, Thiếu tá Doir Johnson, kể lại với phóng viên của tập san Navy Times rằng “Miller cho khạc đạn khẩu súng phòng không này rất rành nghề, giống như là anh ta đã quen sử dụng nó trong đời mình.

Doris Miller là một trong số 3 quân nhân sau cùng rời khỏi chiến hạm West Virginia trước khi nó chìm xuống lòng biển cả. Với thủy thủ đoàn gồm 1,541 người, đã có 106 quân nhân tử trận và 52 người bị thương. Miller kể rằng mình sống sót được là nhờ may mắn của Thượng đế và lòng cầu xin của bà mẹ. 

Trong số 8 chiến hạm của Mỹ thả neo tại Pearl Harbor vào lúc đó, khi trận chiến tàn vào cuối ngày, đã có 7 chiến hạm bị đánh chìm, và trong số 350 máy bay của Nhật tấn công bất ngờ vào hôm đó, chỉ có 29 chiếc bị bắn hạ.

Vào tối hôm đó, Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với nước Nhật. Và qua ngày hôm sau, Nhật Bản cũng tuyên chiến với nước Mỹ. Ba ngày sau đó, hai nước Ý và Đức cũng nhập cuộc và tuyên chiến đối đầu với nước Mỹ. Lãnh tụ Benito Mussolini của Ý đưa ra lời hiệu triệu: “Những cường quốc của khối thép, gồm có Ý Đại Lợi theo chủ nghĩa phát-xít và Đức quốc theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, càng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, từ ngày hôm nay sẽ tham dự sát cánh bên cạnh nước Nhật anh hùng để chống lại Hoa Kỳ. Và chúng ta sẽ chiến thắng.”

Cả hai ông Mussolini và Adolf Hitler, lãnh tụ tối cao của Đức Quốc, tin rằng nước Mỹ vào thời đó còn đang bận rộn nhức đầu bởi nhiều vấn đề liên quan đến dân da đen và dân gốc Do Thái, nên sẽ không còn lòng dạ nào để củng cố bộ máy quân sự của nước Mỹ để tham dự vào một cuộc chiến rộng lớn trên toàn cầu.

Cái gọi là thỏa hiệp của Khối Thép, theo như lời Mussolini gọi, là một mũi xung kích tiên phong của một lý tưởng chính trị mới do ông đề ra. Nó được gọi là chủ nghĩa phát xít, và Mussolini cùng với Hitler đều nghĩ rằng lần này nó sẽ có cơ hội tiêu diệt chủ nghĩa tự do dân chủ.

Mussolini từ thời trai trẻ đã là một người chạy theo chủ nghĩa xã hội nhưng rồi sau đó bắt đầu bất mãn khi thấy cơ chế này rất khó khăn trong việc quy tụ đám đông thành một tổ chức hữu hiệu trong xã hội. Cho dù những người theo chủ nghĩa xã hội có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, dường như họ đã không thành công trong việc thuyết phục đám đông quần chúng là hãy đứng lên để giành lấy những phương tiện sản xuất ở trong nước, tức là để làm chủ nền kinh tế.

Sự khốc liệt của Đệ Nhất Thế Chiến đã trở thành nguồn cảm hứng cho Mussolini. Ông quyết từ bỏ xã hội chủ nghĩa để phát triển một lý thuyết chính trị mới từ bỏ khái niệm của tự do dân chủ là bảo vệ sự công bằng trong xã hội. Mussolini tin rằng một vài lãnh tụ có thể vung tay để đưa một quốc gia lên đường phát triển bằng cách chỉ huy những hành động của mọi cư dân khác trong xã hội. Những lãnh tụ đó phải biết tổ chức đám đông quần chúng giống như là ở trong quân đội vào thời chiến (tức là mọi người nhất nhất tuân theo vị chỉ huy), và thẳng tay đàn áp tất cả những kẻ đối lập, và giành quyền kiểm soát nền kinh tế trong nước để cho những nhà doanh thương và các chính trị gia cùng bắt tay làm việc chung. Và cứ theo cái lý luận như vậy, cái nhóm những lãnh tụ đó sẽ đề ra một nhân vật duy nhất lên ngôi vị lãnh tụ tối cao, sau này sẽ trở thành một nhà độc tài đầy quyền lực. Để lôi kéo và biến những người dân cuồng tín và trung thành này thành một bộ máy hữu hiệu, họ bèn chụp mũ và lên án tất cả những đối thủ thành “phe kia” để cho tất cả những người bên “phe mình” đều phải thù ghét.

Nước Ý đã chấp nhận chủ nghĩa phát xít vào lúc ấy, khi Mussolini đã tạo cảm hứng cho nhiều lãnh tụ khác, đặc biệt là Adolf Hitler của Đức. Những lãnh tụ này sau đó đã nghĩ rằng cái hệ thống chính quyền họ đang tạo dựng là lý tưởng chính trị thích hợp cho tương lai, và nghĩ rằng họ có thể “dứt điểm một lần cho xong” cái hệ thống chính trị của tự do dân chủ mà họ cho là hỗn loạn, thiếu hiệu quả và đang cản bước tiến của họ.

Và nước Mỹ đã tham dự vào Đệ Nhị Thế Chiến để bảo vệ nền tự do dân chủ trước sự uy hiếp của chủ nghĩa phát xít. Trong lúc chủ nghĩa phát xít tìm cách duy trì những thứ tự quyền hành theo sự phân chia giai cấp, thì một thể chế tự do dân chủ kêu gọi mọi người trong xã hội hãy xem nhau như là đều bình đẳng. Trong hơn 16 triệu người Mỹ đã tham dự trong Đệ Nhị Thế Chiên, đã có hơn 1.2 triệu người Mỹ da đen, hơn 500,000 người gốc La-tinh, và hơn 550,000 người gốc Do Thái đều là những người đã phục vụ trong quân đội Mỹ. 

Trong số đó, những người Mỹ gốc bản địa (Native Americans), thường bị gọi là Mỹ gốc da đỏ, chiếm một tỉ lệ cao nhất hơn tất cả những sắc dân khác đã phục vụ trong quân đội, với hơn 1/3 những người Mỹ gốc bản địa từ 18 tuổi trở lên đã tham chiến, trong số đó có 25,000 quân nhân phục vụ trong ngành truyền tin, và đã chế ra một hệ thống truyền tin bằng mật mã đặc biệt từ ngôn ngữ riêng của các bộ tộc họ, và điều này đã khiến cho quân đội đối phương không thể nào phá được bí mật của hệ thống truyền tin bằng mật mã này của quân đội Mỹ.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin Delano Roosevelt thuộc đảng Dân Chủ, đã nhiều lần nhấn mạnh cho mọi người dân biết rằng cuộc chiến vào lúc đó là để bảo vệ sự sống còn của thể chế tự do dân chủ. Những người phát xít hô hào rằng họ đang đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, và đưa ra một vài thí dụ để khoe khoang, chẳng hạn như nói rằng tại các nước họ, những chiếc xe lửa đều khởi hành đúng giờ, dù rằng trong thực tế điều này không đúng. Ngược lại, TT Roosevelt còn luôn luôn chế giễu bằng cách đưa ra hình ảnh rất nhiều người dân tại hai nước Ý và Đức mỗi khi gặp những đoàn quân của các nước tự do đi ngang qua đều thường xuyên chạy ra để van xin để được cấp cho thức ăn, nước uống và chỗ tạm trú an toàn.

Nói cho cùng, cuộc chiến đấu giữa chủ nghĩa phát xít và chế độ tự do dân chủ là câu hỏi về sự bình đẳng trong xã hội. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ đã từng viết rõ rằng mọi người chúng ta trong xã hội đều được sinh ra bình đẳng như nhau; chứ nó đâu có hề viết rằng một số người được sinh ra là để chỉ huy, lãnh đạo trong khi những người còn lại là phải biết phục tùng theo ý muốn của kẻ bề trên?

Chế độ tự do dân chủ, mà TT Roosevelt đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại cho mọi người dân Mỹ, là một lựa chọn tốt nhất trong việc tạo dựng một chính quyền. Chính nhờ sự tham dự của các lực lượng quân đội khắp nơi quy tụ mọi quân nhân nam nữ thuộc đủ mọi sắc tộc và màu da, mà phe các nước trong khối Đồng Minh đã đánh bại được phong trào phát xít, và có lúc người ta tưởng rằng thể chế tự do dân chủ sẽ tiếp tục ngự trị mãi trên toàn cầu.

Cho dù là những hình ảnh và kinh nghiệm đau thương của Đệ Nhị Thế Chiến đã nhắc nhở người dân Mỹ là hãy theo đuổi một xã hội công bằng và hội nhập mọi sắc dân khác nhau để cùng thăng tiến, nhưng vẫn còn có nhiều lãnh tụ ngoan cố và thủ cựu lúc nào cũng đưa ra những lời cảnh báo với khối dân ủng hộ họ rằng những kẻ khác màu da, giới phụ nữ và những thành phần thiểu số khác phải được coi như là mối nguy cho quyền lợi của họ. Những lãnh tụ có đầu óc phản động này đã lợi dụng sự sợ hãi vô lý đó để tìm cách nắm giữ chính quyền, và loại bỏ dần tất cả những đạo luật tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng trong xã hội. Giờ đây, thể chế tự do dân chủ lại một lần nữa bị uy hiếp và tấn công bởi những kẻ mang đầu óc bệnh hoạn rằng có những giống dân sinh ra là đã thượng đẳng hơn các giống dân khác.

Đảng Cộng Hòa, với một lịch sử từng nổi tiếng và tốt đẹp, giờ đây đang rơi vào một cuộc xuống dốc tập thể bởi vì nó đã bị một đám đông theo cánh hữu chi phối và bắt làm con tin. Cái đảng Cộng Hòa hiện nay đã không ngại xếp hàng sau lưng ông cựu TT Donald Trump và đám nô tài của hắn, với tham vọng không dấu diếm là sẽ thay đổi một chế độ điều hành các công chức theo tinh thần phi đảng phái và độc lập, gọi là Civil Service, bằng một thể chế mới với tiêu chuẩn là chỉ tuyển dụng các viên chức vào chính quyền dựa trên sự trung thành với lãnh tụ. 

Họ quyết sử dụng Bộ Tư Pháp và quân đội Hoa Kỳ như là một công cụ để phục vụ cho quyền lợi cá nhân và phe phái để chống lại tất cả những người đối lập mà họ coi là kẻ thù. Họ đã không ngần ngại đưa ra lời cảnh báo là sẽ bỏ tù và trục xuất hàng chục triệu những di dân không giấy tờ và con em của họ ra khỏi nước Mỹ; họ sẽ gửi các lực lượng nhân viên công lực liên bang đến các thành phố do các vị dân cử phe Dân Chủ đang nắm quyền; họ sẽ ra các đạo luật ngăn cấm nhiều điều đối với những người theo Hồi giáo, họ sẽ bóp nghẹt tiếng nói của những người có quan niệm tình dục khác thường như là khối LGBTQ, họ sẽ truy tố những nhà báo đối lập, và họ sẽ chấm dứt quyền được phá thai của phụ nữ trên toàn quốc. 

Những kẻ đó sẽ áp đặt một thể chế chuyên quyền, độc đoán trong đó chỉ có một lãnh tụ tối cao và những nô tài trung thành nhất sẽ nắm quyền điều hành đất nước và mọi người dân trong nước đều phải tuân hành theo.

Liệu chúng ta, những người dân tại Hoa Kỳ, có thể cho phép những kẻ đó ra tay phá hủy thể chế tự do dân chủ của nước Mỹ hay chăng?

Khi nước Mỹ đã bị tấn công như trước khi xảy ra Đệ Nhị Thế Chiến, những công dân bình thường như anh quân nhân Doris Miller trong Hải Quân Hoa Kỳ đã không ngồi im để thấy điều đó có thể xảy ra. Cho dù là thể chế tự do dân chủ của nước Mỹ cũng còn có nhiều điều bất công và kỳ thị đối với anh vì thuộc thành phần da đen, nhưng cái xã hội và chế độ tự do dân chủ đó vẫn cho phép anh có cơ hội vươn lên dưới khái niệm về sự bình đẳng của nhân loại, và anh sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để bảo vệ nó. 

Doris Miller được sinh ra vào năm 1919, một thời điểm được xem như là rất đen tối với cơn dịch sẵn sàng cho treo cổ những người da đen bị tình nghi là phạm tội mà không cần phải qua tòa án để xét xử. Ba năm trước ngày anh được sinh ra, thành phố Waco nơi anh chào đời là nơi xảy ra một trong những vụ treo cổ tàn bạo nhất được ghi lại khi một thiếu niên 17 tuổi là Jessie Washington đã bị đốt sống ngay tại tiền đình của tòa thị chính Waco.  

Vào thời điểm của Đệ Nhị Thế Chiến, sự hy sinh và lòng can đảm của Doris Miller không được nhắc đến nhiều do bởi anh ta chỉ mang cấp bậc thấp nhất là Thuỷ Thủ Nhì và lại là người da đen. 

Tuy nhiên đến tháng 2 năm 1942, Doris Miller cũng đã được Đô Đốc Chester Nimitz trao tặng huy chương Navy Cross (tức là Anh Dũng Bội Tinh), huy chương cao quý nhất trong quân đội chỉ sau Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) do chính tay TT Hoa Kỳ trao tặng. Và Miller cũng là người lính da đen đầu tiên được trao tặng vinh dự cao quý với chiếc huy chương này.

Cũng như nhờ vào thành tích can đảm và anh hùng đáng nêu cao này nên hai năm sau đó, Hải Quân Hoa Kỳ đã quyết định mở khóa đầu tiên đào tạo những người da đen trở thành các tân sĩ quan phục vụ cho quân đội.

Sau đó, Doris Miller được thăng chức và lên làm đầu bếp, thay vì chỉ là một nhân viên quét dọn và lau chùi, và được bộ Hải Quân Hoa Kỳ mời tham dự trong một chuyến lưu diễn tại nhiều nơi kéo dài trong hai tháng để ca ngợi sự dấn thân can đảm và đáng khen, và cũng là dịp để kêu gọi dân chúng góp tiền mua công khố phiếu để giúp cho chính phủ có tiền trang trải chiến phí, và chiêu dụ nhiều thanh niên hãy gia nhập vào Hải quân.

Đô Đốc Chester Nimitz, Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân Mỹ vùng Thái Bình Dương, đang trao huy chương Navy Cross cho binh nhì Doris Miller vào ngày 27/2/1942. (Hình từ Library of Congress).

Doris Miller tiếp tục phục vụ Hải quân Mỹ trên nhiều chiến hạm khác, trong đó một chiến hạm lớn hơn là Hộ Tống Hạm Liscome Bay, với hơn 900 quân nhân phục vụ trên tàu. Nhưng rồi sau đó không lâu, chiến hạm này cũng đã bị tấn công dữ dội bởi quân đội Nhật vào ngày 24 tháng 11, 1943, bởi một quả thủy lôi bắn trúng đích khiến cho cả kho đạn trên chiến hạm nổ tung lên với hàng chục ngàn ga-lông xăng dầu bốc cháy đến nỗi nó bị đắm chìm xuống lòng đại dương chỉ 23 phút sau đó, khiến cho hơn 2/3 thủy thủ đoàn đều thiệt mạng gần như tan thây ngay trong giờ phút đầu. Con số gần 650 quân nhân hy sinh trên chiến hạm được coi như là một trong những thiệt hại lớn nhất trong ngày của Hải quân Mỹ, trong đó có cả anh Doris Miller, mà xác thân của họ cũng không bao giờ được tìm thấy lại được để được đưa về cho gia đình.

Sự hy sinh và mất mát to lớn này đã khiến cho người lính anh hùng đó không còn có cơ hội được nhìn thấy thành quả của mình và hàng chục triệu người khác đã tham chiến để giúp bảo vệ cho chế độ tự do dân chủ đánh bại được chủ nghĩa phát xít khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1945 với sự đầu hàng của nước Nhật.

Tuy nhiên, người dân và chính quyền Hoa Kỳ đã không quên ghi ơn anh quân nhân Doris Miller, cho dù là ngay lúc đầu, vẫn còn có nhiều chính khách không muốn trao tặng cho anh vinh hạnh cao quý nhất là huy chương Medal of Honor, tương tự như nhiều quân nhân khác (đa số là sĩ quan và tất cả đều là người da trắng) đã được tưởng thưởng vào lúc đó. 

Tại thành phố Waco ở Texas vốn là nơi anh chào đời, đã có một chi nhánh cơ quan YMCA, một công viên và một nghĩa địa được đặt tên theo anh. Riêng Hải Quân Hoa Kỳ cũng đã đặt tên anh cho một phòng ăn tập thể, một trại lính và một chiến hạm là Hộ tống hạm Miller, lần đầu tiên có một chiến hạm được mang tên của một quân nhân và là người Mỹ đen. 

Đến năm 2020, xảy ra cuộc đụng độ giữa TT Donald Trump và nhiều vị dân cử cũng như các viên chức và sĩ quan cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ liên quan đến việc có nên thay đổi tên của nhiều trại lính và căn cứ huấn luyện vốn mang tên của nhiều sĩ quan trước đây thời Nội Chiến Hoa Kỳ, trớ trêu thay, lại là những tướng lãnh của phe miền Nam vốn chủ trương duy trì chế độ nô lệ. 

Với tinh thần tiến triển theo trào lưu mới để thích hợp với hoàn cảnh hiện tại nhằm cổ võ cho chính sách hội nhập đa dạng và không đề cao tinh thần kỳ thị sắc tộc, đại đa số các vị dân cử và các sĩ quan tư lệnh trong quân đội cho rằng việc thay đổi tên các trại lính và căn cứ quân sự là điều nên làm, nhất là để vinh danh những quân nhân anh hùng đã có những thành tích can đảm, và sáng chói hơn nhiều so với các vị tướng lãnh thuộc phe Miền Nam Confederate đã thất bại trước đây. Nhưng chỉ có một người không đồng ý sự thay đổi, và tiếc thay, kẻ đó lại là người đang nắm chức vụ Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội: TT Donald Trump. 

Tuy vậy, cuối cùng thì Hải Quân Hoa Kỳ cũng đã quyết định đặt tên cho một hàng không mẫu hạm thuộc đời mới (đời Gerald Ford-class) rất tối tân có tên là Doris Miller, sẽ bắt đầu khởi sự vào năm 2026, rồi sau đó được hạ thủy vào năm 2029 trước khi được đưa vào hoạt động trong Hải quân Mỹ vào năm 2032. Trong lịch sử Hoa Kỳ, các hàng không mẫu hạm thường đặt tên theo các vị tổng thống, nên đây cũng là một vinh dự rất to lớn, vì chưa bao giờ có một quân nhân cấp thấp là binh nhì, và lại là người Mỹ đen, nhưng lại được lựa chọn để trao tặng vinh hạnh này.  

Giờ đây, chúng ta thường hay nghe nói đến việc chế độ tự do dân chủ tại Hoa Kỳ có thể bị lung lay hoặc bị đánh ngã và những kẻ có đầu óc phản động và tinh thần phát xít sẽ lên ngôi. Điều này cũng có thể xảy ra lắm nếu như đó là vận mệnh của nước Mỹ đã đến hồi suy tàn. Tuy nhiên, cái hay, cái đẹp của hệ thống chính trị mà chúng ta đang được thừa hưởng từ nó đã cho chúng ta có được những người dân can đảm và dấn thân như Doris Miller. 

Hoặc còn hay hơn nữa, cái thể chế tự do dân chủ đó còn có thể biến nhiều người dân chúng ta trở thành những người như Doris Miller.

Mai Loan

Houston, Texas 17/12/2023

anhtuantaberd74@gmail.com

Tái bút:

Bài viết cũng đã khá dài, nhưng xin cho phép được viết thêm lời kết. 

Riêng với cộng đồng nhỏ bé của những người Việt tị nạn hoặc định cư tại Hoa Kỳ, do ảnh hưởng của tinh thần “cuồng Trump” và những chính khách bảo thủ cực hữu có đầu óc ‘da trắng thượng đẳng’ trong những năm gần đây, nên họ cũng quay sang bắt chước thái độ này bằng cách chê bai, miệt thị, hạ phẩm giá của người da đen, với những lời lẽ như là sẵn sàng bắn chết bọn da đen mỗi khi nó biểu tình, đập phá, hôi của v.v., cũng như không ngần ngại gọi họ bằng những từ ngữ miệt thị như là “thằng mọi da đen” cho dù người đó đã được bầu vào chức vụ tổng thống Mỹ, không biết là những người Việt đó có cảm thấy xấu hổ hay không trước những câu chuyện như của anh binh nhì Doris Miller? Nếu không có sự hy sinh can đảm của những người da đen anh hùng này thì chưa chắc gì nước Mỹ có còn vững mạnh như sau này để cho những người Việt đó có cơ hội được định cư và nói lên những lời lẽ vô ơn đáng trách đó. 

Link tham khảo:

https://www.navytimes.com/military-honor/salute-veterans/2019/11/01/how-dorie-millers-bravery-helped-fight-bigotry-in-the-navy/