“Bản án này không thể hiện tính nhân đạo mà thể hiện tính tàn bạo và man rợ của pháp luật đối với người bị kết án…”
Cali Today News – Hôm 26/5/2016, Tòa án thị xã La Gi (Bình Thuận) mở phiên xét xử 4/46 người vượt biển sang Úc vào ngày 1/7/2015. Bản án đã tuyên bố: bà Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam, bà Huỳnh Thị Kiều 27 tháng từ giam, ông Nguyễn Đình Quý (chồng bà Kiều) 24 tháng tù giam và ông Nguyễn Minh Quyết 24 tháng tù giam. Điều đáng nói là cả 46 người này ngay sau bị bắt buộc phải về lại Việt Nam, phía Chính phủ Úc cũng như đại diện phía chính phủ Việt Nam có lời cam kết là không bắt tù tội nhưng nay có 4 người lại bị đem ra xét xử và bỏ tù …
Bản án thể hiện tính tàn bạo, man rợ
Theo bà Trần Thị Lụa, một trong 4 người bị đem ra xét xử là vì căn cứ vào cáo trạng của viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, họ là những người cầm đầu, tổ chức người vượt biển trái phép theo quy định tại khoản 1 Điều 275 Bộ luật hình sự, có mức án tù quy định từ 2 đến 7 năm.
Theo bà Lụa, vì lý do bệnh tật nên được cho tại ngoại và sẽ chấp hành án sau, cho Cali Today biết như sau: Do hoàn cảnh cuộc sống ở Việt Nam khó khăn nên bà cùng 45 người khác chung góp tiền bạc đặng mua sắm đồ đạc chuẩn bị chuyến thuyền tìm sang Úc làm ăn mong được đổi đời. Xuất phát vào ngày 1/7/2015, trải qua 21 ngày vượt biển thì thuyền của họ bị phía chính phủ Úc bắt giữ và sau đó là ngày 26/7/2015, trao trả về phía Việt Nam với lời cam kết:
“Tôi và mọi người đều nghe hết. Ở Úc, chính phủ Úc có nói với chúng tôi là: Chính phủ Úc cam kết, Chính phủ Việt Nam cam kết với chúng tôi (chính phủ Úc) sẽ không bắt bớ, không tù đày, sẽ đưa anh, chị, em về lại Việt Nam sinh sống, hòa hợp với cộng đồng, làm ăn và sinh sống tại Việt Nam. Sau này, anh, chị, em có khó khăn gì sẽ có chính phủ Việt Nam giúp đỡ cho anh, chị, em. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, phía Việt Nam có một nữ an ninh ở bên cục xuất nhập cảnh cũng nói như trên. Cũng nói là: Thay mặt chính phủ Việt Nam, chúng tôi đến đây đón 46 thành viên đưa anh chị về tận nhà”.
Song, theo bà Lụa, có 4 người không được phía công an, an ninh Việt Nam đưa về nhà mình mà đưa về nhà tù và giờ là kêu án. Bà Lụa ở tù khoảng 2 tháng thì bệnh nên được cho tại ngoại. 42 người còn lại không bị khởi tố vì lý do mà phía tòa án đưa ra là Chính phủ Việt Nam chỉ cam kết cho 42 người này không ở tù, không bị bắt. Bà Lụa không đồng ý với lời của tòa án, bởi khi trao trả cho phía Việt Nam, phía Úc trao trả và lời cam kết trước tổng cộng 46 người trong đó có 4 người bị kết án. Bà Lụa nói:
“Chính phủ Úc cam kết và trao trả với phía đại diện chính phủ Việt Nam là 46 người chứ ai trả 42 người, còn 4 người thì ở đâu. Nếu nói, chúng tôi (phía Việt Nam) đến đây chỉ nhận 42 người thôi còn 4 người phía chính phủ Úc giữ lại đi. Sao không nói từ đầu để phía chính phủ Úc giữ chúng tôi lại luôn”.
Bà Lụa, bà Huỳnh Thị Kiều, ông Nguyễn Đình Quý và ông Nguyễn Minh Quyết là những người bị cho là chủ chốt và đứng tổ chức người đi vượt biển nên bị kết án. Bà Lụa cho đây là một bất công bởi việc làm của 4 người không mang tính lợi nhuận thậm chí 4 người này còn bỏ một số tiền nhiều hơn ở chuyến đi vượt biển. Chưa nói là tàu cũng cần có người đứng ra lái, người đứng ra mua dầu, muối, không cho đây là tổ chức nhưng phía tòa án đã bác bỏ.
Theo lời bà Lụa thuật lại, phía tòa án đã nói: “Chị đứng ra kêu gọi, rủ rê những người khác anh, chị, em dòng họ, bà con là chứng thực chị đã tổ chức rồi. Họ nói vậy thì mình nói sao được nữa.”
Bản án đã đưa ra, tù giam cho từng người.
“Cô 30 tháng, bà Kiều 27 tháng, hai người đàn ông kia (ông Qúy và ông Quyết) mỗi người 24 tháng. Ông Quyết bị què chân nghe án xong xỉu luôn. Người ta đã què chân giờ không biết sao đi tù.”
Điều đặc biệt, ngoài ông Quyết bị bại liệt cả 2 chân bị phạt 24 tháng tù giam thì vợ chồng ông Quý, bà Kiều đang nuôi 3 con nhỏ cũng bị phạt tổng cộng gần 5 năm tù giam. Ngay sau bản án đã tuyên, trang Facebook Đôn An Võ được mà dư luận cho là có thể của luật sư Võ An Đôn, người bào chữa pháp lý cho các bị cáo đã đăng một status đánh giá:
“Bản án này không thể hiện tính nhân đạo mà thể hiện tính tàn bạo và man rợ của pháp luật đối với người bị kết án.”
Ngoài ra, Công văn số 434/CV/VKS-HS của Viện KSND Tỉnh Bình Thuận. Viện KSND thị xã La Gi gửi Cơ quan công an thị xã La Gi nói đây là vụ án điểm, được Thị ủy quan tâm, chỉ đạo và hơn nữa vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Do vậy, để phục vụ công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, cũng như để tránh việc thông cung giữa bi can với các bị can khác hoặc những người liên quan khác, Viện KSND thị xã La Gi không đồng ý thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Nguyễn Đình Qúy.
Mong được án treo để lo cho tương lai con cái.
Chia sẻ với Cali Today, bà Lụa cho biết, trước khi bà cùng 45 người còn lại quyết định vượt biển sang Úc kiếm đường làm ăn hẳn không ai nghĩ mình làm vậy là vi phạm pháp luật. Cũng không nghĩ sẽ bị phía Úc bắt rồi trả về lại Việt Nam để nhận bản án tù. Trước tòa, bà Lụa đã nói như vậy. Lời bà Lụa:
“Không. Đâu có nghĩ mình bị tù tội gì. Nếu biết mình bị tù tội vậy thì đi làm gì? Cô có nói trước tòa; tụi tôi đi là chỉ biết cắm đầu mà đi thôi chứ có biết hướng nào. Cứ nghĩ qua bên ấy ai thuê gì tụi tôi làm nấy chứ biết phạm tội thì tụi tôi đi làm gì? Tụi tôi đâu có đi. Cũng không nghĩ đến chuyện bị người ta bắt rồi trả về lại.”
Bản thân bà Lụa có 3 người con. Đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất khoảng 3, 4 tuổi nếu giờ đi tù thì bà không biết con cái của mình sẽ sống ra sao? Đáng nói hơn, có trường hợp hai gia đình có 8 người con. Cha mẹ đi tù hết thì 8 người con này ai lo cho học hành, tương lai sẽ ra sao? Căn cứ theo Quyền trẻ em thì:
“Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.”
Bà Lụa còn nói thêm, tội thì có nhưng Nhà nước Việt Nam nhân đạo thì suy xét sao cho các bị cáo một mức án nhẹ hoặc mức án treo cũng đủ sức răn đe các bị cáo lần sau không tái phạm và cũng đặng để các bị cáo được tiếp tục đường làm ăn, lo toan cuộc sống gia đình. Thật xót xa. Song, tòa vẫn tuyên án.
Lời bà Lụa: “Nặng. Nói chung mình không phải tội gì mà họ kết cho mình bản án nặng nề như vậy. Cô rất không đồng ý. Oan ức”
Theo thông tin báo đài gần đây phản ánh, Chính phủ Úc đã dùng chính sách cứng rắn đối với những người vượt biển đến Úc để tìm kiếm tị nạn. Khi bị bắt giữ, những người này sẽ bị chính phủ Úc buộc phải hồi hương hoặc sẽ bị giam giữ trong các trại tù, nơi có điều kiện sinh sống tồi tệ. Không tính trường hợp 46 người vượt biển trong vụ án này thì vào khoảng thời gian trước, có không ít người Việt bị phía chính phủ Úc buộc phải hồi hương.
Trở lại phiên xét xử 4 người vượt biển sang Úc. Theo BBC, trước khi phiên tòa diễn ra, bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Úc của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói trong một thông cáo:
“Việt nam đã trắng trợn nuốt lời hứa với chính phủ Úc về việc không truy tố những thuyền nhân bị trả về,”
Còn tổ chức Human Rights Watch nói về tình trạng của những người vượt biên này sau khi bị trao trả.
“Chính quyền Việt Nam xét xử bốn bị can về tội rời khỏi Việt Nam trái phép, tức là vi phạm quyền cơ bản của họ về tự do rời khỏi đất nước theo công pháp quốc tế,” Bà Pearson của Tổ chức Human Rights Watch nói.
Được biết, hiện tại cả 4 bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo. Khi được hỏi bản thân mong muốn điều gì ở bản án này, bà Lụa nói:
“Cô mong muốn làm sao Chính phủ Việt Nam mở lòng bác ái, nhân đạo để làm sao những người như cô được án treo để cho họ có cuộc sống, chồng đi làm ăn lo vợ, lo con, còn vợ ở nhà thì lo con để tránh sau này nếu lỡ cha mẹ tụi nó đi tù về rồi thấy con cái sa vào cái tội. Xã hội ngày nay nhiều cái tội lỗi lắm. Sợ khi về, con cái của họ đã sa vào tội lỗi rồi.”
Ngoài ra, bà Lụa còn mong muốn các báo đài như Cali Today lên tiếng giúp đỡ để tiếng nói những người như bà hiện tại đang bị đối xử tồi tệ, bị giam tù được thấu đến tai những người nằm trong chính quyền nhà nước Việt Nam./.
THIÊN HÀ
ảnh: Đôn An Võ