Thursday, March 28, 2024

Vì sao TT Phúc lo sợ ‘các thế lực lợi dụng chống phá ta về tự do tôn giáo’?

Thường Sơn

(VNTB) – “Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế” là phát biểu của  thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ vờ’ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp mặt với chức sắc, chức việc tôn giáo diễn ra vào ngày 9/8/2019 ở thành phố Đà Nẵng.

Có thể cho đây là một trong những lần hiếm hoi Thủ tướng Phúc đề cập đến khía cạnh tự do tôn giáo, còn trước đó ông ta thường chỉ trích các thế lực thù địch can thiệp vào dân chủ và nhân quyền. 

Đáng chú ý, trước cuộc gặp trên của Thủ tướng Phúc đã có một sự kiện quốc tế về tự do tôn giáo gây ấn tượng về chiều sâu của nó: Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo từ 16-18/7/2019 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quy tụ ngoại trưởng của 100 quốc gia và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, với thông điệp kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo toàn cầu.

Bên cạnh hội nghị trên, Tổng thống Trump đã tiếp đón nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam là Mục sư Tin Lành A Ga – một người Thượng Tây Nguyên, và đạo hữu Lương Xuân Dương – một tín đồ Cao Đài nằm trong nhóm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo. Cuộc tiếp đón này diễn ra bên cạnh Cuộc tiếp đón trên được mô tả “Tổng thống Trump hỏi thăm ghi nhận của họ về tình hình tự do tôn giáo tại các nước và ông chăm chú lắng nghe những chia sẻ”.

Đó là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhà kinh doanh Donald Trump có một biểu lộ về mối quan tâm của ông đối với nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng. Kể từ thời điểm đó, Trump có vẻ quan tâm đến cả chủ đề cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông phản đối luật dẫn độ và phản đối Trung Quốc – điều mà trước đó ông không hề chú ý.

Sự kiện Tổng thống Trump gặp những nhà đấu tranh tự do tôn giáo Việt Nam đã bị giới dư luận viên của đảng CSVN chỉ trích với giọng điệu cay cú, hằn học và bất lực.

Cùng lúc, thái độ nhấn mạnh đến vấn đề tự do tôn giáo của Thủ tướng Phúc đã cho thấy giới chóp bu Việt Nam đang có cái để lo lắng: tiếng nói của các tổ chức quốc tế về tình trạng các tôn giáo ly khai bị đàn áp nặng nề ở Việt Nam rõ ràng đang có tác động ngày càng lớn đến Tổng thống Hoa Kỳ.

Hầu như năm nào Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng phải nhắc lại: “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước. Những tổ chức tôn giáo không xin phép chính phủ để hoạt động phải đối mặt với những rủi ro là bị chính quyền địa phương đe dọa và quấy nhiễu”. Những bản báo cáo này cũng cho biết ở Việt Nam vẫn còn khoảng 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, rất nhiều người trong số này bị giam giữ vì lý do đức tin tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. Những tù nhân đã được trả tự do hiện vẫn phải đối mặt với những truy bức từ phía chính quyền.

Kiến nghị đáng chú ý nhất của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ là chính phủ Mỹ sử dụng danh sách các quốc gia được quan tâm đặc biệt của Bộ Tài chính và từ chối cấp visa đối với những cá nhân và cơ quan vi phạm quyền con người, bao gồm vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Và đưa Việt Nam vào lại Danh sách CPC (Countries of Particular Concern) –  là Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Kể từ năm 2006 khi được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, giờ đây chính thể Việt Nam đang gần với triển vọng “tái hòa nhập” CPC hơn bao giờ hết. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam và cả thể chế cầm quyền – vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm – sẽ càng dễ sa chân sụp đổ.

Cái nhìn của Trump đối với hoạt động chính trị, tự do tôn giáo và có thể cả với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đang thay đổi. Thay đổi theo chiều hướng mà giới đấu tranh dân chủ nhân quyền có thể bằng vào đó để có được niềm hy vọng lớn hơn về sức ép của chính phủ Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam trong thời gian tới về cải thiện nhân quyền.

Nhưng sự thay đổi trên lại chính là điều mà những quan lại cao cấp như Thủ tướng Phúc lo sợ. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img