Thursday, March 28, 2024

TT Thiệu từ chối yêu cầu của Mỹ kéo dài cuộc HQ Hạ Lào 1971«LS.719.3»-Đào Văn

Đào Văn

Cali today NewsTS Kissinger:  Chúng tôi e rằng khả năng của QLVNCH không những không đủ để hoàn thành sứ mệnh mà còn quá yếu đến mức có thể bị thất bại.

TS Kissinger: Chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang nghĩ đến việc rút khỏi Lào trong tháng 3 – Vì lý do này, tôi muốn ông Đại sứ  tìm hiểu quan điểm của ông Thiệu liên quan đến thời gian hoạt động của Lam Sơn 719.
TS Kissinger: Chúng tôi cho rằng Lam Sơn 719 sẽ hoạt động tốt vào tháng 4, và việc rút quân dự kiến vào khoảng thời gian trước khi kết thúc chiến dịch mùa khô này – là cơ hội cuối cùng của chúng ta để đạt được lợi ích tầm xa.
Tướng Haig: Tướng Abrams  và Tướng Southerland thúc giục miền Nam Việt Nam tăng cường  sư đoàn thứ hai của QLVNCH vào trận địa. Tổng thống Thiệu và Tướng Lãm từ chối
BNG: Học Thuyết Nixon năm 1969 đề ra chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh – thực hiện những bước tiến  nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Tiếp theo bài viết trước về  Kế hoạch Hành quân Hạ Lào của Mỹ, bài  viết này liên quan đến việc TT Thiệu  từ chối kéo dài cuộc  hành quân Lam Sơn 719 theo yêu cầu của Mỹ…

 

 Hoa Kỳ lo ngại  thay đổi kế hoạch hành quân

BNG – Washington, điện văn ngày 1 tháng 3 năm 1971 (TS Kissinger gửi ĐS Bunker) – Kể từ khi cuộc hành quân được bắt đầu, Tổng thống đã nhận được các báo cáo về hàng loạt sửa đổi kế hoạch do những khó khăn mà QLVNCH đã phải đương đầu, đã không phù hợp với các dự tính. Cụ thể, dựa vào các điểm sau:

 (1) Ban đầu, Tổng thống đã được thông báo ngắn gọn rằng các lực lượng QLVNCH sẽ chiếm Tchepone từ 4 đến 5 ngày.

(2) Vào ngày 15 tháng 2, ông được thông báo rằng thời tiết, vấn đề tiếp tế, điều kiện trên Đường 9 và sự kháng cự của kẻ thù làm  trì hoãn việc tiến đến  mục tiêu trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 ngày.

(3) Kế đến, Tổng thống được thông báo rằng Tchepone ít quan trọng hơn vì tất cả các tuyến đường đi qua Tchepone đều bị cắt về phía Đông Nam của Tchepone.

(4) Sau đó, Tổng thống được thông báo rằng một kế hoạch sửa đổi sẽ được tiến hành, trong đó có hai trung đoàn tấn công trên  trục Đông Bắc dọc theo Đường 914 và khu đất cao ở phía Bắc  mục tiêu chiếm Tchepone.

 

 Kể từ khi nhận được thông tin về các phương án tiếp cận khác nhau này, trên thực tế cho thấy đã không xác định khả năng để thực hiện cuộc hành quân. Điều này dẫn đến những lo ngại ở đây  (Washington) về triển vọng hoạt động chung. Một yếu tố khác khiến tôi rất quan tâm là năng lực hạn chế của QLVNCH trong  cuộc hành quân này vào thời điểm mà kẻ thù rõ ràng đã dốc toàn lực.

 

Chúng tôi e rằng khả năng của QLVNCH không những không đủ để hoàn thành sứ mệnh mà còn quá yếu đến mức có thể bị thất bại. Nếu điều đó xảy ra, và nếu QLVNCH phải rút lui, cơ bản là sẽ không có gì thay đổi – khi cho  rằng thương vong về phía Hà Nội còn nặng hơn chúng ta. Các điều này sẽ không giúp ích gì, vì sẽ không có cơ sở để hoạch định cho một trận chiến khác.

 

Để giúp Tổng thống  nắm bắt đầy đủ về triển vọng của cuộc hành quân Hạ Lào, trên cơ sở cá nhân tôi rất biết ơn khi được ông đánh giá thẳng thắn về triển vọng thành công và khả năng tổng thể của QLVNCH nhằm hoàn thành sứ mệnh mà họ đã đảm nhận. Cụ thể, các điều  tôi  muốn biết là:

– QLVNCH thực sự chiến đấu tốt như thế nào;

– Một cách hợp lý  chúng ta có thể mong đợi  đạt được những gì;

– Người miền Nam thực sự nghĩ gì;

– Và cuối cùng cá nhân Thiệu nghĩ gì về cuộc hành quân.

 

Tôi yêu cầu đánh giá này không có ý định gây áp lực cho ông hoặc Tướng Abrams về những gì cần phải hoàn thành,  mà là để nhận được từ ông sự đánh giá thẳng thắn nhất hiện có để Tổng thống có thể giải quyết tốt nhất mọi khó khăn có thể phát sinh ở đây và để chuẩn bị đối phó cho những  khó khăn. Kissinger.  [1]

 

 Tòa Bạch Ốc lo ngại việc rút quân của TT Thiệu ảnh hưởng đến ” lợi ích tầm xa” của Mỹ.

Washington, Điện văn ngày 9 tháng 3 năm 1971. (TS Kissinger gửi ĐS Bunker) – Qua Tướng Abrams, chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang nghĩ đến việc rút khỏi Lào trong tháng 3 và hài lòng về  những vinh quang của họ sau khi chiếm giữ Tchepone. Vì lý do này, tôi muốn bạn tìm hiểu quan điểm của Tổng thống  Thiệu liên quan đến thời gian hoạt động của Lamson 719:

  1. Tất nhiên, chúng tôi chuẩn bị chấp nhận ý kiến của Tướng Abrams về thời gian hoạt động vì đó là yếu tố quyết định tuyệt đối, dựa trên đánh giá chung của ông về tình hình quân sự tại chỗ.
  2. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự cân nhắc nào khác ảnh hưởng đến quyết định rút quân sớm của lực lượng QLVNCH, chúng tôi muốn người ta hiểu rõ rằng theo quan điểm của chúng tôi, đây là cơ hội cuối cùng mà QLVNCH nhận được bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào của Hoa Kỳ trên quy mô hiện nay. Do đó, đây có thể cũng cơ hội cuối cùng của chúng ta để đạt được lợi ích tầm xa đáng kể từ các hoạt động tấn công mạnh mẽ chống lại kẻ thù -this may be our last opportunity to achieve a significant long-range benefit from large offensive operations against the enemy. Bạn có thể đoan chắc  rằng không có ấn định thời hạn về  việc hỗ trợ của Hoa Kỳ làm ảnh hưởng đến thời hạn của hoạt động hiện tại.

 

Tôi mong các ông  hãy gặp Thiệu và nói rõ  với ông ta rằng, nếu điều kiện quân sự cho phép, chúng tôi cho rằng Lam Sơn 719 sẽ hoạt động tốt vào tháng 4, và việc rút quân dự kiến vào khoảng thời gian trước khi kết thúc chiến dịch mùa khô này.

 

Thiệu nên hiểu rằng từ bây giờ ông ta sẽ nhận  sự hỗ trợ về việc cung cấp các khí tài cần thiết của Hoa Kỳ  cho mặt trận ở Lào và làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ một khi Tướng Abrams cho là khả thi. Theo quan điểm của chúng tôi, mỗi tuần QLVNCH ở lại Lào là một đòn giáng nặng nề vào khả năng tấn công của đối phương, không chỉ trong mùa khô này mà còn quan trọng hơn là cho những mùa tiếp theo. Hy vọng rằng Tổng thống Thiệu sẽ nhìn nhận tình hình từ cùng một quan điểm. Trân trọng.  Kissinger. [2]

 

 Tướng Haig đến Sài Gòn và Kế hoạch mùa khô tại vùng ĐNA

Sài Gòn, điện  văn ngày 16 tháng 3 năm 1971 (Tướng Haig gửi TS Kissinger) – Tôi đã gặp Đại sứ Bunker sáng nay trong hai giờ và thảo luận về mục đích chuyến thăm của tôi và nhận được quan điểm của ông ấy về những vấn đề:

 – Tình hình ở Lào và Campuchia;

–  Không khí chính trị của Chính phủ Việt Nam;

– Thái độ của Tổng thống Thiệu về các hoạt động xuyên biên giới;

– Thông báo về việc rút quân đội (Mỹ) và sáng kiến chính trị có thể có.

 

 Đại sứ Bunker nhiệt tình và tự tin về các hoạt động xuyên biên giới ở cả Lào và Campuchia. Ông tin rằng các cuộc hành quân qua Lào đã khiến đối phương bị tổn thương nặng nề do sự tổn thất  đối với sáu trong số mười trung đoàn của kẻ thù và sự gia tăng  tâm lý đối với  lực lượng QLVNCH, đặc biệt là trong những ngày gần đây. Như điều chúng tôi đã nghi ngờ, có sự miễn cưỡng và thận trọng ban đầu của một thành phần trong Chính phủ Việt Nam và của chính ông Thiệu. Về một  số lo ngại rằng những tổn thất của QLVNCH có thể   gây tác động có hại đến thế trận lâu dài của QLVNCH. Tuy nhiên, kể từ những tuần đầu tiên, sự thành công đã làm tăng thêm niềm tin cho QLVNCH. Sức mạnh không quân Hoa Kỳ đã phần lớn xua tan những nghi ngờ trước đó. Đại sứ báo cáo rằng Thiệu đã bị một số chỉ trích [1 đoạn văn bị cắt xén] sau khi  khởi động cuộc hành quân và đặc biệt là trong thời gian nó có vẻ sa lầy. Kể từ khi sự chỉ trích về Tchepone lắng xuống và hoạt động đang trở thành điểm cộng chính trị rõ ràng cho Thiệu. Đại sứ Bunker tin tưởng rằng Thiệu quyết tâm về cuộc hành quân qua Lào và dự đoán ông ta  sẽ tiếp tục  đến tháng 4, nhưng  nên tránh nêu ra thời gian biểu cụ thể. Đại sứ cũng tin tưởng rằng hoạt động tại Campuchia sẽ đạt hiệu quả trong những tuần tới.

 

Đại sứ Bunker rất nhiệt tình về các khả năng của kế hoạch  và sẽ cung cấp cho chúng tôi quan điểm của ông về thời gian và chi tiết của sáng kiến . Dù có hay không có sáng kiến chính trị, Tổng thống Thiệu sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc gặp với Tổng thống trước cuộc bầu cử năm nay của ông ta, và động lực tích cực có thể đạt được phản ánh thành công hơn nữa của chương trình Việt Nam hóa. Tôi sẽ gặp Đại tướng Abrams vào chiều nay và một lần nữa với Đại sứ Bunker vào tối nay.  Ngày mai tôi sẽ đi Campuchia. Vào thứ Năm, tôi sẽ đến thăm Quân đoàn I trở về vào thứ Sáu để gặp Tướng Davidson tại lực lượng dă chiến II.  Trân trọng. [3]

 

 Mỹ cảnh báo TT Thiệu về ” vết nứt cuối cùng”…

Washington, điện văn  ngày 18 tháng 3 năm 1971- (TS Kissinger gửi  Bunker) – Thật khó để phóng đại sự hoang mang và bối rối gây ra ở đây bởi kế hoạch điều động mới nhất của QLVNCH dự kiến một cuộc rút quân nhanh chóng khỏi Lào.  Tuần qua, chúng tôi đã nói sơ qua về giả định rằng chúng tôi đang tiến hành theo những trao đổi về cuộc trò chuyện mới nhất của bạn với Tổng thống Thiệu, qua đó dự kiến một cuộc rút quân chậm rãi qua Khu Căn cứ 611.

 

Tôi không muốn đi vào chi tiết của các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống không thể chịu đựng được trước những thay đổi liên tục về kế hoạch được thực hiện một cách đơn phương. Tổng thống sẽ lên truyền hình vào tối thứ Hai. Đến lúc đó chúng ta phải có một phương án  đã thống nhất. Từ đây, kế hoạch của tuần trước có vẻ thích hợp hơn. Như các ông đã biết, ban đầu chúng tôi chấp thuận mở chiến dịch  Lam Sơn làm gián đoạn nguồn cung cấp trong mùa khô. Vì lý do này, nên xem xét cẩn thận các hoạt động dọc theo Đường 914 và qua Khu căn cứ 611. Nhưng dù là kế hoạch nào thì chúng ta cũng phải là một phần của kế hoạch và phải được báo trước đầy đủ.

 

Tôi hy vọng ông Thiệu phải hiểu rằng niềm tin của Tổng thống (Nixon) dành cho ông ta không nên bị coi nhẹ và đây có thể là vết nứt cuối cùng của ông  ta trước sự ủng hộ  của Hoa Kỳ- this may be his last crack at massive U.S. support.[4]

 

 Tướng Haig: Tướng Abrams  và Tướng Southerland thúc giục VNCH tăng cường  sư đoàn thứ hai  vào trận địa – nhưng Tổng thống Thiệu từ chối

Sài Gòn, điện văn ngày 19 tháng 3 năm 1971 (Tướng Haig gửi TS Kissinger). Chuyến thăm Quân đoàn I bao gồm các cuộc thảo luận kéo dài với Tướng Southerland cũng như các cuộc gặp với Tướng Lãm,  Quân đoàn I QLVNCH, và Tướng Phú,  Sư đoàn I QLVNCH. Chuyến thăm đã xác nhận rằng QLVNCH hoàn toàn thiếu năng lực để tiếp tục chiến dịch Lam Sơn 719. Vì phải đối mặt với cuộc giao tranh kéo dài là yếu tố đã khiến cả hai vị chỉ huy Sư đoàn Dù và Sư đoàn I của QLVNCH quyết định đình chỉ các cuộc hành quân và rút quân về càng nhanh càng tốt. Tướng Lâm dường như không chịu nổi áp lực này.

 

Tôi đến Quân đoàn I sau một thời gian thời tiết đặc biệt xấu, trong đó các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 QLVNCH đóng trên khu đất cao phía Nam Đường 9 đang bị tấn công dữ dội và sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ chỉ có hiệu quả nhẹ. Trong giai đoạn này, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn đã bị đánh bại. Kết quả của hoạt động này lên đến đỉnh điểm là việc Tướng Phú và Tướng Lãm quyết định cho phép trung đoàn thứ hai của Sư đoàn rút khỏi Lào – việc di chuyển bắt đầu ngay sau khi trung đoàn đầu tiên được rút. Hôm qua, ngày 18 tháng 3, toàn bộ trung đoàn đầu tiên đã được rút đi và một tiểu đoàn của trung đoàn thứ hai cũng đã được di chuyển về miền Nam Việt Nam. Hành động này đã được thực hiện bất chấp những đảm bảo được đưa ra bởi Tướng  Southerland với Tướng Lãm nên duy trì tại các vị trí do trung đoàn thứ hai trấn giữ trên khu đất cao phía Nam Đường 9.

 

Lãm cũng đã ra lệnh bắt đầu rút Sư đoàn Dù  theo hướng Đông về phía biên giới. Rõ ràng là QLVNCH đã mất khả năng thực hiện cuộc hành quân xa hơn ở Lào, và vấn đề chính mà Tướng Abrams phải đối mặt hiện nay không phải là khiến QLVNCH ở lại, mà là làm sao  để họ rút quân một cách có trật tự. Kẻ thù hiện có 5 trung đoàn sẵn sàng tấn công tại phía bắc Đường 9 và dường như chúng cảm nhận được sự đối kháng của QLVNCH đang suy yếu. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, kẻ thù đã phải gánh chịu thương vong rất lớn.

 

Một trong những yếu tố phức tạp của tình hình hiện nay là hoạt động kém hiệu quả của Sư đoàn Dù QLVNCH ngay từ lúc khởi đầu vì thiếu tính quyết liệt. Chỉ huy của họ đã liên tục phàn nàn về sự hỗ trợ không đầy đủ với  cả Tướng Lâm và Tướng Southerland. Trong suốt tuần này, Tướng Abrams ở Sài Gòn và Tướng Southerland ở Quân đoàn đã thúc giục miền Nam Việt Nam tăng cường  sư đoàn thứ hai của QLVNCH vào trận địa. Tướng Lãm và rõ ràng là Tổng thống Thiệu, đã từ chối làm như vậy (urging South Vietnamese to reinforce operation by moving second ARVN … General Lam and apparently President Thieu, have refused to do so). Đêm qua, rõ ràng Tổng thống Thiệu đã gọi điện cho Tướng Lãm và thông báo rằng ông ta lệnh cho Sư đoàn Dù của QLVNCH trở  về  Sài Gòn ngay khi rút quân ra khỏi Lào. Mặc dù vậy, Tướng Lãm vẫn khẳng định sẽ tiến hành Giai đoạn IV của Lam Sơn 719 bằng cách theo dõi và điều động các lực lượng Dù và Sư đoàn I cùng các lực lượng thiết giáp dọc theo Đường 9, với một cuộc tấn công trên bộ do hai lữ đoàn thủy quân lục chiến tiến công qua phía Đông của Lào.  Cá nhân tôi có một số nghi ngờ điều này khi thực hiện với tình trạng hiện tại mà tôi đã quan sát thấy trong giới lãnh đạo của QLVNCH.

 

Theo quan điểm của tôi, tuần tới sẽ rất quan trọng, giới lãnh đạo QLVNCH phải chịu nhiều áp lực để lui quân về phía Đông theo cách có trật tự, phải tận dụng ưu thế của không quân Hoa Kỳ một cách khôn ngoan. Điều này có nghĩa là mỗi lần di chuyển chỉ  thực hiện được sau khi đã tập trung đầy đủ khí tài của Hoa Kỳ  chuẩn bị hỗ trợ cho việc di chuyển.  Chuyến thăm của tôi đến Quân đoàn I đã nhận ra rằng vấn đề bây giờ không phải là tính khả thi của việc tăng cường và duy trì ở Lào, mà là nhu cầu cấp thiết hỗ trợ  QLVNCH với  đầy đủ hỏa lực của Hoa Kỳ một cách có trật tự và đúng chiến thuật. Đối với tôi, áp lực hơn nữa đối với QLVNCH có nguy cơ không chỉ phá vỡ sự phối hợp cần thiết để đảm bảo việc rút quân có trật tự mà còn đe dọa làm rạn nứt nghiêm trọng quan hệ  giữa Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam .  Tôi rất tiếc vì tôi không thể cung cấp một báo cáo đáng khích lệ hơn nhưng tôi tin rằng đánh giá thẳng thắn này là điều cần thiết gửi đến ông. Tôi chưa thảo luận về thẩm định này với Đại tướng Abrams và Đại sứ Bunker nhưng sẽ làm như vậy vào chiều nay. Tạm thời, tôi đề nghị Washington chấm dứt gây áp lực về việc tăng viện hoặc trì hoãn việc rút quân khỏi Lào. Hiện nay nên tập trung nỗ lực vào việc cung cấp sự hỗ trợ tối đa của Hoa Kỳ bằng hỏa lực và cố gắng gây ảnh hưởng đến giới lãnh đạo QLVNCH để thực hiện cuộc lui binh một cách có trật tự và chuyên nghiệp. Việc lui quân về phía Đông với lực lượng TQLC  bảo vệ sẽ mất ít nhất mười ngày hoặc hai tuần.

 

Tướng Abrams, Đại sứ Bunker và tôi sẽ gặp Tổng thống Thiệu vào chiều nay, lúc đó vấn đề sẽ được thảo luận. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để củng cố quyết tâm của ông ta, tuy nhiên, sự thành công hạn chế sẽ tốt hơn nhiều so với thất bại nghiêm trọng của lực lượng QLVNCH tại Lào. Đây là những đánh giá sơ bộ  vào thời điểm này.  Lực lượng đối phương  rất mạnh dọc theo Đường 914 và tiếp tục tăng quân xung quanh Aloui ở phía bắc Đường 9. Trân trọng.[5]

 

 Đánh giá về tiến độ Việt Nam hóa chiến tranh

Washington, phúc trình  ngày 22 tháng 3 năm 1971 – (TS Kissinger gửi TT  Nixon) – Đính kèm tại Tab A2 là  điện văn  của Tướng Abrams đánh giá các hoạt động tại Lào và Campuchia. Sau đây là những đoạn chính bình luận về tiến bộ trong Việt Nam hóa chiến tranh, tác động lên lực lượng Hoa Kỳ, lợi ích đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng của đối phương và ảnh hưởng đến tiếp vận của đối phương trong chiến dịch Lào.

– Các hoạt động đã là một thử nghiệm quan trọng. Nam Việt Nam hoạt động mà không có cố vấn Hoa Kỳ, không có sự hiện diện của các đơn vị Hoa Kỳ trong phạm vi lân cận để có thể hỗ trợ nếu cần, và họ đã hoạt động  đồng thời với  cuộc hành quân lớn ở Campuchia trong khi đó họ tiếp tục hoạt động trên đất nước của họ.

– Người Nam Việt Nam đã tổ chức một cuộc hành quân gồm nhiều sư đoàn phức tạp trong điều kiện địa hình xa lạ khó khăn, thời tiết bất lợi để chống lại kẻ thù cho dù  được chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên quyết.

– Các lực lượng của VNCH đã thực hiện  tốt về mặt quân sự, đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra cho chính họ  khi phải đối mặt với kẻ thù kiên quyết nhất.

– Thành công không phải là không có tổn hại. Một số đơn vị phải cần một thời gian trang bị lại trước khi khôi phục lại khả năng chiến đấu, đồng thời  có những biểu hiện giảm sút tinh thần và thiếu sự tự tin tại một số đơn vị bị tổn thất nặng nề mà không đạt được kết quả đáng kể.

– Tuy nhiên, rất đáng khích lệ về dấu hiệu mạnh mẽ trong việc tiếp tục thực hiện mục tiêu Việt Nam hóa , v́ vậy hiện nay đang soạn thảo  kế hoạch nhằm  hướng tới các hoạt động tiếp theo ở Lào như một phần tiếp nối của Lam Sơn 719.

Việc QLVNCH có thể tổ chức  các hoạt động như vậy nói lên sự thành công của chương trình Việt Nam hóa. Ngoài ra, việc QLVNCH sẵn sàng tiến hành các cuộc hành quân xuyên biên giới phản ánh sự thay đổi đáng kể so với tư duy trước đây để hoàn toàn dành thế chủ động tấn công vào kẻ thù,  nên cho VNCH có thêm thời gian để củng cố an ninh nội bộ của họ.[6]

 

 Việt Nam hóa chiến tranh gây khó khăn cho TT Thiệu

Washington, điện văn  ngày 27 tháng 3 năm 1971. (TS Kissinger gửi ĐS Bunker) – Điện văn này gửi đến ông về  dự tính của Tổng thống liên quan đến thông báo rút quân tiếp theo. Tin tức  trong tài liệu này chỉ có Tổng thống và bản thân tôi biết và do đó, ông cần phải giữ kín tin tức này. Tôi hy vọng rằng Bộ trưởng Laird và Chủ tịch Tham Mưu Liên Quân, và Tướng Abrams, sẽ không được biết tin này cho đến  trước  ngày  Tổng thống loan báo.

Tổng thống sẽ  thông báo rút thêm 100.000 hoặc 104.000 quân Mỹ  cho đến hết ngày 1 tháng 12 năm 1971. Trước 48 giờ ngày 7 tháng 4 tại Washington, ông  Đại sứ sẽ thông báo cho Thiệu về quyết định này. Đồng thời, ông  có thể khuyên Thiệu rằng chúng tôi sẽ giữ lại hơn 200.000 quân ở miền Nam Việt Nam sau cuộc bầu cử của ông ấy và việc rút quân nhiều nhất sẽ được thực hiện vào cuối tháng 10 và tháng 11.  Đồng thời tổng thống có ý định họp mặt với Thiệu, nếu một cuộc họp như vậy được tổ chức,  sẽ bao gồm các  sự kiện sau:

– Vào ngày 7 tháng 4, Tổng thống sẽ công bố ý định rút 100.000 hoặc 104.000 quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam trước ngày 1 tháng 12 năm 1971.

– Thời gian vào tháng Bảy, Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu sẽ gặp nhau ở một nơi nào đó trong vùng Thái Bình Dương.

 

Tổng thống cũng tái khẳng định việc cung cấp yểm trợ không quân cho miền Nam Việt Nam trong tương lai vô hạn. Trước khi tiếp tục với kế hoạch này, tôi rất biết ơn quan điểm của ông trên cơ sở khẩn cấp về những điều sau:

  1. Thời gian và cách tiếp cận của ông về thông báo của Tổng thống Nixon với Tổng thống Thiệu.
  2. Mong muốn có một cuộc họp giữa hai  Tổng thống vào tháng 7, bao gồm ý kiến của ông về địa điểm, thời gian  và chương trình nghị sự cũng như các tin tức liên quan đến cuộc họp.

 

Tổng thống quyết tâm tiến hành việc công bố ít nhất 100.000 cho đến hết ngày 1 tháng 12 năm 1971. Con số này vượt quá tỷ lệ rút quân trong tờ trình gần đây của Tướng Abrams gửi cho Bộ trưởng Laird,  và chắc chắn sẽ đặt ra một số vấn đề chính trị khó khăn cho Tổng thống Thiệu. Do đó, chúng tôi cần sự khôn khéo của ông  tìm  cách hạn chế thiệt hại trong việc biện giải về quyết định của Tổng thống. Trân trọng, Kissinger. [7]

 

 Tin tức về cuộc hành quân Lam Sơn 719 bị tiết lộ.

Theo cuốn ” Perfect spy – Điệp viên hoàn hảo”  của tác giả  Larry berman, phổ biến bởi Vietmessenger, có đoạn văn cho biết phía Cộng quân đã biết  kế hoạch hành quân qua Lào…

“Việc vạch kế hoạch cho cuộc hành quân Lam Sơn 719 được bắt đầu từ tháng 11/1970. Khoảng tháng 1/1971 nhìn thấy được có sự gia tăng về các hoạt động quân sự nhằm chuẩn bị cho một hành động nào đó. Phạm Xuân Ẩn nhận được thông tin từ một trong số những nguồn tin của ông trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà về việc lên kế hoạch cho một trận tấn công sắp diễn ra qua biên giới. Theo kế hoạch, trận tấn công này sẽ phải được bắt đầu trước mùa mưa nhằm làm gián đoạn việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh trong một thời gian dài hơn nhiều so với sự gián đoạn bình thường của mùa mưa. Rechard Pyle và Horst Faas của Hãng tin Mỹ AP sau này đã viết: “Điệp viên của miền Bắc có mặt ở khắp nơi tại miền Nam. Từ những cô gái làm nghề dọn bàn trong tiệm rượu sau khi lính Mỹ nhậu nhẹt, đến những sĩ quan cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Họ có mặt cả trong giới báo chí Sài Gòn và, như sau này được biết, thậm chí ngay cả trong các sở chỉ huy tại Đà Nẵng của Quân đoàn Mắt thần – nơi vạch ra kế hoạch Lam Sơn 719 họ cũng có mặt”.

“Khi Phạm Xuân Ẩn đã chuẩn bị sẵn những báo cáo của mình để gửi đi, ông bước dọc một con phố đã hẹn trước trong lúc bà Nguyễn Thị Ba đang mang một khay đồ quần áo, trang sức. Bỗng bà đánh rơi, Phạm Xuân Ẩn dừng lại để giúp bà nhặt các đồ trang sức lên và chuyển cho bà tài liệu báo cáo. Cuối cùng, báo cáo này của Phạm Xuân Ẩn đã được chuyển tới Trung ương Cục Miền Nam. Lập tức, mọi công việc chuẩn bị đối phó với cuộc hành quân Lam Sơn 719 được tiến hành”. [8]

Học Thuyết Nixon

Năm 1969 Chính phủ Mỹ đề ra chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh, thực chất là kế hoạch rút quân đội  Mỹ ra khỏi vùng này. điều này  được ghi lại trong tiểu mục gọi là ” Học thuyết Nixon và phản ứng của người Á Châu -The Nixon Doctrine and the Asian reaction”. Trong đó viết Tổng thống đã tuyên bố vào năm 1970 rằng “Chắc chắn vì lợi ích của chúng tôi, cũng như lợi ích của hòa bình và ổn định ở châu Á và thế giới, chúng tôi thực hiện những bước tiến  nhằm   cải thiện quan hệ với Bắc Kinh – take what steps we can toward improved practical relations with Peking.” Theo:  FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES, 1969–1976, VOLUME XVII, CHINA, 1969–1972

 Chuyến du hành bí mật của Henry K. đến Bắc kinh

Cũng vào mùa hè năm 1971, và sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 kết thúc ( 27.3.1971) thì  hơn 3  tháng sau (9.7.1971) , TS Kissinger bí mật đến bắc Kinh để thực hiện …”Học thuyết Nixon 1970” nêu trên theo Tạp chí TIME ngày 26.7.1971 –  Kể từ thời điểm khởi hành, chuyến công du của Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger không công khai và báo chí  khó phát hiện lịch trình… Khi Kissinger chuyển từ Sài Gòn sang Thái Lan rồi đến Ấn Độ… Hai ngày rưỡi Kissinger mất tích và được cho là bị đau ốm ở Pakistan. Vào ngày 9 tháng 7, chính phủ Pakistan thông báo rằng Kissinger đã bị buộc phải ở lại Nathia Gali thêm một ngày vì bệnh hoạn. Nhưng  cũng trong ngày này, Kissinger được đưa đến sân bay ở Rawalpindi, cách Islamabad bảy dặm. Tại đây, ông ta  lên chiếc Boeing 707 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan đến Bắc Kinh.

 

Trưa ngày 9 tháng 7, Kissinger và các phụ tá của ông hạ cánh xuống một phi trường vắng vẻ ở ngoại ô Bắc Kinh. Họ đã được gặp Nguyên soái Yeh Chien-ying, một ủy viên cấp cao Bộ Chính trị và hai quan chức Bộ Ngoại giao. Lúc 4 giờ chiều, Chu Ân Lai  đến và các cuộc đàm phán nghiêm túc đang được tiến hành, và họ nói chuyện suốt bữa tối và thâu đêm.

 

Kissinger đã mang theo một tập tài liệu khổng lồ chứa các bản tuyên bố đã chuẩn bị sẵn và các giấy tờ về quan điểm của Nixon, Rogers và chính ông ta soạn thảo. Không có chương trình làm việc được sắp xếp trước. Câu chuyện  về chuyến thăm của Tổng thống chỉ là một trong nhiều nội dung được thảo luận. Hai thông dịch viên, một người ở Mỹ, người còn lại là người Trung Quốc theo học Harvard, đã dịch những lời của ông ta  cho Chu nghe. Nhưng đó là sự chuẩn bị  thừa thãi, vì Chu nói tiếng Anh trôi chảy và thỉnh thoảng còn sửa lời của người  thông dịch.[9]

 

Vào mùa hè 1971, khi chuyến đi Bắc Kinh được công khai trên báo chí, nội dung cuộc họp không được tiết lộ,  thời tại Sài gòn nhiều đồn đoán cho rằng cuộc hành quân Hạ Lào chẳng qua chỉ để làm giảm khả năng phòng thủ của QLVNCH để ép phía VNCH thực hiện theo ý muốn của Mỹ…

 

Về dòng chữ “cơ hội cuối cùng của chúng ta để đạt được lợi ích tầm xa đáng kể từ các hoạt động tấn công mạnh mẽ chống lại kẻ thù “ – cho dù phía  QLVNCH  đã thiệt hại nặng nề , nhưng phía Tòa Bạch Ốc :”  hãy gặp Thiệu và nói rõ  với ông ta rằng, Lam Sơn 719 sẽ hoạt động tốt vào tháng 4, và việc rút quân trước khi kết thúc chiến dịch mùa khô này.”  Phải chăng việc  TS Kisinger đến Bắc kinh ” ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC LỢI ÍCH TẦM XA” nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra trong học thuyết Nixon 1970 là  “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” , là thực hiện những bước tiến  nhằm   cải thiện quan hệ với Bắc Kinh” Nhưng việc ” Việt Nam hóa chiến tranh chẳng qua là  Hoa Kỳ muốn miền  Nam Việt Nam phải hy sinh đến người lính cuối cùng”?  (Media Defense Gov- Cali Today News 02.9.2022)

Còn tiếp (LS.719 còn 1 bài chót: Giám Đốc CIA phản bác cáo buộc…)

Đào Văn

Nguồn:

[1] BNG : Message From the President’s Assistant for NSA (Kissinger) to the Ambassador to ViN (Bunker)

[2] BNG : From the President’s Assistant for NSA(Kissinger)to the Ambassador to VN (Bunker)

[3] BNG: From the President’s Deputy Assistant for NSA(Haig) to the President’s Assistant for NSA (Kissinger)

[4] BNG: From the President’s Assistant for NSA(Kissinger) to the Ambassador to VN (Bunker)

[5] BNG :From the President’s Deputy Assistant for NSA (Haig) to the President’s Assistant for NSA(Kissinger)

[6]  BNG: From the President’s Assistant for NSA (Kissinger) to President Nixon

[7]  BNG: From the President’s Assistant for NSA(Kissinger) to the Ambassador to VN (Bunker)

[8] Vietmessenger: Larry Berman-Điệp Viên Hoàn Hảo

[9] Tạp chí TIME July 1971: The Nation: The Secret Voyage of Henry K.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img