Thursday, March 28, 2024

Tìm về Sơn Linh Tự: chứng kiến cảnh chùa bị chính quyền đập phá tan tành (Phần 1)

Tam Ân

(VNTB) – Tối ngày 16/1/2019, tôi nhận được một tin nhắn của một người Phật tử (xin được giấu tên) ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có nội dung: “Gần nhà mình có một ngôi chùa, sư thầy mới bị khối u trong dạ dày, trong lúc thầy đi mổ ở bệnh viện Huế, ở nhà, chính quyền thị trấn Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho người đến phá, trong lúc bệnh tật tết rồi ko biết ở đâu! Khổ quá nhà báo ơi!”. Ngoài ra người Phật tử này còn gởi cho tôi số điện thoại của vị sư thầy trụ trì. Và, rất nhiều hình ảnh, clip ngôi chùa sau khi bị đập phá chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn. Tất cả kinh kệ, tượng Phật, đồ đạc trong chùa đều bị chôn vùi.

Qua số điện thoại mà người Phật tử ấy cho, tôi dễ dàng kết nối được ngay với Thượng toạ Thích Đồng Quang – người trụ trì ngôi chùa. Trong tiếng thở dài, ông ấy kể cho tôi nghe nguyên nhân chính dẫn đến việc chính quyền thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi hơn 10 năm nay, liên tục sách nhiễu, hăm doạ sẽ “bứng” ngôi chùa Sơn Linh Tự của ông, chính là do “ông ăn ở không được lòng chính quyền sở tại”. Nói cách khác, là vị Thượng toạ này không chịu khuất phục chính quyền, cũng như “luồn cúi” ông sư quốc doanh Thích Quảng Xả – Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum. Cho nên, vào ngày 24/9/2018 vừa qua, ông Mai Văn Hữu – Phó Chủ tịch huyện Ngọc Hồi, đã ra quyết định đập phá ngôi chùa Sơn Linh Tự với lí do “xây dựng không xin phép”. Tuy nhiên, rất lạ kì, chính quyền lại “âm thầm nhẫn nại” chờ thời cơ ra tay, và họ đã đợi đến khi vị sư trụ trì đi chữa bệnh ở Huế thì liền xua quân thực hiện việc làm trời không dung đất không tha này.

Vẫn biết rằng, lâu nay, chính quyền nhiều tỉnh thành luôn đàn áp tất cả những tu sĩ của 5 tôn giáo có mặt ở Việt Nam, nếu như họ không chịu khuất phục chính quyền. Nhưng người viết vẫn muốn đích thân tận mắt chứng kiến, được gặp trực tiếp vị Thượng toạ đang phải gánh chịu khổ nạn, để nghe ông nói, sau khi nghe ông trình bày qua điện thoại. Hơn hết, là tôi muốn nghe người dân ở đó, những Phật tử ở đó nói gì, hầu mong có cái nhìn khách quan hơn để gởi đến quý vị về câu chuyện này. Cho nên, ngay trong đêm 16/1, tôi quyết định sẽ từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, vào ngày hôm sau.

Sáng ngày 17/1/2019, tôi đến bến xe Quảng Ngãi trễ, nên đã không còn kịp chuyến xe duy nhất trong ngày đi Ngọc Hồi. Tôi buộc lòng phải mua vé xe Quảng Ngãi đi Kon Tum lúc 12h30 xuất bến. Rồi từ Kon Tum sẽ đón xe đi Ngọc Hồi nếu còn xe hoặc ngược lại lại bị trễ xe, thì vị Thượng toạ sẽ nhờ người đón tôi.

Từ Quảng Ngãi muốn đến Kon Tum phải mất 5 giờ đồng hồ cho quảng đường ước chừng 200 cây số, theo QL24. Trong đó, hơn 4/5 là đường rừng, đèo. Có thể nói đây là cung đường nguy hiểm bậc nhất khi chúng ta đi từ những tỉnh duyên hải miền Trung lên những tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần. Tôi cũng đã vài lần đi trên cung đường này rồi, nhưng lần nào cũng vậy, đều cho tôi cảm giác lo sợ.

Từ bến xe Quảng Ngãi đi về hướng Nam theo QL1A, đến địa phận huyện Mộ Đức, gặp ngã ba Thạch Trụ, rẽ phải theo QL24, đi qua huyện Ba Tơ, vượt đèo Vi-o-let là đến địa phận tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, phải còn đi hàng trăm km, qua huyện Kon Plong, vượt đèo Măng Đen, qua huyện Kon Rẫy thì mới đến trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum. Từ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông ta đã nói sẽ mở rộng QL24 này 3 làn xe, nhưng cho đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên vẹn con đường quốc lộ xưa cũ, tiết diện mặt đường nhỏ hẹp, hai bên đường hầu hết không có rào chắn. Đường rất vắng xe lưu thông bởi vì nó quá nguy hiểm. Tuyệt đối không có xe đại khách, xe container qua lại. Chỉ có xe ô tô 29 ghế trở xuống mới dám đi trên cung đường này mà thôi. Bất kì một sự sơ sẩy nào của người tài xế, là toàn bộ xe cùng hành khách sẽ được rơi xuống vực sâu, nếu may mắn hơn thì đâm đầu vào vách núi. Vì vậy cho nên, mặc dù mùa này là mùa hoa sim, hoa mua nở tím núi rừng, tạo nên một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, nhưng chẳng mấy hành khách còn có lòng dạ mà ngắm cảnh, bởi vì say xe và nơm nớp lo sợ rủi ro.

Trên suốt quãng đường đi, vị Thượng toạ thường xuyên giữ liên lạc với tôi, đã cho tôi cảm giác được an toàn hơn rất nhiều. Rồi tôi cũng đến được bến xe Kon Tum, gần 6 giờ chiều. Vẫn còn kịp bắt chuyến xe cuối cùng từ Kon Tum đi Ngọc Hồi, thêm 60 km nữa là sẽ đến Sơn Linh Tự theo Đường mòn Hồ Chí Minh (ĐM.HCM). Lên xe, tôi nói anh lơ xe qua cầu Đắk Mốt (Km 1495+675) khoảng 500m thì cho tôi xuống, ở ngay cái chùa vừa bị chính quyền đập phá cách đây mấy ngày. Hầu hết, hành khách trên xe là người Ngọc Hồi (gốc Quảng Nam và người Bắc), cho nên từ tài xế, đến lơ xe, đến hành khách đều biết ngôi chùa mà tôi vừa nói. Hơn 1 giờ đồng hồ trên xe, tôi lân la bắt chuyện làm quen để nghe hành khách họ nói gì về sự việc đập chùa Sơn Linh Tự. Tất cả đều có chung nhận định, đại khái: “Chính quyền gì mà ác quá! Đến chùa mà họ còn đập không chút nương tay!”. Có một người phụ nữ trạc tuổi Mẹ tôi, bà ấy nói: “Cô nói cháu nghe, họ (chính quyền) còn gây khó dễ với cả Phật tử đến chùa! Như cô đây, cũng cúng dường để xây chùa, giờ thì tan nát hết rồi. Tiền của của bá tánh trôi ra biển!”. Tất cả những điều này, qua ngày hôm sau, tôi cũng nghe người dân địa phương nói tương tự, sẽ viết và gởi đến quý vị ở bài viết phần 2 của câu chuyện.

Cuối cùng, tôi cũng đến được Sơn Linh Tự. Sơn Linh Tự toạ lạc trên đỉnh dốc Đắk Mốk, phía bên kia dốc thuộc về huyện Đăk Tô. Khi tôi còn đang lần mò bước theo con đường đất để đi lên chùa, thì vị sư thầy trụ trì chạy ra đón và bắt tay tôi, bởi ông nghe tiếng xe dừng lại. Giữa tiết trời giá lạnh, và vừa trải qua khổ nạn, nhưng cái bắt tay của ông thật chặt và ấm. Trong ánh đèn điện vàng vọt, mà theo lời Thượng toạ Thích Đồng Quang cho biết vừa “câu tạm lại” để thắp sáng, đập vào mắt tôi, ngôi chùa chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn. Những bức tượng Phật, La Hán,… ngả nghiêng, xiêu vẹo. Những tờ sách kinh kệ theo gió lấm lem bụi đất cứ bay nhảy, càng khắc hoạ thêm cho khung cảnh thê lương…!

Biết tôi vừa phải đi một đoạn đường dài, cần nghỉ ngơi, nên Thượng toạ nói tôi hãy lo ngủ sớm, mọi việc ngày hôm sau trò chuyện. Mà “Chùa” chỉ còn lại đúng một phòng được che bằng gỗ (nguyên thủy lúc trụ trì về lập chùa nơi này, đã dựng lên để ở tạm) là chính quyền “nhân đạo” không đập phá. Cho nên, đêm đó tôi được sắp xếp đến ngủ nhờ ở nhà một người Phật tử ở huyện Đắk Tô. Và sáng hôm sau, tôi sẽ quay lại “chùa” để nghe ông kể “Đường tu sao quá gian nan của vị sư bốn lần bị chính quyền đập chùa”…! 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img