Tiếng kêu cứu từ một ngôi chùa cổ ở Hải Phòng

0
951

Lời tòa soạn: Chúng tôi có nhận một email dưới đây và theo số điện thoại, chúng tôi có gọi về VN và thưa chuyện với thầy trụ trì và thầy kể lại một cuộc đời hết sức bi kịch chỉ vì không chịu thỏa mãn nhu cầu tham lam của cán bộ địa phương. Kính mời quý vị đọc bài báo trong nước do thầy trụ trì cung cấp. Nguyễn Xuân Nam

CHÙA ĐA, XÃ VĨNH PHONG,HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ĐT: 0983197507 / 0913030039

EMAIL: anlacthientu@gmail.com

Kính gửi: 

1.Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội nước CHXHCNVN

2. Văn Phòng Chủ Tịch nước CHXHCNVN

3. Văn Phòng Chính Phủ nước CHXHCNVN

4. Đại Tướng TÔ LÂM Bộ Trưởng Bộ Công An nước CHXHCNVN

5. Các Cơ Quan Thông Tấn Báo Chí Trong Nước và Quốc Tế

Chuyện hi hữu về một nhà sư

 Vị sư nào “biết điều”, sẵn sàng để cho chính quyền quản lý có quyền quyết định việc chi tiêu cho chùa thì đương nhiên là mối quan hệ giữa họ và nhà chùa sẽ tốt đẹp, mọi việc sẽ thông đồng bén giọt. Còn nơi nào sư trụ trì muốn tự quản, tỏ ra không muốn những đồng tiền thiện tâm kia bị xà xẻo, rơi vào những cái túi tham thì lập tức mối quan hệ với chính quyền địa phương rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Nhà sư đó là Đại đức Thích Mẫn Thiện, trụ trì chùa Đa_ An Lạc Thiền Tự tại thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Đã 19 năm nay, vị sư này không có hộ khẩu, không được cấp chứng minh ND, thẻ cử tri, nghĩa là tự nhiên bị tước quyền công dân không văn bản. 

Chúng ta đều biết bất cứ một người Việt Nam nào sinh ra và lớn lên trên đất Việt Nam đến tuổi quy định đều được hưởng quyền công dân tức là có hộ khẩu, có chứng minh ND và được quyền bầu cử. Sư Thích Mẫn Thiện đường đường trụ trì một chùa ở địa phương nói trên mà không có 3 thứ đó, khác nào bị tước quyền công dân. Chúng ta biết rằng chỉ người đi tù mới bị tước quyền này. Hẳn bạn đọc sẽ lấy làm ngạc nhiên vì sao lại có chuyện kỳ cục, có thật 100% mà cứ như đùa vậy?

Để biết tường tận và diễn biến vụ việc có một không hai này, mời bạn đọc tìm báo Kinh doanh & Pháp luật từ số 89 trở lại sẽ rõ. Tôi xin không nhắc lại mà muốn nhìn nhận vấn đề ở những khía cạnh khác. Thông thường, trước bất cứ sự việc gì xảy ra, người ta đều nghĩ đến câu châm ngôn “không có lửa, sao có khói?”. 

Là người Việt Nam, ai cũng biết câu hỏi này. Tôi cũng vậy. Khi nghe chuyện một nhà sư ở Hải Phòng bị như trên, tôi cũng nảy ý nghĩ: Chắc chắn nhà sư này không bình thường mà phải có những việc làm gì đó bất ổn, tệ lắm nên mới bị chính quyền cư xử như vậy. Và tôi tò mò để thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn thì được biết cái gọi là “lửa” như thế này đây. Sư Thích  Mẫn Thiện quê ở Đồng Tháp, được mời về trụ trì Chùa Đa- An Lạc Thiền Tự tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng từ 19 năm trước 2005_2023. Lúc mới về, sư được chính quyền ở thôn, xã quý hóa. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, không có chuyện gì giống như mọi nhà chùa ở mọi nơi. Có lẽ tình hình sẽ mãi như thế nếu không có sự việc một người quê gốc ở đây nhưng sống ở Hà Nội đã cung tiến chùa do sư Thiện trụ trì 40 triệu đồng để xây dựng, chỉnh trang chùa. 

Khoản tiền này khi ấy là rất đáng kể. Chính quyền muốn quản lý, chủ trì việc tu bổ. Nhưng sư không đồng ý mà đề nghị tự lo vì trong thâm tâm ông không lạ gì việc xà xẻo, rút ruột để cuối cùng tiền bị rơi rụng, chẳng còn được là bao cho nhà chùa. Vậy là do không đạt được ý định của mình, một vài cán bộ lãnh đạo ở địa phương đã không dè dặt tỏ rõ sự “thay lòng đổi dạ” đối với vị sư mà trước đó họ từng ủng hộ. Trong mắt nhiều nhà lãnh đạo ở các xã, thôn có chùa chiền, những khoản cung tiến, công đức của nhân dân giành cho chùa là nguồn đáng kể, họ cho là béo bở. 

Vị sư nào “biết điều”, sẵn sàng để cho chính quyền quản lý có quyền quyết định việc chi tiêu cho chùa thì đương nhiên là mối quan hệ giữa họ và nhà chùa sẽ tốt đẹp, mọi việc sẽ thông đồng bén giọt. Còn nơi nào sư trụ trì muốn tự quản, tỏ ra không muốn những đồng tiền thiện tâm kia bị xà xẻo, rơi vào những cái túi tham thì lập tức mối quan hệ với chính quyền địa phương rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Và cứ thế, lâu dần, “cái xảy nảy cái ung”, mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng trầm trọng và dễ hiểu là các chức sắc địa phương bèn tìm cách hất sư trụ trì đi khỏi địa phương sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng việc đó lại không dễ dàng vì phụ thuộc ở quyết định của giáo hội Phật giáo. 

Thế là hai bên không muốn nhìn mặt nhau. Và đương nhiên là nhà sư sẽ bị ngược đãi. Chuyện của sư Thích Minh Phượng trụ trì chùa Chân Long ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất Hà Nội cũng khởi nguồn như vậy. Sự việc này đã làm nóng nhiều số báo Kinh doanh & Pháp luật năm ngoái. Đến giờ mới chỉ bớt nóng chứ chưa nguội. Và sư Thiện ở Vĩnh Phong, Vĩnh Bảo cũng cùng chung số phận.

Chỉ vì lòng tham không được thỏa mãn mà dẫn đến việc người ta nỡ đối xử tệ bạc với nhà sư. Suốt từ bấy đến nay, 19 năm, không làm sao bật được sư đi nơi khác nên người ta đã để cho vị như là ngoài vòng pháp luật. Khác với sư Phượng ở Thạch Thất, Hà Nội, sư Thiện không kiện cáo, kêu oan ở đâu mà chỉ im lặng ngậm đắng nuốt cay. Nhưng những tăng ni Phật tử và có thể nói là tất thảy dân ở địa phương đều rất quý trọng và thương sư Thiện nên đã đồng thanh lên tiếng phản ứng và kêu oan cho ông. Họ tìm đến báo chí và báo Kinh doanh & Pháp luật là một địa chỉ tin cậy để họ bày tỏ sự phản ứng mãnh liệt đối với chính quyền sở tại và khẩn thiết yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải xử lý vụ việc ngang trái này. Ngay lập tức, những người được nhà báo gặp để tìm hiểu sự việc và phát biểu trên báo bị chính quyền gửi “giấy mời” đến dự một cuộc họp có cái tên kỳ dị là “Hội nghị công cần”. 

Nói là hội nghị nhưng sự thực chỉ có 5 người họ cho là nhiệt tình nhất trong việc cung cấp thông tin cho nhà báo “được” mời. Và không có “hội” và “nghị” gì mà chỉ là mỗi người được công an địa phương đưa vào một phòng riêng rồi hỏi và trả lời giống như hỏi cung vậy. Sau đó, người “khai” ký vào văn bản. Tôi lấy làm lạ trước cái tên “hội nghị”. Từ bé đến nay, từng học ở trường văn chương ra, viết tới cả nghìn bài báo và nhiều tác phẩm mà chưa bao giờ tôi nghe cái danh từ “công cần” gắn với một hội nghị. Cho rằng có thể mình chưa biết hết kho từ ngữ Việt Nam, tôi bèn gọi điện thoại hỏi mấy người bạn cũng là nhà văn, nhà ngôn ngữ về cái từ quái dị này thì họ cũng đều không biết. 

Có lẽ chính quyền xã Vĩnh Phong đã sáng tạo thêm một từ mới để làm phong phú thêm từ điển tiếng Việt? Bịa ra một cái tên ngớ ngẩn rồi gắn với một hội nghị rất vớ vẩn chẳng khác gì bịp người dân. Chính quyền xã định hăm dọa những người đã làm việc, cộng tác với báo chí chăng? Họ đã vi phạm nghiêm trọng luật báo chí, trong đó nghiêm cấm kẻ nào có hành vi gây khó khăn, đe dọa nhà báo tác nghiệp và công dân cung cấp thông tin cho báo chí. Luật báo chí cũng nêu rõ mọi người được quyền biết các thông tin về tất cả các lĩnh vực xã hội. Báo chí, giới truyền thông chính là lực lượng giúp họ được hưởng quyền lợi này.

Tôi hỏi nhiều người dân đang sống ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng thì được biết sư Thích Mẫn Thiện là người đàng hoàng, được dân quý trọng, còn chính quyền xã thì bị họ mất niềm tin. Không khó hiểu vì khi chính quyền quay lưng lại với dân thì không thể khiến họ tin được. Dân còn nói ngoài việc đối xử tệ, ngược đãi sư Thiện, những người lãnh đạo chính quyền còn có nhiều khuất tất trong việc xử lý đất đai và nhiều việc khác mà với tư cách dân thường, họ không biết được cụ thể.

Đã từ lâu nay, tệ nạn “cường hào mới” ở những vùng nông thôn Việt Nam không còn là chuyện mới mẻ, xa lạ gì. Nhưng đến mức quá đáng, vi phạm trắng trợn pháp luật của những người lãnh đạo chính quyền xã Vĩnh Phong đến mức để dân bất bình cao độ, hầu như không còn chút tín nhiệm gì thì quả là không thể chấp nhận, nhất là đây không phải vùng sâu vùng xa gì, chỉ cách thành phố Hải Phòng một khoảng cách không xa. Mà cũng lạ. Một chính quyền xã lộng hành như thế, mất lòng dân như thế mà trên huyện, trên thành phố không hề biết. Không biết thật tức là quan liêu hay là nếu can thiệp, xử lý thì “há miệng mắc quai”? 

Tội trên đã rất đáng trách. Còn nếu “mắc quai” thì quả là không còn gì để nói. Hải Phòng vốn dĩ đã đình đám, “nổi tiêng”cả nước về vụ cưỡng chế thu hồi đất sai luật ở Tiên Lãng xảy ra cách đây chưa lâu. Nay lại thêm vụ chính quyền không cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ cử tri cho một nhà sư để cho nạn nhân mất quyền công dân suốt 19 năm nay (2005-2023). 

Có thể tác hại của vụ liên quan đến nhà sư này không lớn bằng vụ Tiên Lãng. Nhưng tác hại về chính trị, về sự suy giảm niềm tin của dân vào chính quyền thì không hề thua kém. Tôi nghĩ rằng những nhà lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo và TP. Hải Phòng chắc chắn không muốn điều này tiếp tục xảy ra trên địa bàn quản lý của mình./.

TS Nguyễn Đình San