Wednesday, September 27, 2023
spot_img

Quảng Ngãi: một hộ dân kiên quyết giữ đất, chính quyền thỏa hiệp giữa lúc căng thẳng

Cali Today News – Một gia đình ở Quảng Ngãi, ròng rã mấy năm trời kiên quyết giữ đất vì xác định diện tích đất gia đình mình ở nằm ngoài đất dự án đường sắt đi qua, buộc các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi phải thỏa hiệp những yêu cầu mà gia đình này khiếu nại. Đó là trường hợp khiếu nại đất đai của gia đình bà bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Sinh năm 1969, Hiệp An, Phổ Phong, Đức Phổ, Quảng Ngãi)…

Nguồn gốc đất và xung đột với chính quyền

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, vào năm 1988 bà Thoa cùng chồng là ông Dương Nguyễn Nhật Triệu làm công nhân đường sắt tại cung đường Thạch Trụ thuộc thôn Hiệp An, xã Phổ Phong đã dành dụm nhiều năm cộng với vay mượn thêm của bà con một ít tiền mới mua được một miếng đất thổ cư của bà Trần Thị Cẩm Lệ (thôn Hiệp An, xã Phổ Phong, Đức Phổ, Quảng Ngãi) có diện tích 410m2 trị giá 5.000.000đ (năm triệu đồng), thuộc số thửa 331, tờ bản đồ số 113; theo bản đồ 299/TTg là đất thổ cư (T), số thửa 277, tờ bản đồ số 01, diện tích 590m2, thuộc Bộ địa chính xã Phổ Phong. Suốt thời gian sử dụng không có tranh chấp (việc sang nhượng thửa đất trên có viết giấy tay, chưa qua chính quyền địa phương xác nhận diễn ra trước ngày 1/7/ 2004).
“Khi cô đổ móng làm nhà thì chính quyền xã xuống nói đất đó có tranh chấp, đất chưa xin phép xã làm nhà nên cô lên nộp 200.000đ nhưng cô không lấy phiếu. Xã nói cô nộp tiền rồi nhưng đất đang bị tranh chấp nên không cho cô làm nhà nhưng cô nói đất cô mua của bà Lệ làm sao nói đất có tranh chấp”.

Bà Thoa nói, do nhà xây dựng nằm kề đường sắt nên khi tiến hành làm nhà, lãnh đạo ngành đường sắt sợ ảnh hưởng tầm nhìn cũng như an toàn đường sắt nên vợ chồng bà Thoa có cam kết với ngành đường sắt là sẽ chấp hành các quy định của ngành đường sắt khi có quy hoạch hoặc xây dựng công trình. Lời của bà Thoa: “Do đất nằm kề diện tích đất của đường sắt nên cô nhờ công ty đường sắt can thiệp. Đường sắt viết giấy cho mình mượn đất làm nhà để ở chứ không có quyền hạn cho mình đất để làm nhà nhưng đến khi nào công ty cần thì mình hoàn trả. Nhờ sự can thiệp của công ty đường sắt nên cô làm được cái nhà ở yên ổn cho tới nay”.

Năm 2011, Nhà nước có dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24” đoạn Thạch Trụ, Phổ Phong trúng vào thửa đất của gia đình bà Thoa nhưng diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình bà Thoa gồm; nhà ở, vật kiến trúc và các tài sản gắn liền với đất khác không được đền bù, đồng thời không được bố trí đất tái định cư vì Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 24 huyện Đức Phổ cho rằng đất gia đình bà Thoa ở thuộc đất của Công ty đường sắt Nghĩa Bình. Từ đó gia đình bà Thoa rơi vào hoàn cảnh không nhà, mặc dù nhà và đất đã sử dụng ổn định từ năm 2000 đến nay không ai tranh chấp, có nguồn gốc từ năm 1975 không ai tranh chấp. Một nghịch lý chưa rõ nguyên do là cùng ở chung một thửa đất, cùng chung một Dự án đi qua có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tình nhưng hộ gia đình bà Tình lại được bồi thường 100%

“Xã và huyện cứ nói đất của cô thuộc đất đường sắt miết nên cô viết đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền nói là đất của cô với đất hộ liền kề (hộ gia đình bà Tình và ông Minh) nằm kề nhau, cùng một thửa 331, tờ bản đồ 13. Hai nhà giống nhau tại sao một người được cấp sổ đỏ và được bồi thương 100% trong khi gia đình cô thì không được bồi thường. Họ (chính quyền) nói họ giải quyết dựa vào cam kết của cô với công ty đường sắt là khi nào đường sắt cần phải tháo dỡ nên không bồi thường khoảng 5 năm nay”.

Từ năm 2011, song hành với việc giữ nhà, giữ đất phản đối việc thi công Dự án thì bà Thoa còn đại diện cho gia đình gửi đơn khiếu nại đến khắp các cấp, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi cho đến trước tháng 12/ 2015 vẫn không có kết quả. Bà Thoa nói:

“Khi nó (ban dự án công trình) bắt đầu gác đồ thi công thì cô đã không cho làm, ông Phương phó giám đốc, ông Triều trưởng phòng Sở Giao thông Vận Tải, ông Tịch phó chủ tịch huyện, ông Phú chủ tịch xã… nói đất của cô ở trái phép được bồi thường 20% nhưng cô nói đất cô ở ổn định và Nhà nước quản lý vậy có hợp pháp không?

Trong khi đó, từ chính quyền xã cho đến chính quyền huyện Đức Phổ đều kết luận đất gia đình bà Thoa đang ở thuộc đất đường sắt, không phải đất mua từ bà Lệ. Cụ thể qua các văn bản thông bào số 334/TB- UBND ngày 16/7/ 2012 về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp ngày 28/6/ 2012, Công văn số 2137/SGTVT-QLĐT của Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi ra ngày 29/10/ 2013 gửi công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Nghĩa Bình (cơ quan chủ quản của vợ chồng bà Thoa), theo đó đề nghị Công ty buộc gia đình bà Thoa giao mặt bằng để thi công công trình.

Chính quyền thỏa hiệp giữa lúc căng thẳng

Ngày 15/ 12/ 2015, đại diện chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi mời gia đình bà Thoa họp lại xác đinh nguồn gốc đất, có sự hiện diện của người dân với tư cách là những người làm chứng. Người dân xác nhận đất của gia đình bà Thoa mua lại có nguồn gốc trước năm 1975, đại diện chính quyền xã lại một lần nữa không xác nhận cứ nói nguồn gốc diện tích đất ấy là đất của đường sắt. Một lần nữa, bà Thoa cùng gia đình kiên quyết không chấp nhận kết luận của chính quyền và tiếp tục đề đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường thỏa đáng để ổn định cuộc sống gia đình.

“Đến chiều hôm thứ hai tuần sau (sau cuộc họp ngày 15/ 12/ 2015), xã có đánh công văn hỏa tốc mời cô họp ở huyện, mấy ông góp ý nói chị nhận 100 triệu để giao mặt bằng nhưng cô không chịu, yêu cầu áp giá bồi thường hợp lý nếu mấy ông không giải quyết thì chúng tôi tự bảo vệ tài sản của tôi”. Lời của bà Thoa.

Đề có cơ sở xem xét giải quyết yêu cầu của hộ dân về bồi thường đối với thửa đất gia đình bà Thoa, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công trình theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngày 18/ 12/ 2015, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi gửi công văn lần cuối số 3647/SGTVT-QLĐT đến công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghĩa Bình yêu cầu xác nhận định đất gia đình bà Thoa đang sử dụng có phải đất thuộc công ty hay không?

Ngày 23/ 12/ 2015, Công ty TNHH đường sắt Nghĩa Bình gửi công văn 1423/ ĐSNB-VP trả lời công văn 3647/SGTVT-QLĐT của Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi rằng thửa đất số 331, tờ bản đồ số 13, tại thôn Hiệp An, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi tức thửa đất mà gia đình bà Thoa đang sử dụng nằm ngoài diện tích đất đường sắt quản lý.

Đã có công văn hồi đáp rõ ràng từ công ty TNHH đường sắt Nghĩa Bình về nguồn gốc đất ở của gia đình bà Thoa, cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thỏa nhưng “Chiều ngày 23/ 12/ 2015, Ủy ban xã gửi giấy mời mời cô sáng 24/ 12/ 2015 lên xã chắc nó phỉnh cô lên xã để bắt, nhốt gì không biết. Sáng 24/12/ 2015, cô mới lên tới nơi thì bà con hàng xóm thấy có xe cứu thương, cứu hỏa gì đó liền gọi điện thoại cho cô để về gấp chứ không nó bắt nhốt mày, nó ủi nhà mày để làm đó nên cô lật đật về. Khi về, cô thấy nào là công an, bộ đội dân quân gì chắc cũng cả trăm người … cô có nói với bí thư tỉnh là nhà cửa của tôi chưa đền bù gì mà mấy ông làm vậy có đúng không?”

May mắn cho gia đình bà Thoa, giữa giờ phút tưởng như mất tất cả tài sản lẫn công sức vô vọng thì ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lên tiếng chứng nhận cho quyết tâm giữ đất của gia đình bà Thoa là đúng. Ông Bí thư tỉnh ủy hứa bồi thường đất và nhà ở cho gia đình bà Thoa, trước mắt đại diện chính quyền tạm ứng cho gia đình bà Thoa 400 triệu đồng để gia đình bà Thoa bàn giao mặt bằng thi công. Lời vui mừng của bà Thoa;

“Ông Bí thư tỉnh có hứa bồi thường đất và nhà cho cô, giao cho sở Tài nguyên và Môi trường kiểm kê, làm thủ tục cho cô. Cô nghe bí thư tỉnh hứa là mình cũng chắc ăn rồi. Họ có bàn bạc với cô và họ tạm ứng cho gia đình cô 400 triệu đồng để giao mặt bằng thi công”.

“Cô thấy mình cũng không làm khó gì với Nhà nước, muốn hài hòa giữa Nhà nước với dân cho xong, căng thẳng đầu óc không có tốt gì”.

Việc giải quyết đất đai và nhà ở cho gia đình bà Thoa được đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hứa sẽ giải quyết dứt điểm từ đây cho đến tháng 2/ 2015. Có thể nói, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam mà chính quyền chấp nhận thỏa hiệp với yêu cầu khiếu nại của người khiếu nại. Trong tình hình đất đai căng thẳng như hiện nay, người dân luôn bị thiệt thòi hễ khi xung đột với chính quyền, cũng tại tỉnh Quảng Ngãi cách đây không lâu đã có người tên Lê phải tự thiêu để giữ đất là một minh chứng.

THIÊN HÀ
Cộng tác viên nhật báo Cali Today tại miền Trung

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img