Friday, March 29, 2024

Phạm Đoan Trang là ai?

Vậy Phạm Đoan Trang là ai?


Phạm Đoan Trang

Tên khai sinh: Phạm Thị Đoan Trang
Ngày sinh: 27/5/1978
Nơi sinh: Hà Nội
Nghề nghiệp: Nhà hoạt động dân chủ, nhà báo
Nơi ở hiện tại: Bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1,  Ngõ 702, phường Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Các trích dẫn không có chú thích được trích từ các bài viết trên blog phamdoantrang.com.


Lớn lên cùng nhạc Beatles

Trẻ em Hà Nội thập niên 1970. Ảnh: ngoisao.net.

Phạm Đoan Trang là con út trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo.

Ông cô là giáo viên dạy sử, toán trường Hàng Kén; mẹ và bố cô cũng là giáo viên. Đoan Trang lớn lên trong một khu dân cư nghèo ở phía Nam Hà Nội trong những năm bao cấp.

“Như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất sợ ma. Nỗi sợ tăng thêm khi phải ngủ trong đêm mất điện, xòe tay không thấy rõ ngón. Nhìn ra cửa sổ, cả ngõ dài hun hút tối đen như mực. Có ngôi nhà bị cháy nham nhở, tường xám đen lại. Chủ nhà chết cháy đã lâu, không ai ở đó nữa. Có ngôi nhà hai vợ chồng bị tai nạn chết, con cái đến ở với ông bà, cũng không ai dám tới đó.”

Năm lớp Hai, chiếc máy cassette của nhà hàng xóm đã làm cô bé Đoan Trang hết sức tò mò khi phát đi phát lại những bài hát của ban nhạc Beatles. Tâm hồn cô đã bay bổng với những bài hát đó. Và từ đó, Đoan Trang bắt đầu học tiếng Anh để hát nhạc Beatles.

“Năm lớp Bảy bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét… Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles”.


Ở trường đại học

Đoan Trang ở năm nhất trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1996. Ảnh: Pham Doan Trang/FB.

Từ năm 1996 – 2000, Đoan Trang đi học tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành kinh tế quốc tế. Vào lúc này, Trang và những sinh viên khác lần đầu tiên được truy cập Internet.

“Dạo ấy cái anh Internet mới chập chững vào Việt Nam, sinh viên lên mạng hãy còn bẽn lẽn rón rén… Sách chẳng có, thực tế thì rõ ràng là không giống sách rồi, với lại ai cho sinh viên nhong nhong ra vào các công ty, tổ chức lớn để tìm hiểu thực tế… Vì vậy, các sinh viên chăm học có một nguồn tài liệu đặc biệt hữu ích là các bài báo kinh tế – do các nhà báo viết hoặc dịch mà đâu biết rằng đã có bao thế hệ sinh viên kinh tế trưởng thành từ chính những bài báo ấy.”


Chập chững làm báo

Đoan Trang phỏng vấn bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017), vợ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, năm 2010. Ảnh: FB Pham Doan Trang.

Mùa đông năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học, Đoan Trang bắt đầu thử việc tại báo điện tử VnExpress khi tờ báo này vừa mới thành lập.

“Tôi rất nhớ mùa đông năm 2000 ấy và những ngày tháng đầu tiên làm quen với nghề báo của mình. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai.”

Sau một thời gian giữ chức thư ký tòa soạn tại VnExpress, Đoan Trang chuyển sang làm truyền hình ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Trong sự nghiệp làm báo của mình, Đoan Trang cho biết đã viết về tất cả các chủ đề, trừ thể thao. Nhưng cũng có những chủ đề mà cô không thể đề cập trên mặt báo.


Trang the Ridiculous

Trang blog của Đoan Trang. Ảnh: Chụp màn hình.

Tháng 8/2006, Đoan Trang bắt đầu lập blog phamdoantrang.org. Trang blog này đã giúp cô kết nối với những bạn bè ở Việt Nam và nước ngoài, cũng như giải tỏa những thứ mà cô không thể viết trên mặt báo. Trang blog này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay.

Khi viết blog, cô xưng tên là “Trang the Ridiculous” (Trang Lố).

“Tôi bắt đầu tạo blog… với mục đích ban đầu thuần túy và chân chất là để thực hành tiếng Anh (viết). Và như vậy, có thể thấy ngay blog của Trang the Ridiculous là nơi tụ bạ của những kẻ lố bịch – bọn giặc bướng”.

Nhiều năm sau, blog của Đoan Trang đã vượt khỏi mục đích ban đầu này.


Đồng cảm với
người yếu thế

Một trong những thứ ám ảnh Trang là số phận của những người yếu thế chung quanh cô.

“Khi tôi còn nhỏ sống với bố mẹ trong một khu nghèo ở phía Nam Hà Nội, tôi nhớ những người phụ nữ hét lên khản cả cổ vì sợ hãi và tuyệt vọng, ‘Con ơi, con của mẹ…’. Tôi nhớ những khuôn mặt mệt mỏi của những người khó kiếm sống bằng hàng trăm công việc không tên: đạp xích lô, đạp xe, may giày, làm đũa, v.v… Tôi nhớ mình đã tự hỏi tại sao rất nhiều người xung quanh tôi chết trẻ vì vô số lý do; tôi từng hỏi bạn tôi, ‘Tại sao cuộc sống của con người ở đây quá rẻ rúng?’ và anh ấy trả lời rằng: ‘Mạng sống của ai? Em nghĩ mạng của em đáng giá lắm sao?’”

“Nếu tôi có đủ quyền lực để thay đổi bất kỳ thứ gì ở Việt Nam, tôi muốn nói rằng thứ mà Việt Nam đang thiếu là một môi trường mà các cá nhân được tôn trọng”.


Lên tiếng là
gắn bó với đất nước

Nhà báo Phạm Đoan Trang khi còn làm việc cho các tờ báo nhà nước. Ảnh: Tuổi Trẻ Online.

Đoan Trang từng viết trên blog rằng cuộc sống sẽ dễ dàng biết bao nếu nhắm mắt trước những đau khổ chung quanh mình.

Trang nói rằng lý do thứ nhất khiến một người không dám nói những điều mình nghĩ là do mặc cảm sợ hãi vốn có, sợ bị chỉ trích, sợ trách nhiệm, sợ bị cô lập. Và lý do thứ nhì có thể là người đó không đủ sắc bén để nhìn nhận vấn đề, hoặc không thấy lợi ích của mình trong đó hoặc tệ hơn là người đó chỉ thấy hình phạt nếu lên tiếng, hoặc người đó không tin là sẽ thay đổi được điều gì nếu họ lên tiếng, hoặc họ thấy bản thân mình không liên quan gì đến vấn đề đó.

“Tôi đã làm việc ở một số cơ quan và tôi biết rằng người ta sẽ lên tiếng khi và chỉ khi họ cảm thấy mình gắn bó với cơ quan đó. Người ta chỉ gắn bó mạnh mẽ với đất nước khi họ cảm thấy có cùng chung những dự định tương lai với đất nước, và vì vậy mà có cảm hứng để biến những dự định đó thành hiện thực”.


Nghỉ việc
ở truyền hình VTC

Tháng 3/2007, Đoan Trang thông báo nghỉ làm việc ở Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và sang làm việc cho báo VietNamNet.

“Tôi đã giống như nhiều người trong số chúng ta: say mê làm truyền hình đến điên cả người. Tôi đã mang (một phần thôi) ngọn lửa của tuổi 12-13 và 19-20 vào những ngày tháng làm báo hình ở VietNamNet TV. Cũng vẫn còn may là tôi đã không dốc tất cả lửa vào đó, nếu không tôi sẽ còn mất nhiều hơn những gì tôi đánh mất trong suốt 10 năm qua. Cho đến một ngày phần thực dụng trong con người tôi gào lên: ‘Trang, is it worth? (Trang, như thế có đáng không)’”.


Vận động cho quyền LGBT

Bìa cuốn “Bóng” – Tự truyện của một người đồng tính của tác giả Hoàng Nguyên, Đoan Trang về nhân vật Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Nhịp cầu thế giới.

Năm 2007, lần đầu tiên một người tên Nguyễn Văn Dũng kể về cuộc đời anh và giới đồng tính của mình trong cuốn tự truyện “Bóng – Tự truyện của Một Người Đồng Tính”. Đoan Trang và Hoàng Nguyên là người viết lại câu truyện của Dũng.

Cuốn tự truyện này đã làm xã hội chấn động ít nhiều, lần đầu tiên người ta được biết rõ hơn về thế giới của những người đồng tính.

Nguyễn Văn Dũng trở thành một trong những nhân vật và bạn của Đoan Trang. Cuốn sách này trở thành sách vận động quyền LGBT (quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới), và là sách bán chạy nhất vào lúc ấy.


Làm báo nhà nước

Đoan Trang làm cho báo điện tử VietNamNet thời ông Nguyễn Anh Tuấn còn là tổng biên tập. Ảnh: thongtincongnghe.com.

Năm 2008 – 2009 Đoan Trang là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietNamNet.

Trước đó, vào cuối năm 2007, các blogger ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức những cuộc biểu tình đầu tiên để phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa.

Trong năm 2007, Đoan Trang đã viết lại nhiều về trải nghiệm của cô về nghề báo ở Việt Nam.

“Tôi thích ở bên những người khác biệt, đặc biệt là những người khác thường hoặc thậm chí lập dị, và tôi rất cần những điều mới mẻ. Vì vậy, tôi hiếm khi hối hận vì đã dành quá nhiều sức lực cho công việc. Tôi tin rằng người ta không bao giờ có thể giỏi bất cứ thứ gì nếu không yêu thích nó, và nếu bạn yêu thích và làm tốt điều gì đó, đến lượt nó, nó sẽ ảnh hưởng đến bạn theo những cách tích cực. Tất nhiên nó cũng có thể làm hỏng cuộc sống của bạn đồng thời, nhưng hạnh phúc bạn có cũng đủ để tạo nên nỗi bất hạnh.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ là một phóng viên hiệu quả trong khi tôi thường cảm thấy bất hạnh đè nặng lên trái tim mình.

Nếu bạn là một nhà báo Việt Nam, bạn sẽ có thêm nhiều lý do để cảm thấy buồn, các bạn ạ. Nỗi buồn có đáng hay không chỉ phụ thuộc vào bạn. Nhưng nếu bạn thực sự muốn bình yên, có lẽ bạn không nên đi làm báo”.


9 ngày bị tạm giam

Nhà báo Đoan Trang năm 2009. Ảnh: Pham Doan Trang/FB.

Năm 2009, một sự kiện bất ngờ đã bẻ lái cuộc đời cô sang một hướng khác.

Ngày 27/8/2009, blogger Người Buôn Gió, tên thật là Bùi Thanh Hiếu, bị bắt. Một ngày sau đến lượt Đoan Trang; và rồi blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vài ngày sau.

Công an cho rằng cả ba người đã xâm phạm an ninh quốc gia vì đã tham gia in ấn áo thun chống dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên.

Cả ba người được thả lần lượt sau 9 ngày bị tạm giam. Lúc này, Đoan Trang đang là phóng viên của chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietnamNet.

“Trong ba blogger, có lẽ tôi là người ‘oan’ nhất, theo nghĩa tôi không hề tham gia in áo, chưa từng trông thấy áo, cũng như không một lần được hỏi ý kiến về vụ áo xống đó. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại câu chuyện ấy, với một ý nghĩ buồn trong đầu: ‘Áo em chưa mặc một lần…’”.


Bị báo VietnamNet sa thải

Đoan Trang trong một lễ trao giải của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: FB Pham Doan Trang.

Sau vụ bị bắt tạm giam năm 2009, Đoan Trang bị báo VietnamNet sa thải mà có không lý do.

“Trong những ngày mùa đông buồn thảm của năm 2009, vẫn là bác [giáo sư Đặng Phong] đã là một trong ba người làm cháu giữ được ý nghĩ: phải sống. Cháu không thể gục ngã vì sự thối nát của ‘chúng nó’. Cháu không thể.’”

Sau biến cố đó, cô chuyển sang làm việc cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tôi may mắn được đến với Pháp Luật TP. HCM trong những ngày rất khó khăn của mình, khi mà ‘di chứng’ của thời gian ở trong trại tạm giam vẫn còn đè nặng, khi tôi sống trong tâm lý của một người làm bất kỳ cái gì cũng bị nghi ngờ, và khi bản thân tôi cũng không tin ai được”.


Lược sử blog Việt

Đoan Trang trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam vào ngày 5/6/2011. Ảnh: Lân Thắng.

Tháng 6/2012, Đoan Trang ra mắt “Lược sử blog Việt” trên blog của mình nhân dịp bảy năm Yahoo! 360° xuất hiện ở Việt Nam. Yahoo! 360° đã mở ra một thế giới thông tin cho những cá nhân ở Việt Nam với phong trào văn học, bình luận về chính trị và xã hội trên Internet.

Ngoài làm việc cho báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, cô còn có bài đăng trên các báo khác như Tia Sáng, Nhịp Cầu Thế Giới (một tờ báo tiếng Việt ở Hungary), và trên nhiều tờ báo khác.

Đoan Trang vẫn tiếp tục viết các phân tích sâu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Bị bắt vì
đi biểu tình năm 2012

Buổi sáng ngày 5/8/2012, Đoan Trang bị công an bắt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.

Từ năm 2012, Đoan Trang là một trong những nhà báo đầu tiên ở Việt Nam báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đến quốc tế.

Năm 2012, Nhà xuất bản Giấy Vụn đã xuất bản sách “Và quyền lực thứ tư” của Đoan Trang và một cuốn sách khác do cô làm đồng tác giả là “Thế hệ F”. Cùng năm này, NXB Tri Thức đã xuất bản sách “Việt Nam và tranh chấp Biển Đông” do Đoan Trang làm đồng tác giả. 

Tháng 3/2013, trong lúc chính quyền Việt Nam lấy ý kiến người dân về bản dự thảo hiến pháp mới, Đoan Trang bắt đầu viết loạt bài “Nói với mình và các bạn” để phổ biến kiến thức cơ bản về chính trị và nhân quyền.

“Đây là một dịp rất tốt để tất cả chúng ta cùng tìm hiểu về hiến pháp, về luật pháp, về tinh thần hợp hiến, về nhân quyền và dân quyền…?  Người viết bài này còn mong muốn hơn thế nữa: Đây là một dịp khuyến khích tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ – thử quan tâm một chút đến chính trị xem sao?”


Rời khỏi báo chí nhà nước

Đoan Trang trong một cuộc họp báo của Tập đoàn Dầu khí về vấn đề Biển Đông năm 2012. Ảnh: FB Pham Doan Trang.

Năm 2013, Đoan Trang thông báo nghỉ việc tại báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Đến thời điểm này, Trang đã làm việc cho hơn 10 cơ quan báo chí nhà nước khác nhau. Cô quyết định ra nước ngoài và tham gia nhiều hoạt động vận động quốc tế.

Năm 2014, Đoan Trang sang Mỹ theo lời mời của trung tâm học thuật nổi tiếng Villa Aurora và trường Đại học Southern California.


Vận động nhân quyền
cho Việt Nam

Đoan Trang cùng các nhà hoạt động khác trước trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York ngày 24/1/2014. Ảnh: Blog Đoan Trang.

Từ cuối năm 2013, Đoan Trang tham gia nhiều chuyến vận động nhân quyền cho Việt Nam ở Mỹ, châu Âu và Thái Lan.

Đặc biệt, cô đã tham gia phái đoàn các tổ chức xã hội dân sự vận động trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc tháng 2/2014, phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Thượng viện Canada tháng 4/2014 và nhiều sự kiện quốc tế khác.


Đồng sáng lập
Luật Khoa Tạp chí

Ba trong bốn thành viên sáng lập của Luật Khoa tạp chí. Ảnh: liv.ngo.
Ba trong bốn thành viên sáng lập của Luật Khoa tạp chí. Ảnh: liv.ngo.

Ngày 5/11/2014, Luật Khoa Tạp chí ra mắt độc giả. Đây là một tạp chí trực tuyến về luật, chính trị và nhân quyền do Đoan Trang cùng những thành viên khác sáng lập.

Cô đã giới thiệu về Luật Khoa Tạp chí trên blog của mình như sau: “Tôi ý thức được nỗi sợ của người không biết gì về luật, mà lại không hiểu phải bắt đầu từ đâu để vượt qua cánh rừng rậm mênh mông đó. Tôi nhìn thấy cảm giác choáng ngợp của họ. Cũng như tôi hiểu (phần nào) thân phận của những công dân có việc dính tới ‘cửa quan’ mà lại thấp cổ bé họng, chẳng biết tin vào ai, chẳng biết phải làm gì, nói chi tới việc sử dụng luật pháp để bảo vệ mình…

Và nói rộng ra, quá trình chúng ta cùng tìm hiểu về luật pháp và luật học chính là quá trình chúng ta đi những bước đầu tiên trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.”


Bị công an trả thù
khi về nước

Đoan Trang trong cuộc gặp gỡ các thượng nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam vào tháng 5/2015.

Ngày 26/1/2015, Đoan Trang trở về Việt Nam. Cô đã bị giữ suốt 15 tiếng ở sân bay và bị theo dõi chặt chẽ sau khi được về nhà. Sau đó, cô bị công an bắt giữ tùy tiện khi làm phiên dịch cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng trong buổi vận động ở Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội.

Hai tuần sau ngày trở về nước, công an đã phát tán những bức ảnh riêng tư của Đoan Trang mà họ vẫn giữ từ lúc thu máy tính của cô vào sáu năm trước.

Tháng 3/2015, công an đổ keo vào khóa cửa ở nhà Đoan Trang khiến cô không thể đến họp tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.


Bị công an đánh trong
biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội

Đoan Trang mang ba lô bị công an lôi kéo khi tham gia biểu tình vào ngày 26/4/2015. Ảnh: Phan Tất Thành.

Sáng ngày 26/4/2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức tuần hành phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. Trong lúc biểu tình, công an đã cưỡng bức Đoan Trang cũng như nhiều người biểu tình khác lên xe buýt.

“Sau cuộc tuần hành bị phá ngang hôm chủ nhật, khi mọi người cùng đứng ở cổng đồn công an quận Long Biên, anh Lã Việt Dũng hỏi thăm: ‘Hồi sáng có lúc em bị kéo lăn lóc ở miệng cống phải không?’… Tôi nhớ lúc mình lọt thỏm vào giữa đám đông, hình ảnh cũng loang loáng lướt qua, nhưng tôi vẫn thấy một mảnh trời xanh biếc phía trên, in màu lá cây và những khuôn mặt sôi sục cả trẻ cả già, cả dân và công an.”

Sau vụ việc này, Đoan Trang bắt đầu đi đứng khập khiễng. Vào tháng 5/2015, cô được bác sĩ chẩn đoán là khớp gối bị tràn dịch khớp và viêm bao hoạt dịch.


Đòi người ở đồn công an

Đoan Trang cùng nhà hoạt động Đinh Thảo và Lưu Văn Minh vào tối ngày 23/09/2015. Ảnh: Lê Anh Hùng.

Tối ngày 23/09/2015, sáu bạn trẻ của kênh Lương Tâm TV đã bị bắt giữ tuỳ tiện. Ngay hôm đó, Đoan Trang và những nhà hoạt động khác đã đến đồn công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để đòi thả người. Cô và những người khác đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ trước đồn công an và đã bị công an hành hung.

Cô cũng tham gia nhiều cuộc đòi người bị giam giữ tuỳ tiện ở đồn công an.

Tháng 12/2015, Đoan Trang đăng tải “Diễn biến ‘chiến dịch’ chặt hạ cây xanh ở thủ đô” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên blog của mình.


Bị bắt giữ trên đường
đến gặp Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ giới hoạt động dân sự Việt Nam ngày 24/5/2016 tại Hà Nội. Đoan Trang được mời tham dự nhưng không đến được cuộc gặp này. Ảnh: Reuters.

Tháng 5/2016, Đoan Trang đi ô-tô từ Sài Gòn – nơi cô vừa phẫu thuật khớp gối – ra Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama thì bị công an giam giữ 26 tiếng tại tỉnh Ninh Bình.

Sau khi bị giam giữ tuỳ tiện tại Ninh Bình, cô trở về Sài Gòn và tiếp tục bị công an sách nhiễu tại nhà của một người bạn cho cô ở nhờ.

Từ thời điểm này cho đến ngày cô bị bắt giữ gần đây nhất, Đoan Trang liên tiếp bị công an sách nhiễu bằng đủ các hình thức. Mỗi khi có đoàn ngoại giao nào đến Hà Nội thì chắc chắn rằng cô bị giam lỏng tại nhà từ nhiều tuần trước.


Tiếp tục viết sách,
báo cáo về môi trường,
chính trị và nhân quyền

Đoan Trang cùng bà Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Vinh ra mắt sách “Anh Ba Sàm” ngày 23/3/2016 tại Hà Nội. Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh.

Năm 2016, Đoan Trang tham gia viết và biên tập sách song ngữ Anh – Việt “Anh Ba Sàm”, một cuốn sách về blogger Anh Ba Sàm, tên thật là Nguyễn Hữu Vinh. Cuốn sách này bắt đầu được bán trên Amazon một tuần trước phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Vinh vào tháng 3/2016.

Từ tháng 2/2016, Đoan Trang viết nhiều về bầu cử trên blog của mình khi chính quyền Việt Nam đang tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Sách Toàn cảnh thảm hoạ môi trường biển Việt Nam. Ảnh: NXB Tự Do.

Tháng 10/2016, Nhóm Green Trees xuất bản sách “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” trên Amazon do Đoan Trang và các nhà hoạt động khác làm đồng tác giả. Đây là cuốn sách ghi lại các diễn biến, thực trạng trong và sau sự cố Công ty Formosa làm ô nhiễm biển vào giữa năm 2016. Cũng trong năm này, sách “Từ Facebook xuống đường” được xuất bản trên Amazon.


Nâng đỡ
những nhà hoạt động

Đoan Trang đứng ngoài cùng bên phải cùng một số thành viên nhóm Green Trees vào năm 2016. Ảnh: Anh Ba Sàm.

Đối với những người ngoài cuộc, ít ai biết rằng Đoan Trang không chỉ là nhà hoạt động mà còn là người hướng dẫn cho các bạn trẻ làm hoạt động. Đối với các bạn trẻ ấy, cô là một giáo viên hiếm có, người đã dạy cho họ những kiến thức và kỹ năng mà họ không tìm ở đâu được.


Những ngày viết
“Chính trị bình dân”

Đoan Trang vào năm 2017. Ảnh: Thịnh Nguyễn.

Năm 2017, Đoan Trang viết sách “Chính trị bình dân” trong những ngày bị giam lỏng tại nhà ở Hà Nội. Tháng 7/2017, để tránh bị công an sách nhiễu, cô đã rời khỏi Hà Nội và đến Sài Gòn.

Ngày 22/9/2017, sách “Chính trị bình dân” của Đoan Trang ra mắt độc giả. NXB Giấy Vụn và nhóm Green Trees đã xuất bản cuốn sách này. Đây là một cuốn sách nhằm phổ biến các kiến thức chính học căn bản đến tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ hoạt động xã hội, và nhân quyền.

Bìa sách Chính trị bình dân. Ảnh: NXB Tự Do.

“Tôi đã viết nó trong những ngày bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở – nghĩa đen… Ở một nơi khác, sếp của họ, ngồi phòng lạnh, đang chỉ đạo họ theo dõi ‘đối tượng’ chặt chẽ, nghiên cứu thói quen, lịch làm việc hàng ngày, đường đi lối lại vào nhà và cách bài trí đồ đạc trong nhà…

Nếu không có cây đàn guitar luôn đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên… Tuy nhiên, với tôi, tất cả những cái đó không quan trọng; điều quan trọng là càng có nhiều người đọc cuốn sách càng tốt.”

Năm 2017 và 2018, Đoan Trang cho biết sách “Chính trị bình dân” đã bị công an Đà Nẵng tịch thu ít nhất 300 cuốn khi sách được vận chuyển từ Ba Lan về Việt Nam.

Link mua sách: Amazon (bản in), Smashwords (bản mềm).


Nhận Giải thưởng
Homo Homini

Đoan Trang trong phim tài liệu được chiếu trong buổi trao giải thưởng Homo Homini ở thành phố Praha, Cộng hòa Séc. Ảnh: People In Need.

Tháng 2/2018, tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới có trụ ở Cộng hòa Séc People in Need quyết định trao tặng cho Đoan Trang giải thưởng Homo Homini. Đây là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nhà báo, nhà hoạt động về nhân quyền và chính trị quả cảm trên thế giới. Đoan Trang không thể rời khỏi Việt Nam để nhận giải thưởng này.


Những ngày kinh hoàng

Ảnh: People In Need.

Tháng 2/2018, Đoan Trang bị công an bắt cóc và thẩm vấn về sách “Chính trị bình dân”, rồi bị giam lỏng tại nhà khi cô trở về Hà Nội ăn Tết Nguyên Đán cùng gia đình.

Đầu tháng Ba, công an tiếp tục bắt giữ cô khi cô tìm cách rời khỏi Hà Nội. Cuối cùng, Đoan Trang cũng thoát khỏi Hà Nội để đến Sài Gòn khi sức khỏe đang rất yếu.

Một đêm vào cuối tháng Năm, Đoan Trang trở về Hà Nội. Khi cô vừa xuống xe buýt tại Hà Nội thì công an đã đợi sẵn. Cô tiếp tục bị giam lỏng tại nhà vì công an sợ cô sẽ “kích động” quần chúng biểu tình để chống hai dự thảo luật là Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng.

Với sự giúp đỡ của bạn bè và độc giả, Đoan Trang một lần nữa thoát khỏi được công an Hà Nội để vào Sài Gòn. Lần trốn thoát này, đôi tay của cô bị thương nặng do đã leo qua các bức tường cao trong khi hai đầu gối vẫn còn đau.


Cuốn sách kế tiếp

Từ trái qua Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long. Ảnh: Luật Khoa Tạp chí.

Vào tháng 6/2018, trong lúc những cuộc biểu tình chống hai dự thảo của Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng nổ ra, Đoan Trang cùng luật gia Trịnh Hữu Long và nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã bắt tay vào viết cuốn sách “Học chính sách công qua chuyện đặc khu”. Giữa tháng 12/2018, cuốn sách này được Luật Khoa Tạp chí xuất bản.


Nhập viện
vì bị công an đánh đập

Đoan Trang nhập viện sau đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín. Ảnh: Phạm Đoan Trang.

Ngày 15/8/2018, Đoan Trang bị công an mặc thường phục đánh đập khi đến nghe đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín. Đêm ca nhạc bị công an giải tán, những người tổ chức và tham gia bị công an thẩm vấn và đánh đập.

Đoan Trang tường thuật rằng cô bị sáu công an mặc thường phục đánh cô bằng mũ bảo hiểm và một hung khí tự chế của họ. Máy tính và giấy tờ cá nhân của cô bị công an tịch thu trong vụ việc này.

Ngày hôm sau, cô phải nhập viện vì bị chấn thương ở vùng đầu. Trong bệnh viện, công an đã canh chừng cô như canh giữ phạm nhân, không bạn bè, độc giả nào được nói chuyện với cô. Ba tuần tiếp theo, cô phải nằm liệt trên giường.

Sau này, Đoan Trang được biết đêm ca nhạc đó bị công an triệt phá vì nghi cô lợi dụng hôm đó để phát tán sách “Chính trị bình dân” và những tài liệu chống nhà nước khác.


Vô gia cư

Việc cư trú ngày càng khó khăn cho Đoan Trang vì cô không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, và công an lùng sục cô ở khắp nơi. Hệ thống đăng ký cho người tạm trú đã hoạt động hiệu quả trong việc gây khó khăn cho một nhà báo độc lập như Trang. Cô tin rằng công an còn buộc hàng xóm của cô ở Hà Nội phải ký giấy cam kết rằng họ sẽ khai báo ngay lập tức khi nhìn thấy cô.

Tháng 1/2019, vườn rau Lộc Hưng – nơi cô đang ở – đã bị chính quyền giải tỏa. Từ đó, một nửa thời gian và sức lực của cô phải dành cho việc tìm chỗ ở và trốn chạy công an với đôi tay và đôi chân thương tật. Với thương tật như vậy, Trang không thể đi bộ trong vài trăm mét và không thể đi xe máy.

Người phụ nữ đang bị thương tật ấy đã cảm thấy rằng sự nghiệp báo chí của cô phải khép lại trước sự săn lùng khốc liệt của chính quyền.


Không thể
sống bình thường

Đoan Trang và nghệ sĩ Saxophone Đặng Vũ Lượng tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/2017. Ảnh: Pham Doan Trang/FB.

Trong hơn ba năm kể từ tháng 7/2017, Đoan Trang đã sống ở ít nhất 60 chỗ ở khác nhau ở khắp các tỉnh thành. Cô đã đi lại hơn ba năm qua cùng với đôi chân thương tật, và nỗi sợ hãi nặng nề đeo bám, bị đánh đập, bị hành hung, bị công an bao vây bất cứ lúc nào.

“Một nhà báo và tác giả độc lập dưới chế độ độc tài toàn trị có nghĩa là bạn có thể bị bắt và thẩm vấn, thậm chí bị hành hung bất cứ lúc nào mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ, không thể đi lại trong nước…

Bạn cũng có thể bị quản thúc tại gia hoặc gần như trở thành người vô gia cư. Bạn có thể không thể đi chơi, đi lại bình thường trên phố vì có thể ai đó đang theo dõi bạn hoặc tệ hơn là ai đó bạn không quen biết có thể bất ngờ tấn công bạn từ phía sau.

Gia đình bạn bị theo dõi chặt chẽ, bạn bè và những người ủng hộ bạn cũng có thể bị cảnh sát quấy rối… Bạn phải sống trong nỗi ám ảnh thường trực rằng bạn là kẻ thù của đáng bị trừng phạt của nhà nước…

Chắc chắn bạn khó có thể chết, vì họ không có chủ ý giết bạn. Nhưng bạn không thể sống bình thường như những người khác hoặc như trước kia. Nỗi đau khổ, trầm cảm và suy sụp tinh thần chồng chất sẽ tàn phá và giết chết bạn dần dần.”


Nhận Giải thưởng
Tự do Báo chí của
Phóng viên Không biên giới

Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới, ngày 12/9/2019. Ảnh: Trịnh Hữu Long / Luật Khoa.

Ngày 12/9/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã quyết định trao giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019, hạng mục Ảnh hưởng cho Đoan Trang.

Trả lời BBC Tiếng Việt, Đoan Trang đã nói về mong muốn của mình sau khi nhận giải thưởng này: “Tôi mong là trong tương lai gần, ở Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều người mạnh dạn lên tiếng, nói lên quan điểm, chính kiến của mình trong các vấn đề chính trị xã hội.

Đặc biệt, tôi rất mong đợi sẽ có sự xuất hiện của thêm nhiều cây viết, nhiều nhà báo tự do, nhà báo độc lập, các blogger có nghề viết chuyên nghiệp, kể cả các nhà báo ‘lề phải’, tham gia vào công cuộc vận động dân chủ hóa xã hội thông qua con đường truyền thông.”


Không thể sống mà không thể viết

Đoan Trang cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh và nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiêng. Ảnh: Tuan Khanh/FB.

Đoan Trang không thể sống mà không thể viết ngay cả trong những ngày tháng khó khăn nhất của mình.

Tháng 2/2019, Đoan Trang sáng lập và làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Tự Do.

Trong năm 2019, NXB Tự Do đã xuất bản hai cuốn sách của Đoan Trang là “Politics of a Police State” (tạm dịch “Chính trị của một nhà nước cảnh sát”) và “Phản kháng phi bạo lực”; Luật Khoa cũng xuất bản cuốn “Cẩm nang nuôi tù” của cô.

Tháng 7/2020, Đoan Trang cùng các dịch giả khác công bố sẽ xuất bản cuốn sách “Tội ác phải bị trừng phạt”, dịch từ cuốn sách của tổ chức Safeguard Defender về hướng dẫn sử dụng Luật Magnitsky để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, NXB Tự Do còn xuất bản nhiều ấn phẩm về nhân quyền, chính trị và dân chủ khác.

Sau khi phát hành các cuốn sách và báo cáo, công an đã tìm mọi cách triệt phá các hoạt động của NXB Tự Do. Nhiều người giao sách, nhận sách đã bị chính quyền theo dõi, đe dọa và hành hung.


Báo cáo về vụ việc
tại xã Đồng Tâm

Bìa sách Cánh đồng Sênh: Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm. Ảnh: NXB Tự Do.

Tháng 2/2020, một tháng sau vụ cảnh sát cơ động bắn người dân xã Đồng Tâm vào giữa đêm, NXB Tự Do đã xuất bản cuốn sách song ngữ Anh – Việt “Cánh đồng Sênh: Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm”.

Báo cáo “Cánh đồng Sênh…” có năm tác giả, bao gồm: Đoan Trang, nhà hoạt động Will Nguyễn, nhà hoạt động Cấn Thị Thêu cùng hai con trai của bà Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Bà Thêu và hai con trai đã bị bắt trước lúc diễn ra phiên tòa xét xử sở thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.


IPA vinh danh NXB Tự Do

Đoan Trang trong phim tài liệu chiếu trong buổi lễ nhận giải thưởng Prix Voltaire 2020. Ảnh: Chụp màn hình.

Đầu tháng 6/2020, liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản (International Publishers Association) đã trao giải thưởng Prix Voltaire 2020 cho NXB Tự Do. Đây là giải thưởng vinh danh tinh thần tự do xuất bản của IPA dành cho các tổ chức xuất bản trên thế giới.

Đầu tháng 7/2020, Đoan Trang tuyên bố rút khỏi NXB do “sức khỏe kiệt quệ” và “mối đe dọa về an ninh đối với các thành viên NXB”.

Vài tuần sau đó, một vụ bê bối lớn xảy ra với NXB Tự Do khi Đoan Trang tố cáo một quản lý cấp cao của NXB về hành vi tham nhũng, mở ra một cuộc tranh cãi kéo dài, với bên còn lại tố cáo Đoan Trang cáo buộc sai sự thật. Vụ việc cho đến nay chưa ngã ngũ, nhưng người bị Đoan Trang tố cáo cũng đã tuyên bố rút khỏi NXB Tự Do.


Bị bắt sau báo cáo thứ ba
về Đồng Tâm

Đoan Trang bị công an đưa ra khỏi nhà vào khuya ngày 6/10/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Pham Doan Trang/FB.

Vào lúc 23:30 ngày 6/10/2020, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ Đoan Trang và di lý về thành phố Hà Nội vào ngày hôm sau.

Công an đã khởi tố bị can đối với cô với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015

Vụ bắt giữ Đoan Trang được công an tiến hành ngay sau buổi đối thoại cùng ngày về nhân quyền thường niên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đoan Trang trong phim tài liệu về NXB Tự Do chiếu ở Frankfurter Buchmesse. Ảnh: Chụp màn hình/IPA.

Không lâu trước vụ bắt giữ này, Đoan Trang và Will Nguyễn đã công bố “Báo cáo về Đồng Tâm” bằng song ngữ Anh-Việt.

Đoan Trang đã giới thiệu về báo cáo này trên Facebook của mình: “Ngày 25/9, ấn bản lần thứ ba, đầy đủ nhất từ trước tới nay của ‘Báo cáo Đồng Tâm’ ra mắt độc giả, cũng song ngữ, và dày gấp đôi ấn bản tháng Hai. Và mình vẫn kịp lập một kỷ lục cá nhân kỳ lạ: Sụt 7kg trọng lượng cơ thể”.

Vụ bắt giữ này cũng được tiến hành trước khi cô kịp tham gia thảo luận trực tuyến tại sự kiện uy tín nhất thế giới dành cho các nhà xuất bản – Frankfurter Buchmesse – từ ngày 14 – 18/2020. IPA đã thông báo trên website của mình về sự tham dự của Đoan Trang trong sự kiện này từ tháng 9/2020.


Phản ứng quốc tế
về vụ bắt giữ

https://www.facebook.com/Tomas.Petricek.Sedmicka/photos/a.173255099950930/701726040437164/

Vụ bắt giữ và khởi tố nhà báo Phạm Đoan Trang của chính quyền Việt Nam đã gây ra một làn sóng phản ứng quốc tế rộng rãi.

Sau vụ bắt giữ Đoan Trang, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Tomáš Petříček đã nhắc lại trên tài khoản Twitter và Facebook của mình rằng bà Đoan Trang đã được trao giải thưởng Homo Homini vì lòng dũng cảm và các đóng góp trong việc bảo vệ nhân quyền.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Robert A. Destro đã viết trên Twitter rằng Mỹ lên án chính quyền Việt Nam về việc bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô.

Các báo chí quốc tế như The New York TimesThe GuardianAPReutersWashington PostEconomistBloombergAl JazeeraDWVOABBCBangkok PostIndependent… không chỉ đưa tin về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang mà còn khắc họa sự đàn áp nhân quyền ở đất nước cộng sản như Việt Nam.

Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đã chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trắng trợn sau vụ bắt giữ Đoan Trang. Sau đây là một số tổ chức nhân quyền và xuất bản đã yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Đoan Trang: PEN InternationalTổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), Liên Đoàn Các Nhà xuất bản châu Âu (FEP), Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International), Front Line DefendersInternational Federation for Human RightsInternational Federation of JournalistsInstitute for War and Peace Reporting


“Tôi trông cậy
vào các bạn”

Đoan Trang có lẽ không mong muốn rằng cô bị bắt nhưng cô biết rằng chuyện bắt giữ và kêu án đối với cô sẽ xảy ra vào một ngày nào đó. Và cô đã chuẩn bị từ trước cho việc này.

Ngay sau khi Đoan Trang bị bắt, những người bạn của cô đã công bố bức thư mà Trang để lại. “Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành”, cô viết.

Đoan Trang đã đề cập đến ba mục đích mà cô hy vọng độc giả có thể tận dụng việc cô đi tù để hoàn thành.

Thứ nhất là gắn việc cô đi tù với vận động cho luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

Thứ hai là quảng bá những cuốn sách mà cô đã viết.

Thứ ba là giới dân chủ phải tận dụng việc cô đi tù để đàm phán với chính quyền Việt Nam về thực thi dân chủ ở đất nước, đặc biệt là thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

***

Năm 2011, dư âm từ việc bắt giữ năm 2009 vẫn còn ảnh hưởng đến Đoan Trang. Lúc đó, Trang vẫn có thể rẽ sang một hướng khác với cuộc sông êm đềm hơn nhưng cô đã không lựa chọn như vậy.

Trong một bài viết năm 2011, cô tự hỏi người ông quá cố của mình rằng: “Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành một trong những phần tử ‘bất mãn’, ‘chống phá’, từng bị quy kết là ‘xâm hại an ninh quốc gia’ không, ông của cháu? … Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó với đất nước không ông?”

Cho đến hôm nay, Đoan Trang chắc hẳn đã có câu trả lời của mình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img