Friday, June 9, 2023
spot_img

Ông Trọng ở lại, ông Dũng ra đi và “tứ trụ triều đình” lộ diện

Cali Today News – Không như dư luận mong đợi, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã thất bại trên đường đua tiến đến chiếc ghế Tổng Bí thư đảng CSVN. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại thêm 1/2 nhiệm kỳ trong khi chờ đợi Bộ Chính trị đề cử ra người ứng cử vào chức vụ Tổng Bí thư. Cùng với đó, vấn đề nhân sự đã được chốt lại, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành tân Thủ tướng; ông Trần Đại Quang sẽ được lên làm Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Sau rất nhiều cố gắng loại trừ ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công tại Hội nghị Trung ương 14. Từ những nguồn tin chưa thể kiểm chứng, ông Trọng được số phiếu cao nhất. Trong khi đó, số phiếu mà ông Dũng có được không đủ để ông này ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư. Điều đó đồng nghĩa với việc cùng với những người quá tuổi khác, ông sẽ về hưu.

Từ trước Hội nghị Trung ương lần thứ 14, rất nhiều lời đồn thổi cho rằng một thất bại sẽ đến với ông Dũng. Tuy nhiên, với chiêu bài “chủ quyền”, ông Dũng lại rất được lòng dư luận. Song, “chủ quyền” xem chừng không phải là điều mà các ủy viên Trung ương đảng quan tâm. Ông Trọng tự đưa ra quy định rằng, chức Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận, cùng với đó là người có thể kêu gọi được tính đoàn kết trong đảng. Do đó, ông đã tự ứng cử mình vào chức Tổng Bí thư. Một việc làm mà theo văn hóa phương Đông đáng bị lên án. Việc tự ứng cử, cộng với được sự đề cử từ ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng đã ngồi lại chiếc ghế quyền lực thêm một nửa nhiệm kỳ.

Cũng cần phải nhắc lại, với tư cách là người đứng đầu Bộ Chính trị, có tiếng nói quyết định trong bộ máy quyền lực nhất nhưng khi ông đề cử 2 ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư là ông Phạm Quang Nghị (Bí Thư Hà Nội) và ông Đinh Thế Huynh (Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng) đều không được Trung ương đảng tán thành. Chính vì không tìm được người nào thích hợp nên ông Trọng phải tự mình đề cử mình.

Còn nhớ, vừa lúc Hội nghị Trung ương 12 kết thúc, một người làm báo trong nước cho chúng tôi biết, cả ông Dũng lẫn ông Sang đều phải về hưu. Vào thời điểm đó, trước việc quyền lực của ông Dũng đang lên, thật khó có thể tin được ông này lại chấp nhận việc thúc thủ dễ dàng.

Những toan tính, mưu đồ của ông Trọng đã đem lại những thành công mỹ mãn. Những con bài được liên minh Trương Tấn Sang- Nguyễn Phú Trọng tung ra trong thời điểm quyết định đã khiến cho ông Dũng không kịp trở tay. Những lá thư tố cáo, kiến nghị của những vị lão thành, như: Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; ông Trịnh Văn Lâu, nguyên Ủy viên Trung ương đảng là những cú đánh trực diện, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ông Dũng. Cùng với đó, ông Trọng đã biết cách liên minh cùng ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc để chắc chắn cho chiến thắng.

Từ một nguồn tin trên Internet cho biết, để cho chắc ăn và ngăn chặn âm mưu đảo chính từ phe Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung Cộng bảo vệ Đại hội 12. Nếu tin đồn này là đúng sự thật thì rõ ràng, Nguyễn Phú Trọng đang muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo kiểm soát của Trung Cộng. Trong Bộ Chính trị, chỉ mỗi ông Nguyễn Tấn Dũng là người cất cao tiếng nói trong những lần Trung Cộng đe dọa chủ quyền Việt Nam. Một ký giả có thâm niên làm báo trong nước cho biết, chính vì việc làm đó nên ông Dũng lúc nào cũng phải chống lại những đồng chí trong Bộ Chính trị.
Người thất vọng nhất trong việc này có lẽ là ông Trương Tấn Sang. Ông Sang (sinh năm 1949) trẻ hơn ông Trọng (sinh năm 1944), vẫn còn có cơ hội để được ngồi vào ghế Tổng Bí thư. Việc liên minh với ông Trọng để loại ông Dũng ngoài việc tìm kiếm cho mình chức Tổng Bí thư, thì ông Sang còn giải quyết được mối thù kéo dài từ nhiều năm nay với ông Dũng.

Còn nhớ, kéo dài từ trước Đại Hội đảng lần thứ 11, ông Sang đã công kích ông Dũng. Bằng những trang blog Quan Làm Báo cùng với những Đại biểu Quốc hội thuộc phe cánh của ông như: Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm đã giáng cho ông Dũng những đòn chí mạng. Thêm nữa, trong bối cảnh Vinashin phá sản khiến cho uy tín của ông Dũng xuống thấp trầm trọng. Vậy nhưng, bằng bản lãnh của một chính trị gia lão luyện, ông Dũng vẫn giữ vững được chiếc ghế của mình. Chưa hết, bà Đặng Thị Hoàng Yến phải tháo chạy khỏi Việt Nam, còn anh bà là ông Đặng Thành Tâm phải ra nước ngoài trị bịnh. Tuy là một Đại biểu Quốc hội nhưng ông Tâm thưa dần trên diễn đàn Quốc hội.

Thật khá là vô duyên nếu chúng ta, những người dân bình thường lại quá quan tâm đến chuyện bầu Tổng Bí thư. Vì rằng, việc bầu Tổng Bí thư đảng CSVN là chuyện của những đảng viên Cộng sản. Đó là vấn đề nội bộ của những người Cộng sản, không thuộc quyền quyết định của người dân. Song, chính vì Việt Nam là một quốc gia độc đảng nên những nhân vật được ngồi vào ghế Tổng Bí thư sẽ liên quan đến vận mệnh quốc gia.

Dẫu gì, qua những cuộc đấu đá, người dân sẽ thấy được sự chia rẻ không còn gì có thể gắn kết lại được.

Ông Dũng lên hay ông Trọng tại vị cũng chỉ khiến cho đất nước này nát bươm. Cái mà người dân mong chờ ở ông Dũng trong thời điểm này, một khi ông được làm Tổng Bí thư chính là thái độ với Trung Cộng.

Đây là Đại hội cuối cùng của những người Cộng sản. Vậy nên việc theo dõi, bình phẩm cũng sẽ khiến cho lần cuối cùng này thêm phần phong phú.

Người Quan Sát

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT