Monday, March 18, 2024

Người miền Nam

Trúc Mai

(VNTB) – 44 năm trước là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, còn bây giờ người miền Nam đang gây biết bao oán thán, biết bao tội nghiệt cho chính người Nam bộ…

Hồi còn con nít, tôi thường được nghe ông bà, cha mẹ nói rằng người miền Nam nhân từ, thẳng thắn, tôn trọng chữ lễ, cái nghĩa lắm. Tiếng dạ, thưa, cảm ơn, xin lỗi luôn sẵn khi cần. Người miền Nam nhân từ, thật thà, một khi họ đã quý mến ai rồi thì họ coi như người trong nhà. Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn.

Những con người “mang gươm đi mở cõi”, chốn rừng thiêng luôn đầy rẫy những hiểm nguy, những con người miền Nam đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua. Ngẫm lại, đó có lẽ là khí phách, hồn vía của miền Nam.

Nói chuyện với một người miền Nam, có thể đôi khi bạn cảm thấy họ sao bỗ bã quá. Thế nhưng, đó là đặc tính của người miền Nam. Họ bộc trực kiểu như câu thơ của một thi nhân xứ Huế: “…Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu…” (Lời mẹ dặn – Phùng Quán).

Theo thời gian, đứa con nít rồi cũng thành người lớn. Đến lúc này thì tôi chợt cảm thấy một số người miền Nam sao xấu xí đến lạ lùng (!?). Chỉ là một ông trưởng ấp thôi cũng có thể hách dịch quyền hành, chèn ép người nông dân. Ở cấp cao hơn, trình độ học vấn cũng ‘tiến sĩ’, cũng ‘đi Tây, đi Tàu’, thế nhưng lại có “người miền Nam nói giọng Bắc” đã đẩy biết bao nhiêu người dân rơi vào cảnh không nhà khi Tết cận kề.

Có một chút quyền lực trong tay, họ gây bao nhiêu là đau khổ cho dân nghèo, bất chấp người đó có là hàng xóm, là chính bà con mình đi chăng nữa. Giọt máu đào hơn ao nước lã, giờ đây sao thật mỉa mai. Mới chỉ 44 năm thôi mà!

“Trong mấy cuộc họp tổ dân phố, bà con ở đây góp ý liên tục, yêu cầu phải coi lại nhà máy, chứ ngày nào cũng nghe mùi hôi, riết bệnh chết luôn!”, anh Ba, một người dân sống ở gần nhà máy Lee & Man của Trung Quốc mở ở thị trấn Mái Dầu, tỉnh Hậu Giang kể.

“Nghĩ coi, ở chỗ khác, người ta còn làm đường cho dân đi, làm sao cho dân tiện. Còn nơi đây, có sẵn cầu rồi, thông thương hay qua lại tiện lợi cho người dân vô cùng. Rồi mấy ổng viện lý do này, lý do nọ phá cầu. Có thèm hỏi ý kiến của người dân đâu?”. Dì Tư, cư dân địa phương gần khu vực cầu sắt Phú Long, nơi giáp ranh Sài Gòn – Lái Thiêu oán trách.

“Mình có nói, có lên tiếng cũng vậy à. Họ ghi nhận cho vui, chứ có thèm nghe dân đâu nè!”, ông Hoàng chia sẻ khi nói về cầu sắt Phú Long nối hai bờ sông Sài Gòn – Bình Dương bị tháo dỡ. “Họ” ở đây chính là các vị quan chức ‘toàn giọng miền Nam’ ở hai địa phương TP.HCM và Bình Dương.

“Trạm BOT gây bức xúc cho người dân. Mình lấy máy ra chụp hình, mấy nhân viên ở trạm còn thách thức ‘có ngon kêu nhà báo xuống đi, cũng chẳng làm gì được đâu’ (!?). Mình tự hỏi không biết có ai chống lưng cho họ hay không mà dám phách lối đến như thế?”. Ông Bằng, một tài xế kể. Các ông bà chủ trạm BOT ở miền Nam, phần đông là người đến từ miền Bắc, nhưng mấy nhân viên có mòi dựa hơi chủ rồi lên mặt thách thức với dân chúng, buồn là họ đều ‘giọng miền Nam’.

Nguyên nhân từ đâu mà những “người miền Nam” ấy lại đánh mất những giá trị nhân bản làm nên tính cách dân Nam bộ, để rồi trở thành xấu xí như vậy? Phải chăng do lỗi của giáo dục? Hay từ gia đình? Hay do quyền lực đã làm mờ mắt những con người đó?

Dẫu thế nào hay ra sao đi chăng nữa, tôi vẫn tin một điều, những gì đã là thuần phong mỹ tục thì vẫn sẽ trường tồn. Những con người “xấu xí” kia chỉ là một phần nhỏ trong hàng triệu những con người miền Nam. Nhưng buồn thay, họ lại là những người… có quyền lực sinh sát.

Chợt nhớ đến câu thơ như lời tự trào của Nguyễn Trãi: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước). [Quan hải 關海, ‘Đóng cửa biển’, Nguyễn Trãi. Bài này nói về Hồ Quý Ly chống giặc Minh giỏi, nhưng trong cai trị không được dân ủng hộ, do đó cuối cùng phải thất bại]

Theo VNTB

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img