Thursday, March 28, 2024

Người dân nói gì về độc quyền nhà nước trong nhận và phát hàng cứu trợ đồng bào miền Trung

(VNTB) – Chỉ trong một tuần kêu gọi sự đóng góp tiền của để giúp đỡ người dân miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên đã tiếp nhận được từ đông đảo người hảo tâm trên cả nước số tiền trên 100 tỉ đồng.

Photo Credit: AFP

Cứ tưởng chuyện rất đáng khen ngợi, đáng được nhân rộng để bà con bị thiên tai sớm khắc phục thiệt hại, nhưng lại đang có sự băn khoăn về tính hợp pháp của hoạt động cứu trợ tự phát nêu trên.

Băn khoăn là vì Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…, lại đưa ra quy định ngặt nghèo như sau:

“1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Người dân nói gì về quy định này, thông qua việc cá nhân cô ca sỹ Thủy Tiên đang tự tay đi cứu trợ mà không qua bất kỳ tổ chức nào?

– Ông Đào Ka: Vậy mai mốt chỗ nào bị thiên tai hay có bất cứ nguy hiểm gì thì cứ ngồi đợi nhà nước, chính phủ hay bên công tác từ thiện từ tới giúp đỡ nhé… Có chết cũng đừng trách móc con người sao quá tàn nhẫn. Ngồi nhà nói gì cũng hay.

– Bà Mỹ Nữ: Làm đúng luật như vậy chắc chắn không có được sự ủng hộ nhiều như vậy đâu. Vì người ta chỉ tin tưởng người đứng lên kêu gọi. Tổ chức nào làm được cứ kêu gọi, nhưng đừng cấm người dân làm, vì như vậy những người dân vùng lũ sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất.

–  Ông Hữu Nhật: Rồi, tiền nhiều quá gởi ngân hàng lấy lãi, thay vì phát cho các hộ dân khó khăn. Rồi, quần áo cứu trợ thì bỏ cho nước vào, hôi thối, mục… bảo người dân cho mà không có lòng. Rồi, mì tôm, các thực phẩm khác bỏ cho mốc meo, quá đát… bảo không có người.

Cứ tra google sẽ ra, mấy năm trước lên báo hết. Trong khi cá nhân chịu trách nhiệm với người nhận tiền, tới tận nơi trao tận tay cho người nghèo khổ! Còn quy về một mối, lại đố kỵ so đo, lại chơi chủ nghĩa cào bằng, một số quan xã quan làng làm rồi. Giúp được gì cho dân khi tiền cứu trợ thất thoát, hàng hư hỏng không đến tay người cần, bao nhiêu tổ chức do Nhà nước giao đền tiền hàng và đi tù?

– Ông Nguyễn Minh Thiện: Luật nằm trong phạm trù đạo đức, không thể cản trở đạo đức phát triển. Nếu có, phải sửa luật.

– Ông Huỳnh Văn Lượng: Khi thiên tai, dịch bệnh… tất cả mọi người cùng chung tay giúp đỡ khắc phục cùng với nhân dân trong cơn hoạn nạn. Luật quy định không phù hợp thì điều chỉnh bổ sung cho kịp thời, chứ không vì một số lừa đảo mà làm mất đi đạo đức của dân tộc.

Ai lừa đảo thì xử người đó, phải dọn đường cho đạo đức người Việt Nam tồn tại. Có thể bổ sung thêm nhà nước cấp phép cho cá nhân, nhóm người làm từ thiện, chứ không nên hạn chế trong khu vực nhà nước. Mấy ngày nay trên thông tin mạng rần rộ các nghệ sỹ đi cứu trợ, nhưng không hề thấy thông tin chính thống đưa tin, chỉ đưa phần của nhà nước, như thế thì không tròn.

– Ông Nguyễn Chí Thanh: Luật đưa ra là đúng và rõ ràng. Chúng ta thấy 10 vụ kêu gọi từ thiện, ngoài các tổ chức nêu trên, thì 5 vụ lừa đảo còn lại thì không kiểm soát tốt, thiếu minh bạch.

Trường hợp của ca sĩ Thuỷ Tiên quá tuyệt vời, nhưng cũng cần đưa vào khuôn khổ luật, do tính cấp bách của tình huống bão lũ nên sự việc đã xảy ra trước vì vậy các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Thuỷ Tiên sau chương trình để được minh bạch hợp pháp, cũng là giúp Thuỷ Tiên không bị kẻ xấu bôi nhọ danh dự.

Tuy nhiên nói đi thì cũng nên nghĩ lại, đã có quá nhiều trường hợp lợi dụng lòng hảo tâm để tham nhũng chiếm đoạt, từ đó dẫn đến mất niềm tin, khiến các mạnh thường quân phải đích thân về tận nơi, vừa không an toàn vừa tăng chi phí. Các cơ quan hữu quan phải gấp rút chấn chỉnh minh bạch công khai từ khâu tiếp nhận cho đến tay người dân để lấy lại niềm tin trong vấn đề này.

– Ông Ngô Văn Luận: Không phải lúc nào các nghị định, thông tư cũng đúng, có rất nhiều trường hợp chưa kịp áp dụng đã phải hủy bỏ.

Có thể thời điểm đó đúng, nhưng hiện tài không phù hợp thì phải sửa lại cho phù hợp. Khi một cá nhân bằng uy tín và tấm lòng của mình mà huy động được cả trăm tỉ để ủng hộ nhân dân, thì các tổ chức như mặt trận tổ quốc cần phải tuyên dương và xem lại chính mình.

Tôi nghĩ các nhà hảo tâm không phải in ra tiền mà ai đứng ra kêu gọi cũng được, mà người ta phải có sự tin tưởng vào các cá nhân đó, trên thực tế thì đã có rất nhiều vụ người dân nhận được hàng cứu trợ không đảm bảo chất lượng như gạo mốc, hàng hết đát từ các tổ chức. Cứu trợ đồng bào trong lúc lũ lụt cần tính kịp thời, chứ không phải là hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn mà có thời gian tìm hiểu, thông qua các cấp chính quyền.

– Nhà báo Nguyên Thy: Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác, những cá nhân, doanh nghiệp… có nghĩa cử đẹp tương tự đã… vi phạm vào sự cấm đoán của Nghị định 64/2008. Không chỉ có họ, nhiều báo, đài cũng vi phạm thông tư trên khi đã và đang tổ chức giao trực tiếp tiền, hàng cứu trợ cho bà con chứ không giao nộp cho Ban cứu trợ cùng cấp như yêu cầu của thông tư.

12 năm trước, có lẽ lo ngại về sự vụ lợi và không nhìn thấy được nhu cầu, tiềm năng, hiệu quả của những hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức không thuộc nhà nước nên Nghị định 64/2008 mới có những hạn chế không hợp lý như trên. Theo thời gian, sự bất hợp lý đó ngày càng lộ rõ và dẫu không muốn vi phạm thì nhiều cá nhân, tổ chức thật sự có tấm lòng và năng lực quyên góp tiền, hàng cứu trợ cũng không thể nào máy móc tuân thủ.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong các yêu cầu của văn bản pháp luật là phải đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản cùng tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ thực hiện…

Vì lẽ này, những quy định gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động hay tiếp nhận cứu trợ nhân đạo của Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cần phải được nhanh chóng hủy bỏ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img