Cali Today News – Trong những năm gần đây, trào lưu thoái đảng CSVN diễn ra thường xuyên. Những người thoái đảng thường có tư tưởng tân tiến. Đảng CSVN trong con mắt của họ là một đảng độc tài, kìm kẹp sự phát triển của đất nước, không giống như lúc ban đầu khi họ mới gia nhập.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến đảng viên CSVN không còn muốn nằm trong tổ chức này. Người thì cho rằng chủ nghĩa Mác- Lê Nin là hoang tưởng. Người khác lại chán ghét chế độ, đòi hỏi đảng CSVN phải từ xóa điều 4 trong Hiến pháp, phải có tự do, dân chủ. Cũng không loại trừ trường hợp những người thoái đảng là nhằm rũ bỏ những tội ác liên quan đến đảng CSVN với tư cách là một đảng viên.
Những đảng viên CSVN thoái đảng có rất nhiều thành phần, mẫu số chung ở những người này là có học thức, từng làm việc trong bộ máy chính quyền. Điểm lại một số người từng thoái đảng, ta thấy có: Ông Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động; Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, người từng làm việc tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Sài Gòn; Trung tá, Bác sỹ quân đội Đinh Đức Long; Bác sỹ Nguyễn Bắc Diên; Anh Ngô Xuân Phúc, một bộ đội phục viên…
Cũng chung trào lưu thoái đảng, mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cống, nhà giáo Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực xây dựng cũng đã thoái đảng CSVN.
Trong bản thông báo “Từ bỏ đảng” ngắn gọn của mình, Giáo sư Cống cho biết:
“Tôi vào đảng với nguyện vọng đóng góp trí tuệ và công sức làm cho đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng Chủ nghĩa Mác Lê-Nin có nhiều độc hại, rằng Chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của đảng”.
Giáo sư Cống là người được đông đảo sinh viên qua nhiều thế hệ học tại Trường Đại học Xây dựng kính trọng. Sau khi bản thông báo “Từ bỏ đảng” được đăng trên Facebook cá nhân của Giáo sư Cống đã có gần 1,000 lượt người chia sẽ. Cùng với đó là một loạt blog, Facebooker sao chép lại.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, một người từng là học trò của Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết, Giáo sư Cống là một người đáng kính. Vào thời còn học tại Trường Đại học Xây dựng, cứ đến tiết học với Giáo sư Cống là những giờ “vui thoải mái”. Ông Vinh cho rằng, việc thoái đảng khi tuổi đã già cho thấy chí khí của Giáo sư Cống vẫn “mạnh mẽ”.
Ông Nguyễn Đình Cống (sinh năm 1937), ông vào đảng CSVN từ năm 1985. Đến nay đã được 31 năm nằm trong tổ chức đảng. Trước việc đảng CSVN ngày càng suy thoái, biến chất. Đảng CSVN để mặc các đảng viên bóc lột, tham nhũng, đàn áp người dân, ông Cống đã có rất nhiều bài viết để lên án chế độ, phân tích cái sai của thể chế từ đó yêu cầu phải thay đổi. Trước đó, vào 9/12/2015, Giáo sư Cống cùng 126 người khác đã gửi đơn đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI để yêu cầu đổi tên đảng, không gọi là đảng Cộng sản như hiện nay; đổi tên nước, không gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa; cùng với đó là kêu gọi trả tự do cho những người yêu nước, giới bất đồng chính kiến, những người đã bị bỏ tù chỉ vì cất lên tiếng nói khác biệt với chính quyền CSVN. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ấy chính quyền CSVN vẫn không thèm quan tâm, không có lời hồi đáp.
Sau khi Đại hội XII kết thúc, quá thất vọng vì thấy đảng CSVN vẫn “kiên trì Mác Lê-nin và đường lối chính trị cũ”. Giáo sư Cống đã thể hiện bằng cách thoái đảng. Cách làm nào, theo Giáo sư Cống là nhằm “để tỏ thái độ dứt khoát với Chủ nghĩa Mác Lê-nin và sự độc tài toàn trị của đảng CSVN”.
Ngoài những người hoan nghênh việc Giáo sư Nguyễn Đình Cống bỏ đảng, một số người khác lại lên án việc làm trên. Những người này cho rằng, Giáo sư Cống chỉ chịu bỏ đảng khi đã có danh phận và gần về phía cuối cuộc đời. Trước đây khi Giáo sư Cống vào đảng CSVN là nhằm lợi dụng. Đến khi về hưu có lương cao chất ngất thì quay ngược lại chống đảng CSVN.
Dư luận bao giờ cũng có những chiều hướng khác nhau. Song, qua việc Giáo sư Nguyễn Đình Cống kiên quyết thoái đảng để chống lại việc đảng CSVN độc tài toàn trị cho thấy, trong con mắt của giới trí thức tại Việt Nam, đảng Cộng sản ngày càng tồi bại.
Người Quan Sát