Món ăn đặc trưng ngày Tết trên khắp 3 miền

0
1320

Cali Today News – Ẩm thực Việt Nam có vô vàn đặc sản khắp miền Bắc, Trung, Nam. Món ăn ngày Tết là minh chứng điển hình cho sự đa dạng đó.

Từ Bắc vào Nam, người dân mỗi vùng miền sẽ chuẩn bị mâm cơm đón Tết với các món ăn khác nhau. Những món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương với hương vị độc đáo.

Mâm cỗ Tết mỗi nơi sẽ có những điểm khác nhau nhất định. Tuy nhiên, ở vùng miền nào mâm cỗ cũng mang ý nghĩa giữ gìn hương vị Tết cổ truyền, nhớ về cội nguồn, tổ tiên, đồng thời là dịp gia đình đoàn viên, cùng nhau tụ họp ăn uống, vui chơi.

Miền Bắc

Dịp Tết đến xuân về là lúc mọi người quây quần bên gia đình sau một năm làm việc xa quê hương. Một trong những điều làm nên nét riêng của Tết miền Bắc là mâm cơm ấm cúng.

Ở dịp này, mâm cơm mỗi nhà một vẻ, song có những món ăn đi vào tiềm thức, không thể thiếu trong bữa ăn cuối cùng của năm.

Mâm cơm vào ngày Tết cổ truyền của người miền Bắc thường có bánh chưng, dưa hành, thịt đông, gà luộc, canh măng, các loại giò, nem rán, xôi gấc… Trong đó, bánh chưng là món không thể thiếu.

Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Bên ngoài của bánh gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Nhiều nhà còn sử dụng cốm để làm bánh chưng có màu xanh bắt mắt.

Vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường tụ họp và cùng nhau gói bánh. Khoảng thời gian cả nhà chờ bánh chín bên bếp lửa hồng cũng là những phút giây ấm áp để gợi nhắc nhiều câu chuyện đẹp trong năm.

Miền Bắc thường trải qua những ngày Tết trong không khí lạnh, có khi rét đậm, rét hại từ những đợt gió mùa Đông Bắc. Vì vậy, thịt đông cũng thường được lựa chọn làm món ăn chính trong những ngày này.

Nguyên liệu làm thịt đông thường là phần chân giò heo, bên cạnh đó là cà rốt, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu… Thịt chân giò cùng các nguyên liệu kèm theo được ninh nhừ, sau đó để đông đặc lại giống món thạch vừa đẹp, ăn lại ngon miệng, phù hợp ngày Tết.

Trên mâm cơm cúng gia tiên hay mâm cơm sum vầy ngày Tết ở miền Bắc không thể không nhắc đến món giò lụa. Thành phần chính của món ăn này là thịt thăn heo xay nhuyễn. Món ăn ngon nhất khi dùng cùng nước mắm cốt cá đậm đà. Giò lụa được quấn chặt trong lá chuối tươi sau đó luộc chín. Những miếng giò thoảng mùi lá chuối, ngọt vị thịt, làm nên hương vị ngày Tết truyền thống.

Gia vị làm nên nét đặc trưng của Tết Nguyên đán miền Bắc là món dưa hành (hay hành muối). Mâm cơm Tết sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi vị thơm nồng, chua cay, của những củ hành muối giòn sần sật. Dưa hành thường ăn kèm cùng bánh chưng, thịt đông… Vị chua, cay của món ăn này giúp bạn đỡ ngán khi dùng nhiều đồ nếp, thịt hay thực phẩm dầu mỡ.



Canh miến măng cũng làm nên nét đặc trưng riêng cho vị Tết. Món ăn này có nhiều kiểu chế biến khác nhau, nhưng nguyên liệu bắt buộc phải có là măng khô xé nhỏ, được nấu thơm phức. Bên cạnh măng, bát canh còn có nhiều thành phần khác như nấm hương, mộc nhĩ, sườn non… Canh măng thường được nấu kèm cùng miến và nước dùng từ nước luộc gà.

Ngoài canh măng, người miền Bắc có thể thay thế bằng món canh bóng thả được làm từ bóng bì, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn…

Gà luộc là món ăn có mặt trong mâm cúng giao thừa. Gà phải chọn con trống, chắc thịt, được luộc thật khéo để gà không bị nứt và da vàng tươi. Khi lên mâm, gà được chặt khéo léo để khi xếp lại vẫn thành hình.

Miền Trung

Ởmiền Trung, những món ăn quen thuộc cho ngày Tết là bánh tét, tôm chua, giò bò, dưa món, thịt ngâm mắm, bánh tổ, bánh in, nem chua…

Mon an ngay Tet anh 5
Bánh tét, dưa kiệu, tôm chua… thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết của người miền Trung. Ảnh: Chef_thuy_pham.

Tôm chua có ở nhiều nơi, song ngon nhất phải kể đến xứ Huế. Đặc sản nổi bật hương vị chua cay, ngọt bùi của tôm chua, thịt, riềng, tỏi, ớt bột, nước mắm. Mọi dịp lễ, Tết, người Huế thường ăn tôm chua kèm cơm nóng, các loại gỏi cuốn hoặc chấm thịt heo luộc thái mỏng.

Với món thịt heo ngâm nước mắm, từng hũ thịt to được để ngâm 3 ngày cho thịt ngấm rồi mới đem ra dùng ngày Tết. Khi bày ra mâm, người nội trợ thái mỏng thịt heo ra ăn kèm dưa món, rau thơm hoặc cuốn cùng bánh đa nem.

Món bánh tét truyền thống cũng xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền ở miền Trung. Nếu bánh chưng sử dụng lá dong thì bánh tét được cuốn bằng lá chuối, cũng với nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt heo. Bánh được gói thành những đòn trụ dài nên khi cắt từng khoanh nhìn đẹp mắt.

Bánh chưng, bánh tét tròn vị nhất khi kẹp kèm miếng dưa kiệu mằn mặn, the the. Củ kiệu trước khi đem đi ngâm trong hỗn hợp muối, nước mắm, đường thì được làm sạch, phơi khô. Cũng vì lẽ đó, thành phẩm đặc trưng với vị mặn, giòn sần sật. Dưa kiệu có vai trò như món khai vị, là đồ ăn kèm chống ngấy hoàn hảo cho những món nhiều đạm ngày Tết.

Nếu người miền Bắc có món giò mỡ, giò lụa thì trên bàn tiệc sum họp gia đình và thiết đãi khách của người miền Trung không thể thiếu chả bò truyền thống. Chả bò chuẩn vị có mùi thơm nồng với tiêu đen kèm vị dai, giòn, cay nhẹ.

Mon an ngay Tet anh 6
Mâm cỗ Tết truyền thống của người miền Trung với phong phú món ăn, màu sắc và mùi vị. Ảnh: Lê Quân.

Trên hình là mâm cỗ Tết miền Trung 21 món do nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiểu Anh từng thực hiện. Mâm cỗ mang đặc trưng của nhiều món ăn Huế, bao gồm chả thủ hoa mai, nem chua xứ Huế, tré gia truyền, chả cánh phụng, bánh hoa hồng, bánh tét truyền thống, thịt luộc tôm chua, ram bách hoa, miến xào tam tơ, tôm càng kho đánh, thịt heo rim mật, bắp bò ngâm nước mắm, gỏi gà miền Trung, cá thu hồng đào, bê non ninh gừng, giò hon xôi trắng, canh hồng táo sen tươi, dưa ngọt hương quê, món chua liên ngẫu (ngó sen), mứt bánh ngũ sắc.

Miền Nam

Ởmiền Nam, mâm cỗ Tết không nhiều nguyên tắc như miền Bắc. Thường mâm cỗ ngày Tết sẽ được bài trí đơn giản và không mấy cầu kỳ.

Hương vị ẩm thực ngày Tết Nguyên đán với củ kiệu muối ăn kèm tôm khô, thịt kho tàu. Ảnh: Shutterstock.

Canh khổ qua mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua, đón thuận lợi và may mắn cho một năm mới đến. Theo quan niệm xưa, khổ qua được chọn là những trái có màu xanh đậm, suôn dài và thật đều nhau, thể hiện sự tròn vẹn, viên mãn. Món ăn này tuy có vị hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết. Món canh được chế biến từ những trái khổ qua được làm sạch ruột sau đó dồn hỗn hợp thịt băm nhuyễn cùng nấm mộc nhĩ, bún tàu và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín.

Nếu ở miền Bắc có thịt đông, thì các gia đình miền Nam lại quây quần bên mâm cơm không thể thiếu thịt kho tàu. Món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người nấu từ cách chọn thịt, khâu ướp gia vị đến thời điểm thêm nước dừa để thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh. Thịt, trứng với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt mang ý nghĩa ấm cúng, sum vầy. Hột vịt trong món ăn không cắt ra mà để nguyên còn có ngụ ý một năm mới đủ đầy, trọn vẹn cho gia chủ.

Một món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa ăn của người miền Nam vào dịp Tết là củ kiệu tôm khô. Vị chua của củ kiệu giúp cho các món ăn chính đỡ ngán hơn. Người miền Nam thường dùng củ kiệu muối ăn kèm tôm khô, thịt kho tàu.

Nói về món mứt Tết quen thuộc, phải nhắc đến mứt dừa. Để có món mứt dừa ngon, người làm nên chọn quả dừa không quá non hoặc già để việc nạo dừa được dễ dàng và đảm bảo sợi mứt mềm, không bị dai hoặc khô. Những loại mứt dừa với màu sắc khác nhau như trắng, hồng, vàng… góp phần tô điểm mâm cỗ ngày Tết thêm sinh động. Ngoài ra, ngày Tết ở miền Nam còn có các loại mứt trái cây đa dạng như mứt me, mứt mãng cầu, mứt củ năng hoặc kẹo thèo lèo và kẹo chuối…

Mâm cúng ngày Tết miền Nam cũng không thể thiếu gà trống luộc. Sau khi cúng, nếu không chặt miếng chấm muối ớt, gà có thể xé nhỏ để trộn gỏi.

Nguồn zing