Thursday, March 28, 2024

Khởi tố Lê Thanh Thản: Chống tham nhũng hay thanh trừng nội bộ?

Nguyễn Hiền

(VNTB) – VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, ông Thản bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại điều 198 bộ luật Hình sự 2015. Theo báo VNN, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại.

Quyết định khởi tố lần này gây bất ngờ, mặc dù là tội danh nhẹ, bởi ông chủ Mường Thanh từng được TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng tặng 4 câu thơ trong lần lưu trú tại Mường Thanh Grand Phương Đông (Nghệ An).

Mường Thanh, nơi thường xuyên đón tiếp đoàn cán bộ cấp cao của Trung ương về thăm các tỉnh thành, và đây cũng là nơi chọn mặt gửi vàng khi tổ chức các hội nghị, hội thảo của Trung ương. Nhiều quan điểm và thuyết âm mưu đặt ra, Mường Thanh liệu là sân sau của một Ủy viên Bộ Chính trị?

Quyết định khởi tố bị can mặc dù liên quan đến sai phạm kinh tế, nhưng liệu có chuyển biến thành một tội trạng nặng hơn, trong bối cảnh mới đây nhất, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile bị khởi tố thêm tội rửa tiền (trước đó là tội buôn lậu)?

“Rửa tiền”, hoạt động mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh úp mở trên Facebook cá nhân, rằng, khi anh tiết lộ Nhật Cường rửa tiền cho ai, chắc chắn nhiều người sẽ ngất. Nhưng qua cách nói này, thì có vẻ như “rửa tiền” đi liền “sân sau”.

Quay trở lại với sự kiện Mường Thanh, đã đặt lại câu hỏi không hề mới: đây là nỗ lực chống tham nhũng để tìm ra những hành vi sai trái, hay đó là một cuộc thanh trừng chính trị?

Kể từ khi lên đến vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 2011, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã được khởi động, và tăng tốc khi ông năm giữ chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 10.2018.

Tham nhũng trong mắt ông Trọng là nguyên nhân sâu góp phần làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tổn hại tính hợp pháp ĐCSVN. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi cũng gia tăng về bản chất thực sự của chiến dịch đốt lò.

Tại sao ông Trọng ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng?

Nhìn vào danh sách “bị đốt” trong thời gian qua, có thể thấy ông Trọng không chỉ đánh vào cấp độ “hổ” (nơi quan chức cao cấp), và “ruồi” (quan chức cấp thấp) trong lĩnh vực chính trị. Mà ông Trọng còn tập trung vào những mối quan hệ thân hữu với chính trị, bao gồm các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, vốn được cho là nơi cung cấp nguồn tiền dồi dào để không ít cá nhân vận động chính trị và ngồi ghế quyền lực.

Khôi phục danh tiếng của ĐCSVN, thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa đảng – nhà nước Việt Nam với người dân. Nhưng trên hết là chặn đứng suy yếu đảng bởi tham nhũng và kỷ luật lỏng lẻo.

“Đốt lò” cũng là tạo ra một sự ủng hộ cho cá nhân chính trị (ông Trọng) và dàn nhân sự mới của ông. Thúc đẩy nhanh “đốt lò” là để sớm ổn định chính trị mới trong 10 năm tiếp theo (2021 – 2031).

Chiến dịch này tạo ra ảnh hưởng như thế nào?

Niềm tin trong đảng, và niềm tin người dân đối với đảng thông qua ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ nhích lên. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người chỉ trích tham nhũng và luôn thể hiện bức xúc xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình cũng là một người bày tỏ sự nhiệt thành của cô đối với chiến dịch ông Trọng và cá nhân ông. Tham nhũng bị chặn đứng, quan chức bị khởi tố đem lại một cảm xúc xã hội mới. Và trong thời gian qua, số lượng tán dương chiến dịch dường như cao hơn so với số lượng bày tỏ hoài nghi và phủ nhận tính chất chống tham nhũng của “đốt lò”.

Nó không thuần túy là chiến dịch, mà còn là “uy tín chính trị” và sinh mạng chính trị của chính ông Nguyễn Phú Trọng.

Trước khi chiến dịch “đốt lò” diễn ra, tham nhũng ở Việt Nam là sự tồn tại phổ biến của các mạng lưới tham nhũng (các lãnh đạo quyền lực). Những mạng lưới này không chỉ đe dọa đến sự liêm chính trong tổ chức của ĐCSVN, mà còn có thể đặt ra những thách thức chính trị tiềm tàng cho lãnh đạo cao nhất.

Chiến dịch “đốt lò” làm gia tăng niềm tin là có thật, cam kết của ông Trọng đối với chiến dịch đã từng bước được hiện thực hóa. Mặc dù vậy, quan điểm trọng kỷ luật đảng với cơ chế tự giám sát, thay vì một cơ chế độc lập để giám sát đảng vẫn là điều đáng lo ngại. Chính quan điểm này làm cho chiến dịch được nhìn thấy một cách mơ hồ là sự nhất thời, thanh trừng, thể hiện sự chuyên quyền.

Chiến dịch chống tham nhũng có ảnh hưởng lâu dài không?

Để giữ vững tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và xả van nén xã hội, thì Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chống tham nhũng với tần suất lớn, và giữ vững nguyên tắc “đánh trên đầu xuống”.

Tuy nhiên, chiến dịch chỉ giải quyết tham nhũng ở một cấp độ, và ở một khía cạnh cụ thể, đó là tham nhũng chính thức, liên quan đến các quan chức chính phủ, hợp đồng chính phủ, đất đai,… Nhưng có nhiều hình thức tham nhũng khác còn tồn tại, gây bức xúc xã hội mà cơ chế kỷ luật đảng vẫn chưa thể bén mảng đến, đó là tham nhũng vặt.

Do vậy, để thoát khỏi tham nhũng trong nền kinh tế, cái cần thiết là “cơ chế giám sát quyền lực”, thong qua tăng cường luật pháp, tinh giản chính quyền, và tự do hóa báo chí vạch trần tham nhũng.

Làm thế nào để đo lường sự thành công của chiến dịch?

Sẽ khó có định nghĩa thành công cho chiến dịch “đốt lò” này. Các quan điểm phát biểu, chỉ đạo liên quan đến chiến dịch chỉ là ngôn ngữ chung chung, không nêu rõ những tiêu chí nào để đảm bảo đánh giá.

Một sự tích hợp kỷ luật đảng vào thực thi pháp luật để tiếp tục thể chế hóa chiến dịch đốt lò là điều cần thiết. Theo đó, chiến dịch cần hướng tới thiết lập một cơ chế để đảm bảo hạn chế thấp nhất phát sinh tham nhũng từ gốc. 

Một chương trình nghị sự định hướng cải cách hệ thống chính trị có thể được đặt ra, gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức, giám sát tham nhũng bằng chức năng xã hội thông qua tự do báo chí,… Nhưng có vẻ, với phát biểu gần đây của ông Trọng và sự cam kết của Hà Nội với UPR (Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền), nó khó có thể đạt được.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img