Thursday, March 28, 2024

EVFTA: nhân quyền mờ nhạt và sự nhún nhường từ EU?

An Viên

(VNTB) – Như vậy, đây là lần thứ hai các tổ chức phi chính phủ Việt Nam lên tiếng về Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Vào 18/1/2019, 18 tổ chức phi chính phủ kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam, trong thư kêu gọi “Hội đồng và Nghị viện EU hoãn ký thông qua về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cho đến khi Chính phủ Việt Nam cho thấy những cải tiến cụ thể làm xấu đi hồ sơ nhân quyền.”

Và sau gần một năm, vào ngày 4/11/2019, một lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU “hoãn chấp thuận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Thỏa thuận bảo vệ đầu tư nhân quyền (IPA) cho đến khi đạt được các tiêu chuẩn nhân quyền nhất định của chính phủ Việt Nam.” Trong bối cảnh, tại Việt Nam, “vi phạm nhân quyền lan rộng và nghiêm trọng”.

Điểm chung của hai lá thư là hướng đến ràng buộc thực thi yếu tố nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đồng ý chấp thuận ở EVFTA và IPA cũng như hình thành một cơ chế giám sát, khiếu nại các vấn đề nhân quyền độc lập, và nhóm tư vấn trong nước.

Quan điểm mới nhất của nhóm tổ chức xã hội dân sự Việt Nam lần này chính là nhằm đảm bảo cho EU chứng minh tổ chức tài chính – quốc gia lớn này không phải là… nền dân chủ sáo rỗng. Và thực tế, những người quan tâm nhân quyền ở Việt Nam kỳ vọng một thỏa thuận thương mại phải ràng buộc về những cải thiện nhân quyền, và điều này phải được thực thi thay vì tiến hành thiếu rõ ràng và chắc chắn.

Những năm vừa qua, EU luôn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các quốc gia mà tình trạng nhân quyền ở đó có vấn đề. Và sau nhiều lần cứng rắn, thì EU thường “chốt deal” bằng một thái độ mềm mỏng hơn với lý do, thương mại sẽ làm mở rộng quan hệ giữa hai bên và giúp cho EU tiếp cận tốt hơn tình hình nhân quyền ở nước mà EU đang hướng tới.

Trong một số trường hợp khác, như Campuchia, EU thực hiện nhượng bộ đối với vấn đề nhân quyền nước này với quan điểm, việc chấm dứt ưu đãi thương mại sẽ làm nghèo nàn những người lao động đã nghèo bị tổn thất.

EU từng đặt vấn đề loại Campuchia ra khỏi thỏa thuận thương mại ưu đãi của khối này (EBA), chương trình mà Campuchia được hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU. Và 40% hàng hóa Campuchia đã được xuất sang EU, trị giá 6 tỷ USD.

Để nằm trong EBA, các quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền.

Nhưng khi tình hình nhân quyền Campuchia tệ đi, thì chính các quốc gia trong khối EU lại “vận động hành lang” cho đất nước chùa tháp này. Séc, Hungary là một trong những nước như vậy. Và sẽ thiếu vắng nếu không điểm danh Phòng Thương mại EU tại Campuchia khi vào tháng 9/2019, đã kêu gọi Brussels có “suy nghĩ tỉnh táo” về việc loại bỏ tình trạng EBA với Campuchia. Lý do, điều đó sẽ “gây nguy hiểm cho đầu tư EU, cộng đồng doanh nghiệp EU, các sáng kiến phát triển EU và sinh kế của công dân Campuchia.”

Phòng thương mại EU chính là nơi vận động hành lang bận rộn của giới chính trị gia các nước có hình ảnh nhân quyền tệ hại, và giới doanh nhân EU. Nói cách khác, để đảm bảo “thương mại” trên hết, và làm lu mờ giá trị “nhân quyền” thì Phòng thương mại này được đánh giá là một cứ điểm khá quan trọng.

Quay trở lại vấn đề Việt Nam, cần thừa nhận rằng, nhân quyền Việt Nam trong mắt EU hiện thời cực kỳ mờ nhạt so với những giá trị thương mại mà EU được hưởng lợi. Đó là lý do giải thích vì sao, Chủ tịch Ủy ban Nghị viện EU, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) và Phó Chủ tịch Jan Zahradil trong chuyến thăm 3 ngày tại Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua đã tiếp tục đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam và chuẩn bị tỉ mỉ cho việc phê duyệt Hiệp định EVFTA và IPA. Và Séc, quốc gia “vận động hành lang” để làm mờ nhạt nhân quyền Campuchia trước đó đã tiếp tục góp phần làm mờ nhạt nhân quyền Việt Nam, khi một hội thảo về triển vọng hợp tác kinh tế và đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Séc, và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do EVFTA đem lại được thảo luận tại Prague vào ngày 25/10. Lucie Vondrackova, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại và các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương Séc, cho biết EVFTA mang lại lợi ích lớn cho cả EU và Việt Nam, bao gồm cả Cộng hòa Séc.

Điều đó cho thấy triển vọng sáng của EVFTA trong tương lai, khi nó được ký kết, và nhân quyền vẫn là những cam kết hời hợt.

Ở một góc độ tích cực, thì lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU kêu gọi hoãn ký kết EVFTA cho thấy tiếng nói lương tâm của những người quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Và là biểu chứng rõ nét cho thấy, EU có thực sự quan tâm đến nhân quyền như cách họ thường hay rao giảng, hay đơn thuần chỉ là “món hàng” được mua bán và được bán khi ngả giá thích hợp.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img