Dịch COVID-19 đang tái phát trở lại bất chấp việc nhà chức trách các địa phương ở Việt Nam không ngừng đẩy mạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tâm lý người dân nơm nớp lo sợ cho việc làm ăn bởi hiện đang là khoảng thời gian năm hết tết đến…
Theo bản tin Y tế của Bộ Y tế CSVN chiều ngày 23/11/2021 cho biết, trong ngày Việt Nam ghi nhận thêm 11.132 ca mắc COVID-19 mới, với 167 ca tử vong. Qua đó ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là 1.143.967 ca, riêng đơt dịch thứ tư là 1.110.836 ca trong đó số ca được chứng nhận khỏi bệnh là 908.493 ca và 24.118 ca tử vong.
Con số 11.132 ca mắc COVID-19 mới tính trong ngày 23/11 (tăng 827 ca số với so với số ca của ngày 22/11), xuất hiện ở 61 tỉnh-thành của Việt Nam, các tỉnh-thành có số ca mắc cao nhất là: TP.Sài Gòn 1.204 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 709 ca, Bình Dương 698 ca, Tây Ninh 600 ca, Đồng Tháp 597 ca, Đồng Nai 571 ca, Bình Phước 509 ca, Vĩnh Long 505 ca…
Với số liệu của Bộ Y tế CSVN đưa ra, cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát mạnh tại Việt Nam trong nhiều ngày qua. Bất chấp nhà chức trách các địa phương ở Việt Nam đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân. Tính đến ngày 22/11, đã có 110.917.609 liều vắc xin được tiêm tại Việt Nam, trong đó tiêm 1 mũi là 67.337.689 liều và mũi 2 là 43.579.920 liều.
Ngoại trừ các tỉnh-thành phía Nam Việt Nam diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang căng thẳng kể từ hồi đầu đợt dịch thứ tư đến nay thì hiện tại tình hình dịch bệnh ở các tỉnh-thành miền Trung Việt Nam cũng đang cho thấy hết sức căng thẳng. Đơn cử như, trong ngày 23/11 tỉnh Bình Thuận ghi nhận đến 493 ca, Khánh Hòa 172 ca, Thừa Thiên Huế 160 ca, Bình Định 111 ca, Quảng Nam 95 ca, Nghệ An 92 ca….
Việc số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong nhiều ngày qua tại Việt Nam được xác định là có nguyên nhân Chính phủ CSVN chọn giải pháp “sống chung với dịch”, nới lỏng dần các giải pháp chống dịch để vực dậy nền kinh tế và cuộc sống của người dân dễ thở hơn, thu hẹp địa bàn phong tỏa, giảm xét nghiệm Y tế và các địa phương giao thương thực hiện quét mã QR Code …
Tuy nhiên, đang là khoảng thời gian cuối năm 2021, thế giới chuẩn bị bước sang năm mới 2022 và còn khoảng hơn hai tháng nữa là Việt Nam đón Tết Nguyên đán, dịch tái bùng phát khiến tâm lý người dân nơm nớp lo sợ cho việc làm ăn bởi người dân ngại ra đường khiến quán xá ế ẩm, các cơ sở kinh doanh-dịch vụ chỉ cần xuất hiện một ca bệnh là lập tức ngưng hoạt động tối thiểu từ 7-14 ngày để thực hiện công tác phòng-chống dịch bệnh, doanh nghiệp cũng chưa thực sự mạnh dạn đưa sản xuất trở lại bình thường, một phần là do còn thiếu nhân lực./.
THIÊN HÀ