Cali Today News – “Tôi nghĩ là tăng chứ không thể giảm nếu ai nghĩ rằng sau kỳ Đại hội Đảng XII này mà cộng sản Việt Nam sẽ giảm bắt bớ hay sẽ thay đổi thì cái đó tôi không tin điều đó. Nếu ông Trần Đại Quang lên nắm chức Chủ tịch nước và trước đó ông giám đốc công an Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung lên giữ chứ Bí thư Hà Nội chứng minh rằng cộng sản Việt Nam đang dùng lực lượng công an để bảo vệ và duy trì chế độ, bảo vệ Đảng cộng sản cho nên tôi tin rằng sau kỳ Đại hội Đảng này việc bắt bớ sẽ gia tăng, phong trào dân chủ quốc nội sẽ đối đầu với một lực lượng mới, những con người mới chứ tôi chưa thấy một động thái nào thuyên giảm” – nhà bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi khẳng định.
Hàng loạt người hoạt động dân chủ ở Việt Nam bị bắt giữ liên quan đến tội chống Nhà nước cộng sản Việt Nam theo các Điều luật 79, 88 được nêu trong Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam như: ông Trần Anh Kim (Thái Bình), luật sư Nguyễn Văn Đài (Hà Nội), Lê Thu Hà (Hà Nội), Lê Thanh Tùng và 2 bạn trẻ Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Hữu Thiên An ở Khánh Hòa. Điều đáng nói là phần lớn những trường hợp bắt giữ này diễn ra cận thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng XII khiến dư luận không khỏi thắc mắc liệu đây có phải là ý đồ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đặt ra hay không?
Trong khi đó, ngày 14/9/ 2015, ở phiên thảo luận sửa đổi BLHS Việt Nam ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu: “Không thể để một cái tội chống Nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”. Sau lời phát biểu này của ông Nguyễn Sinh Hùng, dư luận Việt Nam cứ tưởng các Điều luật 79, 88 cơ bản sẽ thay đổi bằng việc quy định rõ ràng hơn hoặc không còn chuyện chính quyền bắt bớ những nhà hoạt động dân chủ nhưng thật bất ngờ, việc bắt bớ lại tái diễn ở mức độ căng thẳng hơn.
Từng là tù nhân về tội chống Nhà nước Việt Nam, nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi đưa ra nhận định cá nhân;
“Thứ nhất, việc đàn áp bắt bớ diễn ra từ trước giờ Đại hội Đảng nào cũng có nhưng đối với kỳ Đại hội Đảng XII này có nhiều vấn đề ‘nhạy cảm’ đang diễn ra ở Việt Nam nên cần phải thẳng tay ngăn chặn, bắt bớ để răn đe và dập tắt những tiếng nói đang góp phần đưa phong trào dân chủ phát triển hẳn đây là ý đồ của nhà cầm quyền cộng sản. Thứ hai, những bắt bớ xảy ra ví dụ việc bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, tôi cho là cộng sản đang thách thức quốc tế, thăm dò quốc tế phản ứng vụ việc này như thế nào rõ là coi thường dư luận quốc tế”.
Còn với lời phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ trước, ông Hồi giải thích;
“Tôi thấy các Điều luật đặc biệt là Điều 79, 88… của BLHS Việt Nam hiện nay quy định chung chung và khá là mơ hồ, đến bây giờ Chủ tịnh Quốc hội Việt Nam ông Nguyễn Sinh Hùng cũng thừa nhận điều đó. Tại sao họ (chính quyền Việt Nam) lại đặt ra các Điều luật chung chung đó là vì mục đích để vận dụng nâng lên hoặc đưa xuống cho tùy quan điểm, điều này nói lên rằng pháp luật Việt Nam tồi tệ nhất. Đặc biệt là các tội danh chống phá Nhà nước ví dụ các Điều 79, 88,… đây là những điều luật quy định khá chung chung cần phải chỉnh đốn lại và ông Nguyễn Sinh Hùng đã nhìn thấy điều đó.”
Chưa biết việc chỉnh sửa các Điều luật quy định chung chung về tội chống Nhà nước sẽ đi đến đâu nhưng một ngày nó còn hiện diện như hiện tại thì sẽ có không ít quan điểm cho rằng giống như ông Hồi đã nói, đây chính là mục đích vận dụng của chính quyền cộng sản Việt Nam nếu thấy có lợi thì họ sẽ đi từ vận dụng sẽ nâng lên thành quan điểm cho bất cứ vấn đề nào. Một minh chứng là từ trước giờ, có rất nhiều tổ chức, cá nhân Quốc tế lên án các Điều luật quy định như thế này và yêu cầu cần phải có sự thay đổi nhưng cho đến nay, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn thường hay nêu trên các diễn đàn chính trị; ngoài sự tôn trọng các Điều luật Quốc tế thì cũng cần nằm trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, những người bị chính quyền Việt Nam kết tội chống Nhà nước cộng sản như các ông Trần Anh Kim, luật sư Đài, ông Lê Thanh Tùng… sẽ không bao giờ dừng thậm chí việc bắt giữ còn ở mức độ lan rộng hơn, ở bất cứ thời điềm nào chứ không phải chỉ vào dịp tổ chức Đại hội Đảng.
Xét ở phương diện cá nhân , có nhiều cách để nhận định cho lời phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong thời điểm hiện tại, ví dụ như người sắp hết nhiệm chức thường hay có những lời nói và việc làm đứng về phía người dân bởi theo dự đoán thì ông Hùng hết nhiệm kỳ này sẽ về hưu chứ khó có thể tiến thêm bước quyền lực nào khác ở đại hội Đảng XII. Hoặc cũng có thể đây là tư tưởng tiến bộ mà ông Hùng gặt hái được trong những năm tháng nhiệm chức được đi giao du nhiều với thế giới bên ngoài, nhìn thấy được trào lưu dân chủ của thời đại. Nếu ở nhận định sau đúng với ông Hùng thì đây quả là tín hiệu vui cho nền tư pháp Việt Nam. Ở đó, nền tư pháp Việt Nam sẽ hy vọng có sự thay đổi tiến bộ, phù hợp với thời đại, các Điều luật quy định chung chung về tội chống Nhà nước hẳn sẽ rõ ràng, minh bạch, tôn trọng quyền con người hơn. Tuy nhiên, tất cả chỉ là nhận định, là dự đoán và với ông Vi Đức Hồi thì hy vọng đó khó thành hiện thực: “Xét cho cùng ông Hùng cũng chỉ là con người nhận thấy các vấn đề, am hiểu tình hình thực tế. Nếu nói ông Hùng có nhận thức hối cãi về vấn đề này và chính quyền Việt Nam đều nhận thức về vấn đề mà họ thay đổi, chỉnh sửa là không có chuyện đó đâu. Cái chính là do áp lực quốc tế lớn và trên trang mạng facebook lên án chính quyền Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng nhận ra vấn đề cần xem xét chỉnh sửa nhưng sự chỉnh sửa của chính quyền chúng ta không bao giờ đặt hy vọng thay đổi trong những năm tới đây”.
Mặc dù Đại hội Đảng XII chưa khai mạc nhưng từ Hội nghị Trung Ương XIV của khóa XI đã có những lời đồn đoán tiết lộ Bộ trưởng công an Trần Đại Quang sẽ đắc cử chức danh Chủ tịch nước sau Đại hội Đảng XII. Trước thời điểm này một chút thì có ông Giám đốc công an Hà Nội chuyển lên làm chủ tịch Hà Nội khiến dư luận liên tưởng Nhà nước Việt Nam đang dần chuyển thành Nhà nước công an trị. Ở Việt Nam, cơ quan công an là cơ quan bảo vệ Nhân quyền nhưng cũng là cơ quan có những vi phạm Nhân quyền nhiều nhất. Vì lẽ này mà Tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi dự liệu sau Đai hội Đảng XII, việc bắt bớ những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam sẽ gia tăng chứ không thể thuyên giảm, phong trào dân chủ ở Viêt Nam sẽ phải chuyển đổi một hình thái đấu tranh mới để đối đầu với một lực lượng mới, những con người mới.
Lời của ông Hồi: “Tôi nghĩ là tăng chứ không thể giảm nếu ai nghĩ rằng sau kỳ Đại hội Đảng XII này mà cộng sản Việt Nam sẽ giảm bắt bớ hay sẽ thay đổi thì cái đó tôi không tin điều đó. Nếu ông Trần Đại Quang lên nắm chức Chủ tịch nước và trước đó ông giám đốc công an Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung lên giữ chứ Bí thư Hà Nội chứng minh rằng cộng sản Việt Nam đang dùng lực lượng công an để bảo vệ và duy trì chế độ, bảo vệ Đảng cộng sản cho nên tôi tin rằng sau kỳ Đại hội Đảng này việc bắt bớ sẽ gia tăng , phong trào dân chủ quốc nội sẽ đối đầu với một lực lượng mới, những con người mới chứ tôi chưa thấy một động thái nào thuyên giảm”
Bản thân ông Vi Đức Hồi khẳng định những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam đừng trông chờ vào tín hiệu tiến bộ của chính quyền cộng sản Việt Nam. Ông Hồi nói: “Tôi cho rằng chính quyền Việt Nam chưa có gì thay đổi. Họ có thể lúc mềm dẻo lúc gây ra căng thẳng. Trong thời điểm này họ nới lỏng là vì mục tiêu nào đó ví dụ như vào TPP ở tháng 12/ 2015 chẳng hạn, đây là sách lược và chiến lược của họ trong từng giai đoạn. Nhìn chung tôi chưa thấy chế độ này có gì thay đổi tiến bộ, không hy vọng gì đổi mới”.
Và như vậy, theo những gì chia sẻ của ông Vi Đức Hồi thì khó có thể kỳ vọng vào một kỳ Đại hội Đảng XII đem lại những đổi thay mới mẻ cho đất nước và dân tộc Việt Nam, dân chủ vẫn sẽ đương bị và tiếp tục bị độc tài cộng sản bót nghẹt.
THIÊN HÀ