Con sẽ về thăm Thầy

0
632

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vị tu sỹ xuất chúng về tri thức và giáo dục.

Kiều Mỹ Duyên

“Bác sĩ nói bệnh ung thư của tôi đã vào phổi rồi.” – đầu giây bên kia, thầy Tuệ Sỹ nói với giọng bình thản, thầy không sợ hãi. Trong suốt cuộc nói chuyện, thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng cười vui vẻ của thầy. Tôi phục thầy quá. Một người biết mình sắp qua đời mà vẫn bình thản, vẫn vui vẻ, có bao nhiêu người được như thế?

Tôi rất lo, tôi nói rất nhanh, rất nhanh:

          – Con sẽ về thăm thầy, con sẽ về thăm thầy.

Mỗi lần được nói chuyện với thầy, tôi nói rất nhanh, nhanh hơn bản tính của tôi. Có nhiều điều để nói, tôi phải nói cho nhanh, nếu không, không còn kịp nữa.

Bìa báo Viên Giác số 263- nhân lễ tiểu tường của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

Hôm qua, phỏng vấn Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Thông Triết trên đài truyền hình VBS. Hòa Thượng Như Điển đến từ Đức Quốc có đem theo nguyệt san Viên Giác, xuất bản ở Đức. Hình bìa là hình thầy Tuệ Sỹ, rất tươi, mắt sáng như sao Trời. Đâu có ai nghĩ một người sắp qua đời mà mắt sáng như thế?

Hòa Thượng Như Điển nói:

          – Gần đám giỗ của Ôn Tuệ Sỹ.

Khi Hòa Thượng Mãn Giác còn sinh tiền thường nói với chúng tôi: Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu là 2 viên ngọc kim cương của Phật giáo Việt Nam. Tôi may mắn đã gặp 2 thầy, đã biết về 2 thầy trong những chuyến về Việt Nam của chúng tôi với phái đoàn từ thiện quốc tế. Khi còn ở Việt Nam, chúng tôi không được may mắn quen với 2 thầy, có lẽ chưa đủ cơ duyên, vì lúc làm phóng viên, chúng tôi thường ra chiến trường hơn ở trong thành phố. Mỗi lần về Sài Gòn, chúng tôi thường có mặt mỗi ngày ở tổng y viện Cộng Hòa hay đi thăm các cô nhi viện, thăm hỏi cô nhi quả phụ, thăm các trại gia binh. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng đi chùa vào những ngày lễ lớn như lễ Phật Đản, Vu Lan, Giao Thừa, v.v.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ – vị tu sĩ từng lãnh án tử trở thành lãnh đạo GHPGVN Thống Nhất

Thầy Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại tỉnh Pakse, nước Lào. Từ năm 6 tuổi thầy đã học giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi thầy vào Sài Gòn, sau đó trở lại tu học ở chùa Từ Đàm tại Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo Sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Lào, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.

Thầy Tuệ Sỹ là nhân tài hiếm có của Phật Giáo Việt Nam. Thầy làm thơ tuyệt vời, đàn dương cầm, dịch sách từ tiếng Phạn, Anh, Pháp, Hoa sang tiếng Việt, dịch Đại Tạng Kinh tiếng Phạn sang tiếng Việt. Học trò của thầy rất nhiều và thành công ở khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước. Chính phủ Hòa Lan mời thầy sang Hòa Lan điều trần về nhân quyền, thầy không đi, thầy nói đi thì sẽ không có ngày về. Huyền thoại về thầy Tuệ Sỹ nhiều lắm.

Chúng tôi cứ nghĩ thầy sẽ sống trên 100 tuổi và mong ước ngày trở về thăm thầy. Mắt thầy sáng, giọng nói của thầy mạnh mẽ, ý chí của thầy cương quyết, không ngờ thầy về với Phật sớm quá. Thầy biết trước thầy sẽ đi, thầy Quảng Ngộ bên cạnh thầy tới giờ phút chót. Khi tôi gọi về, thầy Quảng Ngộ thường chuyển điện thoại cho tôi được hầu chuyện với thầy Tuệ Sỹ.

Tôi thường nhớ mãi câu nói của mình:

          – Thầy ơi, con sẽ về thăm thầy.

Thế mà tôi chưa kịp về thăm thầy, thầy đã về với Phật. Đám tang của thầy rất long trọng, chúng tôi xem trên DVD gởi sang từ Việt Nam.

Kiều Mỹ Duyên thăm thầy Tuệ Sỹ tại chùa Già Lam năm 2005.

Tôi còn nhớ những lần chúng tôi về chùa Già Lam, ở Gò Vấp thăm thầy. Thầy tiếp phái đoàn một cách ân cần, niềm nở. Dưới căn phòng nhỏ của thầy là mồ mã, những giỏ hoa lan tươi thắm treo dọc hành lang. Những giỏ hoa lan này được chăm sóc một cách tỉ mỉ nên không có một lá vàng. Phái đoàn của chúng tôi có người Mỹ gốc Đức, Pháp, đa số là dân đến từ Âu Châu. Thầy Tuệ Sỹ thông thạo nhiều thứ tiếng nên giữa khách và chủ nhà giao tiếp không có gì trở ngại. YMCA làm việc ở Việt Nam  và khắp nơi trên thế giới nhiều năm, hội từ thiện này chú trọng đến giáo dục và người trẻ.

Phái đoàn YMCA nói chuyện với thầy Tuệ Sỹ rất thích hợp, nhất là nói về giáo dục, đào tạo những thế hệ trẻ. Người cùng lý tưởng dễ gần nhau dù khác màu da. Thông thạo ngôn ngữ dễ thông cảm nhau. Phái đoàn nói chuyện với thầy Tuệ Sỹ suốt buổi trưa. Thầy Tuệ Sỹ lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở. Đó là buổi gặp mặt vào năm 2005. Cổng chùa Già Lam có một đại đội Công An canh gác. Đại đội trưởng nằm trên võng dưới gốc cây đa. Chùa Già Lam rất vắng Phật tử ra vào, có lẽ họ sợ bị Công An làm khó dễ, lúc đó thầy Tuệ Sỹ vừa ở tù về.

Thầy Tuệ Sỹ đã từng là khoa trưởng phân khoa Phật học, có nhiều sinh viên từ Đức, Pháp, Hoa trong chương trình trao đổi văn hóa quốc tế cho nên khi thấy bị bắt vào tù thì có những học trò của thầy sau này có những chức vụ quan trọng chính phủ vận động với quốc hội của họ can thiệp cho thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu ra tù. Ông bà mình thường nói: ăn ở có đức mặc sức mà ăn. Học trò bất cứ thế hệ nào cũng bênh vực thầy của mình. Thầy Tuệ Sỹ cũng vậy có nhiều học trò khắp nơi có nhiều học trò khi thầy vào tù, nhiều học trò ngoại quốc bênh vực thầy. Khi thầy qua đời nhiều đồng hương cầu nguyện cho thầy ở khắp nơi trên thế giới.

Nhiều người đoán thầy Tuệ Sỹ đang ở Niết Bàn đang mĩm cười nhìn xuống thế gian và mong cho thế gian đừng có chiến tranh, đừng có chém giết nhau, thế giới có hòa bình, trẻ con sinh ra được đến trường học, người bệnh được chăm sóc cẩn thận, người nào cũng có cơm ăn, áo mặc tử tế, người thương người, ông bà cha mẹ thương yêu nhau, những thế hệ kế tiếp nước nào lo cho nước đó, đừng có những lãnh tụ có mộng xâm lăng, lãnh tụ nước nào thì lo cho dân của mình, làm sao cho dân mạnh, nước giàu, đêm đêm người dân ngủ không cần đóng cửa, không có ăn trộm ăn cướp, ra đường tiền rớt không ai lượm như thời vua Nghêu, vua Thuấn.

Thầy Tuệ Sỹ ơi, thầy có linh thiêng xin thầy phù hộ cho thế giới hòa bình dẹp hết nhà tù, nhà tù biến thành trường học, không có bức tường ngăn nước này với nước khác, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, không có dân bất hợp pháp tràn vào các nước giàu.

Làm sao người dân sống với âm nhạc, với văn thơ, người người hạnh phúc, gia đình nào cũng sinh con khỏe mạnh, không có phá thai, không có để cái kéo vào bụng phụ nữ, cắt mình đứa trẻ rồi cắt đầu, cắt tay chân, đem ra từng mảnh thịt xương của đứa trẻ, không có hàng triệu đứa trẻ bị giết hàng năm, những đứa trẻ vô tội, có mắt, có mũi không bị giết chết một cách oan ức. Thầy Tuệ Sỹ, xin thầy phù hộ cho những đứa trẻ vô tội bị giết chết hàng ngày, hàng phút, hàng giây ở khắp nơi trên thế giới.

Mời độc giả thưởng thức bài thơ “Hoài Niệm” trong tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” để tưởng nhớ những gì đã qua, về những suy tư, tâm thức, để thấy được ý nghĩ của mình muốn làm cuộc lữ thứ, muốn đi khắp bốn phương trời, muốn rong chơi đây đó, bỏ lại sau lưng bụi đường thời gian phủ kín.

HOÀI NIỆM

Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
Vẫn sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
Để mắt mù nhìn lại cõi không hư

Trước đây, ở Hoa Kỳ, cố nhạc sĩ Trần Quan Long đã phổ nhạc qua thơ của thầy và thi sĩ Tâm Diệu đã thực hiện thơ của thầy bằng những bài hát rất hay qua các CD Tuệ Ca. Nhạc sĩ Trần Quan Long phổ nhạc từ tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” của thầy Tuệ Sỹ: Tuệ Ca 1(Tiếng Sư Tử Hống Giữa Rừng Già Vô Minh), Tuệ Ca 2 (Đường Gươm Bát Nhã), Tuệ Ca 3 (Hành), và Tuệ Ca 4 (Thơ Nhạc Thiền Sư Tuệ Sỹ). Diệu Trân thực hiện CD.

Thi sĩ Phạm Quốc Bảo, sinh viên văn khoa ban Triết, giọng nói gần như khóc và làm bài thơ dưới đây. Kính mời quý đồng hương thưởng thức:


Tiễn Người

[ Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ 1943-2023]

Tám mươi rũ áo xa người

bao duyên đèn sách – đạo ngời nhân gian

Thế thôi – số kiếp miên man,

rồi ra nhẹ gánh thênh thang cõi trần.

Phạm Quốc Bảo.

Nhạc sĩ Nam Hưng phổ nhạc thầy Tuệ Sỹ hai bài:

1.Tuổi Thầy (thay lời tựa Luống Cải Chân Đồi) Nhạc: Nam Hưng & Thơ: Tuệ Sỹ. Trình bày: Tốp Ca Hải Triều Âm

 2. Dâng Trọn Cả Mùa Xuân (thay lời tựa Bài ca cô gái Trường Sơn) Nhạc: Nam Hưng & Thơ: Tuệ Sỹ. Trình bày: the Sunrise Band

Nhac sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc bài thơ “Những Năm Anh Đi” của thầy Tuệ Sỹ khi nghe tin ngài bệnh nặng.

Những năm anh đi

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở Trường sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Tuệ Sỹ – Nha Trang 4/1975

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023 tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai), thọ 81 tuổi. Tưởng niệm 1 năm ngày mất của thầy, chúng con xin thắp nén hương lòng cầu nguyện linh hồn thầy siêu thoát và an yên trên Cõi Niết Bàn. Bao thế hệ Tăng Ni trong và ngoài nước đều nương nhờ ơn đức giáo dưỡng của thầy. Công đức hộ trì và bảo vệ Chánh Pháp của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thật vô biên, tứ chúng hậu thế sẽ mãi tạc dạ ghi lòng.

Orange County, 11/2024

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)