Nhị Tòng, Hoàng Sơn Long
Cali Today News – Truyền thống Đông phương theo Nho giáo, người phụ nữ phải giữ vẹn tam tòng tứ đức. Tôi được bạn bè khen là người đàn bà giữ được hai tòng đó chẳng qua hoàn cảnh đưa đẩy, ở cái xứ Hoa Kỳ nầy nói đàn bà phụ thuộc chồng là điều hiếm có (xuất giá tòng phu). Nếu chẳng may chồng qua đời ở vậy nuôi con lại càng khó thấy (phu tử tòng tử). Tôi chẳng giữ tòng nào cả, con người tôi vốn tự cao từ lúc còn đi học, gia đình tôi thuộc hạng khá giả có đồng vô đồng ra, không phải thiếu thốn. Ba tôi, một thương gia trong ngành nhập cảng máy nông nghiệp, nhà tôi chỉ 4 người ngoài ba mẹ tôi có người anh trai lớn hơn tôi 2 tuổi. Tôi là con gái từ lúc nhỏ anh tôi không chơi với tôi, anh chơi với mấy bạn trai cùng lứa tuổi. Tôi con út trong nhà nên từ nhỏ tôi được cưng chìu, muốn gì được nấy. Khi đi học, tôi và anh tôi được cha mẹ gởi vô trường Trung học tư thục theo chương trình Pháp Việt, anh tôi xong tú tài ba tôi xin cho anh du học bên Pháp năm 1972. Phần tôi con gái cha mẹ không muốn tôi đi học xa nên thi xong tú tài tôi ở nhà tiếp ba tôi coi sổ sách, giấy tờ.
Tôi có người yêu từ năm học lớp 11, tình yêu của tuổi học trò. Bạn trai của tôi cũng là bạn của anh tôi, hai người chơi nhau từ tiểu học lên trung học anh tôi theo học trường tư, còn anh vô trường Petrus Ký. Anh học rất giỏi đậu tú tài hạng ưu, anh thi đậu vô trường kỹ thuật Phú Thọ, còn anh trai tôi được gia đình gởi qua Pháp du học, tuy nhiên hai người vẫn thường xuyên liên lạc nhau. Tôi cặp bồ với anh Tuấn có nhiều lý do như: anh là bạn thân của anh trai tôi, anh khá đẹp trai trong số bọn con trai theo tôi, anh ăn nói có duyên, biết chìu bạn gái, nhưng có một điểm không như ý là anh gốc Bắc Kỳ 54. Trong gia đình mẹ tôi thường nói người Bắc giỏi mồm mép, con kiến trong hang nghe họ nói cũng bò ra, nghe theo lời dụ của chúng là khổ cả đời nghe con. Những người miền Nam không thích Bắc Kỳ họ đùa nhau: “Bắc Kỳ ăn cá rô cây/Ông Trời trả báo hàm răng đen xì”. Họ còn bảo người Bắc tính tình keo kiệt và nham hiểm, ưa lỗi phải, sống bề ngoài…Người Bắc thường thấy ở những vùng Phú Nhuận, Lăng Cha Cả, Xóm Mới, Vườn Chuối, Hố Nai, Gia Kiệm. Tiếng nói họ tro trẹ khó nghe, người Nam gọi họ “Bắc Kỳ Rốn” hay “Bắc Kỳ Râu”. Ba mẹ tôi thường bảo tôi tránh xa bọn con trai người Bắc, nhưng anh trai tôi chơi với anh Tuấn là người Bắc sao không thấy ba mẹ tôi ngăn cản anh, có thể anh là con trai chăng?
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi mất liên lạc, tôi biết gia đình anh được người Mỹ cho đi trong những ngày cuối tháng tư vì ba anh làm sở Mỹ, anh hỏi tôi có muốn đi với anh không? Tôi ngần ngại vì tôi còn cha mẹ hơn nữa chúng tôi chưa có gì với nhau, Chúng tôi cặp bồ nhau chỉ để đi ăn kem, đi ciné, đi dạo công viên, chúng tôi nắm tay nhau, nó như một trào lưu, con trai con gái mới lớn cặp bồ để cho bạn bè trong trường nể phục. Sau tháng 4/75 ba tôi không còn buôn bán, ông vào tòa đại sứ Pháp làm thủ tục xin xuất ngoại. Cuối năm 1976 gia đình tôi xuất ngoại sang Pháp đoàn tụ với anh trai, ở Pháp tôi xin ghi danh học ngành ngân hàng, tôi vừa đi học vừa tìm việc làm để kiếm thêm tiền. Qua anh trai của tôi, tôi biết Tuấn đang đi học và cũng tìm việc làm bán thời như tôi, chúng tôi thư từ qua lại nhau cả hai chúng tôi cố gắng sau khi ra trường tìm việc làm thích họp.
Chúng tôi liên lạc nhau qua thư từ những dòng chữ anh viết cho tôi thật nồng nàn êm ấm, tình cảm anh trao cho tôi đầy yêu thương. “….Trời mùa Đông có lạnh lắm không? Bên nay tuyết đổ ngập đến đầu gối từ khu nội trú đến trường hơn cả mile, lội tuyết đi học tuy lạnh nhưng lòng thấy phấn khởi. Cuối năm anh sẽ lấy bằng cử nhân tin học, sau khi xong phần nầy anh sẽ học tiếp lớp Master rồi mới đi xin việc. Phần em bên đó cố gắng nhưng đừng gắn sức quá phải giữ gìn sức khỏe, anh nhớ em nhiều. Sau biến cố em ở lại đời sống vô cùng khó khăn, anh rất lo cho em, ở bên Mỹ anh chỉ còn biết liên lạc với anh Hai để biết tin tức về em. Anh cố gắng học khi ra trường có việc làm, anh sẽ sang đó xin cưới em. Em rán chờ anh nhe. Mùa hè năm 1980 anh Tuấn sang Pháp thăm anh Hai của tôi, anh mang ít quà cho gia đình tôi, riêng phần tôi một tí mỹ phẩm làm đẹp kể ra anh ta cũng chu đáo, sinh viên còn đi học chịu khó chi tiền mua quà cho gia đình người yêu. Năm năm trời xa cách, gặp lại tôi anh rất mừng, anh không dám ôm tôi như anh đã ôm anh tôi và cúi chào ba mẹ tôi, anh nhìn tôi trong ánh mắt lưng tròng. Anh nói với tôi anh đang ghi danh học Cao học, anh cố gắng thêm một năm rưỡi lấy xong bằng Master sẽ đi xin việc. Nền kinh tế Mỹ đang lên họ đang cần những người như bọn anh để làm công việc phát minh. Phần tôi còn một năm nữa mới xong bằng kế toán ngân hàng, anh bảo tôi phải học thêm tiếng Anh để khi sang Mỹ sẽ tìm việc dễ hơn. Nhà tôi sang năm sẽ có thêm người anh tôi cưới vợ, gia đình bên vợ anh là những thuyền nhân mới sang định cư, ba mẹ tôi quen thân với gia đình đó. Ngày xưa ở Việt Nam có nạn em chồng chị dâu, không biết bên nây thế nào, dù sao tôi cũng lớn rồi phải tự lập không thể nhờ vào anh mình.
Mấy ngày ở Paris tôi làm tour guide dẫn anh đi khắp phố phường các danh lam, thắng cảnh chúng tôi lên tháp Eiffel nhìn Paris từ trên cao 300ft, thả bộ trên đại lộ Champs Elysées thăm Khải Hoàn Môn, xuống tàu thả trôi theo dòng sông Seine rất tình từ, tàu chạy gió thổi làm tóc tôi bay phà trên mặt anh. Anh ôm chặt lấy tôi, đi bên anh tôi rất vui, anh bây giờ khác xưa nhiều là một thanh niên chững chạc, phong cách tri thức, ăn nói điềm đạm nhỏ nhẹ, luôn làm tôi vừa lòng. Ngay kế tiếp chúng tôi dùng xe bus Hop on, Hop off thăm các nơi như nhà thờ Notre Dame, Louve Museum ghé ST Flea Market.. Thời gian qua nhanh mới đó mà 5 ngày trôi qua, ngày về anh nói Paris có nhiều cái lạ, anh không muốn rời xa nó, rồi anh hỏi tôi: “mai anh về em có nhớ anh không?” Anh chàng nầy thật vô duyên ai đi hỏi câu ngớ ngẩn như thế. Anh đọc thơ Nguyên Sa cho tôi nghe với những câu làm tôi nhớ hoài : “Chỉ nghe gió thoảng mùi thương nhớ/Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung” hay “Vẫn hỏi lòng mình là hương cớm/Chả biết tay ai làm lá sen” Ngày xưa tôi thích thơ Nguyên Sa và Nguyễn Tất Nhiên anh thường chép những bài thơ tình cho tôi.
Ngày về, tôi đưa anh ra phi trường, anh ôm lấy tôi nói vào tai tôi: “ Anh học xong có việc làm anh sẽ xin ba mẹ cưới em. “Em chịu khó chờ anh”. Tôi trả lời:
“Ai! Ưng lấy ông mà bảo tôi chờ.”
“Anh nói thật, anh yêu em”.
Ở Việt Nam tôi cặp bồ vói anh gần 2 năm nhưng đây là tình dầu của người con gái tuổi học trò, sau năm 75 nhiều biến đổi, tôi nghĩ rằng chúng tôi không còn gặp lại nhau, tình hình lúc đó rất khó khăn. Nhưng anh không quên tôi anh là một người chung tình, anh theo dõi tin tức bên nhà, anh liên lạc với anh tôi bên Pháp, lúc đó Mỹ và Việt Nam không có bang giao, chỉ có người bên Pháp còn liên lạc với Việt Nam mà thôi, cuối cùng rồi anh cũng gặp lại tôi, người ta nói: “tình cũ không rủ cũng đến”. Lần nầy gặp anh tình yêu của anh đối với tôi như con nước tràn vào cánh đồng đang khô hạn, như cơn mưa đầu mùa làm tôi vui sướng và hạnh phúc. Những cú điện thọai đường dài vào những ngày cuối tuần anh gọi cho tôi nói với tôi những lời yêu thương ngọt ngào làm tôi vui lên, chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi thương giọng nói hiền lành, thật tình của anh, tiếng vọng về ở một nơi xa sao nghe êm ấm vô cùng. Tôi nhớ đến anh, tôi ước mình có cánh có thể bay đến để gặp anh. Ngày qua ngày tình yêu đến với tôi càng sâu đậm thêm, anh đến với tôi như một món quà của Thượng đế ban cho tôi.
Di tản qua Mỹ từ năm 1975 anh Tuấn chịu nhiều gian khổ trong 7 năm miệt mài đèn sách thực hiện ước mơ đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa “võng chàng đi trước kiệu nàng theo sau.”. Đầu năm 1983 Tuấn sang Pháp xin cưới tôi, tôi quyết định lấy anh, tôi không thể chờ đợi lâu hơn, tình yêu của chúng tôi đã chín mùi. Chưa ra trường còn 6 tháng mới lấy được bằng Cao học, nhưng các công ty điện toán đua nhau đến các trường đại học tìm người về làm việc cho họ. Tuấn được vài công ty lớn đồng ý thuê Tuấn sau khi tốt nghiệp. Nhưng Tuấn chọn một công ty lớn và có tiếng trên nước Mỹ có trụ sở trong vùng Silicon Valley của tiểu bang California để nhận việc. Tuấn biết về làm việc với công ty nầy Tuấn có nhiều quyền lợi và có tương lai lâu dài, sau khi ra trường Tuần rời vùng Đông Bắc Hoa Kỳ với mùa Đông lạnh thấu xưong, tuyết rơi ngập trời. Về với California nắng đẹp hoa vàng ngập lối, người Việt quần tụ về đây rất đông. Lúc đầu chúng tôi ở trong một Condo một phòng, năm sau chúng tôi mua nhà thời điểm lúc đó giá nhà trong vùng rất thấp, chỉ một người đi làm cũng mua được nhà. Tôi đi học nghe thêm tiếng Anh nói giọng California và xin chứng chỉ tương đương với bằng bên Pháp, không lâu tôi có việc làm trong ngân hàng một nghề mà tôi yêu thích, được ăn mặc đẹp lại làm công việc nhẹ nhàng, ngồi trong văn phòng có máy điều hòa.
Sau những năm tháng chung sống nhau, chúng tôi sinh con và tạo lập sự nghiệp, tôi may mắn có được người chồng có trách nhiệm và chung thủy tuyệt đối, cuộc đời anh chỉ có tôi là người yêu duy nhất, anh chờ hề làm quen với bất kỳ cô gái nào. Anh là người chồng biết lo cho gia đình không giống như lời người ta thường nói: “Trai Bắc Kỳ lấy vợ Nam Kỳ phè cánh nhạn”câu nói nói nầy không đúng với tôi, người phè cánh nhạn không phải là anh, người đó chính là tôi và các con. Mỗi ngày anh làm việc thường khi gặp sự căng thẳng, về nhà là thời gian anh nghỉ ngơi nhưng anh thường vô bếp nấu ăn cho tôi và con, lúc đó các con còn nhỏ công việc bề bộn, tôi không có thời giờ để nấu ăn, ngoài việc nấu ăn anh còn làm hết công việc nhà để tôi nghỉ. Anh thường nói: việc nhà là việc chung ai cũng cực và mệt nên làm được gì để giúp nhau là việc nên làm, không có việc gì vợ phải làm còn ông chồng không làm. Nhưng tôi thấy anh luôn làm hết việc từ trong nhà cho đến ngoài sân, anh làm trong tinh thần tự nguyện. Bạn bè đến nhà chơi ai cũng nói tôi có phước có được ông chồng giỏi.
Tính tôi không thích ở không sống nhờ vào đồng lương cố định, tôi thích tìm tòi học thêm những cách làm ra tiền như các ngành đầu tư chẳng hạn. Tôi tự lực kiếm tiền không phải dựa vào ông chồng kỹ sư để được “phè cánh nhạn”. Đời sống gia đình tôi vững vàng, tôi có thể tự hào mình sống trong hạnh phúc được chồng yêu thương, con cái ngoan học hành chăm chỉ, tôi không phải lo nghĩ điều gì, đầu óc thảnh thơi. Có thể số tôi được may mắn chăng, tôi đầu tư vào bất động sản cái nào cũng lên giá, tôi mua cổ phiếu của các hãng có tiếng và lâu đời cũng kiếm được tiền. Ông thầy bói xem chỉ tay nói tôi có bàn tay tốt ngoài 3 đường mạng, tâm, trí đạo, đường tài lộc hay đường sự nghiệp từ cổ tay (cung Khảm) xuyên qua nhân văn, thiên văn chạy thẳng đế gò thổ tinh phía dưới ngón tay giữa. Như vậy cho thấy người có bàn tay làm ra tiền, cả đời thuận lợi, cuộc sống sung túc. Nhưng Tạo Hóa lại trớ trêu bắt người tôi yêu thương phải xa tôi, khi tôi ở cái tuổi tri thiên mạng, với tuổi của tôi không gọi thể là cụ, ở cái tuổi của tôi bây giờ vẫn còn sức sống, theo qui định sáu mươi lăm mới về hưu, thời gian đó với tôi vẫn còn dài. Tôi nghĩ vợ chồng chúng tôi sẽ răng long đầu bạc. Tôi có thể hô phong hoán vũ muốn gì cũng được, được nhiều người nễ phục tôi nhưng trường họp chồng tôi phải đành chịu. Con người có một trái tim, nhưng khi tim ngừng đập đâu còn gì nữa, chỉ hỏi ông Trời tại sao để người tôi thương ra đi không một lời từ giả.
Tôi hụt hẫng, anh ấy để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm yêu thương, anh là một người chồng chung thủy, một người cha tốt của các con tôi, đã dành trọn cuộc đời cho vợ con, chưa bao giờ anh lừa dối tôi một điều gì dù nhỏ đến đâu, với tấm lòng chân thành thương mến đối với vợ con. Anh đối với tôi thật tốt, một lòng một dạ, tôi còn tìm đâu ra một người đàn ông thứ 2 trong cuộc đời nầy? Anh ra đi để lại một khoảng trống vô tận trong cuộc đời còn lại của tôi. Bây giờ tôi chỉ còn các con để thương yêu chúng, không ai bắt tôi khi phu tử phải tòng tử, tôi còn hai đứa chưa lập gia đình tôi phải lo cho chúng đó là bổn phận một người mẹ, đứa con gai lớn đã yên bề gia thất vợ chồng chúng nó rất hạnh phúc là điều vui mừng của tôi. Nay mai tôi sẽ có cháu ngoại, cháu nội tôi có dịp chăm sóc chúng, thế thì tôi chẳng những có trách nhiệm với con mà còn với các cháu nội ngoại đó là niềm vui niềm hạnh phúc. Tôi có trong tay tiền bảo hiểm nhân thọ, số cổ phiếu của hãng cho trong khi làm việc của chồng tôi sau khi chồng tôi ra đi. Tôi hưởng suốt đời không phải làm việc, nhưng tôi còn làm việc còn kiếm ra tiền không phải tựa vào ai, tôi hoàn toàn tự do sống theo ý mình.
Trong một xã hội văn minh và tiến bộ người phụ nữ luôn được tôn trọng không ai bắt một người đàn bà góa ở vậy nuôi con thờ chồng. Tôi yêu chồng tôi và các con tôi, tôi không có tâm tưởng tìm một người đàn ông nào khác. Hoàn cảnh của tôi hơi khác hơn những người đàn bà góa ở đây sau khi chồng chết họ đau khổ một thời gian. Rồi sau đó họ tìm một người đàn ông lo cho họ hay để họ tâm tình với nỗi cô đơn. Một điều thật kỳ lạ, khi tôi là người đàn bà đang trống chân tuổi đã ngoài 50 nhưng vẫn có những người đàn ông góa vợ, hoặc đã ly dị tuổi độ 60 hay cùng tuổi với tôi có sự nghiệp trong tay đã sắp hàng theo tôi, tôi biết mình còn sức hấp dẫn của một phụ nữ. Câu hỏi đầu tiên, họ đến với tôi với ý định gì? Tình yêu, hay Tiền tài, những thứ nầy tôi có đủ hết, họ sẽ cho tôi thứ gì? Có người đến với tôi nói chuyện yêu đương những lời nói nầy họ đã nói với bao nhiêu người đàn bà góa khác, có thể họ thành công, nhưng với tôi nuớc bọt của họ không đủ sức lôi cuốn tôi, tôi thấy những sự thật sau lưng họ, tôi đánh giá những lời nói của họ, tôi không tin và không nghe những lời đường mật, vì ở phía sau những lời nói đó là những vị đắng. Tiền tài ư? Tôi có đủ tiền để sống một đời sung sướng không cần ai giúp. Họ thường khoe khoang sự giàu có, trên đời thùng rỗng thường kêu to, người phụ nữ nào ham tiền sẽ gánh lấy sự chua cay, các tay nhà giàu bản chất keo kiệt nhưng lại ưa khoe sự hào phóng của mình. Bần tiện và bẩn thỉu nhất là những người đàn ông già trên sáu muơi lại khoe sự sung mãn của mình, sức người còn được bao hơi mà khoe tài, về Việt Nam kiếm cỏ non mà gậm.
Tôi sống một mình tuy không có chồng bên cạnh nhưng tôi tự an ủi mình, tôi đã có một người chồng biết yêu thương vợ dù không có anh, tôi vẫn vui sống và luôn nghĩ về anh, người chồng tuyệt vời không ai có thể thay thế vị trí của anh trong đời tôi.
Hoàng Sơn Long