Monday, June 5, 2023
spot_img

Tiếng Sáo Mùa Thu

Cali Today news – Mùa thu năm đó, ông Sáu dẫn hai đứa con thơ lặn lội từ dưới miệt vườn miền tây ra tận vùng biển miền trung nắng gió mưu sinh bằng nghề đan lưới. Bỏ lại nỗi đau góa vợ, cha con ông Sáu tìm đến mảnh đất này với hai bàn tay tắng và một cây sáo. Đó là kỷ vật duy nhất của vợ mình mà ông Sáu còn giữ lại được sau khi bán hết tất cả mọi thứ trong nhà để lo tiền chạy chữa căn bệnh tim của bà trong hơn mười năm qua. Theo lời ông Sáu kể thì ngày xưa, ông lấy được bà cũng nhờ bà mê tiếng sáo của ông.

Dù chỉ mới dọn đến xóm chài không lâu, nhưng mấy người dân trong xóm ai cũng có ấn tượng với ba cha con ông Sáu không chỉ vởi tính tình cởi mở, hiền lành, mà còn nhờ tiếng sáo thần sầu quỷ khóc của ông mỗi đêm. Không biết bởi nơi xóm chài nghèo nàn này, quanh năm suốt tháng người dân nơi đây chỉ biết bám biển mà sống nên không biết gì đến thưởng thức âm nhạc hay vì tiếng sáo ma mị mỗi đêm của ông Sáu cất lên lại khiến người nghe rung động đến cả tâm can, thiếu điều nghe da diết đến muốn khóc mà ai ai trong xóm cũng đều cảm thấy thích thú với tiếng sáo của ông. Mấy đứa nhỏ mỗi khi nghe ông thổi sáo, thì trố mắt đứng nhìn như ông Sáu đang có trong tay một báu vật kỳ diệu. Thậm chí có đứa còn chịu ngồi cả tiếng đồng hồ chăm chú nhìn ông thổi sáo. Tụi thanh niên trong xóm thì cứ nằng nặc đòi ông dạy thổi sáo cho bằng được. Còn mấy ông bà lão trung niên, cao niên trong xóm mỗi khi nghe tiếng sáo của ông Sáu cất lên, lại ngồi lặng yên nhìn ra biển, như muốn gởi gắm nỗi niềm của lòng mình với tiếng sáo ma mị vào lòng biển cả bao la. Có người trong xóm ở cạnh nhà cha con ông Sáu nói, sở dĩ ông Sáu thổi sáo hay là vì bao nhiêu nỗi buồn đều dồn ứ vào ngón tay và tiếng lòng của ông kể từ khi vợ Sáu rời ra cõi đời này dẫu không biết rằng ở nơi trời cao, vợ ông có nghe được tiếng sáo ông thổi và nỗi lòng của ông hay không. Tiếng sáo và tiếng đàn, cả hai đều không có lời nhưng có hồn, đó là hồn của người đánh đàn, của người thổi sáo. nó không lời nhưng nó có hồn. Giọng ca, tiếng hát thì có thể giả, nhưng tiếng đàn, tiếng sáo thì khó mà giả được, bởi nó mang cái hồn của người và cả tâm trạng của người.

Với nhiều người chơi nhạc cụ, dù là đàn là trống hay là sáo, thì đó như một phần đời, một phần hồn của mình. Mà thiệt, ông Sáu gắn bó với cây sáo, không bỏ được. tối nào trước khi ngủ, ông cũng ngồi bên cửa sổ, hướng ra phía biển thổi vài khúc nhạc rồi mới nhắm mắt ngủ ngon giấc. Cây sáo không chỉ là người bạn tri kỷ, mà còn là vật bất ly thân của ông. Riết rồi ai ai trong xóm chài cũng quên thuộc với tiếng sáo của ông, đêm nào không nghe ông thổi sáo thì thấy thiếu thiếu gì đó. Có mấy đứa nhỏ trong xóm, còn được cha mẹ chúng mượn tiếng sáo của ông Sáu ru ngủ. Có mấy đêm trăng sáng, mấy ông lão cao niên trong xóm chài trải chiếu, bày rượu với mồi ra bãi cát đầu xóm ngồi lai rai nhậu. Ông Sáu cũng đến góp vui với cây sáo, nhâm nhi vài ly rượu gạo, rượu đế. Rồi như rượu vào lời ra, ông lại trút nỗi lòng mình vào tiếng sáo giữa đêm vắng lặng, cùng tiếng sóng biển rì rào xa xa. Rồi chẳng biết từ bao giờ, người dân trong xóm chài xem như thổi sáo là cái nghiệp của ông Sáu vậy, ông có muốn rời bỏ cũng không được.

Mùa thu năm nay, tiếng sáo của ông Sáu vẫn lanh lảnh trong xóm chài mỗi đêm, nhưng lạ thay cái hồn trong tiếng sáo đã không còn mang vẻ ma mị, da diết lay động lòng người như trước. Hỏi ra mới biết ông Sáu đang yên vui với người vợ mới. Một người phụ nữ trung niên, dang dở, cũng làm nghề đan lưới mới từ miền Bắc vào đây mưu sinh kiếm sống. Mùa thu năm nay, tiếng sáo của ông Sáu không còn mang tiếng lòng nặng trĩu đau thương, và những cung bậc của cảm xúc đời mình bởi ông đang vui bên hạnh phúc mới. Bởi có lẽ quy luật của cuộc đời là vậy, tiếng sáo hay tiếng lòng, đều xuất phát từ nỗi buồn, từ nỗi lòng người, rồi đi theo năm tháng cùng nỗi đau, nhưng cuối cùng lại tan biến cùng niềm hạnh phúc.

Vương Vi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT