Friday, March 29, 2024

Những truyện cổ tích thời Hùng Vương

Thời Hùng Vương có 18 chi, truyền được 2.622 năm (2879 TCN-258 TCN), gồm có 47 đời vua. Như vậy thời đại Hùng Vương ở ngôi lâu nhất, so với các triều đại Việt Nam nói riêng và cả các triều đại trên thế giới nói chung. Có lẽ thời các vua Hùng tuy mới lập quốc, nhưng đã kết hợp được lòng dân, cùng sống hài hoà, bảo bọc, dìu dắt săn bắn, trồng trọt nông nghiệp lúa nước để sinh sống.

Thời vua Hùng, xác định đã dùng đồ sắt và đồ đồng nên truyện “Phù Đổng Thiên vương” vào đời vua Hùng Vương thứ 6; ghi: “Giặc Ân xâm lăng nước Văn Lang. Khi sứ giả đến làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh (nay Bắc Ninh), có cậu bé 3 tuổi không đứng ngồi được và không biết nói, thốt nhiên nói: Xin cha mời sứ giả vào. Cậu bảo sứ giả về tâu với Vua: Xin vua cho một con ngựa sắt và một roi sắt”. Rõ ràng thời vua Hùng đã có chữ viết, gọi là chữ “Khoa Đẩu”. Nhờ đấy, vào thời các vua Hùng mới ghi lại những chuyện cổ tích của nước Văn Lang đầy tình người, lưu truyền đến ngày nay.

1- Chử Đồng Tử: Tương truyền là con ông Chử Cử Văn, cha làm nghề chài lưới, nhà nghèo. Khi cha mất chỉ còn cái khố phải tẩm liệm cho cha. Chử Đồng Tử ở trần truồng, thường sống quanh quẩn nơi bãi cát thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Một hôm, công chúa Tiên Dung là con vua vua Hùng thứ 18 đi tắm, cho vây màn trướng để thay đồ, lại run rủi nhằm ngay chỗ Chử Đồng Tử đang chui trốn dưới cát vì sợ binh lính. Tiên Dung nghĩ là lương duyên tiền định, nên bắt buộc Chử Đồng Tử kết duyên với mình.
Quân hầu về bẩm báo cho vua biết, vua nói: “Tiên Dung không biết danh tiết, tự ngao du bên ngoài, hạ mình lấy kẻ bần nhân, còn mặt mũi nào về trông thấy ta!”. Tiên Dung vì sợ phụ hoàng, không dám về triều, nên vợ chồng buôn bán để sinh sống, càng ngày càng phát đạt. Chử Đồng Tử thường đến núi Quỳnh Viên tu tiên, được một vị Tiên ông cho cây trượng và chiếc nón, bảo rằng: “Đây là vật linh thiêng, phải gìn giữ”.

 
Từ đó vợ chồng họ Chử lo tu hành không màng danh lợi, vào núi hái thuốc trị bệnh cho dân và chỉ dân buôn bán làm ăn và khuyên mọi người làm lành lánh dữ. Vợ chồng họ Chử trên đường đi giúp dân lành, khi đêm tối đang ở giữa đường, phải cắm trượng dùng nón che để trú thân. Màn đêm vừa bao trùm vạn vật thì hiện ra cung vàng điện ngọc nguy nga, có quân lính hộ vệ, có người hầu sẵn sàng phục dịch. Dân dã ở làng mạc cách xa nghe tiếng nói năng, đi lại rầm rộ nên trông về nơi đấy thì thấy sáng cả một vùng rộng lớn, đến nửa đêm lại nghe một tiếng nổ lớn. Sáng ngày, dân đến xem thì vợ chồng ân nhân đã “phi thăng thành tiên”, để lại một cái đầm (chằm) gọi là Đầm Nhất Dạ, hôm đó là ngày 17 tháng Giêng Quí mão (318 TCN). Từ đấy, người ta tin rằng 4 vị “Tứ bất tử” (4 người không chết) thời Hùng Vương là: Tản Viên Sơn Thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và phu nhân Tiên Dung (có tài liệu ghi người thứ tư là bà chúa Liễu Hạnh).
*- Có người nghĩ rằng: Hình ảnh cây trượng là tượng trưng cho cây nêu và nón thần của của Chử Đạo Tổ là tượng trưng cho vòng tròn, dùng trừ tà và lấy hên ngày tết Nguyên đán. Tiền nhân đã khuyên hậu duệ nên sống đạo đức sẽ gặp được may mắn mà Chử Đạo Tổ là tiêu biểu?!

2- Truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh: Truyền thuyết kể rằng: Vua Hùng thứ 18, có con gái là Mỵ Nương (công chúa Bạch Hoa), duyên dáng, nết na.

 
Sơn Tinh (tương truyền thần núi Tản Viên xưng là Nguyễn Tùng) và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn một lượt, cả hai đều khôi ngô và tài trí phi thường. Vua đắn đo không biết gả cho ai, nên phán: “Ngày mai nếu ai dâng đủ lễ: Một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, và ai đến trước sẽ được rước dâu”.
 
Sáng hôm sau, Sơn Tinh đến sớm dâng vua đủ lễ vật nên được rước dâu về núi Ba Vì. Thủy Tinh đến sau, không cưới được Mỵ nương, tức giận hô mưa, gọi gió, nước dâng cuồn cuộn, rồi huy động binh tôm tướng cua của thuỷ cung đuổi theo Sơn Tinh để cướp lại Mỵ nương. Sơn Tinh không nao núng liền biến núi cao hơn mực nước, rồi dùng sấm sét đánh xuống, Thủy Tinh bị thua rút quân về. Ngày nay, ở miền Bắc Việt Nam vào mùa đông nhằm ngày Thủy Tinh theo cướp lại Mỵ nương, thường có mưa gió và bão lụt, người ta nghĩ rằng tích xưa tái diễn?!.
 
*- Qua truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, có phải tổ tiên chúng ta đã nhắn nhủ Hậu duệ: Nước ta có rừng sâu núi cao nếu có giặc ngoại xâm thì kiên cường kháng chiến sẽ chiến thắng, như: An Dương Vương dùng tiêu thổ kháng chiến để đuổi xâm lược. Triệu Quang Phục đã dùng Đầm Dạ Trạch và chiến thuật du kích đánh đuổi quân Lương (Tàu)… Tổ tiên ta còn nhắn nhủ quân xâm lược phương Bắc: “Chớ có hung hăng sẽ bị đánh tơi tả như binh tôm tướng cua của Thuỷ tinh đấy?!”.

3- Sự tích Trầu Cau: Vào đời vua Hùng thứ sáu, có hai anh em sinh đôi giống nhau như đúc, anh là Cao Tân, em là Cao Lang; vợ người anh là nàng Phù Lưu. Một hôm, người em đi làm về sớm, Phù Nương là vợ của người anh, tưởng lầm Lang là chồng của mình, nên nàng đến cầm tay âu yếm. Người em thẹn thùng bỏ nhà ra đi, đi mãi, thân thể rã rời, ngồi ủ rũ bên lề đường rồi bị chết biến thành hòn đá vôi. Người anh về nhà không thấy em nên đi tìm, tìm nhiều ngày bị kiệt sức, ngồi ủ rũ chết bên hòn đá vôi, xác anh lại mọc lên một cây cau. Người vợ còn một mình quạnh quẽ, nhung nhớ chồng, rời nhà đi tìm chồng, đi đi mãi quá mệt mỏi lại gặp cây cau, ngồi dựa lưng vào gốc cây cau, sụt sùi khóc thảm thiết, rồi nàng gục chết và biến thành dây trầu leo quấn quít cây cau.

Vua Hùng Vương đi ngang qua, nghe dân làng kể lại mẩu chuyện thương tâm này. Vua bảo lính hái lá trầu nhai với ruột trái cau, người lính bẩm với vua là có vị cay nồng, khi nhổ nước ấy gặp đá vôi thì thấy màu đỏ tươi. Vua ngẫm nghĩ cả ba người đều chan chứa tình nghĩa, nên ra lệnh từ nay dùng trầu cau làm lễ cho việc cưới xin.
*- Có lẽ về “Sự tích Trầu Cau”, Tiền nhân đã nhắn nhủ Hậu duệ: Tình anh em, tình vợ chồng khắng khít nhưng tách bạch hẳn hoi. Hãy lấy đấy để làm nền nếp sống chăng?!

4- Truyện Dưa Hấu: Mai An Tiêm lúc 7, 8 tuổi bị lưu lạc, được vua Hùng đem về nuôi dưỡng, An Tiêm rất thông minh nhưng tính tình kiêu ngạo, thường nói: “Ta được sống sung sướng là phúc đức của ta, nào phải ơn vua”. Vua nghe vậy không vui, đày An Tiêm đến cửa biển Nga Sơn (nay thuộc Thanh Hóa). Cho một ít lương thực để tự túc mà sống.

Bốn bên nước mênh mông, vợ chồng An Tiêm phải sống nơi chơi vơi, quạnh quẽ. Hai người ở đó, một hôm có một con bạch trĩ từ hướng tây bay qua, hả miệng kêu mấy tiếng, từ miệng rơi mấy cái hột, rồi mọc lan tràn ra trái sum sê, khi trái chín ruột màu đỏ, hột đen, ăn ngọt mát, hột từ con bạch trĩ ở phía tây bay qua nên đặt là trái Tây Qua. Vợ chồng bắt đầu trồng trọt và buôn bán, trở nên giàu có. Có người biết chuyện này trình lại với vua. Vua phán: “Có lẽ trời giúp nó, nên cho trở về triều phục chức”. Bãi cát nơi ấy bắt đầu gọi là bãi An Tiêm và trái Tây Qua gọi là trái Dưa Hấu.

Nguyễn Lộc Yên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img