Thursday, March 28, 2024

HỌA SĨ ANN PHONG VÀ CUỘC TRIỂN LÃM TRANH MANG RẤT NHIỀU Ý NGHĨA.

Chu Tất Tiến.

Westminster, Nam California. Ngày 5 tháng 5, năm 2017, tại phòng sinh hoạt Nhât Báo Việt Báo, thành phố Westminster, vào lúc 6 giờ chiều, phòng tranh của Họa Sĩ Ann Phong đã mở của để trình bày những bức họa của bà với cộng đồng Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Họa sĩ Ann Phong triển lãm, mà có lẽ là lần thứ 100 lẻ, từ các phòng tranh tư nhân đến các viện bảo tàng quốc tế, từ Hoa Kỳ sang Thái Lan, Nam Hàn…Sau khi vượt biên sang Mỹ, với niềm say mê hội họa, bà đã ghi danh học hội họa tại trường California State University Fullerton, và tốt nghiệp Thạc Sĩ về Hội Họa (Fine Art). Sau đó, bà đã được mời đến dậy về hội họa tại đại học California Poly Pomona. Ngoài việc dậy học và tự triển lãm tranh, bà còn thường xuyên được mời tham dự nhiều cuộc triển lãm có tính cách quốc tế khác. Tranh của Họa Sĩ Ann Phong hiện đang được trưng bầy tại nhiều viện đại học Mỹ cũng như tại Karbi Museum ở Thái Lan.

Lý do mà tranh của họa sĩ Ann Phong được nhiều giới thưởng ngoạn của thế kỷ đương đại ưa thích, có thể nói, là vì những bức tranh của bà thuộc về môt trường phái “cách mạng hội họa” phát sinh từ đầu thế kỷ 20, và mang tên là “Hội Họa của Thế Kỷ 20 – Twenty Century Arts”. Tuy không thực sự hướng về trường phái đó, vì hội họa là một sự sáng tác theo số nhận, mỗi họa sĩ tùy nghi thêm bớt mầu sắc và ý nghĩa theo ý mình, nhưng trong một chừng mực nào đó, tranh của họa sĩ Ann Phong đã bị ảnh hưởng bởi quan niệm của người Họa-Sĩ-Của-Muôn-Thế-Hệ: Pablo Picasso, (1881-1973), Cha đẻ của trường phái Cubism (hình khối). Từ những bức tranh vẽ toàn hình khối: “Three Women”, 1908, qua “Female Nude”, 1910, Pablo Picasso đã chuyển sang “Guitar”, 1912, với các dây điện và giấy bồi là vật liệu chính trong bức tranh. Tiếp theo là “Still Life with Fringe”, 1914, để bước lên thêm một tầng cao nữa, Picasso đã dùng nhiều vật liệu dán lên “canvas” để nói đến sự sinh động của cuộc sống tĩnh lặng trên thế giới.
Cũng thế, tranh của họa sĩ Ann Phong dùng nhiều vật liệu khác nhau để diễn tả môt đề tài sâu sắc của mình. Vật liệu chính mà bà sử dụng là một sự phối hợp giữa Arcrylic và sơn dầu để thể hiện sự bao la của cuộc sống. Như trong những bức tranh vẽ về biển (Ocean Heart, Looking Up from the Broken Boat..) bà đã dùng cọ lớn để phết mầu lên từng tảng lớn, thật đậm, làm sóng biển nổi hẳn lên trên “canvas”. Dĩ nhiên, với biển, thì mầu xanh là chính. Nhưng khi bà diễn tả một con thuyền vượt biên bị đắm, thì mầu đen đã chiếm gần nửa khung phía dưới, tại đây, những mảng gỗ tượng trưng cho ván thuyền bị vỡ đã như nổi lên trên mặt biển. Trên cao là những mảng mầu xanh tượng trưng cho hy vọng đã đột ngột nổi lên, không báo trước. Tít trên cao nữa là môt mảng trắng như ánh sáng từ trời đổ xuống làm cho bức tranh của bà mang nét cực kỳ tương phản, gợi cho người thưởng ngoạn những cảm xúc khó tả. Gần đây nhất là bức tranh vẽ thảm cảnh Formosa, mầu đỏ và mầu cam choáng ngợp chiếm hết cả biển, làm cho biển không còn mầu xanh nữa. Trên góc phải, môt người phụ nữ rách rưới bởi gió, bởi nước, bởi khí độc đang cố gắng vượt đi trên chiếc xe đạp cũng đã chìm một nửa trong nước biển độc. Thật hào hùng và ảm đạm.

Phải nói rằng, tranh của họa sĩ Ann Phong cũng thuộc một phần nào loại tranh Ấn Tượng (Impressionism) nghĩa là loại tranh gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn, cho dầu không hẳn như vậy, vì loại tranh Ấn Tượng là tranh vẽ với những hình thể không rõ nét, có thể mờ nhạt. Tranh của bà có chút nào giống Ấn Tượng ở chỗ buộc người thưởng ngoạn phải suy nghĩ nhiều mới tìm ra ý định của tác giả. Trường phái Ấn Tượng là một sự đối lập thực sự với Trường phái Renaissance của thế kỷ 17 hay Romanticism, chuyên vẽ những cảnh như thực. Ấn Tượng cũng không phải Thực Tế (Realism) của thế kỷ 19 vì Trường phái Realism hay diễn tả các đề tài sinh hoạt chung quanh đời sống của nhân loại. Vì thế, môt lần nữa, có thể nói tranh của họa sĩ Ann Phong là một khám phá mới, nói theo kiểu bình dân là “không giống ai”. Và cũng từ cái sự “không giống ai” đó mà tranh của bà mang một giá trị đặc biệt, khiến cho nhiều trường Đại học trên nước Mỹ cũng như trên thế giới để ý đến tranh của bà. Người thưởng ngoạn Việt Nam, nếu khi xem tranh của bà mà không vội vã chau mày hay lắc đầu, mà kiên nhẫn suy nghĩ, tìm hiểu, sẽ thấy tranh của Họa Sĩ Ann Phong mang nhiều ý nghĩa độc đáo hơn rất nhiều họa sĩ đương đại và từ đó, thấy tự hào về going máu Việt của mình.

Chu Tất tiến

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img