Thursday, March 28, 2024

CÕI ĐỜI

Truyện ngắn Thanh Thương Hoàng

Cali Today News – Gã đưa tiễn người bạn ra ga xe lửa. Thấy đám đông xúm xít chen lấn coi một tờ giấy lớn với những hàng chữ in to, dán ngay trước cổng ra vào nhà ga. Tò mò, gã và người bạn cũng cố lách vào bằng được để coi chuyện gì. Thì ra đó là tờ bố cáo lệnh truy nã một kẻ can tội phản quốc. Dưới những giòng chữ là hình vẽ mặt người. Coi kỹ, gã chợt rùng mình, bàng hoàng, hoảng hốt. Nhìn rất nhanh những người đang đứng vây kín chung quanh, thấy không ai để ý tới mình, cũng không thấy người bạn đâu nữa, gã vội vã rút lẹ ra khỏi đám đông và không kịp suy nghĩ, nhẩy tót lên toa xe lửa vừa chuyển bánh. Đứng ngay cửa lên xuống, gã đảo mắt một vòng khắp toa xe. Kia rồi. Người bạn gã đưa tiễn đang ngồi hàng ghế giữa toa. Để phòng ngừa bất trắc, gã tìm cách lánh mặt, thận trọng cất từng bước sang toa khác. Thấy ở góc cuối toa, nơi sát cửa sổ, còn một chỗ trống. Sau khi quan sát trước sau lần nữa, gã tới ngồi xuống và rút tờ báo trong túi ra vờ coi tin tức. Thực ra gã dùng tờ báo để che bớt mặt, nhằm tránh sự tò mò của những người ngồi gần. Cạnh gã là một thiếu niên, có vẻ học sinh, đang mải mê phóng tầm mắt qua cửa sổ ngắm nhìn cảnh vật tầu lướt qua. Những làng mạc, những cánh đồng lúa xanh mướt, từng đàn trâu thung dung đi dưới nắng. Thật êm đềm, thật thanh bình. Nhưng với gã thì hoàn toàn trái ngược: rất có thể đây là cái bẫy đời giăng ra gài bắt những người vô tội như gã. Sự hoang mang, sự sợ hãi khiến cho gã nhìn chỗ nào cũng thấy nguy hiểm.Tuy ngồi yên chỗ và thấy không có gì đáng khả nghi quanh mình, tim trong lồng ngực gã vẫn đập thình thịch như trống trận. Gã cố kìm giữ để tay chân khỏi run, nhưng mồ hôi lạnh cứ toát ra dầm dề ướt cả cái áo lót bên trong. Chưa bao giờ sự sợ hãi đến với gã khủng khiếp như thế. Trong bản bố cáo truy nã tội phạm ghi rõ tên tuổi, quê quán, nhất là cái hình vẽ bán thân, đúng là gã không còn sai vào đâu được nữa. Hay là trong lúc bất ngờ vì hoang mang hoảng hốt, gã đã nhìn lầm, đã đọc chữ tác ra chữ tộ ? Có lý nào? Chẳng lẽ trên cõi đời này lại có một sự trùng hợp như vậy? Đôi lần gã định rời chỗ bước sang toa người bạn ngồi để hỏi cho ra lẽ, và cũng là hy vọng người bạn san sẻ cùng mình nỗi cùng quẫn bi đát, tai bay vạ gió. Nhưng…lỡ sự việc đúng như vậy thì sao và liệu người bạn có còn dám nhìn mình hay lại lo thủ thân quay mặt đi và cũng có thể giở trò tố giác? Suy đi nghĩ lại mãi, gã vẫn không dám rời khỏi chỗ ngồi. Gã kéo cái mũ vải lưỡi trai xuống sát tận mắt. Và hai tai cũng như đôi mắt, gã luôn rộng mở, đặt hết tâm trí chăm chú nghe ngóng động tĩnh. Nếu có sự biến, gã sẽ phóng mình qua cửa sổ thoát thân ngay. Nguy hiểm thật đấy nhưng cùng lắm gẫy tay gẫy chân, còn có thể chữa được, chứ để bọn nó tóm chỉ có nước chết. Thời buổi nhiễu nhương này chờ được vạ thì má đã sưng. Có khi chết hàng chục năm, xương đã mục rồi vẫn còn chưa được minh oan và họ hàng con cháu phải nhận lãnh bao hậu quả nặng nề, thê thảm. Tầu chạy được hơn nửa ngày tâm trí gã mới tạm yên ổn để suy xét. Tới giờ phút này gã vẫn không hiểu nổi, không tài nào tìm ra nguyên nhân cái lệnh truy bắt gã. Suốt cuộc đời từ nhỏ tới lớn, năm nay đã gần năm mươi tuổi, gã chưa hề làm một việc gì có thể gọi là phi nhân, phi pháp. Nhà giầu, con một, đậu xong bằng tú tài, cha mẹ gã bắt lấy vợ “để sớm có cháu nội”, nhất là yên tâm có kẻ “nối giõi tông đường”. Gã đã sống một cuộc đời bình thường như trăm ngàn người đàn ông khác. Không rượu chè trai gái, không hoạt động hay tham gia bất cứ đoàn thể xã hội chính trị nào. Hai đứa con gã: một gái một trai 10 và 8 tuổi, đẹp đẽ ngoan ngoãn. Vợ gã xứng đáng người vợ hiền trong cái thời đại hỗn loạn này. Thế mà bỗng dưng xuất hiện cái tờ bố cáo truy nã gã về tội phản quốc! Giờ này khắp nước đều biết gã là một tên tội phạm nguy hiểm tại đào. Trong bố cáo còn ghi rõ ai bắt được hay tố giác sẽ trọng thưởng. Vô lý, vô lý hết sức! Mắc tội phản quốc có thể bị kết án tử hình hay ít ra cũng vài chục năm tù khổ sai! Nghĩ tới đây gã lại rùng mình lo sợ. Khắp người nổi gai ốc. Suy đi nghĩ lại mãi gã đi đến quyết định: phải cầu cứu tới người bạn. Đó là người bạn tốt, ta không nên nghĩ xấu về hắn.
Vừa trông thấy gã, người bạn giật thót mình, đứng bật dậy miệng ú ớ lắp bắp nói không thành tiếng. Gã cười gượng, ấn hai vai người bạn ngồi xuống:
“Có gì mà anh hoảng hốt vậy?”.
Người bạn vẫn chưa hết lúng túng:
“Tôi…thấy anh, anh…”
Gã vẫn cố tỏ ra bình tĩnh:
“Chắc anh muốn nói tới cái tờ bố cáo dán ngoài cửa nhà ga chứ gì? Ồ…”
Trước sự bình tĩnh của gã, người bạn có vẻ hơi ngượng, đứng lên kéo gã tới chỗ hai toa tầu nối nhau, không có người. Tầu vẫn chạy rầm rầm với tốc độ cao, chỗ hai toa nối nhau bằng giây xích sắt lúc lắc, giần giật. Người bạn móc túi lấy gói thuốc lá mời.
Gã cố làm bộ thản nhiên nói qua khói thuốc:
“Anh nghĩ sao về cái bố cáo bậy bạ ấy?”.
“Tôi không nghĩ đó là anh. Có thể là tình cờ trùng hợp. Nhưng theo tôi, tốt hơn hết anh nên lánh mặt một thời gian. Tụi mình tạm chia tay ở đây thôi. Chúc anh mọi sự lành”.
Dứt lời người bạn bước vội về chỗ ngồi rồi lấy túi xách hành lý chuyển sang toa khác liền. Đến như người bạn thân thiết nhất của mình cũng muốn tránh xa mình, bỏ mặc mình, giờ còn biết trông cậy vào ai! Chẳng lẽ mình mắc trọng tội thật? Gã hoang mang đến không còn biết mình là ai. Chẳng lẽ đành bó tay chịu chết? Không…không…Gã đọc sách báo thấy từ xưa tới nay trong thiên hạ có biết bao người bị bắt tù đầy giết tróc oan uổng. Quyền thế như vua chúa cũng còn bị huống chi thứ dân dã như gã! Nghĩ vậy, gã vứt mạnh mẩu thuốc lá đang hút xuống đường rầy. Những vòng bánh xe sắt xoay tít trên con đường rầy phát ra những tiếng rầm rầm, gã nghe như tiếng đời nghiến răng rên siết.

Trở về gần tới chỗ ghế ngồi cũ, gã chợt nghĩ ra: lỡ thằng bạn khốn kiếp này tố cáo mình thì sao? Tốt hơn hết là ta chuồn xuống cái toa chót, “nếu có gì” còn nhẩy tầu thoát thân kịp. Mới đi qua được một hai toa, gã thấy phía trước có tiếng ồn ào xôn xao. Gã hơi hoảng. Định thần nhìn kỹ, thì ra đó là tên kiểm soát vé đang đi lùng bắt người đi tầu không mua vé. Từ ngày xẩy ra trận bão, tiếp theo là lụt (người ta nói trận bão lụt này lớn nhất từ trước tới nay) cả nước mất mùa đói khổ, nhân dân từng đàn lũ lượt kéo nhau đi ăn xin. Có đến một phần ba người trên tầu là “dân nhẩy tầu”, tức đi lậu vé. Người soát vé luôn mồm quát tháo chửi bới, nhất quyết đẩy bọn đi tầu lậu xuống đường, mặc cho những tiếng van xin lạy lục. Họ thề thốt tới ga là họ xuống liền. Riêng gã còn đang lúng túng tính nước bài liều nhẩy xuống đường thoát thân thì may quá. Gã nhìn thấy một cái buồng vệ sinh ngay đó. Không nghĩ ngợi, gã xô cửa bước vào. Cái buồng vệ sinh nhỏ hẹp, bình thường chỉ chứa một người mà bây giờ có đến 5, 6 người chen chúc, chật cứng. Mùi phân người, mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc. Gã muốn nôn ọe. Một mụ đàn bà bỗng kêu lên oai oái: “Ối giời ơi, tôi chết ngộp mất. Xê ra để tôi bước ra nào. Bị bọn nó tóm cổ đi lậu vé còn hơn bị chết ngộp với cứt đái hôi thối như thế này”. Tức thì mồm mụ bị mấy cái bàn tay hộ pháp bịt lại. Mụ đàn bà dẫy dụa, mặt tím ngắt, mồm thở khò khè như cố hớp từng chút không khí. Nước mắt nước mũi mụ trào ra. Mãi khi người kiểm soát vé sang toa khác (có lẽ anh này cũng ớn cái mùi hôi thối trong buồng vệ sinh nên không xét) bọn người nấp trong buồng vệ sinh mới đẩy nhau bước ra. Mụ đàn bà lả người vì ngất sỉu. Người ta phải bứt tóc xoa dầu nóng mãi mụ mới hồi tỉnh.

Con tầu tiếp tục chạy trên đường rầy dài như vô tận. Chạy liên miên suốt ngày đêm, có lẽ suốt cả năm tháng. Gã cũng chẳng mong gì hơn, vì khi đã đến chỗ phải đến, thiên hạ sẽ nhào tới trói gô gã lại trao trả về nguyên xứ để xét xử. Tới một ga, dù lớn nhỏ, tầu ngừng lại ít phút cho người lên xuống rồi lại hú còi rên rỉ và tiếp tục lăn bánh trên con đường sắt cũ kỹ. Tầu mải miết chạy về hướng Bắc, trời tối mịt lúc nào không hay. Nhìn thiên hạ giở cơm nắm muối mè hay những mẩu bánh mì khô khốc mốc meo, những chiếc bánh chưng đã có mùi chua, ăn uống một cách ngon lành và chuyện trò rôm rả. Bây giờ gã mới cảm thấy đói thắt cả ruột gan và mệt đến rã rời chân tay. Gã rà lại mấy cái túi áo túi quần, không có lấy một đồng bạc cắc. Đói còn chịu được nhưng khát thì bất trị. Gã xé miếng vải túi quần rồi “tè” vào đó, giữ nước uống dần mỗi lúc vài giọt. Hỏi thăm mấy người cùng đồng cảnh lậu vé như mình, gã biết con tầu này chạy xuyên quốc gia. Và quá nửa đêm nay tầu tới biên giới. Mặc dầu hai nước là bạn bè hữu hảo nhưng sự kiểm soát người qua lại vô cùng nghiêm ngặt. Anh nào nhập lậu, họ tóm được còng hai tay quặt về phía sau và còng luôn cả hai chân bắt nằm sấp mặt xuống đất, y hệt như một con vật, đợi giới hữu trách bên kia đến bàn giao. Đó là chưa kể những trận đòn khốc liệt của cả hai bên! Gã đâu có muốn đến chốn này. Gã đâu có làm gì phạm pháp? Gã đâu có làm gì nên tội? Có lẽ người ta lầm gã với một tên trọng tội nào đó. Tại sao gã không đến trước nhà chức trách minh oan? Tại sao gã lại cuống cuồng, vội vã bỏ chạy như một tội phạm? Nghĩ tới người bạn có thế “giải oan”, làm chứng nhân cho gã, gã lần bước về phía những toa xe trước. Gã nhớn nhác tìm mãi không thấy người bạn đâu cả. Có lẽ hắn rời khỏi tầu từ lâu.

Trong lúc gã chưa biết tính toán giải quyết sao, đang chập chờn nửa ngủ nửa thức, gã nghe tiếng người nói lớn “Tới rồi!”. Gã bật hỏi: “ Tới rồi là tới chỗ nào?”. Người vừa nói nhìn gã ngạc nhiên: “ Anh mới đi lần đầu à?”. Chẳng đợi gã trả lời, hắn nói liền: “Đây là biên giới hai nước. Anh chuẩn bị tiền bạc để cúng cho bọn lính biên phòng đi. Không hối lộ chúng trói lại như trói con heo tống xuất về nước đó”.
Gã cười méo sệch miệng, đến tiền ăn còn chưa có lấy đâu ra tiền cúng mấy “ông kẹ”.
Tầu ngừng lại trước một nhà ga nhỏ, lúc ấy có lẽ ngoài nửa đêm. Sương muối bay rải rác ngoài trời rồi ùa vào trong toa lạnh buốt. Bọn bán quà bánh nước uống, đủ các cỡ già trẻ lớn bé, nhẩy lên tầu tranh giành nhau mời mọc khách rối rít. Một mụ sồn sồn to béo, đặt giỏ bánh trên đầu xuống và ngồi xệp trước mặt gã mời mọc: “Ăn đi, bánh mới ra lò ngon lắm!”. Gã buồn bã lắc đầu, quay mặt đi nuốt nước bọt. Mụ cứ dụ mãi, lại còn cầm chiếc bánh dúi vào miệng gã. Cầm lòng không được, gã há mồm không kịp nhai, nuốt đại cái bánh suýt nghẹn. Mụ bán bánh tưởng vớ được khách sộp, cứ luôn tay đưa những chiếc bánh nhét đầy vào mồm gã. Ăn tới khi không ăn được nữa, đôi mắt gã trợn ngược lên. Gã bị bội thực ngã lăn quay ra sàn tầu trước sự la lối của mụ béo bán bánh. Mụ cho tay lùng sục túi áo quần gã. Không có gì, mụ tức điên lên mồm thì la lối chửi bới, tay thì đánh vào mặt, chân thì đá vào bụng gã. Đau quá gã ngất đi trước sự thờ ơ, coi như không có chuyện gì xẩy ra của các bạn đồng tầu.

Chẳng biết gã bất tỉnh bao lâu, khi tỉnh lại thấy mình nằm trong một căn phòng tăm tối chật chội, nồng nặc mùi người hôi hám và chung quanh gã toàn những bộ mặt dữ dằn xa lạ, có lẽ không phải người đồng hương với gã. Gã đưa tay xoa mặt thấy còn sưng và bết máu khô, tay chân vẫn đau nhức rã rời, hậu quả trận đòn trên tầu. Nghe tiếng mấy “bạn tù” sì sồ, gã nhận ra ngay đây là bọn can phạm người Tầu. Chẳng lẽ mình bị bọn công an Tầu bắt? Quả đúng vậy. Sau một thời gian giam cầm, tra khảo lấy cung, gã bị đưa ra tòa kết án 10 năm tù về tội gián điệp. Nhưng sau 5 năm gã được tha.

Gã được thả về nước và vẫn di chuyển bằng xe lửa, nhưng lần này không phải đi “chui” như lần trước vì “nhà nước bạn” cấp cho vé đi tầu và cả lương khô. Thấy cảnh cũ người xưa đã đổi khác nhiều. Gã nghĩ tới gia đình cha mẹ vợ con, muốn về nhưng nhớ tới cái bản cáo thị truy bắt năm nào gã lại rùng mình sởn gáy. Gã nghĩ không chừng vợ con mình cũng bị đầy ải nơi nào rồi. Bây giờ đem thân về có khác gì chui vào miệng cọp! Trong lúc chưa biết quyết định ra sao thì tình cờ gã được bọn buôn lậu quốc tế bằng đường thủy thuê vận chuyển hàng. Thế là sau những ngày lênh đênh trên sông biển, gã tới nước láng giềng phương Nam. Được trả một khoản tiền nhỏ, gã vừa tính chuyện định cư làm ăn lâu dài thì hai nước xẩy ra chiến tranh. Bọn lính tráng và dân chúng địa phương cứ gặp người Việt là lôi ra bắn giết liền. Gã may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Gã thấy trời đất bao la thế này mà không có lấy một chốn dung thân, chỗ nào cũng đầy đe dọa, chỗ nào cũng đầy chông gai, chỗ nào cũng toàn tù đầy giết chóc. Thôi thì ta trở về nước để được chết trên quê hương vậy, dù sao vẫn hơn bỏ nắm xương tàn nơi xứ người. Gã vượt rừng lội suối ngày đi đêm nghỉ. Gian lao vất vả chịu đói chịu khát dầm sương giãi nắng, nhiều lần tưởng chết vì thú dữ, trải qua mấy tháng trời cũng lần mò về tới thành phố của mình.

Trước khi về nhà gã phải dò dẫm xem xét tình hình ra sao đã. Đang lang thang những bước vô định, tình cờ qua nhà một người bạn cũ. Đây là dịp may để gã biết được việc nhà và tình thế. Lưỡng lự mãi gã mới dám bước vào nhà bạn. Đã có kinh nghiệm về người bạn trước, lần này nếu người bạn cố tình phớt lờ, gã sẽ xin lỗi lầm nhà và chuồn ngay. Nhưng thật bất ngờ, mặc dầu gã đã thay hình đổi dạng râu ria rậm rì, người bạn vẫn nhận ra, ôm chầm lấy gã mừng rỡ reo lên: “Trời ơi, cơn gió lành nào đưa anh lại đây vậy? Cha mẹ anh, vợ con anh tìm anh đã mòn cả mắt. Tôi xin có lời chúc mừng anh. Những ngày tới đừng quên thằng bạn này nhé!”. Gã ngẩn người ra vì ngạc nhiên, lặng đi đến mấy phút gã mới cất được tiếng hỏi: “Có gì mà anh chúc mừng tôi một cách lạ lùng vậy. Có lẽ vợ con tôi..?”. Người bạn không nói thêm một tiếng, vui vẻ và lẳng lặng kéo tay gã đi tới một công viên gần đó. Tới nơi, người bạn chỉ tay vào một tấm bảng lớn đặt trước cổng công viên. Trên tấm bảng có vẽ một bức chân dung lớn với những hàng chữ bên dưới ca ngợi nhà cách mạng, người anh hùng, người yêu nước vĩ đại. Gã dụi mắt lần nữa để nhìn. Đúng là gã chứ còn ai vào đây nữa, chẳng sai một chút nào, y hệt như bức hình truy nã gã mấy năm trước. Gã thất sắc, trong khi người bạn đang nói lời chúc tụng thì gã bất thần vùng chạy. Cứ thế cắm đầu chạy, chẳng biết chạy đi đâu, mặc cho người bạn lớn tiếng gọi. Mải ngoái nhìn về phía sau xem có ai đuổi bắt, gã vấp phải cục đá té ngã. Người bạn chạy lại đỡ dậy hỏi: “Anh sao vậy?”
Gã thở hổn hển và ấp úng đáp:

“Tôi, tôi cũng không biết nữa. Những việc xẩy ra với tôi.”.
Thanh Thương Hoàng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img