Thursday, March 28, 2024

Câu Chuyện Đồi Thông Hai Mộ

Khoảng năm 1950 tại Hà Nội, miền Bắc Việt Nam, xuất hiện tập truyện thơ Đồi Thông Hai Mộ của nhà văn Nguyễn Minh Lang, tập truyện mỏng. Vì đã lâu, người viết không còn nhớ nhiều về cuốn truyện, mà chỉ nhớ mấy câu mở đầu:

Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ
Anh của em yêu quý suốt đời
Anh đi biền biệt xa khơi.

Sở dĩ không nhớ nhiều, vì lúc đó, những người mới mười sáu, mười bảy tuổi bị xếp vào loại “ranh con”, không được đọc những sách truyện “ủy mị”. Ngoài mấy câu thơ, một chi tiết người viết còn nhớ nữa đó là: Đồi thông trong truyện nằm tít ở trên miền thượng du Bắc Việt.

Vì đọc lén tại những nơi cho mướn truyện nên đọc được đến đâu hay đó. Rồi thì cũng quên câu truyện “ủy mị” ấy luôn. Cuốn Đồi Thông Hai Mộ bị quên khi “thằng ranh” còn phải theo gia đình bố mẹ chạy mất dép cùng cả triệu người vào Nam tránh bọn lưu manh côn đồ, bọn cẩu cuồng ngáp được ruồi đang từ rừng núi tràn về thành phố. Sau khi miền Nam đã ổn định, báo chí do những nhà báo “Bắc kỳ di cư” hoạt động trở lại, một nguyệt san, tờ Chỉ Đạo cơ quan ngôn luận của bộ quốc phòng quân đội Việt Nam Cộng Hòa ra đời, do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, mang cấp bậc thiếu úy đồng hóa, làm chủ bút, đã đăng một truyện của ông, truyện Mối Tình Màu Hoa Đào, truyện kể về hai người yêu nhau, nhưng bị gia đình người đàn ông phản đối nên sau vì không chịu được sự ghẻ lạnh chì chiết của mọi người trong gia đình nhà chồng, cô gái đã tự tử. Vì ở xa, khi được tin, người đàn ông trở về chỉ còn biết đưa vợ đi chôn tại ngọn đồi đối diện, ngọn đồi “nhìn” sang hồ Than Thở. Ngôi mộ còn được tạo hình trái tim và được ghi khắc hai câu thơ “Nước biếc non xanh dù biến đổi… Ngàn năm Thảo vẫn sống trong Tân”. Tuy thực tế ngoài đời tên của hai người như đã ghi, nhưng trong Mối Tình Màu Hoa Đào ông Côn đã đổi tên của họ thành Tâm và Hảo, ông cho biết sở dĩ ông làm như vậy để tránh bị phiền hà….

Nhớ mãi câu truyện Mối Tình Màu Hoa Đào, hay còn tên gọi thông thường, tên gọi “dân gian” là Chuyện Tình Đà Lạt, cuối năm 1956 mấy người bạn sẵn dịp lên chơi Đà Lạt đã thuê bao một chuyến xe Lam tới tận nơi chôn cô Thảo, thăm. Ngọn đồi thì… còn, nhưng ngôi mộ đã bị đập nát, gần như bị san bằng, cùng với tấm bia có hai câu thơ.

Ông già chạy xe Lam, nói:

– Đâu còn gì phải không… mấy chú có tìm thấy chút gì không…. Thật ác nhơn hết sức, chết rồi cũng không được yên…. Hừ, dù gì thì cũng chết rồi.

Một người bạn hỏi:

– Mà ai nỡ làm thế hở bác.

Ông già xe Lam lắc đầu, không trả lời câu hỏi, chỉ lặp lại:

– Hừ ác nhơn hết sức.

Rồi câu chuyện viếng thăm ngôi mộ Chuyện Tình Đà Lạt cũng bị quên theo “tuổi trẻ” với bao ước mơ, với bao việc làm… Cũng lại mãi mấy năm sau, hai anh bạn có hai chương trình thu thanh tại đài tiếng nói quân đội, mới lại có dịp nhắc lại Chuyện Tình Đà Lạt.

Hôm ấy, sau khi thâu thanh xong chương trình thoại kịch, nhóm kịch ngồi uống nước tại quán nước trước cửa đài thì thấy người phụ trách chương trình Tuần Báo Văn Nghệ Truyền Thanh cùng một chị đã lớn tuổi bước vào quán.

Mọi người nhìn chị chăm chú, quên cả ý tứ, lễ phép vì không phải chị bước đi, mà như kéo lê một bên người, rất chậm, giống như mấy nhà sư thiền hành khất thực.

Một cô trong chương trình thoại kịch khi nhìn thấy hai người đã nói nhỏ với bạn:

– Này ông, người liên quan đến nhân vật thứ hai của Chuyện Tình Đà Lạt kìa.

Người bạn hỏi lại:

– Sao có người nói chết cả hai rồi mà.

– Không, ổng đâu có chết… đây là Tập Hai của ông Tân đấy.

Nói xong cô bạn đứng lên đón người mới vào:

– Chị Ng. Ng đây là mấy người bạn trong ban thoại kịch mà em vẫn thường nói chuyện với chị đấy.

Cũng từ lần gặp tại quán nước, người trưởng ban thoại kịch luôn dành vai cho chị Ng. Ng. để có dịp làm thân với chị. Khi đã thân, nhất là được cô bạn “nói thêm” dùm, chị Ng. Ng. đã kể về chị, về nguyên nhân chị đã có những bước “thiền hành’’. Trước khi nói về mình, chị đã bắt người nghe hứa: “Chỉ được nghe, mà không được viết lại”….. Bây giờ đã năm mươi năm qua đi….. nếu như không giữ lời, chắc chị cũng không nỡ giận vì người viết không muốn chuyện của chị cũng bị hiểu sai như Chuyện Tình Đà Lạt, dù chuyện của chị có dính dấp đến nửa kia của Mối Tình Màu Hoa Đào. Theo lời kể chị cũng đã có một chuyện tình đầy nước mắt như “Chuyện Tình Đà Lạt”… Cũng đã tự tử…. nhưng không chết khi lao mình từ tầng lầu nhà chị xuống. Hàng cây và mạng lưới dây điện thoại chằng chịt phía dưới đã đỡ chị, nên khi rớt xuống sức va chạm đã bớt rất nhiều. Không chết, nhưng bị liệt một nửa người, phía bên trái. Chị đã bị tật nguyền suốt đời. Khi đã qua thời kỳ bị trầm cảm, chị đã cố gắng tự vượt qua trên nửa người tật nguyền, trên đôi chân “thiền hành” của mình. Và đã thành công. Chị đã trở thành xướng ngôn viên, thành ca sĩ, người đóng kịch truyền thanh, người ngâm thơ. Đặc biệt giọng ngâm của chị không thua gì bậc đàn chị Hồ Điệp hay của cô Huyền Trân….. Không cần những người ” Trụ cột” của hai đài phát thanh Sàigòn hay Quân Đội, mà chỉ là những người gác cửa cũng thân quen với chị.

Rồi chị đã gặp nửa kia của Chuyện Tình Đà Lạt. Cảm thông với nỗi đau của nhau, họ đã đến với nhau. Lần này chắc chắn không còn một trở ngại nào có thể tách rời họ. Phải nhìn tận mắt họ dìu nhau trên sàn nhẩy, trong điệu slow mới biết được mối tình của họ tha thiết chừng nào. Và, trừ thời gian anh phải xuất ngoại tu nghiệp, và những giờ anh phải làm việc tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Thiếu Tá và chị ở trong phòng thâu âm còn thì lúc nào họ cũng bên nhau. Và mối tình ấy đã có kết quả: một đứa con trai ra đời. Bây giờ đứa con của mối tình đích thực ấy chắc cũng đã phải trên Năm Mươi Tuổi.

Sau ngày khốn cùng của Miền Nam, không biết gia đình anh chị có thoát khỏi bọn côn đồ bán nước hại dân hay không. Nhiều người bạn đã cố ý tìm, khi nghe tin anh chị đang ở Canada nhưng họ vẫn hoàn toàn bặt tin. <>

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img