Monday, March 18, 2024

Cái miệng 

“Nếu ” ăn ” là để sống thì ” nói ” là để cảm nhận rằng mình đang sống. Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi…”
Dân của nước Nhân Dân Cộng Hòa Trung Hoa cũng cùng số phận thôi ! 
Cái miệng 
(Tiểu Tử)
Cái miệng có hai chức năng chánh: ăn và nói. Xưa nay ít có ai để ý đến những chức năng phụ của cái miệng – tiếng là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng – như : ngáp, ợ, ho, khạc, thở khi nào bị nghẹt mũi v.v…
Có lẽ tại vì nó…hạ cấp quá nên bị coi thường ! Và cũng tại vì có sự coi thường đó mà người ta chỉ chú trọng dạy trẻ con học ăn học nói thôi. Thành ra, lớn lên, phần đông ngáp ơi ới không che miệng, ợ ồng ộc nghe chỏi lỗ tai, ho thẳng vào mặt người đối diện, còn khạc nhổ thì tùm lum bất cứ chỗ nào…Trong chuyện phiếm này, tôi cũng theo “truyền thống” để chỉ viết về hai chức năng ” ăn và nói ” của cái miệng.
Ăn…Từ hồi còn nằm trong bụng mẹ, con người đã biết ăn ( Ông Trời sanh ra như vậy ! ) Mới lọt lòng, không ai dạy, kề vú vào miệng là đã biết…đớp (Về sau, khi đã thành nhơn, có đòi đớp như hồi bêbê là một…cái gì khác chớ không phải là ăn ! ) Thành ra ” ăn ” là một bản năng. Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn, chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết ( Ăn…hối lộ không nằm trong ” diện ” tự nhiên trời sanh này ! ) Khái niệm ” chết vì không có gì ăn hay có mà ăn không được ” chỉ đến với con người khi con người có đủ trí khôn. Khỗ nỗi, khi có đủ trí khôn, con người lại đòi ” ăn ngon “, biết chê biết khen, biết chế biến món này món nọ để ăn cho ” khoái khẩu “. Cái ” ăn “, vì vậy, đã chiếm…đỉnh cao của trí tuệ loài người, đến nỗi có câu “dĩ thực vi tiên” ( ăn trước đã ! ) và ở Việt Nam miền nào cũng quảng cáo rầm rộ ” món ăn đặc sản ” để làm…chảy nước miếng du khách ( Ở Hà Nội bây giờ “chảy nước miếng hay chảy nước dãi ” được gọi là ” toát mồ hôi lưỡi ” ! Từ ngữ cách mạng vốn…trừu tượng ! ) Trên thế giới, ngành du lịch xứ nào cũng giới thiệu thật nhiều về ” cái ăn ” ngay sau khi cho xem phong cảnh hùng vĩ hữu tình. Để thấy cái miệng tuy nhỏ xíu như vậy mà đã…đẻ ra chữ ” ăn ” thật to tổ chảng !
Trong từ ngữ thông thường, chữ ” ăn ” lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo, nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải…đứng trên đứng trước ! – Ví dụ như ” ăn quịt, ăn gian, ăn trộm, ăn cướp” v.v…Tiếng ” ăn “…ăn nhậu gì với những chuyện ” quịt, gian, trộm, cướp “, vậy mà phải có lãnh đạo ” ăn ” vào đó nghe nó mới…xuôi lỗ tai ! Rồi thì…ăn tùm lum, lúc nào ở đâu cũng thấy ăn: ăn giỗ, ăn cưới ( Hồi xưa còn nói “ăn đám ma ” nữa ! ) ăn khánh thành, ăn lên lon, ăn Tết, ăn đầy tháng , ăn thôi nôi, ăn…hối lộ v.v…Chỉ có ” ăn ” thôi, vậy mà cái miệng sao mà ” lắm chuyện ” !
Bây giờ, xin nói đến ” nói “.
Con người nếu sống một mình chắc không cần phải biết nói ! Thật vậy, biết nói để nói với ai ? Rồi, bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải “nói ” để hiểu nhau. Mới đầu nói bằng…tay chân ( bây giờ gọi là ” ra dấu ” ) Lần hồi, chắc ra dấu…mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói ( Dầu sao, mỏi miệng vẫn…dễ chịu hơn mỏi tay ; cái trí khôn của con người bắt đầu…ló dạng ! ) Cái miệng , ngoài chức năng ” ăn ” của Trời cho, bây giờ có thêm chức năng ” nói ” do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì.
Con người mới sanh ra chưa biết nói, chỉ biết khóc ! Các nhà văn gọi đó là ” tiếng khóc chào đời “. Hay quá ! Thật vậy, nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói ? Rồi từ chỗ ” oa oa ” đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu. Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách, học nói cho có lễ độ, học nói cho thanh tao. Có một điều lạ là những tiếng…chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách ” tài tình ” ! Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề, dĩ nhiên – Nhà Nước Việt Nam còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu, nói những lời ” dao to búa lớn ” theo…phong cách xã hội chủ nghĩa, nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì. Cái “nói” – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm…cách mạng ! Than ôi !
Nói về ” nói “, con người nói thôi…đủ thứ. Nào là ” nói thánh nói tướng “,” nói láo nói phét “, ” nói hành nói tỏi “, ” nói trăng nói cuội “…Rồi ” nói phang ngang bửa củi “, ” nói dộng trong họng người ta”, ” nói trên trời dưới đất “, ” nói mà cái miệng không kịp kéo da non “, ” nói như con két “…v.v.. Cái miệng nói nhiều hơn ăn, bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị…no nói đâu để mà phải ngừng ?
Tóm lại, cái miệng là để ăn và để nói. Vậy mà chính cái miệng nó “hành” con người. Ông bà mình hay nói :” Bịnh từ miệng mà vào, Vạ từ miệng mà ra “. Đúng quá ! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sanh chuyện. Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói ?
Ở Việt Nam, Nhà Nước ta đã thấu triệt cái ” chân lý ” vừa kể cho nên đã…phân loại cái miệng : miệng của nhân dân và miệng của Nhà Nước. Cái miệng của nhân dân là cái miệng ” ăn ” còn cái miệng của Nhà Nước là cái miệng ” nói “. Nhà Nước ” quản lý ” cái miệng ăn nên chỉ cho ăn vừa phải, đúng tiêu chuẩn, để nhân dân đừng…bị bịnh ! ( Bệnh từ mồm mà vào, đúng thế đấy…Ta đã học tập và triển khai cái chân lý ấy từ thời…không có gì để ăn cơ ! ) Còn ” nói ” thì nhân dân không nên nói, bởi vì ” nói ” là mang vạ vào thân đấy thôi. Để Nhà Nước nói, bởi vì Nhà Nước, đã là đỉnh cao trí tuệ của loài người, biết nói thế nào để không bao giờ phải…mang vạ vào thân. Và bởi vì cái miệng của Nhà Nước là loại miệng nói không sợ…mòn, không phải tốn tiền mua và dự trữ đồ phụ tùng thay thế. Cho nên đừng ngạc nhiên sao ở Việt Nam chỉ nghe có Nhà Nước nói và nói không bao giờ…ngừng ! Ngoài ra, Nhà Nước vì thương dân nên khi thấy dân há miệng định nói là đưa tay bịt miệng ngay kẻo dân mang vạ vào thân, tội nghiệp ! Một cử chỉ…đẹp như vậy mà thiên hạ cứ…vo tròn bóp méo !
Nếu ” ăn ” là để sống thì ” nói ” là để cảm nhận rằng mình đang sống. Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi…
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img