Friday, March 29, 2024

Biden tính lộ trình 8 năm di dân lậu nhập tịch, không an ninh biên giới mới 

(Newsweek) – Tổng thống đắc cử Joe Biden dự tính công bố dự luật di trú rộng lớn vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, trong đó mở đường 8 năm vào quốc tịch cho khoảng 11 triệu di dân lậu hiện đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, dự luật không gia tăng tường biên giới phía Nam ngoài mức độ hiện nay. 

Dự luật sẽ cho phép di dân bất hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2021 bắt đầu thủ tục 5 năm để có tình trạng cư trú hợp pháp tạm thời hoặc thẻ xanh, miễn là họ được kiểm tra an ninh, sẵn sàng đóng thuế và hoàn tất những yêu cầu căn bản khác, theo AP. Sau khi đương đơn có tình trạng cư trú tạm thời, họ có thể tiếp tục theo đuổi thêm 3 năm nữa để có quốc tịch Mỹ. 

Dự luật của Biden cũng sẽ cho phép di dân lậu được đưa vào Mỹ từ khi còn nhỏ, người lao động nông nghiệp, di dân có tình trạng được bảo vệ tạm thời được nhận thẻ xanh nhanh chóng hơn, nếu họ có công ăn việc làm, ghi danh đi học hay có thể đáp ứng những yêu cầu khác. 

Dự luật này không toàn diện như cải tổ hệ thống di trú được cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng khi Biden còn làm Phó Tổng thống, nhưng nó có thể tạo ra con đường nhập tịch cho hàng triệu di dân lậu sinh sống ở Mỹ đang phải trốn chui trốn nhủi vì lo sợ bị trục xuất.  

Kế hoạch của Biden có thể vấp phải phản đối từ Dân chủ trung dung và các Thượng nghị sĩ Cộng hoà vốn muốn trục xuất di dân lậu. Trong khi một số nhà lập pháp Cộng hoà ủng hộ cải tổ hệ thống di trú Mỹ, thì dự luật này sẽ là bài kiểm tra đầu tiên để xem liệu Biden có thể “nhận được sự ủng hộ đảng phái” và có thể bắt tay được với Cộng hoà hay không, vì ông cam kết sẽ làm như vậy khi vận động tranh cử. 

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris cũng cho hay, chính phủ Biden hy vọng sẽ bổ nhiệm thêm thẩm phán di trú để giải quyết những hồ sơ tồn đọng liên quan đến di dân lậu đang sinh sống ở Mỹ và những người đang bị giam giữ tại các cơ sở liên bang dọc theo biên giới. 

Dự luật cũng làm tương phản giữa các chính sách di trú của Biden với những chính sách chống nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, trong đó có gây áp lực cho các cơ quan thực thi công lực địa phương buộc họ giúp Cơ quan Thực thi Di trú Liên bang ICE trục xuất di dân và những chính sách khác dẫn đến tách rời hơn 5000 gia đình tại biên giới. 

Trump đã đưa ra hơn 400 thay đổi trong chính sách di trú trong 4 năm nhiệm kỳ, một số kể từ ngày Bầu cử đầu tháng 11, theo Viện Chính sách Di trú. 

Biden cam kết trong những ngày đầu tiên nhiệm kỳ sẽ ban hành sắc lệnh đảo ngược lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia hồi giáo. Biden cũng sẽ bắt đầu đoàn tụ các gia đình bị chia cắt ở biên giới Mỹ-Mễ theo chính sách của ông Trump. 

Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử cho hay, chính phủ của ông sẽ tìm cách giảm nhập cư từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ qua gói viện trợ nhằm  khích lệ các chính phủ chống tham nhũng, tăng thu thuế, làm trong sạch đội ngũ cảnh sát, và tạo cơ hội cần thiết để thuyết phục di dân ở lại nước họ.

Hương Giang (Theo Newsweek) 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img