Thursday, March 28, 2024

Lắt léo chữ nghĩa: Miệng nhai cơm búng…

Một trong những câu ca dao hay nhất, xao xuyến nhất về công ơn của mẹ, theo tôi, vẫn là: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”.

Đôi lúc ta phân vân: “cơm búng” là gì? Là “cơm nhai nhuyễn để mớm cho trẻ em khi chưa mọc răng hoặc chưa biết nhai” – Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích.
Thiết nghĩ, búng còn dùng để chỉ định lượng. Định lượng của búng trong cơm búng cụ thể ra làm sao? Ông Huỳnh Tịnh Của cho biết: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”. Thế nhưng, khi dùng để chỉ chất lỏng, nếu không dùng từ búng, thí dụ “một búng nước”, ta hoàn toàn có thể đổi qua “một ngụm nước”, tức sức chứa trong miệng đang ngậm lại. Rồi khi cầm cái gì đó, “một búng muối” chẳng hạn, búng lại có thể đổi qua “một nhúm muối”. Khi cầm “một búng rau”, ta có thể đổi qua “một nạm rau”… Các từ búng/ ngụm/ nhúm/ nạm xuất hiện tùy ngữ cảnh, đều chỉ số lượng ít ỏi, không nhiều.

Ảnh minh họa: một nhúm muối


Tuy nhiên, búng còn nhiều hàm nghĩa khác, do không hiểu nên đã dẫn đến một số địa danh từ “búng” nhảy sang “bún”. Nhà nghiên cứu Lê Công Lý – Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM liệt kê: “Chẳng hạn, rạch Búng Bò bị viết sai thành rạch Bún Bò (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Búng Xáng bị viết sai thành Bún Xáng (Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Sông Sài Gòn, đoạn chảy ngang qua thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng có chỗ phình rộng ra gọi là búng, nên chợ gần đó cũng gọi chợ Búng, nhưng có người không hiểu nên gọi/ viết chợ Bún” (Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia – 2016, tr.1145).


Búng trong những trường hợp này, Đại Nam quốc âm tự vị (1895) giải thích: “Chỗ nước sâu làm ra một vùng”. Tra cứu thêm Phương ngữ Nam Bộ (2015) của Bùi Thanh Kiên: Búng là “Chỗ sâu, nước chảy xoáy mạnh trong sông, nguy hiểm cho người hay tàu thuyền”. Nhà nghiên cứu Lê Công Lý còn cho rằng: “Búng chính là phát âm của bung/ bụng, là chỗ sông sâu và phình rộng ra như cái bụng”, nói cách khác nó “có khuynh hướng tròn”: “Chung búng má kèn”, chỉ vẻ mặt không hài lòng (xụ mặt), hai má phình ra; “Miệng nhai cơm búng”, chỉ hành động người lớn nhai cơm và thức ăn trong miệng, rồi lừa ra để đút trẻ con ăn; “Búng ngón tay”, là hành động dùng đầu ngón tay cái kềm chặt đầu ngón tay còn lại tạo thành hình tròn rồi đột ngột bung ra. Đây cũng là cách đo kích thước của một vật nhỏ gọn: Con cá lóc bự (to) bằng một búng tay” (sđd , tr.1145).


“Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Nguyễn Gia Thiều). Thì búng này là dùng sức từ đầu ngón tay bật mạnh cho cái bông vụ quay tít. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng, chỉ cuộc xoay vần của tạo hóa. Nhưng khi nghe câu bình luận trong cuộc chơi bóng chuyền: “Anh A đã dùng mười đầu ngón tay búng bóng lên cao”, ta hiểu là động tác chuyền bóng.

Có bao giờ sữa lại trữ ở trên mặt? Thế mà trong tiếng Việt lại có cụm từ “Mặt búng ra sữa”, ý muốn nói người đó còn măng/ trẻ măng, non choẹt. Một khi di chuyển, thông thường ta gọi là đi, bò, lê, lết… nhưng với tôm, châu chấu, dế, cào cào… thì chẳng ai dùng từ này, chỉ có thể là búng, tức co mình và bật mạnh nhằm thay đổi vị trí. Con voi khi co vòi mà đánh ra/ duỗi ra cũng gọi búng vòi. 

Trước kia còn có nhiều từ đôi gắn liền với búng nhưng nay ít sử dụng, chẳng hạn: “Hồi nào một thương, hai thương/Bây giờ búng rãy giữa đường mà đi” (ca dao) – búng rãy, búng rúng là chê bai, không thèm, phụ bạc, bỏ bê…

Ảnh minh họa: Búng móng tay

Sưu tầm: Lê Minh Quốc

Hình ảnh: Nguyễn Nguyễn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img