Thursday, March 28, 2024

Sa Pa: Thà hy sinh không chịu mất đất để làm nô lệ cho lũ quan tham…!

 

Không chỉ báo đài ngoài nhà nước Việt Nam mà ngay cả báo đài trực thuộc nhà nước Việt Nam cũng lên tiếng dự án “Xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa”mắc quá nhiều sai phạm nhưng chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa vẫn quyết tâm tiến hành, thậm chí là tiến hành cưỡng chế để lấy đất dân…

Trong những bài viết mà Cali Today nói về Sa Pa, một địa danh du lịch nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam thường có nhắc đến dự án “Xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa”. Đây là dự án được chính quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004 và năm 2005, dự án được nhà đầu tư là Công ty Cương Lĩnh sau chuyển sang Công ty đầu tư VIDIFI bắt đầu công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, san lắp mặt bằng. Tổng diện tích riêng dự án Khu chợ văn hóa, bến xe Sa Pa sau khi điều chỉnh là 109,2 ha. Tính đến thời điểm hiện tại thì dự án này kéo dài đã mười mấy năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Theo báo đài phản án là do vướn mắc quá nhiều sai phạm như; từng làm giả tài liệu để lừa dối các cơ quan tổ chức, lừa dối công dân, công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thiếu công khai, dân chủ, không đảm bảo theo quy trình, quy định của Nhà nước dẫn đến việc có nhiều hộ dân khiếu kiện kéo dài, các hộ dân không đồng thuận giao đất cho chủ đầu tư, làm mất hồ sơ tài liệu, không lập biên bản bàn giao hồ sơ tài liệu…

Chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ gia đình bà Bùi Thị Huyền ở tổ 2B, thị trấn Sa Pa và nhiều hộ dân khác đã chia sẻ với Cali Today rằng, chính quyền tỉnh Lào Cai và nhà đầu tư nói quy hoạch đất đai của người dân là để phục vụ dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách nhưng thực tế là thu đất của dân để chia lô bán nền, làm biệt thự. Theo chị Nhung chia sẻ, mỗi biệt thự nhà đầu tư làm hợp đồng đặt cọc bán từ thời năm 2009-2011 là mấy tỷ đồng còn giá thị trường bây giờ thì phải mấy chục tỷ đồng.

Theo chị Nhung, vào năm 2012 nhà đầu tư áp giá đền bù đất đai cho hộ gia đình chị là 6.500VND/m2 đất nông nghiệp. Sau đó gia đình thắc mắc thì nhà đầu tư hỗ trợ 200% thành 13.000VND tổng cộng lại là hơn 19.000VND/m2 đất nông nghiệp. Còn hiện tại, chị Nhung cho biết giá đền bù có tăng lên:

“Hôm vừa rồi tôi coi bản dự thảo đất của nhà tôi họ tính đất nông nghiệp có 25.000VND/m2, đất nhà ở liền kề là 81.000VND/m2, còn đất thổ cư là 4,5 triệu VND/m2”- Lời của chị Nhung.

Khẩu hiệu của người dân Sa Pa có đất dính dự án chợ Văn hóa và Bến xe khách kiên quyết giữ đất (ảnh; facebook Nguyễn Thị Yến)

 

Tuy nhiên, việc tăng giá đền bù vẫn không đáng là bao đối với sự thua thiệt của người dân. Nhiều hộ dân ở Sa Pa có đất dính vào dự án đã tập trung thành đoàn đi xuống Hà Nội gửi đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đúng quy định khi thực hiện dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa chứ không chịu giao đất cho nhà đầu tư. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa tiến hành những đợt cưỡng chế lấy đất của các hộ dân.

Cụ thể vào vào nằm 2013, chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tiến (3B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) . Vụ cưỡng chế này sau đó được Công an huyện Sa Pa, Thanh tra tỉnh Lào Cao xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Mới đây nhất là vào ngày vào ngày 21/5/2018 vừa qua, Ủy ban huyện Sa Pa áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với 6 hộ gồm: Ông Đoàn Văn Mạc; bà Đoàn Thị Bình; bà Đoàn Thị Minh; bà Đoàn Thị Nụ; bà Đoàn Thị Nguyên; bà Đỗ Thị Phương. Tuy nhiên, khi lực lượng cưỡng chế tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa tiến vào khu vực cưỡng chế để tiến hành cưỡng chế đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các hộ dân. Các hộ dân đã dùng đến bom xăng để ngăn cản lực lượng cưỡng chế đến gần. Chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa cuối cùng phải chọn giải pháp đàm phán với các hộ dân.

Chị Nhung chia sẻ với Cali Today về vụ cưỡng chế này :

“Hôm vừa rồi họ cưỡng chế 5 hộ nhưng đều là con cháu của một hộ gia đình là bố của ông Cửu, hộ ấy đã cùng một số đồng bào đến yểm trợ thì họ dừng cưỡng chế. Đất của hộ gia đình này hơn 10ha (10.000m2) đất thì họ chỉ trả cho mỗi người con được 01 suất, tức là tính ra họ chỉ trả khoảng 1000m2. Đất của hộ gia đình này có từ trước năm 1980, có cả quyền sử dụng đất…”

“Người dân mình chống trả, không cho họ vào. Họ vào đến hàng rào nhà mình, dân đoàn kết không cho vào nếu họ vào thì dân mình được quyền tự vệ chính đáng. Nếu họ vào thì dân cứ ném bom xăng các thứ thế là họ lùi ra”

“Họ cưỡng chế và đàm phán trong 05 ngày liền. Vừa cưỡng chế thì họ thấy mình chống trả quyết liệt nên họ gọi mình lên đàm phán, đến ngày thứ năm đàm phán đến mười giờ đêm…”

Theo ước chừng, nếu tính hộ lớn thì khoảng 2 hộ nhưng nếu tính luôn hộ con cháu thì tầm khoảng hai chục hộ ở Sa Pa vẫn còn kiên quyết giữ đất, không giao đất cho nhà đầu tư thực hiện xây dựng dự án, trong đó có hộ gia đình của chị Nhung. Chị Nhung lo lắng thời gian sắp tới hộ gia đình phải đối diện với quyết định kiểm đếm, cưỡng chế .

“Quyết định cưỡng chế thì gia đình tôi chưa nhận nhưng bây giờ họ đang ra quyết định kiểm đếm bắt buộc. Họ có thể huy động công an đến áp đảo nhà tôi để vào kiểm đếm nhà tôi”

Chị Nhung cho biết hôm 28/5/2018, chị và một số hộ dân một lần nữa kéo xuống Cơ quan Thanh tra Chính phủ ở Hà Nội. Tại đây, Thanh tra Chính phủ bảo cho mọi người biết là sẽ thành lập đoàn về Sa Pa cho thanh tra lại toàn bộ dự án “Xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa”. Thanh tra Chính phủ có cho chị Nhung tờ giấy thông báo này do bà Vũ Thị Huệ ký.

Khẩu hiệu của người dân Sa Pa có đất dính dự án chợ Văn hóa và Bến xe khách kiên quyết giữ đất (ảnh; facebook Nguyễn Thị Yến)

Chị Nhung lo lắng và mong cộng đồng dư luận, báo đài- truyền thông quan tâm, theo dõi để giúp cho hộ gia đình chị cũng như các hộ dân còn lại tránh một cuộc cưỡng chế trong lúc chờ thanh tra lại dự án. Huyện Sa Pa sắp tới sẽ lên thị xã, giá đất lúc ấy sẽ được đẩy lên cao và lợi ích nhóm rất khó bỏ qua.

“Bây giờ đang lúc tranh tối tranh sáng, huyện SaPa chuẩn bị lên thị xã thì họ cố chịu đấm ăn xôi để lấy đất của dân theo kiểu sai đâu nó sửa sau, còn giờ việc gì thì nó cứ làm..”- Lo lắng của chị Nhung./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img