Thursday, March 28, 2024

Putin và quyết định hủy diệt hàng chục ngàn người ở Ukraine?

CALI TODAY NEWS – Liệu Tổng thống Nga, Vladimir Putin có bấm nút khởi màn một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không?
Hiện tại, các nhà phân tích thận trọng cho rằng nguy cơ Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới dường như vẫn còn thấp. CIA cho biết họ chưa thấy dấu hiệu về một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra của Nga.
Vladimir Putin đã chứng tỏ sự ham muốn mạo hiểm và thử sức một lần với Mỹ và NATO sau một thời gian 20 năm im hơi lặng tiếng. Ngay cả đối với các cơ quan tình báo phương Tây với các vệ tinh do thám, thật khó để biết liệu Putin đang lừa dối hay thực sự có ý định mở màn một cuộc chiến hạt nhân.
Nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, ngay cả khi Putin có phóng vài quả bom hạt nhân chiến lược loại nhỏ nhất đi chăng nữa thì hành động này cũng không giúp Putin có thể đảo ngược tổn thất quân sự của Nga ở Ukraine.
Quân đội Ukraine không sử dụng mật độ xe tăng lớn để giành lại những khu vực bị Nga chiếm đóng, những trận chiến thường diễn ra ở những làng mạc nhỏ, ít người, dân cư thưa thớt và khoảng cách cũng tương đối gần các lực lượng Nga trú đóng phía bên trong các khu vực bị chiếm đóng. Vậy các lực lượng hạt nhân của Nga có thể hướng tới điều gì với hiệu quả chiến thắng cao? Chẳng lẽ phóng một quả bom hạt nhân để giết vài trăm mạng người, và bụi phóng xạ có thể nương theo chiều gió bay đi khắp nơi, cũng có thể bị thổi đến các khu vực có quân Nga trú đóng, đơn giản là vì Putin và lực lượng hạt nhân Nga không làm chủ được thời tiết và đoán được hướng gió luôn thay đổi liên tục.
Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc, người chuyên nghiên cứu về rủi ro hạt nhân, cho biết rằng: “Vũ khí hạt nhân không phải là cây đũa thần để chấm dứt chiến tranh, nó có thể gây phản tác dụng rất lớn đến nhiều khía cạnh khác nhau, về môi trường, ảnh hưởng đến vùng đất bị thả bom đến vài chục năm, bệnh tật và di chứng kéo dài và phản ứng tiêu cực của thế giới, ngay cả với những đồng minh thân cận của nước Nga như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hungary. Tác hại về nhiều mặt sẽ rất lớn đối với một cuộc chiến tranh hạt nhân dù chỉ với quy mô nhỏ, vì nó khác xa với thiệt hại bởi một cuộc chiến tranh với vũ khí quy ước thông thường”.
Sự khủng khiếp mà con người phải chịu đựng ở Hiroshima và Nagasaki sau khi Hoa Kỳ phá hủy các thành phố của Nhật Bản bằng bom nguyên tử vào ngày 6 tháng 8 và ngày 9 tháng 8 năm 1945 đã giết chết 210.000 người.
Kể từ đó, đã không có quốc gia nào dám sử dụng vũ khí hạt nhân, đến nay đã 77 năm trôi qua.
Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của RAND Corp. và là nhà phân tích về khả năng quân sự của Nga tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết rằng: “Việc vượt qua giới hạn của vũ khí hạt nhân vẫn là điều cấm kỵ cả ở nước Nga và Mỹ. Bất cứ nước nào, vượt qua ngưỡng cửa tử thần này đều sẽ gặp phải sự phản ứng dữ dội từ những quốc gia còn lại trên thế giới”.
Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh ở London, một chuyên viên về quốc phòng và an ninh cho biết rằng: “Việc phá vỡ điều cấm kỵ về hạt nhân sẽ gặp phải một sự cô lập hoàn toàn về ngoại giao và kinh tế đối với Nga từ cả thế giới chứ không chỉ riêng phương Tây”.
Nhưng có điều mà người Mỹ biết và cảm thấy lo ngại nhưng không tiện nói ra trước công chúng Mỹ hay thế giới, đó là theo giới chuyên gia về vũ khi hạt nhân của Bộ Quốc Phòng tìm hiểu thì vũ khí hạt nhân tầm xa mà Nga có thể sử dụng trong một cuộc xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ thì đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Còn kho dự trữ đầu đạn có tầm bắn ngắn hơn, là loại vũ khí chiến thuật mà Putin muốn sử dụng ở Ukraine thì không có động tịnh gì, như vậy nghĩa là sao?
Các vệ tinh quốc phòng của Mỹ phát hiện ra hoạt động này, điều này đã khiến các chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ và ban tham mưu trong TBO bất ngờ, chưa biết đưa ra phản ứng hay đối phó như thế nào, khi trên thực tế, lời hăm dọa một cuộc chiến hạt nhân với loại vũ khí hạt nhân chiến lược tầm gần là đe dọa hay có thể tấn công thật đến Ukraine nhưng những loại vũ khí này vẫn còn nằm trong boongke hầm ngầm, chẳng lẽ từ đất Nga đến Ukraine mà Putin phải xử dụng đến vũ khí tầm xa với khoảng cách tấn công lên đến hàng chục ngàn km hay sao?
Các nhà phân tích cũng xác định các mục tiêu chiến trường không xứng đáng với cái giá quá lớn mà Putin phải trả. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân không ngăn cản được những bước tiến của Ukraine, thì liệu Putin có tiếp tục tấn công nhiều lần nữa hay không?
Trên chiến trường, nơi xảy ra những cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine thì không có sự tập trung lớn của quân đội để nhắm mục tiêu. Như vậy, có thể Putin sẽ phóng vũ khí hạt nhân vào các thành phố lớn với hy vọng khiến Ukraine phải đầu hàng, nhưng đó sẽ là một quyết định tàn ác mang tính hủy diệt một cách khủng khiếp.
Lời kết:
Một quyết định giết hàng chục ngàn người trong thế kỷ 21 này dường như khó chấp nhận hơn con số 210.000 người Nhật đã chết trong thế chiến thứ hai năm 1945.
Việt Linh 06.10.2022
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img