Tuesday, March 21, 2023
spot_img

Nga, Iran và Turkey hoà đàm về Syria, gạt Mỹ ngoài lề

 

Cali Today News – Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp ở Moscow vào hôm thứ ba để bàn về một hiệp ước chính trị hướng tới chấm dứt cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 6 năm. Mỹ bị gạt ngoài lề khi các nước tìm cách lái cuộc xung đột vào con đường phục vụ lợi ích của họ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không được mời tham dự cũng như Liên Hiệp Quốc không được tham khảo ý kiến. Các dấu hiệu cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang xích lại gần nhau rất rõ ràng vào hôm thứ ba, bất chấp vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara mới đây.

Tại buổi hoà đàm, ba nước thoả thuận “Tuyên ngôn Moscow – Moscow Declaration” – nền tảng kết thúc xung đột Syria. Họ không tham khảo Hoa Kỳ cũng không mời đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, người đã phát biểu tại hoà đàm ở Geneva vào ngày 8 tháng 2.

Với các lực lượng ủng hộ Syria đang đạt được những thắng lợi quan trọng trên bộ, sự chỉnh đốn mới và việc vắng mặt cường quốc phương Tây, tất cả những điều này bảo đảm Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục cai trị Syria dưới bất kỳ thoả thuận nào mặc dù 5 năm trước, Tổng thống Obama tuyên bố ông Assad mất tính hợp pháp và cần được loại bỏ.

Sự miễn cưỡng của ông Obama quay trở lại nhúng tay vào nhiều hơn khi cuộc chiến leo thang để lại Washington ít nhiều khủng hoảng địa-chính trị khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Lần gần đây nhất ông Trump đưa ra lời nhận xét về Syria vào tuần trước khi ở Pennsylvania, tuyên bố tình hình “đáng buồn,” và hứa hẹn, “Chúng ta sẽ giúp đỡ người ta.” Ông Trump thề sẽ trích tiền từ các quốc gia vùng vịnh Ba Tư để xây dựng “những vùng an toàn” ở Syria “để mọi người có cơ hội,” nhưng lại không đưa ra được câu trả lời ai sẽ thực thi những vùng này trên bộ và trên không.

Nhưng vào thời điểm ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng sau thì những vùng an toàn như vậy có thể chẳng còn thích hợp nữa nếu như cuộc di tản khỏi Aleppo và các cuộc đàm phán chính trị được tiến hành.

Hơn một năm tung chiến dịch không kích, hậu thuẫn chính quyền ông Assad, Nga có vẻ như đang tìm cách rút chân ra khỏi cuộc chiến. Các nhà phân tích cho rằng, Moscow nhìn thấy cơ hội chuyển giao để chấp dứt xung đột có lợi cho cả ông Assad cũng như mở rộng lợi ích của Nga trong khu vực. “Khi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đều đồng thuận về tiến trình mà không có mặt Hoa Kỳ tham gia thì rõ ràng có vấn đề đối với chúng ta,” ông Andrew J. Tabler, chuyên gia nghiên cứu Syria tại Viện Nghiên cứu Chính sách cận Đông của Washington, cho biết.

Các viên chức Nga chẳng giấu giếm sự khinh khi nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Tuần trước, Ngoại trưởng Sergey V. Lavrov cho biết, làm việc trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ về thoả thuận di tản hiệu quả hơn nhiều so với làm việc với Mỹ.

Vì các lực lượng Syria và đồng minh vào tháng này đã giành lại được các khu vực bị quân nổi dậy chiếm giữ ở Aleppo nên Nga đã đề xuất hoà đàm tại Kazakhstan để thay thế những các cuộc đàm phán được Mỹ tổ chức ở Geneva. Nga cũng làm việc trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ hiện thay đổi cách tiếp cận Syria sau hàng năm hậu thuận phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ ông Assad về thoả thuận di tản.

Do xung đột ở Syria bắt đầu từ năm 2011 phát triển dần thành cuộc nội chiến, ông Obama phản đối can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ, cho rằng điều này không cải thiện được tình hình và Syria không phải là lợi ích cốt lỗi của Hoa Kỳ. Sự lưỡng lự của ông Obama làm các đồng minh khác như Ả Rập Saudi giận dữ. Nhưng thực ra Mỹ can thiệp gián tiếp, hỗ trợ quân nổi loạn vũ khí, tài chánh và hoả tiễn chống tăng. Với sự nổi dậy của các chiến binh nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát lãnh thổ ở Syria và Iraq, Hoa Kỳ buộc phải thay đổi ưu tiên. Washington dẫn đầu liên minh không kích ISIS và hợp tác chặt chẽ với lực lượng người Kurds chống lại chiến binh trên bộ. Chính sách này làm Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ. Họ nhìn thấy Hoa Kỳ đang trang bị cho đảng Công nhân người Kurd hay còn gọi PKK mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ đều liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Theo thời gian, cuộc chiến đấu chống lại lực lượng quân sự người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh hơn ý muốn nhìn thấy ông Assad được thay thế.

Trong khi đó, không đưa ra được chính sách Syria toàn diện và rõ ràng nhưng ông Trump đề nghị sẽ bắt tay Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong đó có ISIS.

Sự hiện diện của Iran cũng quan trọng. Thoả thuận di tản ban đầu giữa Nga và Thổ và chỉ liên quan đến Aleppo. Tuy nhiên, lực lượng quân sự Shiite trung thành với Iran và chiến đấu bên cạnh ông Assad đã ngăn chặn những chuyến xe bus đầu tiên khởi hành, yêu cầu thoả thuận phải được tái đàm phán với sự tham gia của người dân từ hai làng Shiite ở tỉnh Idlib.

Dù gì đi nữa thì Hoa Kỳ vẫn liên quan đến Syria trong mối quan hệ với các phe nhóm nổi dậy và trong cuộc chiến chống ISIS. Liên minh của ông Assad có lẽ vẫn còn thiếu nhân sự cần thiết để giành lại phần lãnh thổ Syria còn lại, nhưng khi Mỹ dao động thì lực lượng khác sẽ lấp đầy vào vùng trống.

Hương Giang (Theo New York Times)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT