Thursday, March 28, 2024

Đức: Khi nào lá phiếu dân chủ mới thật sự được lên tiếng tại Việt Nam ?

* Lê Ngọc Châu

Cali Today news – Sau bốn năm, theo luật định thì Quốc hội Đức (Bundestag) được bầu cử lại. Đặc biệt lần này, tổng tuyển cử diễn ra vào ngày chủ nhật 24.09.2017. 61,5 triệu cử tri Đức được kêu gọi đi bầu lại Quốc hội và hãy sử dụng quyền công dân của mình chọn người / đảng đại diện. Và như chúng ta đã biết, trước bầu cử, trừ các nước còn theo chế độ xã hội chủ nghĩa như VN hay độc tài đảng trị, ở tại các quốc gia tự do đâu đâu cũng thế, ứng cử viên hàng đầu của những đảng tranh cử xuôi ngược trong toàn nước Đức để vận động cử tri bỏ phiếu cho đảng để nếu được đắc cử, đảng sẽ có mặt tại Quốc Hội, cơ quan hành pháp của Đức thì tiếng nói mới mạnh mẽ và có giá trị hơn, cho dù chỉ là đối lập. Riêng đối với liên minh lớn đang cầm quyền thì cuộc bầu cử mùa Thu 2017 không những được xem như là sự khảo nghiệm mức độ tin tưởng của dân Đức đối với chính phủ mà còn trắc nghiệm phản ứng của cử tri Đức dành cho bà Nữ thủ tướng Merkel (CDU) liên quan đến đường lối chính trị tị nạn “mở ngõ” của bà ta 2015.

Xin sơ lược thể thức bầu cử Đức. Quốc hội (QH) Đức được bầu lại sau nhiệm kỳ 4 năm. Chỉ lọt vào QH Đức với điều kiện đảng đó phải đạt tối thiểu là 5% số phiếu của cử tri theo luật pháp ấn định. Đảng mạnh nhất trên nguyên tắc ưu tiên tìm liên minh để thành lập tân chính phủ và thông thường đảng này cũng nắm chức Thủ tướng. Mỗi cử tri Đức có hai lá phiếu. Với lá phiếu thứ nhất, cử tri có thể bầu một ứng cử viên trực tiếp vào Quốc hội. Lá phiếu thứ hai bầu cho một đảng đã đề cử ứng viên vào danh sách quốc gia. Lá phiếu thứ hai do đó quyết định đến thành phần nghị viên của đảng trong Quốc hội, vì các ghế được phân phối tương xứng cho các đảng theo kết quả lá phiếu thứ hai trên toàn quốc của họ.

Trong thời gian trước bầu cử, các cơ quan truyền thông, báo chí đã xôn xao bàn tán phân tích chính sánh tị nạn của bà Merkel. Chủ biên và phóng viên của các tờ báo lớn nhỏ của Đức đã cho chạy những tít ngay trang đầu vào những ngày cuối trước khi bầu cử với những phỏng đoán thế này thế kia. Đây có thể nói là điểm khác biệt với CSVN liên quan đến những kỳ Đại hội đảng chúng ta nghe biết. Trong khi nói về bầu cử ở VN thì người ta chỉ bàn tán ai sẽ lên thay thế để lãnh đạo đảng, còn ở Đức nói riêng thì ngược lại, câu hỏi được đặt ra là đảng nào sẽ giành chiến thắng với số phiếu ủng hộ cao nhất để lên cầm quyền!. Cái khác của đa đảng là vậy. Và rồi việc gì đến phải đến. Bầu cử Quốc hội Đức kết thúc. Kết quả đi ngược lại sự tính toán của vài chuyên gia phân tích bầu cử cũng như của các ứng cử viên hàng đầu do các đảng đề nghị ra tranh cử, từ đảng CDU, SPD, Xanh, FDP, Tả khuynh cho đến cực hữu AfD … không thiếu đảng nào hết cũng đủ nói lên sự tự do tranh cử, bầu cử của nước Đức dân chủ.

Để quý độc giả tiện theo dõi, tôi ghi ra kết quả của cuộc tổng tuyển cử của Đức quốc ngày 24.09.2017 được công bố sáng ngày 25.09 (trong ngoặc đơn là của 2013 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 32,9% (41,5%); SPD: 20,5% (25,7% FDP: 10,7%; (4,8%) Xanh: 8,9% (8,4%), Linke: 9,2% (8,6%) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài năm: 12,6% (+7,9%). Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 246 ghế tại quốc hội (331), SPD : 153 ghế (192), Xanh: 67 (63) và Tả Khuynh: 69 ghế (64), FDP: 80 và AfD : 94. Quốc hội mới gồm có tất cả 709 Thượng nghị sĩ. Muốn cầm quyền thi liên minh tối thiểu phải có ít nhất 355 ghế .

Kết quả bầu cử ở trên cho thấy cử tri không đồng ý với đường lối chính trị của liên minh lớn trong nhiệm kỳ qua. CDU/CSU mất 8,6% phiếu là hậu quả chính sách tị nạn mở cửa của bà Merkel. SPD cùng nắm quyền nên chịu chung số phận, giảm hơn 5%, Merkel và Schulz thất vọng nhiều. FDP và đảng AfD có khuynh hướng hữu khuynh thắng lớn, AfD trở thành lực lượng mạnh thứ ba sau SPD & CDU. Điều người viết ghi nhận là ngay sau bầu cử các đảng phái Đức hầu như lúc nào cũng tìm cách nói tốt cho dù kết quả không phản ảnh điều này. Từ nữ thủ tướng Merkel (CDU) cho đến các vị chủ tịch đảng và các ứng cử viên hàng đầu đắc cử đều lên tiếng nói rằng kết quả bầu cử khả quan hay tránh né đề cập trực tiếp đến sự thất bại, sút giảm.

Đảng FDP sau thất cử năm 2013 được tham chính trở lại và AfD lần đầu lọt vào QH Đức. CDU/CSU và FDP vì không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối tại Quốc hội nên việc thành lập tân chính phủ gặp nhiều khó khăn. Chuyện thành lập liên minh gồm SPD + Xanh + die Linke sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ mới 2017-2021, dù đó là ước vọng của SPD. SPD tuyên bố chấm dứt liên minh với CDU/CSU ngay sau cuộc bầu cử và vì sợ mất sự ủng hộ trong lần bầu cử lại 4 năm tới nên SPD quyết định chấp nhận làm đối lập tại QH Đức. Ngoài ra SPD còn viện dẫn như sau: Quốc hội Đức cần đối lập mạnh và quan trọng hơn, SPD không thể để cho AfD lãnh đạo khối đối lập (ghi chú thêm: ở Đức nếu CDU+SPD liên minh thì đảng mạnh thứ ba là AfD dẫn đầu khối đối lập tại QH!).

Thử phân tách những khó khăn hay trở ngại nào ảnh hưởng đến việc liên minh với CDU ?

SPD đã từ chối tham gia chính phủ vì thế chỉ còn giải pháp duy nhất là liên minh tay ba giữa CDU/CSU+FDP+Xanh và một tân chính phủ giữa CDU/CSU, FDP và Xanh có thể thành hình. Tuy nhiên FDP và Xanh có nhiều dị biệt về đường lối chính trị, năng lượng, chính sách tị nạn và tin học nên khó mà có thể làm việc chung. Điều này FDP cũng như Xanh nhấn mạnh nhiều lần trước bầu cử. Chưa hết, chủ tịch đảng chị em CSU của CDU là Seehofer (thống đốc tiểu bang Bayern) cho biết là không muốn liên minh với Xanh vì có quá nhiều dị biệt sợ sẽ gặp trở ngại sau này.

Có nhiều chi tiết khác có thể ảnh hưởng đến việc thương thảo để thành lập liên minh chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của bà Merkel nhưng tôi chỉ tóm lược những điểm chính. Chúng ta có thể hiểu và đoán ra được rằng sự thành lập liên minh lên cầm quyền Đức lần này có lẽ không đơn giản. Ngay cả với đảng FDP và Xanh cũng thế. Nếu liên minh Jamaika (Đen+Vàng+Xanh) thành hình, bà Merkel sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ 4, kể từ 2005.

Ngược lại, NẾU trong trường hợp các đảng này vẫn khư khư giữ vững lập trường, đường lối chính trị của họ như đã tuyên bố với cử tri trước khi bầu cử, điển hình FDP và Xanh tuyên bố là họ khó ngồi lại với nhau vì quá nhiều dị biệt; riêng CSU, chủ tịch đảng Seehofer đã cho biết là chỉ liên minh với Xanh trong điều kiện không hủy bỏ động cơ nổ (sic). Xa hơn nữa, chủ tịch đảng FDP, Lindner nói là FDP sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm nhưng không phải bằng mọi giá (sic). Nhìn từ khía cạnh chính trị liệu 2 đảng Xanh, FDP có chịu liên minh với nhau hay không khi mà những dị biệt về chính sách thuế má, chính sách tị nạn và tin học chẳng nhỏ?.

CDU và CSU giải quyết xong dị biệt về chính sách tị nạn và đưa đến một giải pháp mà tôi gọi là “giữ thể diện cho nhau” khi Merkel và Seehofer đồng ý hôm 08.10.2017 là trong tương lai sẽ chỉ nhận tối đa 200 ngàn người tị nạn thay vì nói/viết mức tối đa cao nhất 200 ngàn (Obergrenze = upper limit), đồng thời cũng thoả hiệp với nhau về sự giới hạn đoàn tụ gia đình cho những người đang xin tị nạn hay được tạm dung ở Đức, mở đường cho sự thương thảo với FDP và Xanh. Ngay sau khi CDU/CSU công bố kết quả nêu trên thì các chính trị gia tên tuổi và giới lãnh đạo của Xanh lên tiếng phản đối, nói như vậy thì Xanh không thể liên minh !.

Nếu mọi chuyện xảy ra như thế, chẳng đảng nào chịu nhượng bộ đảng nào cả vì sợ mất uy tín với cử tri bởi lẽ “nói một đàng làm một nẽo” thì sau này sẽ bị cử tri bỏ phiếu bằng chân với lá phiếu dân chủ của họ và cuối cùng CDU/CSU không tìm được liên minh chính phủ và chính trị Đức sẽ đi về đâu(?) vì ông Schulz, chủ tịch đảng SPD vừa tuyên bố là trong trường hợp một tân chính phủ gồm CDU/CSU+FDP+Xanh bất thành SPD vẫn không hợp tác với CDU (sic). Sẽ có một chính phủ thiểu số giữa CDU/CSU + FDP (nếu xảy ra) hay là bầu cử lại?. Chúng ta chờ xem kết quả thương thảo, được bắt đầu từ giữa tuần sau dựa theo tuyên bố của bà Merkel, có lẽ vì muốn chần chò xem cuộc bầu cử nghị viện Niedersachsen vào ngày chủ nhất 15.10.2015 diễn biến như thế nào !.

Qua cuộc bầu cử Quốc hội (QH) 2017 tại Đức chúng ta có thể rút tỉa được kinh nghiệm nào cho người Việt chúng ta nói riêng?.

(Hình internet: Đảng phái Đức tranh cử)

Quan trọng hơn hết là nếu so sánh với các nước độc tài đảng trị, người dân ở các nước Tự do Dân chủ như Đức có quyền sử dụng lá phiếu theo ý muốn của mình, bỏ phiếu kín. Khi cử tri thấy một đảng phái hay ứng cử viên không đáp ứng được sự mong đợi của người dân thì họ không bỏ phiếu ủng hộ. Đảng nọ thất cử và không còn cơ hội tham chính, nhường chỗ cho đảng khác, điển hình qua sự thất bại nặng nề nhất cho đến nay của đảng SPD, chỉ chiếm có 20,5% phiếu ủng hộ. Đảng CDU của bà Merkel mất 8,6% phiếu, trong khi FDP đạt nhiều hơn gấp đôi sự ủng hộ so với lần bị loại ra khỏi chính quyền qua cuộc bầu cử QH năm 2013 và trở lại tham chính. Đặc biệt đảng AfD vượt trội hơn cả Xanh, Linke, FDP trở thành lực lực mạnh thứ 3 tại QH Đức. Xanh cũng vì chủ trương ủng hộ sự thu nhận người tị nạn nên từ hạng ba bây giờ là đảng yếu nhất trong 6 đảng tham chính. Điều này chứng tỏ chính sách chính trị tị nạn chống lại việc cho di dân ào ạt của Merkel nói riêng của đảng AfD đã được cử tri Đức ủng hộ. Một điểm khác, CSU không rõ ràng liên quan đến đường lối chính trị, lúc thì CSU chống Merkel mạnh mẽ, lúc “xuống nước” nên mất uy tín nhiều đối với cử tri và vì vậy lần này đã giảm đi hơn 11% số phiếu cử tri ủng hộ so với 4 năm trước. Hôm nay, báo chí Đức loan tin nhiều chi bộ CSU đã công khai lên tiếng phải thay đổi nhân sự, thay đổi thành phần lãnh đạo đảng CSU và đòi ông Seehofer nên ra đi nếu không CSU sẽ tiếp tục bị thất bại trong cuộc bầu cử lại nghị viện tiểu bang Bayern (Bavaria) vào năm 2018, nêu rõ nguyên nhân thất bại vì “quan điểm bất nhất” của ông ta mà tôi đề cập ngắn gọn trên đây làm cho cử tri đánh giá uy tín Seehofer thấp, không tin tưởng ông ta nữa . Rõ ràng, bên cạnh khả năng, niềm tin, UY TÍN đóng vai trò rất quan trọng đối với các tổ chức, hội đoàn và đảng phái nói chung, không phân biệt Đức, Việt ..v..v…. Đừng ngạc nhiên khi “thành phần ba phải” trước sau cũng sẽ bị đào thải và có lẽ cũng đừng nên coi thường sự nhận định của giới thầm lặng, trong chủ đề này chính là cử tri Đức với “lá phiếu dân chủ” trong tay của họ.

Chính vì thế các đảng phái và các nghị sĩ ở Đức nói riêng lúc nào cũng cố gắng phục vụ tốt cho dân như có thể sau khi lên cầm quyền, hầu mang lại kết quả khả quan thì mới hy vọng được dân chúng tái tín nhiệm trong lần bầu cử tới, mới có thể chen chân vào được Quốc hội Đức với chức vụ dân cử là Thượng Nghị Sĩ hoặc nghị sĩ trong nghị viện tiểu bang.

Nếu không, họ sẽ bị dân „bỏ phiếu bằng chân“ đá văng ra khỏi chính quyền bởi lẽ rất giản dị, Đức là quốc gia theo thể chế đa đảng nên dân chúng tha hồ „chọn mặt gởi vàng“ chứ chẳng phải kiểu độc đảng như Cu Ba, Bắc Hàn, Việt Nam hiện tại hay DDR trước đây – điển hình là cộng sản Việt Nam – vì làm gì có đảng hay ứng cử viên độc lập khác đâu để cho người dân có thể tùy ý chọn lựa mà bầu ?!. Nếu không tin “giá trị của lá phiếu” quyết định số phận của người đại diện khi cử tri có cơ hội được chọn đại biểu, chọn lựa đảng A, B, C thì mấy nước còn theo xã hội chủ nghĩa, nhất là VN giải tán đảng cộng sản đi, thử thực thi đa đảng, cho bầu và ứng cử tự do thì sẽ thấy kết quả ngay!. Chuyện đắc cử trên 80% hay gần 100% sẽ không bao giờ có được tại các quốc gia Âu Mỹ, trừ cộng sản và các nước độc tài đảng trị.

Lúc đó sự thật sẽ được phơi bày dưới ánh sáng mặt trời, mới biết rõ đâu là chân giá trị của lá phiếu dân chủ vậy!.

* Lê Ngọc Châu ( Nam Đức, chiều 12.10.2017 )
(Tài liệu tham khảo: theo dpa, afp, focus, spiegel, handelsblatt. zdf, ard và internet).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img