Friday, March 29, 2024

Điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga

Cali Today News – Ngày 10/10, Nga đã bắn hàng chục cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thủ đô Kiev của Ukraine và một số thành phố khác, nhiều thành phố nằm sâu trong nước và cách xa chiến trường. Theo các quan chức Ukraine, các cuộc không kích đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương , đồng thời ảnh hưởng đến các khu dân cư và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Putin đã ra lệnh tấn công mạnh để đáp trả một vụ nổ lớn hai ngày trước đó trên cây cầu nối Nga và Crimea, là bán đảo của Ukraine mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014. Đây là điều tất yếu phải xảy ra sớm muộn, vì xâm lược và chiếm đóng thì dễ nhưng không thể có được sự ổn định trên vùng đất chiếm của một nước khác, ngay cả với một quốc gia nhược tiểu, nhỏ và yếu, họ vẫn không bao giờ chấp nhận một nước lớn xâm lược và chiếm đất, bản năng tự tôn dân tộc khiến họ phải chiến đấu để giành lại đất đai của tổ tiên bằng mọi giá.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng vẫn bất phân thắng bại, những cuộc phản công mãnh liệt đầy quyết tâm của Ukraine chống lại Nga đã đưa Tổng thống Nga, Vladimir Putin đến một điểm tuyệt vọng mới.

Đã gần 8 tháng trôi qua, cuộc chiến vẫn không ai có thể đoán trước khi Nga và Ukraine đều đang tìm cách thúc đẩy lợi ích của riêng mình trước mùa đông khắc nghiệt phía trước.

Cuối tháng 9, Putin đã sáp nhập bốn khu vực mà Nga chiếm đóng của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Nhưng bất chấp tuyên bố đó, quân đội Ukraine đã thực sự phản công giành lại lãnh thổ một cách kiên cường và ngoạn mục, quân Nga đã phải rút lui khỏi thành phố Lyman, Kherson.

Putin đã phải huy động khoảng 300.000 quân dự bị người Nga, nhưng đồng thời cũng có một con số khá lớn những đàn ông, thanh niên Nga trong độ tuổi phải bỏ gia đình và người thân để chạy trốn khỏi đất nước và tránh chiến đấu trong cuộc xâm lược bất hợp pháp này.

Đó là một số diễn biến mới nhất của cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng nhìn về tương lai, đang có rất nhiều câu hỏi khó và thực sự khó trả lời, đó là:

–         Cuộc chiến sẽ đi về đâu và sẽ chấm dứt bằng cách nào, khi nào?

–         Mùa đông sắp tới, liệu cả hai bên sẽ tiếp tục đánh nhau bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn hay tạm dưỡng quân để mùa Xuân đánh tiếp?

Tóm lại, chúng ta cùng mổ xẻ vấn đề qua ba câu hỏi sau đây sẽ quyết định tương lai của cuộc chiến.

1) Sức chịu đựng của Mỹ và Châu Âu còn kéo dài được bao lâu?

Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, và người dân Ukraine chắc chắn là những người chịu nhiều mất mát và thiệt hại nặng nhất. Nhưng chi phí hỗ trợ vũ khí cho Ukraine từ Mỹ và các nước Châu Âu sẽ quyết định năng lực và sự tồn tại của chính phủ và quân đội Ukraine trong cuộc chi1ến chống quân Nga.

Ukraine đang cố gắng vận động các chính phủ phương Tây hỗ trợ họ các hệ thống phòng không tiên tiến để có thể bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine là một yếu tố quan trọng nhất của cuộc chiến. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, các nước Châu Âu và một số nước châu Á áp đặt lên Nga vô hình chung đã tạo nên hiệu ứng khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Mùa đông sắp tới sẽ thay đổi các điều kiện chiến đấu trên mặt đất và thời tiết lạnh giá sẽ nhắc nhở Liên Hiệp Châu Âu cần chủ động không để phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Nếu lạm phát tiếp tục và khủng hoảng năng lượng bùng phát, liệu Hoa Kỳ và một Châu Âu bị chia rẽ đôi khi trở nên mệt mỏi với chiến tranh và trở nên ít có xu hướng ủng hộ Ukraine hay không?

Mỹ đã gửi hơn 17 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Một câu hỏi là khối lượng viện trợ an ninh này có thể duy trì được trong bao lâu? Liệu có đủ hỏa tiễn và đạn dược tồn tại trong kho dự trữ của phương Tây để hỗ trợ Ukraine hay không? Một số chuyên gia quốc phòng cảnh báo rằng cuộc xung đột kéo dài đang tiêu hao kho vũ khí đạn dược của Mỹ và phương Tây, các cơ sở sản xuất vũ khí không nạp đủ nhanh để bù đắp vào số lấy ra để gửi cho Ukraine.

Kristine Berzina, một nhà nghiên cứu an ninh tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết việc phương Tây sẵn sàng tiếp tục gửi vũ khí có thể phụ thuộc vào động lực của Ukraine trên chiến trường. Nếu họ làm tốt, mạnh mẽ và đạt được chiến thắng, thì Mỹ và phương Tây sẽ rất sẵn sàng để hỗ trợ kẻ yếu khi đối đầu với kẻ xâm lược.

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Viện nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm Quincy cho thấy chỉ có 6% người Mỹ được hỏi xem cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một trong “ba vấn đề quan trọng hàng đầu mà Mỹ phải đối mặt hiện nay”. Nó xếp hạng cuối cùng sau lạm phát, nền kinh tế và nhiều vấn đề khác trong nước.

Còn tại Châu Âu, một cuộc khảo sát gần đây với 14 quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ từ Quỹ Marshall của Đức cho thấy ở Ý, Pháp và Canada, khí hậu lại được coi là thách thức an ninh chính, trong khi các quốc gia có vị trí địa lý gần Nga và Ukraine, ở rìa phía đông của Châu Âu, người dân ở đây xem cuộc chiến Nga-Ukraine là quan trọng nhất và ủng hộ chính phủ nên hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.

Mặc dù viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là nhiều nhất nhưng chỉ là vũ khí, đạn dược còn sự hỗ trợ của Châu Âu thì hỗn hợp nhiều mặt hơn khi họ giúp Ukraine từ hậu cần, cứu thương, xây dựng bệnh viện, người tị nạn, chăm sóc thương binh, thuốc men và trợ giúp y tế.

Cho đến nay, các nước Châu Âu, thậm chí cả Hungary là một nhà nước chuyên quyền thân Nga, phần lớn đều đồng lòng ủng hộ Ukraine. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu ủng hộ Ukraine một cách kiên quyết, những thách thức chính trị có thể xuất hiện khi chiến tranh làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế trong nước của họ. Việc ra đi của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson vào mùa hè này đã bị thúc đẩy bởi nền kinh tế và lạm phát, và nhiều vấn đề khác trong đó có cả ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất đa số trong quốc hội vào tháng Sáu. Chính phủ của Thủ tướng Ý Mario Draghi bị chia rẽ vì Ukraine ; đó không phải là lý do duy nhất cho sự sụp đổ của liên minh của ông, và bây giờ là nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni lên lãnh đạo đất nước.

Chiến tranh không phải là nguyên nhân ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào, nhưng những thay đổi chính trị ở Châu Âu là một lời nhắc nhở rằng ảnh hưởng bởi chiến tranh có mối liên hệ sâu sắc với các cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng đang xuất hiện tại nhiều quốc gia Châu Âu.

Nếu sự ủng hộ ở Châu Âu giảm đi vì họ phải lo đối phó với những cuộc khủng hoảng trong nước, thì liệu Mỹ có bị ảnh hưởng hay không?

2) Putin sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nào?

Việc Putin ra lệnh đưa hỏa tiễn tầm xa vào Ukraine ngày 10/10 là một lời nhắc nhở rằng ngay cả khi Ukraine chiếm lại lãnh thổ từng khu vực một, Nga sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giành lấy. Đó là việc Putin tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng bất hợp pháp ở Ukraine và huy động thêm 300.000 quân.

Việc huy động lực lượng dự bị này khó có hiệu quả vì dường như Nga không có nhân viên được đào tạo chuyên sâu hoặc vũ khí tối tân để nhanh chóng thay đổi vị trí của họ trong cuộc chiến. Những người lính dự bị không được đào tạo chuyên môn thành thục, không có kinh nghiệm trực chiến mà mùa Đông thì đang đến, cái lạnh càng nhiều sẽ cản trở những đoàn quân Nga ô hợp có nhiều người từ 40 đến 50 tuổi, cầm súng AK nhưng tinh thần thì chỉ nghĩ về gia đình, vợ con, nhà cửa còn lại.

Những tình huống dỡ khóc dỡ cười với đoàn quân ô hợp 300.000 người này, Putin và các tướng lĩnh Nga biết những yếu điểm của họ, và yếu điểm lớn nhất của những người lính bị sung công này chỉ là biết sử dụng cây súng báng gấp AK-47 và không hề biết sử dụng bất cứ thứ vũ khí gì khác.

Putin ngày càng tuyệt vọng nhiều hơn. Tham vọng của Putin về một nước Nga vĩ đại đã hoàn toàn sụp đổ vì gần 8 tháng vẫn không đánh thắng nổi Ukraine, một quốc gia nhỏ và yếu hơn Nga hàng trăm lần.

Việc đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cũng vi phạm các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế.

Putin đang bấn loạn tâm thần khi nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đã sử dụng vũ khí hạt nhân, hai lần tại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai khi ông ta phản bác lại TT Biden tại Liên Hợp Quốc nhưng chỉ sau đó vài phút, Putin lại ca ngợi Tổng thống Harry Truman, vị tổng thống đã cho phép các cuộc tấn công hạt nhân đó.

Nếu mọi thứ tiếp tục tồi tệ với Putin, liệu ông ta có mở rộng chiến tranh sang các mặt trận và các quốc gia khác hay không. Điều lo âu này là không hề thừa thải khi có thể có khả năng là Nga đã hành động tự phá hoại vào đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng khác của các quốc gia Châu Âu với lý do là để trả đũa đường ống của Nga bị phá hoại.

Và trong nước Nga, Putin đã sẵn sàng để đàn áp những người Nga phản đối cuộc chiến. Ông ta đã đóng cửa các tờ báo đối lập, quản chế các nhà hoạt động dân sự làm hạn chế nhiều đến khả năng phe đối lập trong nước của Nga đứng lên chống lại Putin.

3) Định nghĩa của một chiến thắng ở Ukraine là gì? Ai thắng?

Ukraine là một quốc gia mà ngày từ trước khi cuộc chiến diễn ra, nhiều nhà phân tích dự đoán Ukraine sẽ thất thủ trong tuần đầu tiên của cuộc xâm lược vào tháng Hai năm nay nhưng Ukraine đã đứng vững sau hơn 200 ngày đầu tiên của cuộc chiến và người Ukraine nói rằng họ tự tin có thể tiếp tục cuộc chiến miễn là họ có được sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây, họ sẵn sàng hy sinh và chiến đấu trường kỳ.

Oksana Nesterenko, một học giả pháp lý Ukraine tại Đại học Princeton đã nói rằng: “Chúng tôi không cho rằng chúng tôi là những anh hùng dũng cảm, nhưng vì tương lai của đất nước Ukraine, vì tương lai của nền dân chủ Ukraine, chúng tôi không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác và chúng bắt buộc phải chiến đấu để tiếp tục tồn tại.”

Nhưng có rất nhiều sự nhầm lẫn về cách mà bất kỳ ai muốn định nghĩa hai chữ chiến thắng.

Trong khi Ukraine muốn phản công và quyết tâm chiếm lại những lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014, thì Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu dường như có những quan điểm khác nhau. Người Đức và người Pháp muốn Ukraine chấp nhận một giải pháp thương lượng có thể bao gồm một số nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine như một cách để giảm leo thang và giúp đối phó với những gì họ coi là tình hình kinh tế xã hội của Liên Hiệp Châu âu ngày càng khó khăn. Còn Hoa Kỳ thì muốn Ukraine tiếp tục chiến đấu trước là giành lại lãnh thổ đã mất, sau là làm tiêu hao sức mạnh của Nga.

Lời kết:

Nga không thể áp đặt chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng Nga sẽ cố gắng áp đặt thất bại lên phía Ukraine. Và có lẽ đó là cách duy nhất mà Putin có thể nói lên hai chữ chiến thắng với người dân Nga, ngay cả khi hầu hết người Nga, đều hiểu rằng, nước Nga không chiến thắng gì cả, nước Nga đã thất bại trên chiến trường Ukraine. Người Ukraine cũng không giành được chiến thắng ngay trên chính đất nước của họ.

Cuộc chiến có thể còn lâu mới kết thúc.

Vậy ai có quyền nói ra hai chữ chiến thắng?

Không ai cả, Ukraine và cả Nga đều không chiến thắng, chỉ là Ukraine đã không thất bại trước một nước Nga lớn và hung hăng và Nga thì không thể chiến thắng nhanh và toàn diện trước một quốc gia nhỏ và yếu hơn họ.

Việt Linh 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img