Thursday, March 28, 2024

Bắc Hàn đe doạ tấn công bằng e-bomb, đe doạ hàng triệu người Mỹ

 

(Fox News) – Bắc Hàn có thể có khả năng sát hại hàng triệu người Mỹ mà không cần phải bắn hoả tiễn trực tiếp đến lục địa Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, chính phủ cộng sản cô lập cảnh báo có thể tấn công Mỹ bằng bom xung điện từ (EMP – e-bomb), một đe doạ được các chuyên viên cho rằng rất có thực và gây nên hậu quả thảm khốc.

“Mối nguy hiểm lớn nhất là mạng lưới điện bị chập, đặc biệt ở bờ Đông. Hãy tưởng tượng tình huống khi nước Mỹ không có điện trên diện rộng, tưởng tượng New York hay Washington D.C không có điện trong một tuần. Khó có thể hình dung!” Harry Kazianis – Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia – chia sẻ với Fox News, “Con số thương vong sẽ chưa từng thấy.”

Theo ông Kazianis, bom xung điện từ được vũ khí hạt nhân phóng ra không chỉ “nướng” mạng lưới điện mà còn mang theo sức mạnh tàn phá của một thiết bị nguyên tử. “Hàng ngàn, có thể là hàng triệu người, sẽ bị thiệt mạng tuỳ thuộc vào kích cỡ trái bom khi rơi xuống. Bên cạnh đó, vũ khí nguyên tử mang theo quả bom từ trường khi nổ sẽ giải phóng một lượng năng lượng điện từ khổng lồ, có thể lan rộng hàng ngàn dặm qua bầu khí quyển và đại dương,” ông Kazianis nói thêm. “Chúng ta có thể bổ sung thêm số nhân mạng bị ung thư sẽ tăng nhiều năm sau đó.”

Photo Courtesy: AP

Vậy làm cách nào Bắc Hàn có thể tấn công bằng bom xung điện từ? Một quả bom khinh khí hay còn gọi là bom H (hydrogen bomb) phát nổ ở trên cao có thể tạo nên xung điện từ lớn, từ đó tạo ra một từ trường mạnh sẽ phá huỷ hạ tầng quan trọng trong mạng lưới điện.

Theo các nhà phân tích, bom xung điện từ phát nổ càng cao thì phạm vi tàn phá càng rộng. Độ cao dưới 250 dặm – chung quanh quỹ đạo của Trạm Không gian Quốc tế – sẽ tàn phá thiết bị điện tử trên phần lớn đại lục, gồm cả một số nơi ở Canada và Mexico. Bắc Hàn từng chứng tỏ khả năng có thể đạt độ cao như vậy trong các cuộc phóng thử vào năm 2012 và 2016.

Tác hại của EMP cũng tương tự giống như bị sét đánh. Tất cả các thiết bị điện và điện tử như: đường dây internet, máy điện toá, máy truyền hình, tủ lạnh, xe hơi, điện thoại, xe hơi chạy điện và rất nhiều thiết bị cần thiết cho cuộc sống khác sử dụng điện đều sẽ trở nên vô dụng nếu gặp phải sự phá hoại của bom EMP, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí có trụ sở tại Washington – ông John Gilbert giải thích. Một vụ tấn công như vậy sẽ ngắt điện tại các cơ sở y tế, làm tê liệt các cơ quan tiện ích và các cơ quan chính phủ.

“Bắc Hàn vẫn thường xuyên vượt xa sự đánh giá của chúng ta về thực lực của họ, vì vậy, tốt hơn hết là cứ tạm tin lời họ,” Trung tá hồi hưu Wallace Gregson – cựu Phụ tá Bộ trưởong Quốc phòng, hiện là Gíam đốc cao cấp về Trung Quốc và Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia – bày tỏ ý kiến. “Mục đích của một cuộc tấn công như vậy là cắt mạng lưới điện của chúng ta, tất các các hệ thống phân phối, nước, nước thải, tài chánh, điều khiển giao thông, không lưu, truyền thanh, máy điện toán và các hệ thống khác mà chúng ta phụ thuộc,” ông Gregson đưa ra ý kiến.

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát giác ra hậu quả tàn phá của một quả bom H trong một cuộc thử nghiệm vào năm 1962, đèn bị cháy ở Honolulu nơi cách địa điểm thử nghiệm 1000 dặm.

Các chuyên viên từ lâu đã cảnh báo một cuộc tấn công EMP hoàn toàn có thể xảy ra từ Bắc Hàn hoặc Iran. Vào năm 2008, Uỷ ban EMP được Quốc hội bổ nhiệm từng đưa ra cảnh báo Hoa Kỳ có thể chìm trong bóng tối cả năm trời nếu bị tấn công EMP. Uỷ ban cho rằng, thậm chí thiết bị cảm biến, hay màn hình có chức năng tái khởi động nguồn điện sau khi điện bị cắt cũng sẽ bị xoá sạch.

Rõ ràng rất ít biện pháp được thực hiện để giải quyết khủng hoảng tiềm năng.

Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm Chính phủ (GAO) vào năm ngoái tường trình, chính phủ liên bang đã thất bại trong việc thực thi một loạt các đề nghị 8 năm trước nhằm ngăn chặn mất điện trên diện rộng do EMP gây ra. Bộ Nội An và Bộ Năng lượng không phối hợp trong việc xác định và thực hiện các hoạt động quản trị rủi ro quan trọng nhằm giải quyết rủi ro EMP, và an toàn mạng lưới điện không được ưu tiên hàng đầu.

Ông Richard Schoeberl – nhà phân tích khủng bố và là cựu lãnh đạo Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (NCTC) – khẳng định rằng, trong khi tuyên bố có thể tấn công Hoa Kỳ bằng bom xung điện từ của Bình Nhưỡng có thể phóng đại quá mức thì đây là đe doạ cần được xem xét thấu đáo. “Hoa Kỳ cần phải bảo vệ cơ sở hạ tầng tốt hơn,” ông Schoeberl cho Fox News hay. “Mối đe doạ EMP hoàn toàn có thể xảy ra.”

Theo ông Kazianis, hầu hết mạng lưới điện của Mỹ ở bờ Đông có thiết bị cũ kỹ và có thể dễ bị tấn công, vì vậy cần phải nhanh chóng nâng cấp để bảo đảm không bị Bắc Hàn tấn công bất ngờ.

Bộ Năng lượng hiện chưa đưa ra lời bình luận về vấn đề này.

Hương Giang (Theo Fox News)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img