Friday, March 29, 2024

Trung Quốc phản đối đề nghị của Mỹ, hống hách với Việt Nam

Cali Today News – Như chúng ta đều biết, vào cuối tuần này, Diễn Đàn Khu Vực Đông Nam Á của các ngoại trưởng vùng Đông Nam Á và các ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc, Nam Bắc Hàn, Nhật, Âu Châu,… đã họp tại thủ đô Naypyidaw của Miến Điện, nhằm giải quyết một số vấn đề khu vực, mà vấn đề tranh chấp và căng thẳng tại biển đông là điểm nổi bật và trọng tâm nhất.
 
Diễn văn của ngoại trưởng Mỹ
 
Sau những lời chào hỏi ngoại giao, sau lời chia buồn với Malaysia về vụ máy bay MH 17 bị bắn hạ tại Ukraine, và sau lời cám ơn đối với nước chủ nhà, ngoại trưởng Mỹ – ông John Kerry, đã đi vào thẳng vấn đề với nội dung chính như sau: “…Chúng ta đang cùng hợp tác với các nước Đông Nam Á để duy trì hòa bình và ổn định trên vùng biển mà vùng năng động kinh tế này đang cần đến. Hoa Kỳ và các quốc gia đông nam á có trách nhiệm chung để bảo vệ sự an ninh hàng hải của các tuyến đường và hải cảng quốc tế quan trọng.
 
Chúng ta cần hợp tác với nhau để giải quyết những căng thẳng trong vùng biển đông nam á và giải quyết những căng thẳng này một cách hòa bình, và cũng giải quyết những căng thẳng này trên cơ sở công pháp quốc tế. Đừng coi nhẹ rằng những gì xảy ra ở khu vực này là có vấn đề với các nước trong vùng và Mỹ không thôi, mà còn gây quan tâm cho bất cứ ai trên thế muốn thấy một đông nam á tiếp tục phát triển dựa vào luật lệ trên nền tảng công pháp quốc tế. Đó là lý do mà chúng tôi khuyến khích các nước trong vòng tranh chấp nên xem xét việc đồng ý một cách tự nguyện không làm những gì mà theo ngôn ngữ của Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002 là ‘sẽ làm phức tạp và gia tăng những tranh chấp’ trong vùng…”
 
Trong bài diễn văn ngắn, ngoại trưởng John Kerry của Mỹ đã nói rõ ràng quan điểm của Hoa Kỳ về tầm quan trọng của sự ổn định để phát triển, và kêu gọi sự tự chế trong vùng.
 
 
Trung Cộng mạnh mẽ chống lại đề nghị này của Hoa Kỳ
 
Điều mà mọi người chờ đợi là sự phản ứng từ phía ngoại trưởng Trung Cộng, ông Vương Nghị.
 
Phía Trung Quốc bày tỏ sự khó chịu khi cho rằng Mỹ lợi dụng cuộc họp của các ngoại trưởng vùng đông nam á để gia tăng sự can dự của Mỹ vào sự căng thẳng trong vùng biển này, rồi kêu gọi đình chỉ các hành động của Trung Quốc như rút giàn khoan, ngưng xây cất tại các đảo,… Vương Nghị nói rằng chuyện giải quyết tranh chấp là song phương giữa các quốc gia trực tiếp tranh chấp mà thôi.
 
Vấn đề ở đây là hai bên đang tạo ra cái nền tảng pháp lý và hợp lý để từ đó bước đi xa hơn: Mỹ nêu lý do hợp lý để can dự vào vấn đề giải quyết tranh chấpbiển đông và Trung Quốc tìm cách hất Mỹ ra ngoài cuộc tranh chấp này vì cho rằng Mỹ không trực tiếp dính vào cuộc tranh chấp này. Hơn thế nữa, Trung Quốc bác bỏ lời kêu gọi đình chỉ các hoạt động xây dựng tại các đảo trên biển đông. Và Trung Quốc cũng tố cáo Mỹ đã xúi Phi Luật Tân và Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc nhằm chuyển trục quân sự Mỹ về Á châu.
 
Vấn đề khác mà Trung Quốc đưa ra là tình hình hiện nay “ổn định” (?).
 
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các ký giả là “Hiện nay tình hình ở biển đông là ổn định trên bình diện tổng thể. Không có bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc đi lại, hải hành ở biển đông.” Ông ta nói tiếp: “Một ai đó đã phóng đại hoặc dựng ra cái gọi là sự căng thẳng ở biển đông. Chúng tôi không bằng lòng với cách làm như thế. Chúng tôi đã tìm ra phương pháp nhằm giải quyết vấn đề giữa Trung Quốc và các nước đông nam á. Biển đông hiện đã ổn định. Gần đây không có vấn đề khác xảy ra.”
 
Điều này thì ông ngoại trưởng Vương Nghị có thể bịp với cộng đồng quốc tế chứ không thể bịp với người dân và ngư dân Việt Nam. Ai đưa giàn khoan vào đóng ở Thềm Lục Địa Việt Nam? Ai dùng tàu Hải Giám và Kiểm Ngư và cả tàu chiến đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khiến nhiều ngư dân bị thương và chết? Ai bắt nhốt ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển của mình, rồi đòi tiền chuộc và cướp cả tàu bè và ngư cụ?… 
 
Chẳng lẽ những tình hình trên là ‘ổn định” hay “không có vấn đề đi lại hay hải hành” trên biển đông, như ngoại trưởng Trung Cộng phát biểu với ký giả.
 
Ngoài ra, ông ta nói ông ta đã tìm ra cách giải quyết vấn đề giữa Trung Quốc và các nước trong đó có Việt Nam, thế nhưng thái độ hống hách và trịch thượng của ngoại trưởng TQ Vương Nghị trong phiên họp với ngoại trưởng Phạm Bình Minh mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây khiến báo Miến Điện cũng thừa nhận rằng chỉ gây ra căng thẳng mà thôi.
 
Yêu cầu Trung Quốc thực thi Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002?
 
Một số phân tích rằng các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác với Trung Quốc để giảm căng thẳng trên biển đông bằng cách cải thiện sự tuân thủ vào các điều khoản nội dung của Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002. Cần phải hợp tác để đưa vào sự trói buộc pháp lý của Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002 với các hành động trên biển. Các quốc gia liên quan đến tranh chấp này là Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền một phần hay nhiều phần của biển đông.
 
Theo phân tích của một nhà ngoại giao hàng đầu của Á Châu thì “tuỳ thuộc vào các quốc gia đông nam á có thúc đẩy Trung Quốc đạt được sự thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả quyết tâm theo đuổi Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002, hơn là đòi hỏi nên ủng hộ hay không ủng hộ các đề nghị của Mỹ.”
 
Có lẽ đây là một nhận xét thiếu thực tế và đầy mơ mộng bởi vì ngay tại diễn đàn này ở Miến Điện, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hầu hết biển đông, theo đường lưỡi bò 9 đoạn (mà hiện nay là 10 đoạn) từ tấm bản đồ năm 1947. Trung Quốc không thừa nhận có tranh chấp, thì chuyện tuân thủ Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002 là một điều không cần thiết với họ.
 
Con đường này chỉ có thể thực hiện khi Trung Quốc công nhận có tranh chấp chủ quyền trên biển đông. Vì vậy, xác định hiện tình có tranh chấp chủ quyền trên biển đông trước và sau đó mới có chuyện thương lượng với TQ về việc thực hiện Bản Tuyên Bố Ứng Xử 2002.
 
Vương Nghị “đe dọa” Phạm Bình Minh trong cuộc họp giữa Trung Quốc và Việt Nam
 
Tại Diễn Đàn khu vực nói trên, có nhiều cuộc họp đa phương, tam phương, song phương giữa ngoại trưởng nhiều nước, trong đó có cuộc họp giữa ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam với ngoại trưởng Vương Nghị.
 
Theo bản tin “Chinese FM meets Vietnamese Deputy PM in Myanmar” của hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc thì ngoại trưởng Vương Nghị của TQ có gặp Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam bên lề Diễn Đàn Khu Vực tại thủ đô Nay Pyi Taw vào ngày thứ sáu.
 
Sau khi cám ơn ông Phạm Bình Minh về những lời chia buồn về trận động đất ở TQ vừa qua, ngoại trưởng Vương Nghị lên mặt dạy dỗ ngoại trưởng Phạm Bình Minh về quan hệ giữa hai nước, những điều Việt Nam cần làm ngay lập tức để đưa quan hệ giữa hai nước trở lại đúng đường,… Cách nói của Vương Nghị mang tính chất kẻ cả đối với Việt Nam và ngoại trưởng Phạm Bình Minh.
 
Nói về lập trường của Trug Quốc về các vấn đề lãnh hải, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết “phía Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, những quyền lợi trên biển”…
 
Ngoại trưởng Vương Nghị khuyến khích phía Việt Nam giải quyết một cách phù hợp hậu quả của cuộc bạo loạn như đánh đập công nhân TQ, hôi của và đốt phá các nhà máy của TQ nhằm tạo điều kiện cải tiến quan hệ đôi bên…
 
Trước những lời đe dọa và xất xược của Vương Nghị, đáng tiếc ngoại trưởng Phạm Bình Minh chỉ đối lại một cách quá mềm yếu khi chỉ nói chung chung về lập trường của phía Việt Nam.
 
Theo nhận xét của báo Eleven của Miến Điện thì cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Trung Quốc và Việt Nam làm gia tăng thêm sự căng thẳng giữa hai nước. Thái độ hống hách và trịch thượng của TQ đối với Việt Nam ngày càng rõ ràng, dù trong lãnh vực ngoại giao.
 
Một đông nam á chia rẽ, bất quyết, sẽ chẳng đi đến đâu…
 
Chính sách của Trung Quốc là giảm thiểu sự ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á và chia rẽ các quốc gia trong vùng đông nam á.
 
Rõ ràng, Trung Quốc thực hiện đường lối này khá giỏi. Họ ảnh hưởng rõ ràng Cam Bốt và Lào, và khi cần, hai nước này sẽ nói theo quan điểm của TQ. Hai nước này nghiêng hẵn về TQ và tách trục dần khỏi Việt Nam. Việt Nam đang mất dần sự ảnh hưởng của hai láng giềng đàn em từ phía Tây, về tay TQ.
 
Ngoài ra, TQ đang gây sức ép mạnh mẽ lên Thái Lan và Miến Điện. Hai quốc gia này cũng không dám hay không muốn làm mất lòng TQ.
 
Với một tình trạng chia rẽ như thế của 10 quốc gia Đông Nam Á, vấn đề tranh chấp biển đông sẽ không có tiếng nói chung, đồng nhất, và như thế là một sự thụt lùi đối với những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm trói buộc TQ, và hơn nữa cho thấy tương lai khó khăn của Việt Nam trong cuộc đối đầu với TQ tại biển đông.
 
Vài lời nhận xét ban đầu
 
Thái độ hòa hoãn với TQ của Việt Nam hay thái độ giải quyết bằng “cửa hậu” các tranh chấp chủ quyền giữa TQ và Việt Nam, và thái độ “theo Trung” thay vì “thoát Trung” cho đến giờ vẫn là một thái độ, một đường lối sai lầm, cần sớm đảo ngược.
 
Dẫu còn một ngày chủ nhật thì Diễn Đàn Khu Vực mới kết thúc, thế nhưng, với diễn biến của ngày thứ sáu và ngày thứ bảy, chúng ta không có hy vọng về một bản tuyên bố chung được đưa ra theo quan điểm và đề nghị của phía Hoa kỳ.
 
Nguyễn Xuân Nam
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img