(AP) — Người phụ nữ lái chiếc xe bán tải dán trên mặt kiếng sau dòng chữ chửi Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông bị bắt giữ vào hôm thứ 5 do liên can đến một trát bắt giữ trước đây.
Theo hồ sơ từ văn phòng Cảnh sát quận Fort Bend, tiểu bang Texas, cô Karen Fonseca 46 tuổi bị bắt giữ vào khoảng 2h chiều thứ 5 ngày 16 tháng 11 sau khi nhà chức trách thực thi trát bắt giữ tội gian lận được cảnh sát Rosenberg ban hành hồi tháng 8. Fonseca bị giam giữ qua đêm thứ 5 với số tiền bảo lãnh tại ngoại hầu tra $1.500 Mỹ kim.
Đối với Fonseca, thời điểm bắt giữ liên can đến cáo buộc gian lận rõ ràng có vấn đề. Người phụ nữ ngỡ ngàng, cô không hay biết gì về trát bắt giữ chưa thi hành. Theo cô, chẳng qua bắt giữ chỉ để trả thù thông điệp chính trị.
Cảnh sát trưởng quận Fort Bend phía Tây Nam thành phố Houston, ông Troy Nehls vào hôm thứ tư đăng hình chiếc xe bán tải có dán dòng chữ “ĐM Trump, ĐM những người đã bỏ phiếu cho ông ta” trên Facebook, kèm theo lời nhắn muốn nói chuyện với tài xế, chủ nhân dòng chữ và chiếc xe trên. Ông Nehls doạ sẽ cáo buộc Fonseca tội gây rối.
Ông Nehls cho biết, theo lời một công tố viên quận, dòng chữ trên có thể dẫn đến cáo buộc tiểu hình về hành vi gây rối. Tuy nhiên, tại buổi họp báo vào cuối ngày thứ tư, Cảnh sát trưởng dường như rút ý kiến này. Ông bày tỏ ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng quan ngại những thông điệp thô tục như vậy có thể kích động người khác, dẫn đến đụng độ, gây xáo trộn sự bình an mà ông cam kết duy trì cho cộng đồng. Trong khi đó, Biện lý John Healey lại không nghĩ đây sẽ là trường hợp bị truy tố.

Ý kiến trên Facbook của ông Nehls nhận được hàng ngàn lời bình luận và chia sẻ, phản đối có, và bênh vực có. Sang ngày thứ 5 thì ông Nehls xoá ý kiến này. Phát ngôn nhân văn phòng cảnh sát quận cho hay, ý kiến được gỡ xuống sau khi họ xác nhận được danh tánh tài xế chiếc xe bán tải. “Vì những tin nhắn thù ghét gởi đến cho ông ấy và gia đình, Cảnh sát trưởng sẽ không đưa ra ý kiến về vấn đề này nữa,” Phát ngôn nhân Caitilin Espinosa cho biết trong email.
Nhưng người phụ nữ khăng khăng sẽ không bỏ thông điệp trên. Cô cho biết, lâu nay vẫn bị cảnh sát chận lại nhiều lần nhưng họ không có căn cứ xé giấy phạt. “Những chữ đó không gây ra thù ghét hay thù hận,” Fonseca chia sẻ với tờ Houoston Chronicle, “chỉ là tự do ngôn luận và chúng tôi đang thực hiện quyền của mình.” Fonseca cho hay, thông điệp trên được dán trên cửa kiếng sau chiếc xe tải gần một năm nay, và hiện tại vẫn còn nằm yên ở đó.
Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) ở Texas trên Facebook cho rằng, ý kiến của cô Fonseca được quyền tự do ngôn luận bảo vệ. Họ thúc giục người phụ nữ nên liên lạc với tổ chức. ACLU lưu ý một trường hợp vào năm 1971, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã lật ngược truy tố một người đàn ông tội gây rối vì đã mặc chiếc áo khoác có in dòng chữ phản đối động viên quân dịch và chiến tranh Việt Nam.
Tháng trước, một phụ nữ ở tiểu bang Virginia đưa ngón tay giữa chỉ vào đoàn xe của ông Trump đã bị sa thải khỏi một công ty nhà thầu chính phủ vì lý do vi phạm “chính sách về quy tắc ứng xử.” Tuy nhiên, trường hợp ở Texas khác với một thực thể chính phủ.
Giáo sư luật chuyên về Tu chính án Thứ nhất tại trường đại học Texas A&M – ông Lynne Rambo cho hay, trong trường hợp năm 1971, Tối cao Pháp viện đã đưa ra hai quan điểm rõ ràng: nỗ lực của tiểu bang nhằm kiểm soát những lời xúc phạm tục tĩu hay tranh luận văn minh không phải là lý do đủ để chứng minh cho việc hạn chế ngôn luận, và, ngôn ngữ xúc phạm một người cụ thể khác với nội dung thô tục được phổ biến rộng rãi.
Liên quan cáo buộc gian lận, hồ sơ toà cho thấy người phụ nữ này bị tố giác đã sử dụng thông tin danh tánh cá nhân của một người khác mà không được sự cho phép của người đó. Sự việc xảy ra vào tháng 3 và tháng tư năm 2014, và cáo buộc được đệ lên toà vào tháng 7 năm nay.
Hương Giang (AP)