Thursday, March 28, 2024

Chó cưng liếm vào vết thương, người phụ nữ bị mất cả chân tay

Vài ngày sau khi trở về nhà từ kỳ nghỉ ở Cana Cana, Marie Trainer  bị chứng đau lưng, buồn nôn, sốt cao không ngừng khiến cô phải nhập viện khẩn cấp vào đầu giờ ngày 11 tháng Năm.

Tỉnh dậy sau 9 ngày nằm viện, Trainer bị cắt cụt tứ chi. Các bác sĩ phải mất vài ngày mới xác định việc Trainer bị nhiễm trùng nặng không phải do “bệnh nhiệt đới” mắc phải khi đi du lịch, mà là do để chó cưng liếm vào vết thương hở.

Bác sĩ Margaret Kobe, giám đốc y tế của bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Aultman ở Canton, Ohio, đã điều trị cho Trainer và mô tả cô bị “mê sảng” khi cô vào phòng cấp cứu. Ngay sau đó, cô bất tỉnh. Làn da của cô bắt đầu thay đổi nhanh chóng sang màu đỏ tía, và vi khuẩn lây nhiễm đến đầu các ngón chân, ngón tay, lan ra cả khuôn mặt.

Kết quả thử máu xác nhận Trainer nhiễm vi khuẩn capnocytophaga. Gia đình hi vọng chân tay của Trainer được giữ lại, nhưng các bác sĩ nói đã quá muộn.

“Đây có lẽ là một trong những ca nhiễm khuẩn tồi tệ nhất mà tôi từng biết. Cô ấy suýt chút nữa đã bỏ mạng”, Kobe nói.

Marie Trainer để chó chăn cừu Đức liếm vào vết thương hở trên cơ thể mà không nghĩ đến chuyện bị nhiễm khuẩn.

Marie Trainer đã có tám cuộc phẫu thuật cho đến nay và đang làm việc với các bác sĩ để được phục hồi.

Theo thống kê của các nhà động vật học, 25% chó mèo khỏe mạnh đều chứa Capnocytophaga canimorsus, chúng là một loại vi khuẩn thường thấy trong hệ sinh thái nội thể của chó mèo. Ngược lại, con người thì không.

Đối với chúng ta, khuẩn Capnocytophaga là một giống loài ngoại lai, khi chúng xâm nhập vào máu sẽ dẫn đến một cuộc chiến dữ dội giữa các tế bào bạch huyết – đội quân bảo vệ cơ thể của con người, và Capnocytophaga. Kết quả của trận chiến này là cả hai bên cùng hủy diệt lẫn nhau gây ra giảm lưu thông máu, phá hủy tế bào hồng cầu và các cơ quan nội tạng dẫn đến sự hoại tử và cái chết chắc chắn cho chủ thể người.

Theo CNN, ước tính có 74% giống chó được đem đi xét nghiệm ở Mỹ có vi khuẩn capnocytophaga. Phần lớn các trường hợp nhiễm capnocytophaga không gây hậu quả nghiêm trọng như Trainer. Tỷ lệ bị nhiễm trùng nặng và phải cắt cụt tay chân khi bị chó liếm là rất thấp, chỉ khoảng 1/1 triệu người.

Sai lầm cố hữu về hành vi liếm

Một số quan niệm cho rằng vết thương sẽ mau lành hơn nếu được liếm bởi một con chó. Vào thời cổ đại ở Hy Lạp, người ta tin rằng “vị thần của sự chữa lành” là Asclepius được một con chó liếm vào vết thương. Cũng có nhiều giai thoại kể về việc quân đội của Caesar đại đế nuôi chó để chữa thương cho binh sĩ. Tất nhiên, đó không phải là ý kiến hay.

Có vẻ vì những câu chuyện cổ xưa nói trên mà người Âu Mỹ xem nhẹ hoặc có hiểu biết sai lầm về việc được liếm bởi một con chó. Trong nước bọt của chó có chứa nitrite, khi chúng liếm lên da, nitrite phản ứng với khí oxy ngoài môi trường tạo thành oxit nitric có tác dụng khử trùng.

Một số phân tử khác cũng có vai trò diệt vi khuẩn gây hại (gọi là ”peptide”) cũng xuất hiện trong nước bọt của chó, và tất nhiên chỉ diệt những vi khuẩn có hại cho chó, phù hợp với quần thể vi khuẩn nội thể của chó mà thôi.

Khi chó mèo bị thương chúng thường tự liếm vết thương của mình, hành vi này chỉ có tác dụng làm sạch, sát trùng cho chính bản thân nó, ngoài ra không có tác dụng với vết thương của con người.

Vậy chó mèo vệ sinh cá nhân như thế nào?

Loài người có thể làm sạch cơ thể bằng cách tắm với nhiều loại chế phẩm hóa chất, xà phòng phù hợp. Đối với thú cưng, nếu như miệng của chúng toàn là vi khuẩn, vậy làm sao chúng có thể tự vệ sinh cho mình bằng cách liếm?

Mèo dùng lưỡi gai liếm chính mình không chỉ để tắm, mục đích thực sự là để xóa dấu vết.
Thực ra, bọn mèo dùng cái lưỡi có gai của chúng để ”chải lông” không đơn thuần vì mục đích tắm táp. Hành vi đó xuất phát từ thói quen của một động vật săn mồi thuộc họ mèo. Chúng liếm lông để xóa đi những mùi lạ và che giấu sự hiện diện trước những đối thủ khác, ví dụ như mùi máu của con mồi chẳng hạn.

Mèo không muốn để lại mùi lạ phía sau để kẻ thù có thể đánh hơi được mình. Hơn nữa, bản thân chúng vốn tiến hóa để miễn nhiễm với những vi khuẩn vốn có trong miệng, nên có ”trây trét” ra người thêm nữa cũng không vấn đề gì.

Đối với chó, chúng không phải một loài săn mồi rình rập như mèo, vì vậy chúng không có thói quen chải lông thường xuyên. Căn bản, một con chó sẽ dơ y chang như vậy nếu bạn không tắm rửa cho nó.

Ngoài tự nhiên, chó thường vệ sinh thân thể bằng cách trầm mình xuống nước rồi vẫy người cho văng những thứ dơ bẩn đi, hoặc lăn lộn, cọ lưng trên một bãi cát hoặc bãi cỏ để loại bỏ những loài ký sinh trùng.

Hãy có hiểu biết và hình thành thói quen tốt

Sau tất cả, bài viết này không có ý kêu gọi các bạn giảm tương tác với thú cưng, tuy nhiên hãy làm đúng cách và biết tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ lây nhiễm đáng tiếc.

Đối với mèo, vi khuẩn trong miệng chúng không thể sống qua lâu ở môi trường bên ngoài, nhưng cũng không chết ngay lập tức, chính vì vậy mỗi một gram lông mèo chứa hàng triệu vi khuẩn cùng loại với những gì tìm thấy trong miệng chúng.

Thực ra, có hẳn một nghiên cứu về việc này. Cứ mỗi 2 phút ngồi vuốt ve chú mèo cưng (trong trường hợp chúng không liếm bạn) thì chỉ có khoảng 150 con vi khuẩn truyền sang tay của bạn mà thôi, đó là con số rất nhỏ và hầu như không đủ để gây hại.

Bác sĩ thú y Kathryn Primm cho biết, tốt nhất chúng ta nên tự giữ sạch mình:

Tôi luôn khuyên mọi người sử dụng các chế phẩm sát khuẩn thông thường. Khi bị thú cưng liếm vào đâu đó, hãy rửa vị trí đó với xà phòng tiệt trùng.

Tập thói quen rửa tay diệt khuẩn sau khi chơi với thú cưng, và dạy cho trẻ em điều đó.
Bác sĩ Kathryn Primm cũng nhấn mạnh rằng việc quan trọng nhất là ngăn không cho vi khuẩn đi qua da. Sau khi xâm nhập được vào cơ thể bạn, vi khuẩn sẽ tìm được một nơi ”ấm áp”, lý tưởng tuyệt vời để sinh sản và làm rối tung mọi thứ lên.

Đối với những chú chó cưng có thói quen liếm bạn, hãy chắc chắn rằng chỉ cho phép chúng liếm khi bạn đang khỏe mạnh, và không có vết thương hở nào trên mặt (trầy xước, mụn nhọt… những vết thương có rướm máu nói chung).

Lưu ý, trẻ em và người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn so với người ở tuổi vị thành niên, chính vì vậy để mặc trẻ em chơi với chó mèo không phải là ý kiến hay. Từng có một vụ em bé bị viêm não sau khi nhiễm vi khuẩn từ chó. Đối với làn da mỏng của trẻ nhỏ, hành vi liếm của chó cũng có hại tương tự như bị cắn vì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong.

Ngoài ra cũng lưu ý rằng trẻ em có thể bị chó liếm tay, sau đó chúng tự mút ngón tay của mình. Điều này từng được ghi nhận trong một ca viêm màng não xảy ra với đứa bé 2 tháng tuổi.

Vì vậy, hãy lưu ý: luôn sát khuẩn sau khi chơi với thú cưng, không để trẻ nhỏ chơi với thú cưng một mình, không ăn cùng, không để vết thương hở tiếp xúc với nước bọt của thú cưng, không ôm ấp thú cưng khi đang bị bệnh.

TH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img