Friday, March 29, 2024

Cuối năm, kể chuyện ma: Ma cản đường (1947),hồn ma báo mộng (1959), tôi “phá” nhà ma và dụ ma xuất (1970).

Đào Văn

Tổ chức IPSOS: Mở cuộc khảo sát vào năm 2019, kết quả có  gần một nửa số người Mỹ tin rằng ma là có thật (46%)

Dr. Spalding:  Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình ảnh của thể phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể xác hư thối thì thể phách vốn là thể trung gian giữa thể xác và thể vía cũng tan rã theo

Cảnh sát Hồng Kông: Sự thật khó hiểu chính là trong dạ dày 4 người đã qua đời có số thức ăn trùng khớp với đồ ăn mua của nhà hàng Triều Dũng Ký ngày hôm trước. (HK Police concluded case as Ghost Incident).

Những  chuyện về ma nhập hành hạ người sống, ma giữ của, hoặc ma hiện hồn chọc phá người sống đã  lưu truyền trong dân gian  từ rất lâu, nhưng số người không tin vào  việc trên cõi trần này  có ma xuất hiện chiếm  đa phần. Trước khi  kể các câu chuyện viết nơi tiêu đề do chính người viết đối diện hay nói cho đúng là ma cản đường chúng tôi đi vào năm 1947, và người viết chứng kiến hiện tượng ma nhập vào người sống để hành hạ vì không thực hiện lời khấn hứa với hồn người chết, cũng như chuyện hồn ma báo mộng yêu cầu thanh tóan nợ nần. Ngoài ra là  câu chuyện ma gọi đồ ăn được cảnh sát Hồng Kông xác nhận  (12/1989).

 Trên cõi trần này liệu có ma hay không?

Theo cuộc khảo sát vào năm 2019 của tổ chức IPSOS cho kết quả có gần một nửa số người Mỹ tin rằng ma là có thật (46%), và một phần ba tin rằng người ngoài hành tinh ghé thăm trái đất (32%). « Less Than Half of Americans Believe Ghosts Are Real »

Cõi vô hình

Hai câu chuyện sau trích trong cuốn Hành Trình Về Phương Đông – Journey to the East của Tiến sĩ Baird T. Spalding, do Nguyên Phong  dịch (1987) – Cuốn Hành trình về phương Đông được xuất bản năm 1924, mô tả hành trình đến Ấn Độ và Tây Tạng của một nhóm 11 nhà khoa học vào năm 1894.  Trong số này có Tiến sĩ Blair T. Spalding (1872 – 1953) là một nhà khoa học của Hội Khoa học Hoàng Gia Anh, ông cũng được cử sang Ấn Độ để nghiên cứu về huyền học và khả năng siêu nhiên của con người.

• Ma đan áo len

Câu chuyện trích trong cuốn Hành Trình Về Phương Đông – Hamud chỉ vào góc phòng nơi ông ta để bó len và cây kim đan áo. Mọi người bước đến gần và thấy một chiếc áo len đan bằng tay đã thành hình từ lúc nào không ai rõ. Chiếc áo đan tay rất vụng, không khéo léo nhưng trên ngực có thêu tên giáo sư Mortimer. Vị pháp sư giải thích:
– Con ma này rất nghịch, và thường quanh quẩn ở đây. Tôi yêu cầu hắn đan chiếc áo len cho các ông để làm bằng chứng. Để tránh việc các ông cho rằng tôi làm trò ảo thuật, tráo vào đó một chiếc áo len khác tôi yêu cầu hắn thêu tên người nào trong phái đoàn có nhiều nghi ngờ nhất. Các ông đều biết rằng từ khi gặp gỡ tôi không hề hỏi tên các ông, và nếu chiếc áo này không đan riêng cho các ông thì còn ai nữa?

 • Đa số người đều cho rằng ma quỷ thường xuất hiện ở nghĩa địa, điều này ra sao?
Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình ảnh của thể phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể xác hư thối thì thể phách vốn là thể trung gian giữa thể xác và thể vía cũng tan rã theo. Thể phách được cấu tạo bằng những nguyên tử tương đồng với nguyên tử cõi trần. Nhưng trong đó có nhiều nguyên tử ‘dĩ thái’, nên nhẹ hơn, nó thu thập các sinh lực còn rơi rớt trong thể xác, để cố gắng kéo dài sự sống thêm một thời gian nữa. Vì đang tan rã nên thể phách không hoàn toàn, do đó, đôi khi ta thấy trên nghĩa địa có những hình ảnh người cụt đầu, cụt chân, bay là là trên các nấm mồ, người không hiểu thì gọi đó là ma. Theo sự hiểu biết của tôi, thì việc thiêu xác tốt đẹp hơn việc chôn cất, vì để thể xác tan rã từ từ làm cho linh hồn đau khổ không ít và thường ở trong một giai đoạn hôn mê, bất động một thời gian rất lâu. Thiêu xác khiến vong linh thấy mình không còn gì quyến luyến nữa nên siêu thoát nhanh hơn nhiều. «Việt Nam Thư Quán / VNTQ: Hành Trình Về Phương Đông – Chương 9 – Cõi vô hình  »

Chuyện ma cản đường năm 1947

Đầu Năm 1947 gia đình chúng tôi chạy loạn đến làng Phần Lâm, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946. Vùng này do Việt Minh kiểm soát. Vì nơi lánh cư thiếu thồn nhiều đồ dùng, nên mẹ tôi thường hay về nhà cũ ở làng Kẻ Sặt (tỉnh Hải Dương), để kiểm soát nhà cửa và lấy thêm đồ dùng mang đến nơi lánh cư. Mỗi lần mẹ tôi về làng là tôi (người viết) đều  đòi đi theo bà. Gia đình chúng tôi  về tề vào cuối năm 1948 (về tề, tức là trở lại làng cũ do quốc gia kiểm soát). 

Có lần  (khoảng sau Tết Đinh Hợi 1947 ít ngày) trên đường trở lại làng Phần Lâm từ K̉ẻ Sặt gặp 2 bên Pháp và VM bắn nhau, nên hai mẹ con chúng tôi nấp bên đường để tránh đạn, chờ tối mịt mới đứng dạy đi tiếp.

Trên đường vào làng Phần Lâm  phải đi qua nghĩa địa, gọi là bãi tha ma. Khi về đến bãi tha ma này thì trời tối đen từ lâu rồi, không nhìn thấy phía trước nên đụng phải bức tường. Tay trái tôi cầm tay mẹ tôi , tay phải giơ tay rà soát đường đi – mà sao tay tôi toàn sờ thấy tường gạch – Tôi nói với mẹ tôi – sao ai xây tường ngăn lối đi mà nhanh qúa – hồi sáng đi đâu có thấy tường –  Mẹ tôi yên lặng không trả lời- một tay bà cầm tay tôi, tay kia vừa đi vừa lần tràng hạt.

Quá nửa đêm  thấy cả chục bó đuốc tiến vào  nghĩa địa … Khi về nhà Chú tôi kể lại –  thấy bác và cháu cứ đi vòng quanh nghĩa địa , nên chú vào kéo hai mẹ con ra.  Mẹ tôi biết ma cản đường, nhưng bà không nói, sợ tôi lo lắng.

✱ Chuyện MA nhập và năn nỉ MA xuất (Kẻ Sặt 1949)
Khi về tề (cuối năm 1948), tôi thường hay đến nhà Cô tôi ở khu Hạ chơi ( làng tôi có 3 khu: Hạ, Trung và Thượng, nhà tôi ở khu Thượng), tôi có kể lại chuyện MA cản đường đi tại bãi tha ma tại làng Phần Lâm năm trước cho cô tôi nghe . Đầu năm 1949, Cô tôi có nhắn người kêu tôi đến nhà , khi đến nơi tôi thấy một người đàn bà còn trẻ có 1 con nhỏ đang la hét tùm lum, lâu lâu lại tự lấy tay tát vào má của  bà ta. Sau đó được biết bà này là vợ ông quan hai Đại đội trưởng đang đóng quân tại nhà Cô tôi .

Trong lời lẽ mà tôi nghe được thì người đàn bà này nói là (xin tóm gọn ): Mày là đứa thất hứa , không cúng kiếng đúng ngày tháng – mày cho tao ăn đồ dơ – cái chậu mày giặt quần con mày đầy cứt , cái chậu mày giặt quần xì-líp cuả mày dơ bẩn rồi mày lại đem rửa đồ cho tao ăn – mày khinh rẻ tao. Con ma nhập vào người đàn bà này còn kể ra nhiều điều nưã…

Thế rồi người bị ma nhập hết nói thì lại nằm vật ra nền nhà la hét , kể tội … Con ma còn nói là đã theo người đàn bà này nhiều ngày rồi, và cũng đã đi theo đến nhiều nơi nay mới có cơ hội nhập vào.

Cô tôi dỗ dành , khuyên lơn , và năn nỉ … Nào là thay mặt cho cháu nó xin lỗi bà, vì cháu còn nhỏ tuổi, sự hiểu biết còn nông cạn – để tạ lỗi , xin bà cho biết, bà muốn sơi món ăn nào , bún lòng lợn , hay tiết canh , hay thịt thà – nếu bà đồng ý tôi sẽ đi mua mang về để mời bà sơi .

Sau khi cô tôi đưa ra đề nghị này thì con ma nhập vào người đàn bà dịu giọng . Sau đó Cô tôi đi mua bún lòng lợn cho con ma ăn. Khi con ma ăn, Cô tôi năn nỉ: Xin bà thương , mấy ngày nay bà nhập vào cháu bé không có người chăm sóc, không được bú sữa mẹ – sau khi bà xuất ra, tôi hứa sẽ nhắc nhở cháu phải biết kính trọng bà, phải giữ lời hưá với bà . Hôm sau, cô tôi lại mua tiết canh lợn cho con ma ăn. Và khi con ma ăn Cô tôi lại năn nỉ xin con ma xuất ra .
Ba, bốn ngày sau thì con ma xuất ra khỏi người đàn bà vợ viên quan hai người Pháp. Khi người đàn bà này tỉnh lại , cô tôi có kể lại cho nghe những lời trách móc, kể tội xấu … Và kể luôn việc cô tôi đã hứa .

Người đàn bà kể lại cho biết, đó là hồn người Cô nhập vào.  Cô chết trẻ ( lý do chết có nói nhưng tôi không còn nhớ ) và khi chưa có chồng thì hay van vái hồn người cô đã chết này , xin hồn cô phù trợ giúp đỡ và hứa là mỗi tháng sẽ 2 lần cúng, vào ngày mồng Một và ngày Rằm, để tưởng nhớ người cô đã qua đời.

Người vợ viên sĩ quan Pháp nói tiếp: Nhưng phận làm vợ người ta, chồng đi đâu lại phải đi theo , không ở lâu một chỗ được, cho nên chuyện cúng kiếng không thuận tiện , không giữ đúng lời hứa được, vì khi đến chỗ đóng quân, nhiều nơi không mua được nhang đèn.

Còn về chuyện con Ma trách là cho ăn đồ dơ … Là vì đi theo chồng, nay đây mai đó, không thể mang theo nhiều đồ dùng được, lại vướng con mọn, chỉ đem theo có mỗi chiếc thau đồng nhỏ (người đàn bà vừa nói vưà chỉ nơi để chiếc thau đồng ) nên phải dùng thau để vừa giặt giũ quần áo, sau đó cũng dùng thau đồng này để rửa rau, rưả thịt, cá … kể cả rửa đồ nấu cúng kiếng người Cô.

Cô tôi khuyên không nên dùng chung thau nưã , con ma không đồng ý, bắt bẻ.  Nếu cần rửa rau rửa thịt để nấu đồ cúng thì đi mượn chiếc nón sắt, lật ngược làm chậu rưả đồ cúng. Hoặc gần nơi đóng quân kiếm xem nơi đó có cái ao nào hay không, nếu có, đến cái ao đó rửa đồ cúng .

Đó là cuyện Ma nhập ngoài Bắc, còn vào trong Nam, thời có chuyện hồn người chết về báo mộng. Tôi học cách dụ ma xuất từ cô tôi nêu trên, nên áp dụng vào trường hợp tại Hậu Nghĩa (1970), khi tôi phá bụi tre mương cạnh nhà, hóa ra là nhà ma. Chuyện tôi “phá” nhà ma viết nơi phần sau.

Hồn MA báo mộng (1959).
Cô tôi (đã năn nỉ ma xuất 1949 ngoài Bắc) khi di cư vào Nam 1954 ở Phú Thọ trường đua, sau đó vài năm đi Bình Đông trồng thuốc lào. Vào khoảng cuối năm 1959 cô tôi nhắn tin cho tôi xuống Bình Đông có việc .
Nhà cô tôi làm chung vách tre với nhà bên cạnh, nhà này gồm hai vợ chồng và 3 đứa con, bé gái lớn nhất khoảng 11 tuổi , hai đứa em khoảng 9 tuổi và 6 tuổi. Ông bà này cũng trồng thuốc lào.  Khi đến nhà cô tôi, cô muốn tôi ngủ lại trông chừng nhà cho cô tôi và có thể chứng kiến chuyện hồn người chết về cho heo ăn (vì chị tôi đi miền Trung thăm chồng).

Nguyên nhân: Hai vợ chồng nhà bên cạnh cãi lộn, sau đó ông chồng lấy con dao dài thái thuốc lào chém đứt đầu bà vợ khiến bà vợ chết, vì thế ông chồng phải đi tù. (Theo dư luận sau vụ này cho hay, gia đình này có nòi [?] vì có đến 3 đời giết vợ.)
Sau khi chôn cất bà vợ, nhà bên cạnh chỉ còn 3 đứa nhỏ, theo lời kể của bé 11 tuổi, mẹ cháu hay hiện về nhà vào ban đêm. Mỗi khi bà hiện về thì chỉ thấy đốm sáng nhỏ như bóng đèn dầu hôi (đèn Hoa Kỳ) bay chung quanh chuồng heo và nghe tiếng người kêu cho lợn ăn … và đàn heo cũng tranh nhau ăn phát ra tiếng kêu giống hệt như có người đang cho heo ăn thật .
Sau đó đốm sáng nhỏ bay lên nhà trên và bay chung quanh màn (mùng) chống muỗi của 3 đứa nhỏ . Nhiều lần như vậy 3 đứa nhỏ sợ nên cầu cứu cô tôi sang ngủ chung với 3 đứa để cho bớt sợ.

Theo lời kể lại của cô tôi – Khi cô tôi sang ngủ chung với 3 đứa nhỏ cũng thấy đốm sáng xuất hiện … Cô tôi thầm lên tiếng nói chuyện với hồn ma (đốm sáng ): Xin bà thương, nếu bà có ngăn trở gì, hay có oan ức gì, hoặc nợ nần của ai mà chưa trả thì xin bà báo mộng cho biết, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết cho bà.  Bà hiện về hoài như vậy mấy đứa nhỏ sợ không ngủ được , sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của 3 đứa nhỏ, trong khi cha chúng nó đang ở trong tù.

Khi trời về sáng, cô tôi có hỏi mấy đứa nhỏ có đứa nào nằm mộng gặp mẹ các cháu không. Đứa bé gái 11 tuổi nói có nằm mơ gặp mẹ cháu nói:

Còn trên 3 ngàn đút vào đầu ống tre cuả mái tranh ngoài chuồng heo. Mẹ cháu dặn cháu lấy số tiền đó đem trả tiền cho người bám cám heo là mấy trăm và trả tiền cho bà bán gạo mấy trăm. Mẹ cháu còn cho biết có bán con heo mấy ngàn chưa lấy tiền, đến nhà đó mà lấỵ ” (vì lâu ngày không nhớ chính xác số tiền hồn ma đã báo mộng)

Thế là cả nhà và tôi theo sự hướng dẫn cuả bé gái 11 tuổi đi ra sau nhà, tiến về phía chuồng heo … Bé gái làm theo chỉ dẫn của mẹ cháu gặp trong mộng (giâc mơ) cháu thò tay vào ống tre lấy ra đúng số tiền mà hồn ma (mẹ cháu bé) báo mộng .
Sau đó cầm tiền đi đến nhà bà bán cám heo và nhà bán gạo để trả tiền. Hai bà này xác nhận có thiếu tiền cám heo và tiền gạo đúng như số tiền mẹ cháu báo trong mộng. Sau khi nghe câu chuyện mẹ cháu bé hiện về báo mộng dặn trả nợ, hai bà này nghe phát sợ nên không dám nhận khoản tiền nợ này, và cho luôn số tiền cám và tiền gạo còn thiếu trước đây.

Sau đó đến nhà mua con heo, nhà này cũng xác nhận có mua con heo với số tiền đúng với số tiền mẹ cháu bé báo mộng, sau đó hứa sẽ thanh toán ngay khi có tiền.

Sau khi giải quyết xong món nợ (tiền mua cám và nợ tiền mua gạo ) hồn ma không hiện về báo mộng nưã.

Tôi “Phá” nhà ma năm 1970

Năm 1970 chúng tôi có cháu trai, nhưng cả hai vợ chồng cùng đi làm nên nhờ bà nội cháu trông dùm tại Biên Hòa (BH) ngay khi cháu mới sinh. Khi cháu tròn 3 tháng, tôi chở hai bà cháu từ BH về Hậu Nghĩa (HN) chơi mấy ngày .

 Sau khi Mẹ tôi và cháu bé ở được 3 ngày thì một hôm khi đi làm về có bà hàng xóm gặp tôi và hỏi: “Sao ông không mua nón cho Cụ bà mà lại để Cụ đi xin nón lá cũ là thế nào?”.

Về đến nhà tôi đem câu chuyện hỏi lại Mẹ tôi, Bà nói : ” Nhà anh có cái gì lạ lắm, tôi nuôi thằng bé đã 3 tháng mà chưa bao giờ nó khóc như bây giờ,  vì đã 3 ngày nay cứ 4 giờ chiều là nó khóc không giỗ được, nên phải đi xin nón lá cũ đốt vía thì cháu hết khóc ” (Bà đặt cháu trên giường sau đó lấy nón lá cũ đốt dưới gầm giường, thời cháu hết khóc ).

Tôi hỏi sao không đốt nón lá nhà có – Bà trả lời đi xin nón lá nhất là nón càng cũ thì đã qua tay nhiều người thì mới hiệu nghiệm, gặp người xử dụng nón vía nặng thì mới tốt.

Vì tôi biết Mẹ tôi không sợ Ma cho nên tôi kể lại câu chuyện tôi xây nhà trên một hố rác và hố này trước đây họ đào lấy đất đắp nền nhà khu trại gia binh phía trong. Khi đào đất thì họ đào trúng 7 ngôi mộ chôn cất từ lâu tại đây , sau đó các ván hòm đã mục cùng sương cốt lấy được đem chôn tại vị trí khác .

Lý do tôi xây nhà tại phần đất này vì miếng đất rất đẹp ngang 11.5 m x 20 m bỏ trống lâu ngày (phần vì nếu muốn lấp hố sâu phải tốn vài chục xe tải đất, phần vì có người ngại là nơi chôn cất 7 ngôi mộ) nên không ai dám xây nhà trên phần đất này, do đó nơi này biến thành hố chứa rác. Thấy miếng đất bỏ hoang, sau khi tôi đi hỏi thăm nguồn gốc…Xã ấp khuyến khích tôi xây cất vì sẽ không còn ai đổ rác. Bạn bè thì cản vì là nơi từng chôn người chết …

Như đã kể chuyện ma đã cản đường tại Phần Lâm (1947), rồi tiếp đến tôi học dụ ma xuất tại nhà Cô tôi nêu trên, cho nên tôi quyết định xây nhà trên khu đất này. ( Bốn thước phía cạnh phải thì làm sân đậu xe và nhà xe, chính giữa là nhà ở, bên cạnh trái, là miếng đất rộng  3.5  thước có bụi tre mương với khoảng 20 cây tre rất to, lá  tre phủ cả lên mái nhà). Sáng ngày hôm sau, tức là ngày thứ 4 tại HN, Mẹ tôi  cho cháu bé nằm trên võng, một đầu võng máng vào khung cửa sổ còn đầu kia thì cột vào gốc tre mương.  Khi hai mẹ con chúng tôi đang nói chuyện thì tôi thấy có con rắn lục phóng từ nóc nhà sang bụi tre. Tôi thấy không ổn, nhất là vụ thằng bé khóc lúc 4 giờ mỗi ngày. Tôi quyết định chở hai bà cháu về BH. Trước khi đi tôi nhờ chú nhân viên tìm người chặt bụi tre nơi đầu nhà. Bụi tre rất đẹp lá to, không gai góc chi cả mà ống tre dài và to, quả thật tôi không muốn phá nhưng vì thấy có rắn nên phá đi vì sợ rắn lục làm ổ.

Ngày hôm sau khi vừa từ BH trở lại nhà (HN) có bà hàng xóm đến báo cho biết bà nhà đối diện bị ma nhập và nói là tôi PHÁ NHÀ MA ??? ( Vì tôi cho phá bụi tre bên cạnh nhà, chẳng lẽ ma lại hay lai vãng đến bụi tre?) Tôi sang thăm, vưà bước vào cửa nhà, thì bà bị ma nhập la to lên nói là tôi phá nhà bà ta.

Tôi xin nước phép, tôi lấy sách kinh và tràng hạt đặt lên đầu bà bị ma nhập, nhưng lúc đầu thì bà ta có vẻ lo sợ, nhưng một lúc sau lại cười ha hả … Biết là dùng nước phép và sách kinh không hiệu nghiệm, tôi bèn áp dụng cách dụ ma theo cách của cô tôi mà tôi chứng kiến trước đây.

Tôi cũng năn nỉ, cũng hứa tìm nguồn gốc, cũng hứa sẽ tu sửa ngôi mộ lại , và cũng hỏi bà bị ma nhập thích ăn uống món gì tôi sẽ đi mua, và làm theo yêu cầu  của  người bị ma nhập.

Khoảng 3 ngày sau, con ma xuất ra, tôi kể lại những điều đã hứa với con ma cho bà bị ma  nhập nghe, và yêu cầu bà ta kể cho nghe việc làm cuả bà ta trước ngày bị ma nhập. Thí dụ: bà đi đâu làm gì, có đi đâu ban đêm …

Bà ta cho hay là ngay tối hôm trước ngày bi ma nhập bà đi thăm bạn bè nơi xóm trong, khi ra về trời đã tối mịt. Trên đuờng về bà ta mắc tiểu tiện và có ngồi ven đường mòn để tiểu tiện.

Tôi yêu cầu bà vui lòng chỉ cho nơi bà ngồi tiểu tiện. Bà đồng ý và tôi đi theo bà đến nơi bà tiểu tiện. Truy xét nguồn gốc  thì nơi đây là nấm mộ đã chôn lại, ðã đào từ phần đất nhà tôi và mang chôn tại nơi đây. Vì lâu ngày không còn dấu vết rõ rệt, đường đi bộ lấn vào một góc cuả nấm mộ. Và bà bị ma nhập đã ngồi trên góc nấm mộ khi bà ta đi tiểu. Vị trí này được kiểm chứng bởi người phụ trách di chuyển hài cốt, chôn cất kể lại cho biết.

Do đó tôi đã nhờ nhân viên kiếm người đắp đất lên ngôi mộ và cho rào lại ngôi mộ như đã hứa. Còn phần cúng kiếng tôi nhờ bà bị ma nhập lo liệu.

Về việc tìm kiếm thân nhân để lo việc cúng kiếng lâu dài,  tôi đi hỏi thăm rất nhiều người, nhưng không có thông tin rõ rệt , và phải bỏ cuộc vì cuộc chiến 1975.

Hồn người chết đòi giầy

Số là vào cuối năm 2005, tôi đi Cali dự  một đám tang,  chôn cất xong tôi đi thăm nhóm bạn học  thời 1954 tại miền Bắc Cali. Mấy ngày sau trở lại Nam Cali, trong bữa cơm tối tiễn tôi về Kansas, nhiều người trong bữa cơm kể câu chuyện mơ thấy người chết đòi giầy.

Không phải một, mà có đến 3 -4 người cùng  nằm mơ thấy người chết về đòi giầy. Tôi hỏi thăm ai là người lo việc mang quần áo đưa cho nhà quàn mậc cho người chết. Người con trai cả lên tiếng chính anh ta lo liệu việc này. Tôi nói với anh ta nhớ lại xem, ngoài quần áo có  lấy  giầy mang cho nhà quàn để tẩm liệm hay không – anh ta suy nghĩ một chút rồi trả lời không.

Tôi khuyên anh ta nên chọn đôi giầy nào mà bố anh ta mới mua, mang ra nghĩa trang, cắt lớp cỏ phủ một lỗ  bằng đôi giầy nơi phía chân người chết, đào sâu rồi chôn đôi giầy xuống, sau đó lắp đất phủ cỏ lên trên, vì nếu không chôn, phía nhân viên nghĩa  trang sẽ lấy đi.

Tôi được báo tin người con đã làm theo điều tôi khuyên, và từ đó đến nhiều năm sau,  người thân  trong gia đình không còn ai nằm mơ thấy hồn người chết về đòi giầy nữa.

Ma giữ của tại ngôi mộ đầu làng Kẻ Sặt (1936)
Tôi có nhiệm vụ đun nước để bố tôi pha trà mời khách (1949). Tại một buổi trà đàm có hai ông khách lạ do Ông Bạ Sương (người cùng ngõ Đình) dẫn đến và hỏi Bố tôi về chuyện đào mộ nhiều năm trước vì bố tôi tham gia vụ này, sau đó người Tầu đến làng Sặt đào ngôi mộ này lấy của mang về nước Tầu –  Nghe làm sao tôi xin tóm tắt lại như sau:

Được biết phiá đầu làng Sặt người Tầu trước khi về nước có chôn của tại ngôi mộ đầu làng đã lâu mà không có ai lai vãng đến ngôi mộ này. Một số người cho rằng ngôi mộ này nay đã vô chủ (1936), nên hơn chục người bèn rủ nhau cùng đào xem ngôi mộ này cất dấu những của cải gì, và bàn với nhau đào về ban đêm để hạn chế người tò mò theo dõi …

– Đào lần 1: Hơn chuc người rủ nhau đào ban đêm, khi đến ngôi mộ chuẩn bị lấy cuốc xẻng để đào thì rắn rết bò lền khên chung quanh khu vực, vì phải lo đối phó với rắn rết cho nên không thể đào được. Cuối cùng vì bị rắn rết bu quanh mỗi lúc mỗi nhiều nên phải ngưng, và hẹn nhau ngày khác .

– Đào lần 2: Để đối phó với rắn rết, vào ban ngày các ông dựng chòi làm bục tre cao chung quanh ngôi mộ, để đứng trên bục tre đào mộ hầu tránh rắn rết .
Khi đêm xuống các ông rủ nhau đến ngôi mộ để đào. Mới cuốc được mấy nhát  thì tất cả những người tham dự việc đào mộ đều bị đau bụng , đau đến nỗi không thể nhấc cuốc lên được. Nhưng ra khỏi khu vực ngôi mộ này thì hết đau bụng. Vì thế các ông tham gia vào việc đào mộ  lại hẹn nhau đào vào dịp khác.

– Đào lần 3: Biết được bị ma giữ của quậy phá, lần này các ông chuẩn bị kỹ hơn … Ngay đêm chuẩn bi đào mộ, ban ngày các ông giết chó ăn thịt và lấy máu chó mang theo, để đêm xuống trước khi đào, các ông lấy máu chó rải chung quanh ngôi mộ để trừ tà .

 Khi đêm xuống, cứ y theo kế hoạch đã chuẩn bị, sau khi máu chó đã được tưới lên trên ngôi mộ, vưà mới cầm cuốc lên thì  nghe tiếng trống thúc cứu hỏa từ phía làng phát ra, và nhìn thấy lửa cháy đỏ rực phía trong làng. Vì thế nên các ông bảo nhau ngưng đào để về làng chữa cháy. Nhưng khi về đến làng thì chẳng thấy gì, làng vẫn bình yên trong bóng đêm .

Biết là bị ma giữ của phá, nên các ông không đào nưã. Ít tháng sau thì có người Tầu về đào ngôi mộ này lấy của cải mang đi, trước sự chứng kiến của một số người trong làng.

Câu chuyện ma gọi đồ ăn năm 1989 được cảnh sát Hồng Kông xác
nhận

Cảnh sát  Hông Kông xác nhận vụ việc người đã qua đời gọi đồ ăn. Nhưng tại sao có hiện tượng này thì họ không thể lý giải được.  Câu chuyện xảy ra vào tháng 12/1989 tại một quán cơm bình dân có tên Triều Dũng Ký ở phía Bắc khu Tân Giới. Quán Triều Dũng Ký thường bán những đồ món như: trứng cuộn kèm bánh mì nướng, bánh trứng, bánh bao, mì…nếu khách  hàng không ở gần sẽ có nhân viên mang đồ tới. Thời điểm xảy ra vụ việc xung quanh đa phần là nhà dân bình thường chứ không phải toàn biệt thự lớn hiện đại như ngày nay.

Câu chuyện người qua đời gọi đồ ăn tại quán cơm này đã được chính phủ Hồng Kông thừa nhận và họ gọi đó là “hiện tượng siêu nhiên” nhưng không tài nào giải thích được.

Cụ thể vào một ngày bình thường, người phục vụ quán nhớ lại có nhận được một đơn hàng giao đến địa chỉ nằm ở khu phố phía Tây khu biệt thự Hỉ Tú Hoa Viện. Đơn đặt hàng bao gồm cơm rang trứng, bún xào bò và một số món ăn khác dành cho bốn người. Nhân viên quán cơm đã chốt đơn và giao tới địa chỉ vừa được báo.

Nhân viên giao cơm tới đúng địa chỉ liền bấm chuông gọi cửa nhưng không thấy ai trả lời thì nói lớn: “tôi tới giao đồ ăn”. Ngay lập tức cửa được mở rất hẹp và cậu giao hàng thấy tiền nằm ngay trước cửa, dù cảm thấy kỳ quái,  nhưng cậu vẫn giao đồ và cầm tiền về.

Đến tối, chủ quán kiểm kê lại số tiền bán thì bỗng nhiên phát hiện một xấp tiền âm phủ. Nghi ngờ do nhân viên học việc bất cần hoặc ai đó chơi khăm, ông cho gọi tất cả nhân viên lại hỏi. Không ai hay biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên sau khi suy xét thấy chuyện không quá nghiêm trọng vì vậy sự việc này được bỏ qua.

Ngày hôm sau quán lại nhận được cuộc gọi đặt hàng ít bột gạo và cơm cũng giao đến địa chỉ như hôm trước. Nhân viên giao hàng lại mang đồ tới và lấy tiền như hôm qua. Chủ quán thêm lần nữa tức giận vì tình huống hôm qua tiếp tục lặp lại và tuyên bố hôm sau ông sẽ tự mình giao đồ.

Quả nhiên ngày hôm sau, một cuộc gọi lại tiếp tục được đặt giao món bò và thịt heo nướng tới địa chỉ đó. Và như đã nói, lần này chính ông chủ đích thân đi giao hàng.

Ông đến đúng địa chỉ, gõ cửa và nhận tiền qua khe hẹp. Khi ấy ông chủ cũng bấm bụng nghĩ lấy làm lạ và cố gắng để ý xem ai trả tiền sau cánh cửa, thế nhưng ông không nhìn thấy điều gì. Tuy vậy, vì thấy tiền là thật nên ông cũng không bận tâm thêm mà cho tiền vào túi rồi trở về quán.
Khi về, ông chủ bỏ số tiền đó vào một chỗ riêng. Đến tối khi tổng kết lại số tiền kiếm được, ông lạnh người khi phát hiện số tiền âm phủ lại ở đúng chỗ ông đã để riêng. Ngay lập tức ông gọi cảnh sát.

Sau khi nhận được cuộc gọi, cảnh sát Hông Kông lập tức tới điều tra địa chỉ này. Bấm chuông thì không nghe chuông reo, gọi cửa không ai trả lời nên cảnh sát đã phá cửa xông vào. Họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện bốn thi thể chết nằm trên sàn từ nhiều ngày trước.

Sau khi phong tỏa hiện trường để điều tra, cảnh sát lấy lời khai những người xung quanh. Hàng xóm trả lời không hề biết gì về vụ việc, bởi vì mấy ngày gần đây họ vẫn nghe tiếng có người trong nhà chơi mạt chược, mặc dù không nghe thấy tiếng người nói chuyện.

Sau khi có kết quả khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện rằng 4 người này đã chết  hơn một tuần trước. Tuy nhiên điều khiến họ vô cùng bất ngờ chính là trong dạ dày của 4 thi thể này có số thức ăn mới được tiêu hóa trong vòng 1 tới 2 ngày qua, gồm thịt bò, cơm, bún, thịt heo… điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử pháp y thời bấy giờ.

Theo giải phẫu học hiện đại, người đã chết sẽ không thể tiêu hóa được lượng thức ăn sau khi qua đời. Y học hiện đại và giải phẫu học lý giải, theo thành phần và cấu trúc của vi khuẩn lên men với axit gastric (loại axit do dịch vị dạ dày tiết ra) cùng phép đo phổ khác, có thể xác định thời gian chính xác cơ thể nạp thức ăn. Sự thật khó hiểu chính là trong dạ dày 4 người đã qua đời có số thức ăn trùng khớp với đồ ăn mua của nhà hàng Triều Dũng Ký.

Kết quả giám định những đồng tiền âm phủ còn khiến cảnh sát không hiểu nổi khi ngoài dấu vân tay của nhân viên giao hàng cùng ông chủ, còn có dấu vân tay của 2 trong số 4 thi thể kia. Tiền âm phủ không còn dấu tay của ai khác và trên thực tế khoa học thực sự không lý giải nổi điều này.

Sau đó cảnh sát đã mời một thầy pháp giúp điều tra vụ việc. Pháp sư phát hiện cửa ra vào nhà này hướng Đông Bắc lấy khí đúng quỷ quan môn, âm khí rất nặng, thời gian sang bên kia thế giới phạm xung sát.

Theo lời pháp sư có thể những linh hồn ở đây không nghĩ mình đã chết nên không chịu siêu thoát, tiếp tục sống chơi mạt chược và gọi đồ ăn như thường. Chỉ tới khi cảnh sát ập vào và phá vỡ trường âm khí này, họ mới rời khỏi cơ thể.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do đốt than thái quá nhiều carbon monoxide khiến cho bốn người này chết khi ngủ say sau khi chơi mạt chược. Mùa Đông ở Tân giới nhiệt độ một số năm có thể hạ xuống tận 0 tới 2 độ C (vì thế họ có thói quen đốt than để sưởi ấm).

Câu chuyện người chết gọi đồ ăn đã được nhiều tờ báo lớn Hồng Kông đăng tải. Cảnh sát cũng cung cấp những phân tích khoa học và các bằng chứng khác về vụ việc. Tuy nhiên vì sao người chết có thể gọi đồ ăn thì không ai có thể giải thích nổi và truyền thông Hông Kông gọi đó là hiện tượng tâm linh kỳ bí.

Như trên đã viết, số người không tin vào việc ma xuất hiện trên cõi trần này  chiếm đa phần, tuy nhiên  để thay đổi đề tài, nhân dịp ngày cuối năm, người  viết  kể lại các chuyện  ma nêu trên thể theo lời hứa trước đây với chủ nhiệm tờ báo.

Đào Văn

– 1989, HK Police concluded case as Ghost Incident

– Hong Kong Royal Police close this case as ghost included, reported in news : https://www.youtube.com/watch?v=swu28jqKAgY&t=215s

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img