Saturday, April 1, 2023
spot_img

Panama Papers kỳ III: Những câu chuyện “thâm cung bí sử” ở TQ

Cali Today News – Năm 2011. Hàng tháng trời, Cốc Khai Lai lo lắng bí mật đe doạ đảo lộn đời sống xa hoa, dễ chịu của mình, cũng như cản bước phu quân – ông Bạc Hy Lai – leo lên được những nấc thang trên đỉnh cao vị trí lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc. Bà ta quyết định ra tay hành động.

Trong một căn phòng khách sạn cao cấp tại Trùng Khánh, miền nam Trung Quốc, Cốc Khai Lai đã đích thân trộn lẫn trà và thuốc chuột, rồi đổ vào miệng thương nhân Anh quốc Nei Heywood, người lúc này đã say mèm trên giường.

Hai ngày sau, nhân viên khách sạn mới phát hiện ra thi thể nạn nhân. Vụ ám sát diệt khẩu do phu nhân của một vị lãnh đạo đầy tham vọng của Trung cộng – cựu Bí thư Trùng Khánh – ra tay làm rúng động, tiêu tốn nhiều giấy mực của truyền thông thế giới. Cho đến giờ, vẫn còn rất nhiều nghi vấn xoay quanh vụ án rất phức tạp liên can đến tài chánh, kinh tế và chính trị này.

Bà Cốc nhận tội giết người. Một trong những lý do thôi thúc bà ta ra tay hạ độc là do ông Heywood đe doạ sẽ phơi bày một bí mật đen tối: hàng triệu Mỹ kim bất động sản được tẩu tán dưới một tài khoản vỏ bọc ở ngoại quốc. Nếu Heywood tiết lộ việc bà ta sử dụng một công ty ở British Virgin Island để che giấu sở hữu một biệt thự xa hoa ở Pháp thì bê bối này sẽ gây nguy hiểm, huỷ hoại con đường tiến thân vào Bộ Chính Trị – cơ quan quyền lực tối cao ở Trung Quốc – của ông Bạc Hy Lai.

Hai tuần sau khi mưu sát ông Heywood, cấu trúc sở hữu công ty vỏ bọc của bà Cốc đột nhiên thay đổi. Chi tiết này trước kia chưa từng được tiết lộ. Cổ phần của bà Cốc được chuyển nhượng sang cho một người khác, trong nỗ lực che giấu mối quan hệ với công ty này, hồ sơ Panama cho thấy.

Cuối cùng thì không gì có thể che đậy được bí mật của bà Cốc. Cả bà ta và ông Bạc Hy Lai đều có kết cục trong tù. Tuy nhiên, minh chứng hiệu quả nhất của vụ án này chính là việc các nhân vật cỡ bự ở Trung Quốc đã sử dụng thiên đường trốn thuế giấu giếm những đồng tiền bất chính của mình như thế nào.

Panama Papers bổ sung thêm chi tiết về các giao dịch bí mật của bà Cốc, cũng như tiết lộ nhiều thông tin mới liên quan đến các công ty bình phong ở ngoại quốc của gia đình các nhân vật quyền lực ở Trung Quốc. Tài liệu rò rỉ cho thấy, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình – vị Chủ tịch nắm trong tay mọi quyền hành về mặt chính quyền, đảng và quân sự – có người anh rể đứng tên một số công ty ở thiên đường trốn thuế. Người thân trong gia đình của ít nhất 7 nhân vật từng làm uỷ viên trường trực Bộ chính trị, trong đó có hai người đang đương nhiệm dưới quyền ông Tập, cũng có cổ phần sở hữu các công ty vỏ bọc ở ngoại quốc. Một trong những người này là cháu rể của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhân vật được cho là cha đẻ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Cũng chẳng có gì bí mật khi nhiều con cháu của các anh hùng cách mạng Trung Quốc thành công trong lãnh vực kinh doanh. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với hàng trăm tỉ phú. Tuy nhiên, mức độ mà những người dính dáng tới các nhân vật chính trị của quốc gia đã lợi dụng mạng lưới các công ty vỏ bọc ở ngoại quốc để tẩu tán tài sản, tránh sự dòm ngó của công chúng thì khó mà biết tới, và giới này đã thực hiện như thế nào, cho đến này vẫn ít người hiểu rõ.

Theo hồ sơ Panama, trong khi ông Tập Cận Bình hô hào và mạnh tay chống tham nhũng nhằm “làm trong sạch nội bộ Đảng,” (hay nói cách khác là dùng tham nhũng để chặt tay đối thủ chính trị và củng cố quyền lực) thì ông anh rể – Đặng Gia Quý, chồng bà Tập Kiều Kiều – lại tìm đến hãng Mossack Fonseca mua một công ty ở ngoại quốc vào năm 2004, và mua thêm 2 công ty nữa vào năm 2009. Hiện chưa rõ ba công ty này, Supreme Victory Enterprises Ltd., Best Effect Enterprises Ltd. và Wealth Ming International Ltd được dùng vào mục đích gì. Supreme Victory bị giải thể vào năm 2007, và hai công ty còn lại “án binh bất động” kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. ICIJ (Hiệp hội Các Ký giả Điều tra Quốc tế) tìm cách liên lạc với Đặng Gia Quý nhưng ông ta không hồi đáp.

Một khách hàng khác khá nổi tiếng của Mossack Fonseca, đó là con gái của Cựu Thủ tướng Trung Hoa Lý Bằng. Ông Lý nằm quyền Thủ tướng từ năm 1987 đến năm 1998, và là Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2003. Ông ta từng là nhân vật quyền lực thứ hai trong Đảng cộng sản Trung Quốc, chỉ sau ông Giang Trạch Dân. Lý Bằng được quốc tế biết đến nhiều nhất là việc giám sát cuộc đàn áp quân sự đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Lý Tiểu Lâm, con gái ông Lý Bằng, cùng chồng sở hữu quỹ đầu tư Cofic Investment được thành lập ở British Virgin Islands vào năm 1994. Trong email lưu hành nội bộ, luật sư của bà Lâm cho biết, nguồn tiền của công ty có được là nhờ tạo điều kiện cho trang thiết bị công nghiệp được nhập cảng từ Âu châu vào Trung Quốc. Hồ sơ cũng cho thấy, quyền sở hữu công ty bị che giấu trong nhiều năm bằng cách sử dụng cổ phiếu vô danh. Từ lâu cổ phiếu vô danh vẫn được xem là phương tiện rửa tiền hay hành vi phi pháp, tuy sau này đã dần dần biến mất trên thế giới do luật pháp cứng rắn và chặt chẽ hơn nhằm chấm dứt dòng chảy của đồng tiền bẩn.

Thế hệ mới của “giới quý độc đỏ” dường như học hỏi về các công ty bình phong ở ngoại quốc từ khi còn trẻ. Cháu ngoại của cựu uỷ viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc – nhân vật đứng hàng thứ tư – Giả Khánh Lâm cũng có tài sản ở nước khác. Lý Tố Đan làm chủ công ty Harvest Sun Trading Ltd. vào năm 2010 khi mới là sinh viên năm nhất tại trường đại học danh tiếng Stanford ở miền bắc California.

Kể từ đó, Jasmine Lý (Lý Tố Đan) đã gầy dựng một hãng kinh doanh lớn không ngờ khi độ tuổi 20. Hai công ty vỏ bọc ở British Virgin Islands được sử dụng để mở hai công ty tại Bắc Kinh với tổng số vốn ghi danh lên đến $300.000 Mỹ kim. Bằng cách dùng hai công ty ở British Virgin Island sở hữu cổ phần tại những công ty mới mở ở Bắc Kinh, tiểu thư Tố Đan đã giữ tên tuổi gia đình mình khỏi giấy tờ đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, còn có 5 cựu và uỷ viên thường vụ đương nhiệm của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc có thân nhân dính líu tới Mossack Fonseca.

Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), Phó Thủ tướng Thường trực, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Con rể ông Trương – Lee Shing Put – là cổ đông tại ba công ty ở British Virgin Island: Zennon Capital Management, Sino Reliance Networks Corporation và Glory Top Investments Ltd.

Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan) – nhân vật đứng thứ 5 trong Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung Ương Đảng cộng sản Trung Quốc, hiệu trưởng trường Đảng Trung Ương – có cô con dâu tên Giả Lập Thanh làm giám đốc và cổ đông của công ty Ultra Time Investments Ltd. được Mossack Fonseca mở tại British Virgin Island vào năm 2009.
Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) – từng là uỷ viên thường thực Bộc Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, thành viên cao cấp của Ban Bí Thư Trung ương từ năm 2002 đến 2007, từng giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ năm 2003 đến 2008 – có em trai liên can đến Panama Papers. Ông Tăng Khánh Hoà, giám đốc công ty China Cultural Exchange Association Ltd. được thành lập ở đảo quốc Niue, sau đó chuyển sang Samoa vào năm 2006.

Con trai thứ ba của Cố Tổng bí thư Trung cộng từ năm 1982 đến năm 1987 thì bị lật Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) – Hồ Đức Hoa vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cổ đông và kiêm đại diện pháp lý của công ty Fortalent International Holding Ltd., được mở tại British Virgin Islands vào năm 2003. Hồ Đức Hoa dùng chính địa chỉ nhà mình nơi bố ông ta sống khi còn đương chức Bí thư Đảng ghi danh công ty.

Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông (Mao Zedong) – người lãnh đạo Trung cộng từ năm 1949 đến khi qua đời vào năm 1976 – cũng được nhắc đến trong hồ sơ Panama. Cháu rể của ông là Trần Đông Thăng là Chủ tịch hội đồng quản trị và cổ đông duy nhất của công ty Keen Best International Limited được ghi danh ở British Virgin Islands vào năm 2011. Ngoài ra, ông ta còn đứng đầu một hãng bảo hiểm nhân thọ và một công ty đấu giá nghệ thuật.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hồi đáp fax của ICIJ. ICIJ đã gởi thư hỏi liệu chính phủ Trung cộng có dự kiến sẽ điều tra bất cứ những công ty của Trung Quốc có liên can đến vụ rò rỉ tài liệu của hãng luật Mossacks Fonseca hay không. Trong một buổi họp báo thường lệ ở Bắc Kinh vào tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố không đưa ra lời bình luận về những “cáo buộc vô căn cứ.”

Đón đọc Panama Papers kỳ IV: Khi cộng sản và tư sản trộn lẫn ở TQ

Hương Giang (Theo ICIJ)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT