Cali Today News – ICIJ bắt tay điều phối phân tích nguồn dữ liệu khổng lồ.
Trước hết, hồ sơ phải được định dạng, làm sao cho dễ dàng đọc và chia sẻ an toàn. ICIJ liền tạo công cụ tìm kiếm dùng bảo mật hai yếu tố xác thực để chứa tài liệu rò rỉ, đường dẫn chia sẻ thư tín điện tử được mã hoá với các tờ BBC, The Guardian, Fusion và hàng chục hãng truyền thông ngoại ngữ khác. Trên đó còn có tính năng trò chuyện cho phép các ký giả có thể trao đổi thông tin, và tìm bản dịch tài liệu ngôn ngữ khác. “Nếu muốn nghiên cứu tài liệu về Brazil, bằng tiếng Brazil, chúng tôi có thể tìm một ký giả Brazil,” ông Ryle cho biết. “Lên trên đó, anh có thể nhìn thấy ai đang thức, ai đang làm việc, và bất cứ lúc nào cũng có thể trao đổi thông tin. Chúng tôi khuyến khích mọi người chia sẻ họ đang làm gì,” Ryle nói thêm. Mỗi một hãng truyền thông cũng tổ chức những buổi họp riêng, ở Washington, Munich, London, Johannesburg và Lillehammer.
Đáng chú ý, mặc dù được truy cập rộng và thoải mái nhưng toàn bộ dữ liệu chưa rò rỉ hết ra công chúng, có lẽ một phần do số lượng quá lớn và khó sử dụng. Obermayer thừa nhận tin đồn về lượng tài liệu rò rỉ khổng lồ đang lan rộng, nhưng anh cũng khẳng định phần lớn dữ liệu vẫn còn được giữ kín. “Mùa thu năm ngoái, tôi thực sự căng thẳng khi nghĩ tới nhiều người sẽ biết đến việc này,” anh chia sẻ. “Tin đồn khắp mọi nơi, nhưng chỉ ngang đó,” Obermayer nói thêm.
Ryle cho biết, ICIJ không dự tính sẽ công bố toàn bộ số tài liệu như kiểu WikiLeaks, đẩy tất cả lên mạng trực tuyến, như vậy sẽ phơi bày thông tin riêng tư, bí mật của những cá nhân vô tội bên cạnh những nhân vật tên tuổi mà tường trình của họ đang tập trung vào. “Chúng tôi không giống như WikiLeaks. Chúng tôi tìm cách chứng minh báo chí làm việc có trách nhiệm,” Ryle giải thích. Ông khuyên ký giả từ các hãng truyền thông tham gia vào vụ này, nên “quậy cho nóng lên, nhưng tập trung vào mối quan tâm của công chúng tại quốc gia mình.”
Kỷ nguyên của những vụ rò rỉ khổng lồ
Panama Papers đang gây nên những đợt sóng trên khắp thế giới, không chỉ cho Mossack Fonseca. Hãng luật hiện mới chỉ trả lời tờ Guardian. Thư của Mossack Fonseca ghi:
“Nhiều trường hợp được quý vị viện dẫn không phải và chưa bao giờ từng là khách hàng của Mossack Fonseca,” và “Chúng tôi luôn tuân thủ theo các giao thức quốc tế … để bảo đảm tính hợp lệ. Những công ty mà chúng tôi ghi danh thành lập không được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền, cung cấp tài chánh cho khủng bố hay các mục đích bất hợp pháp khác.”
Mossack Fonseca có đăng một lá thư trên mạng Twitter của WikiLeaks, trấn an khách hàng, cho biết họ đang bị xâm nhập trái phép vào máy chủ, và hiện đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia điều tra vụ việc.
Mossack Fonseca và khách hàng của họ sẽ không phải là người cuối cùng đối diện với một vụ rò rỉ buộc tội hay gây bối rối. Các công cụ mã hoá hay ẩn danh như trình duyệt Tor trở nên ngày càng phổ biến, dễ dàng sử dụng, và an toàn hơn trước kia rất nhiều, giúp các nguồn tin giấu tên tìm đến báo chí khắp nơi để cung cấp thông tin. Dữ liệu dễ dàng được chuyển đi, và với những công cụ như Onionshare chẳng hạn thì dữ liệu càng được dễ dàng chuyển đi một cách an toàn hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, Định luật Moore (Moore’s Law) tiếp tục giúp nhiều dữ liệu có thể được chứa vừa vặn vào những ổ đĩa cứng càng ngày càng nhỏ hơn mỗi năm, khiến cho một hãng hay cơ quan chính phủ nào đó muốn tọc mạch vào chuyện người khác thì chỉ cần một nội gián bên trong bỏ chúng vào một phong bì rồi gởi đi cho một ký giả tin cậy.”
Một thời đại mới của các vụ rò rỉ khổng lồ đã bắt đầu. Panama Papers là vụ rò rỉ về thuế thứ tư được ICIJ điều phối kể từ năm 2013. Hay như Intercept được ba ký giả Glenn Greenwald, Laura Poitras và Jeremy Scahill đồng sáng lập, chuyên thực hiện những phóng sự điều tra nổi tiếng như vụ Drone Papers – phi cơ không người lái của Hoa Kỳ đã nhắm nhầm vào dân thuờng ở Afghanistan – hoặc hồ sơ của 70 triệu cuộc gọi từ nhà tù, đã cho thấy các công cụ mã hoá có thể kết hợp với điều tra của truyền thông.
Hàng chục hãng truyền thông, trong đó có cả Intercept, hiện đang làm chủ những hệ thống tải tài liệu ẩn danh sử dụng những biện pháp bảo vệ bằng mật mã để tránh sự dòm ngó.
Trên hết, thật không may cho những công ty và những chính phủ đang tìm cách cất giữ, dấu giếm tài liệu dơ bẩn của họ, nhưng lại may mắn cho lợi ích của công chúng. Điều này có nghĩa, sẽ còn nhiều vụ rò rỉ lớn nữa trong tương lai.
Kỳ III: Những câu chuyện “thâm cung bí sử” ở Trung Quốc
Hương Giang (Theo The Wire)