(The Hill) – Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen vào thứ Ba cho giới lãnh đạo Quốc hội hay, chính phủ liên bang có thể vỡ nợ ngay sau ngày 15 tháng 12 nếu không tăng hạn mức trần nợ.
Trong thư đề ngày 17 tháng 11, Yellen cho hay, bà “rất tin” vào khả năng của Bộ Ngân khố trong việc giữ những khoản thanh toán nợ hiện tại của Mỹ cho đến giữa tháng sau – dài hơn 2 tuần so với dự báo ban đầu vào ngày 3 tháng 12.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân khố cảnh báo, Mỹ có thể sớm cạn kiệt tiền mặt sau khi chuyển $118 tỉ Mỹ kim vào Quỹ dành cho Xa Lộ theo luật hạ tầng cơ sở mới được ký.
Được Tổng thống Joe Biden ký vào thứ Hai, Luật Infrastructure Investment and Jobs 2021 chỉ thị lãnh đạo Bộ Ngân khố chuyển tiền vào Highway Trust Fund 1 tháng sau khi luật có hiệu lực, tức là vào ngày 15 tháng 12. Yellen cho hay, Ngân khố có thể cạn kiệt khả năng thanh toán trong vài ngày sau khi chuyển khoản ngân quỹ trên.
“Có những tình huống mà trong đó Bộ Ngân khố sẽ không còn đủ tài nguyên để tiếp tục tài trợ cho hoạt động của chính phủ Mỹ sau ngày này,” thư ghi. “Vì dòng tiền của chính phủ liên bang phụ thuộc vào sự biến đổi không thể tránh được nên tôi sẽ tiếp tục cập nhật Quốc hội khi có thêm thông tin.”
Trong khi Yellen hối thúc gia tăng hoặc tạm hoãn trần nợ càng sớm càng tốt, việc thông báo một ngày cụ thể có thể cho Quốc hội thêm thời gian để vạch ra phương hướng tránh được một thảm hoạ tiềm năng.
Tổng thống Joe Biden vào tháng 10 ký luật gia tăng mức hạn trần nợ lên $480 tỉ Mỹ kim chỉ vài ngày trước khi chính phủ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 18 tháng 10. Dự luật này được Quốc hội thông qua chỉ với phiếu của Dân chủ sau khi các Thượng nghị sĩ Cộng hoà miễn cưỡng đồng ý bỏ thủ tục filibuster đòi hỏi 60 phiếu. Luật giữ cho Mỹ khỏi vỡ nợ cho đến ngày 3 tháng 12 – ngày tài trợ cho chính phủ liên bang hết hạn.
Trong khi hàng chục lần đóng cửa chính phủ ngắn hạn ít ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ, và có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu nếu bỏ lỡ một khoản thanh toán. Chính phủ, các cơ quan tài chánh và giới đầu tư nước ngoài nắm hàng nghìn tỉ Mỹ kim trái phiếu do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành có thể không đòi được nếu Mỹ không thể thanh toán hoá đơn của họ.
Hậu quả rúng động tài chánh có thể làm chao đảo thị trường tài chánh toàn cầu và sẽ gây nên suy thoái trong nước.
Thậm chí ngay cả trong tình huống như vậy đi nữa, Cộng hoà vẫn tìm mọi cách ngăn chặn nỗ lực tăng hạn mức nợ của Dân chủ, mặc dù họ tăng trần nợ 3 lần dưới thời ông Trump cùng với sự ủng hộ của Dân chủ. Trong khi các nhà lập pháp Cộng hoà biện minh lá phiếu chống của mình là do kế hoạch chi tiêu xã hội của Dân chủ, tăng trần nợ là điều cần thiết để thanh toán những khoản chi tiêu cách đây hàng chục năm, và không tác động trực tiếp đến mức chi tiêu tương lai.
Dân chủ có thể nâng trần nợ bằng một con số cụ thể qua thủ tục ngân sách đặc biệt reconciliation, chỉ cần đa số phiếu để thông qua. Giới chuyên viên ngân sách cho rằng, thủ tục có thể mất 2 tuần nhưng có thể các cuộc bỏ phiếu hiệu đính diễn ra, và điều điều này có thể làm cho Dân chủ đau đầu về chính trị và lập pháp trong tương lai.
Lãnh đạo Dân chủ phản đối gia tăng trần nợ bằng thủ tục reconciliation hồi tháng 10 khi vỡ nợ cận kề, với lý do sẽ tạo ra một tiền lệ vô trách nhiệm. Mặc dù vậy, họ có thể buộc phải giữ cho quốc gia có khả năng thanh toán nợ bằng thủ tục reconciliation nếu Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà – Kentucky) từ chối rút cam kết ngăn chặn tăng trần nợ.
Hương Giang (Theo The Hill)