- Ngày 4 tháng Hai, Hoa kỳ bắn hạ quả khinh khí cầu của Trung quốc ở ngoài khơi vùng Charlotte, North Carolina. Sở dĩ Hoa Kỳ phải bắn hạ khinh khí cầu này bởi vì theo chuyên gia về hỏa tiễn Ian Williams: “Chúng ta cần tìm hiểu xem những vật thể vô danh bay ngoài không trung là gì?”
Trong hai tuần lễ đầu của tháng Hai, Không Quân Hoa kỳ đã bắn rơi bốn vật thể lạ bay trên bầu trời Bắc Mỹ Châu. Đây là một việc huy động lực lượng quân sự bất thường trong thời bình.
Ngày 4 tháng Hai, vật thể đầu tiên bị bắn rơi là quả khinh khí cầu của Trung quốc mà chính quyền Biden cho rằng trái cầu này nằm trong kế hoạch dò thám của Trung quốc. Họ thực hiện việc do thám, gián điệp nhiều nước trên thế giới từ hơn một năm nay. Những vật lạ khác bị bắn hạ không được quan chức chính phủ tiết lộ rõ là vật gì, chứa những gì ở bên trong. Một vật lạ bị bắn rơi ở Alaska vào ngày 10 tháng Hai, có kích thước lớn bằng một chiếc xe hơi, có vẻ như không có nguyên liệu để bắn lên không trung. Một vật lạ khác bị bắn rơi ở Canada hôm 11 tháng Hai, trông có vẻ như một khinh khí cầu, nhưng nhỏ hơn trái cầu của Trung quốc. Vật lạ bị bắn rơi hôm 12 tháng Hai trên không trung hồ Lake Huron, tiểu bang Michigan thì không rõ là vật gì.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng trái khinh khí cầu của Trung quốc mang máy thăm dò có thể nghe được những cuộc đối thoại, nói chuyện ở dưới đất. Điều này cho thấy quả thực đây là một đe dọa mới cho không gian của Hoa Kỳ. Các chuyên gia nói rõ thêm: Việc do thám của Trung quốc đưa đến hai hậu quả: Thứ nhất là: Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian Vùng Bắc Mỹ của Hoa Kỳ, gọi tắt là NORAD cũng như nhiều cơ quan khác từ bấy lâu nay không để ý theo các vật thể bay chậm – slow moving objects- trên không trung, từ nay, họ sẽ phải theo dõi kỹ càng hơn. Thứ hai là việc bắn rơi các vật lạ, và thu thập mảnh vụn của vật lạ được đặt ưu tiên hàng đầu để giới chức quân sự có thể mau chóng biết xem vật lạ đó là gì, và nó có thể đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ như thế nào. Ông Ian Williams, Phó Giám đốc Dự Án Phòng Thủ Chống Hỏa Tiễn, trực thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho biết: “ Chúng ta cần phải hiểu rõ những vật lạ này là gì và liệu nó có đáng để chúng ta bắn rơi nó hay không?”.
Các chuyên gia khẳng định là những vật lạ này không phải là vật từ hành tinh khác đến. Cả Bạch Cung cũng như ngành tình báo đều quả quyết về điều này. Họ gọi chung đó là những vật lạ bay trên không trung- unidentified flying objects, hay UFO’s. Phải chăng nó chỉ làm phiền, hay gây nguy hiểm cho ngành hàng không dân sự mà thôi. Nhưng với trường hợp trái khí cầu của Trung quốc, bay ở cao độ 60,000 feet, nó không ảnh hưởng gì đến máy bay dân sự. Máy bay dân sự chỉ bay ở cao độ trung bình 20,000 đến 40,000 feet.
Từ khi Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu của Trung quốc ngoài khơi South Carolina, và công nhận vài năm trước đây đã xảy ra ba lần vật lạ xâm nhập không phận Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phải điều chỉnh lại hệ thống theo dõi bầu trời của nước Mỹ. Các chuyên gia nói rằng trước đây Bộ Tư Lệnh NORAD chỉ chú tâm vào việc theo dõi những vật thể bay nhanh, tỏa nhiều nhiệt lượng- như các loại hỏa tiễn, phóng pháo cơ, hay phản lực cơ chiến đấu. Điều này cũng có nghĩa là Bộ Tư Lệnh NORAD đã bỏ sót không theo dõi những trái cầu bay chậm. Tướng Glen VanHerck, Phó tư lệnh bộ chỉ huy NORAD từng thú nhận rằng trái khinh khí cầu của Trung quốc vạch ra sự thiếu sót của Hoa Kỳ trong việc phòng thủ không phận. Ông Ian Williams nói thêm: “Bây giờ thì họ kinh nghiệm về việc này, và biết rõ vật lạ sẽ trông như thế nào trên radar, để từ đó họ phải hoàn thiện hệ thống theo dõi vật lạ.”.
Một lợi điểm của việc bắn hạ nhiều vật lạ bay trên không trung là sau khi thu nhặt mảnh rơi trên mặt đất của vật lạ, chúng ta biết những gì nó mang theo, và cung cấp cho giới chức quân sự, tình báo nhiều điều quan trọng để phân tích.
Tuy nhiên, có lẽ không nên dùng phương pháp bắn hạ vật lạ bằng hỏa tiễn “Sidewinder” tốn kém $400,000 mỗi phát, và phải sử dụng máy bay tối tân F-22, mỗi chiếc trị giá $150 triệu đô la. Đây là loại chiến đấu cơ tối tân nhất của Hoa Kỳ hiện nay. Để tiết kiệm, chúng ta cần phải nghĩ đến kế hoạch phòng thủ không phận về lâu dài, ít tốn kém hơn.
Ông Riki M. Ellison, Chủ tịch công ty Missile Defense Advocacy Alliance đề nghị tăng cường khả năng theo dõi của hệ thống Radar để bảo đảm rằng Hoa Kỳ có thể theo dõi cùng một lúc các vật lạ bay trên không trung, tìm hiểu về những đe dọa của vật lạ, và biết cách đối phó với chúng bằng cách tốt nhất.
Cho đến nay, ông Ellison cho rằng phản ứng của người Mỹ không tương xứng với việc làm của Trung quốc. Trung quốc nói trái khinh khí cầu chỉ làm công việc nghiên cứu dân sự. Ông Ellison khẳng định: “Trong vụ này, Trung quốc thắng chúng ta một điểm nhỏ. Nếu xét đến những tốn phí chúng ta phải bỏ ra khi bắn hạ trái khí cầu của Trung quốc, chúng ta ở thế kém.”.
Ông Ellison giải thích: Hầu như có nhiều loại vật thể bay lơ lửng trên không phận Hoa Kỳ, tuy nhiên việc bắn rơi tất cả những vật bay trên không trung không nên xem là ưu tiên hàng đầu, “chúng ta nên chọn giải pháp khoan miễn, chấp nhận cho nó bay, hơn là bắn hạ nó xuống.”
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 27/2/2023