Thursday, March 28, 2024

Tuyên ngôn Lương tâm bất hủ ngày xưa có thể ám ảnh Cộng hoà ngày nay

(Tổng hợp) – Chris Cuomo của CNN vào hôm thứ Ba đã nhắc đến một câu trích dẫn xưa, có thể ám ảnh các nhà lập pháp Cộng hoà ngày hôm nay, vào lúc cuộc điều tra lận tội chống lại Tổng thống Donald Trump của Quốc hội đang diễn ra.

Vào năm 1950, Thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith (Cộng hoà – Main) đã thách thức Thượng nghị sĩ  cùng đảng, ông Joseph McCarthy từ Wisconsin, trong bài phát biểu có tên “Tuyên ngôn Lương tâm.” Mặc dù không nêu đích danh ông McCarthy, nhưng bà Smith kêu gọi đồng nghiệp Cộng hoà của mình đứng lên bảo vệ những giá trị của nước Mỹ đang bị chủ nghĩa McCarthy chà đạp. 

“Đã đến lúc chúng ta ngừng nghĩ về bầu cử một cách chính trị dưới tư cách là Cộng hoà hay Dân chủ, và bắt đầu nghĩ một cách ái quốc như một người Mỹ về an ninh quốc gia dựa trên tự do cá nhân. Tôi không muốn nhìn thấy đảng Cộng hoà cưỡi chiến thắng chính trị trên bốn kỵ binh của những lời vu khống: sợ hãi, thiếu hiểu biết, vô căn cứ, bôi nhọ,” Cuomo trích dẫn lời nhắc nhở của cố Thượng nghị sĩ dành cho chính trị gia Cộng hoà. 

“Bà ấy nhắc họ, nghĩa vụ của quý vị là phục vụ nhân dân, chứ không chỉ phục vụ đảng,” Cuomo nói. “Hãy cho người dân một lý do để lại có niềm tin, hỡi các ông các bà công chức,” Cuomo kêu gọi các nhà lập pháp thời nay hãy theo ví dụ của Smith. “Nếu các vị không có đủ dũng khí để lên tiếng như Margaret Chase Smith, thì hãy lắng nghe lời của bà, và để chúng dẫn đường hành động.” 

Khi Thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith từ Main gia nhập Thượng viện, bà đụng phải Thượng nghị sĩ từ Wisconsin Joe McCarthy. “Margaret, bà trông rất nghiêm trọng,” ông ta bảo. “Bà sẽ phát biểu chứ?” Không chút do dự, Smith đáp: “Được thôi, và ông sẽ không thích đâu!” Đó là ngày 1 tháng 6 năm 1950, và bà Smith đã có bài phát biểu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp lâu dài của mình. 

4 tháng trước đó, ông McCarthy đã gây sự chú ý quốc gia. Trong một bài phát biểu  trước công chúng ở Wheeling, West Virginia, ông tuyên bố mình nắm được danh sách 205 người mang thẻ đảng Cộng sản thâm nhập vào Bộ Ngoại giao và chính phủ Mỹ. Cũng giống như các đồng nghiệp khác, Smith chia sẻ được quan ngại của McCarthy về sự lật đổ của Cộng sản, nhưng càng ngày bà càng tỏ ra nghi ngờ, nhất là khi ông ta thường xuyên phớt lờ yêu cầu đưa ra bằng chứng hậu thuẫn những lời cáo buộc của mình. “Đó là lúc,” Smith nhớ lại, “tôi bắt đầu tự hỏi về tính hợp lệ … sự công bằng của những cáo buộc của McCarthy. 

Lúc đầu, Smith hơi do dự vì mình là tân binh trong Thượng viện, và hồi đó, những thượng nghị sĩ mới toanh như bà được ít được người ta để ý. Bà hy vọng có một thượng nghị sĩ gạo cội phát biểu. “Đây là nỗi sợ hãi tâm lý to lớn đang lan tràn khắp Thượng viện,” Smith lưu ý. “Ở đó có một lượng đáng kể sự tê liệt tinh thần và sự im lặng vì sợ làm mất lòng McCarthy.” Nhiều tuần trôi qua, Smith càng ngày càng bất mãn với những cuộc tấn công và mạ lỵ của ông ta nhắm vào những người mà bà nghĩ không có gì đáng ngờ. Tuân theo quy tắc lịch thiệp của Thượng viện, Smith chọn cách không tấn công McCarthy, mà lên án chiến thuật được biết đến là “chủ nghĩa McCarthy.”  

“Thưa Ngài Tổng thống,” Smith bắt đầu, “Tôi muốn phát biểu ngắn gọn và đơn giản về tình trạng quốc gia nghiêm trọng … Thượng viện Hoa Kỳ được cả thế giới kính trọng, xem là một cơ quan cân nhắc thận trọng bậc nhất … nhưng gần đây, tiếng tăm này đang bị giảm giá trị thành diễn đàn thù hận và nỗ lực làm tổn hại uy tín.” Trong bài diễn văn 15 phút, trước sự chứng kiến của McCarthy, Smith đề cao mọi quyền của người Mỹ, gồm: quyền chỉ trích, quyền biểu tình, và quyền có niềm tin riêng, quyền có tư tưởng độc lập. “Tự do ngôn luận không phải là những gì từng có ở Mỹ,” Thượng nghị sĩ giải thích, “Nó bị một số lạm dụng đến nỗi những người khác không thể thực thi.” Smith kêu gọi đồng nghiệp, “Tôi không muốn nhìn thấy đảng Cộng hoà cưỡi chiến thắng chính trị trên bốn kỵ binh của những lời vu khống: sợ hãi, thiếu hiểu biết, vô căn cứ, bôi nhọ.” Khi kết thúc, bà đưa ra môt tuyên bố được bản thân và 6 đồng nghiệp Cộng hoà khác ký tên – “Bản Tuyên ngôn Lương tâm.” 

Bài phát biểu của bà Smith làm dấy lên làn sóng ủng hộ lẫn chỉ trích. Tuyên ngôn Lương tâm của bà không làm quyền lực của ông McCarthy chấm dứt, nhưng bà là một trong những thượng nghị sĩ đầu tiên đưa ra quan điểm. Bà tiếp tục phản đối McCarthy, và phải trả giá 4 năm sau đó. Cuối cùng vào tháng 12 năm 1954, Thượng viện Mỹ mới đồng tình với Smith, khiển trách và kỷ luật McCarthy “vì đã có những hành vi đi ngược lại với truyền thống Thượng viện.” Sự nghiệp của ông ta chấm dứt, còn sự nghiệp của Margaret Chase Smith mới khởi sắc. 

Hương Giang (Tổng hợp) 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img