-
Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein nhận định về ông Robert Mueller
- Lãnh đạo Uỷ ban TB Thượng viện họp kín với Mueller
Washington (Washington Post) – Phó Tổng Chưởng lý Rod J. Rosenstein vào thời điểm này không thấy có lý do gì phải rút khỏi công việc giám sát cuộc điều tra liên quan đến Tổng thống Donald Trump và bầu cử năm 2016 do công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành, Bộ Tư pháp công bố vào hôm nay.
Trong những tuyên bố trước đây, Rosenstein thừa nhận ông có thể tránh xa cuộc điều tra nếu tình hình thay đổi. Những sự kiện xảy ra gần đây làm dấy lên câu hỏi liệu các luật sư tại Bộ Tư pháp có thể quyết định việc này sớm nếu thấy cần thiết hay không?
Hồi đầu tuần, Washington Post tường trình ông Mueller đang điều tra quyết định sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey của ông Tổng thống, trong đó ông Rosenstein đóng vai trò chính. Điều này có nghĩa Phó Tổng Chưởng lý có thể được xem là một nhân chứng.

Các nhà lập pháp và chính trị gia thắc mắc liệu có còn thích hợp cho ông Rosenstein giám sát cuộc điều tra khi toán của ông Mueller đang mở rộng điều tra xem nếu Tổng thống có cản trở công lý hay không. “Như Phó Tổng Chưởng lý đề cập nhiều lần trước đây, đến lúc thấy cần thiết phải rút lui thì ông sẽ rút,” phát ngôn nhân Bộ Tư pháp Ian Prior ghi trong thông báo, “Tuy nhiên, hiện nay không có gì thay đổi.”
Thông báo này được gởi ra sau khi ABC News loan tin ông Rosenstein có bàn vấn đề rút khỏi cuộc điều tra trong nội bộ Bộ Tư pháp. Ông Rosenstein chia sẻ với một số người thân cận tại Bộ Tư pháp rằng mình có thể nên rút khỏi vị trí giám sát cuộc điều tra.
Vào sáng hôm nay, Tổng thống Trump lên mạng Twitter công kích ông Rosenstein, người trước đây từng được ông ta không hết lời khen ngợi. “Tôi đang bị điều tra vì đã sa thải Giám đốc FBI bởi chính người cố vấn tôi nên sa thải Giám đốc FBI! Vạch lá tìm sâu!” ông Trump bày tỏ ý kiến.
Vào ngày 9 tháng 5, ông Trump triệu tập Rosenstein và Tổng Chưởng lý Jeff Sessions vào Toà Bạch Ốc để bàn về ông Comey. Tổng thống đã chỉ đạo hai lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày ý kiến của mình bằng văn bản. Trong biên bản của mình, ông Rosenstein chỉ trích nặng nề cách ông Comey giải quyết cuộc điều tra bà Hillary Clinton dùng máy chủ cá nhân.
Ông Trump sau đó tiết lộ với NBC News rằng, ông ta sa thải Comey cho dù có hay không có đề nghị của Rosenstein. Trong buổi phỏng vấn, Tổng thống cho rằng khi đưa ra quyết định sa thải Giám đốc FBI, ông ta nghĩ đến cuộc điều tra Nga.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân chủ-California) – Phó Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện – vào hôm nay bày tỏ sự quan ngại ông Trump sẽ sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller và cả ông Rosenstein. “Thông điệp được Tổng thống gởi ra trên Twitter cho thấy ông tin pháp quyền không áp dụng cho ông ta và bất cứ ai có ý kiến trái ngược sẽ bị sa thải,” bà Feinstein cho biết trong một thông báo.
Vào ngày 17 tháng 5, ông Rosenstein bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Mueller làm công tố viên đặc biệt lãnh đạo cuộc điều tra có hay không sự thông đồng giữa các cố vấn của ông Trump với Moscow trong mùa bầu cử năm 2016, cũng như một số vấn đề khác liên quan đến Nga.
Nếu ông Rosenstein tự rút khỏi cuộc điều tra thì nhiệm vụ giám sát công tố viên đặc biệt sẽ được chuyển sang cho lãnh đạo thứ ba của Bộ Tư pháp là bà Rachel Lee Brand.
Cuộc điều tra Nga lâu nay đã đặt Bộ Tư pháp vào vị trí bất thường. Theo chính sách của Bộ thì Bộ trưởng sẽ là người sẽ giám sát công tố viên đặc biệt nhưng do ông Sessions rút khỏi cuộc điều tra vì đã không tường trình các cuộc gặp gỡ với đại sứ Nga trong phiên điều trần chuẩn thuận, và có liên quan đến ban vận động tranh cử của ông Trump.
Hương Giang (Theo Washington Post)